Giao Chính phủ quy định chi tiết về đối tượng thuộc danh mục bí mật nhà nước
Báo cáo tóm tắt về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho biết, về việc áp dụng trình tự, thủ tục ban hành văn bản quy phạm pháp luật trong xây dựng, thẩm định, ban hành quy chuẩn kỹ thuật (Điều 32 dự thảo Luật hợp nhất), có ý kiến cho rằng hiện nay, việc xây dựng, ban hành quy chuẩn kỹ thuật đang được thực hiện đồng thời theo 2 quy trình quy định tại Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật năm 2006 và Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Do vậy, đề nghị quy định quy trình về việc ban hành các quy chuẩn kỹ thuật đồng bộ với Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật để bảo đảm tính thống nhất, rõ ràng, chặt chẽ, kịp thời, đáp ứng yêu cầu về phát triển kinh tế - xã hội.
Về nội dung này, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường báo cáo như sau: để bảo đảm tính khả thi và đáp ứng yêu cầu của quy chuẩn kỹ thuật có tính kỹ thuật chuyên môn sâu, ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn, sức khỏe con người, môi trường thì quá trình xây dựng, thẩm định phải tiến hành nhiều hoạt động như khảo sát, thử nghiệm, khảo nghiệm, đánh giá tác động…
Vì vậy, việc xây dựng, thẩm định, ban hành quy chuẩn kỹ thuật cần thực hiện theo trình tự thủ tục riêng biệt, tuân thủ đúng quy định của Hiệp định về rào cản kỹ thuật trong thương mại (TBT), các cam kết quốc tế và được quy định cụ thể tại dự thảo Luật này.
Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã chỉnh lý theo hướng giữ nguyên các quy định tại Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật năm 2006 về trình tự, thủ tục xây dựng, ban hành quy chuẩn kỹ thuật và sửa đổi, bổ sung Điều 4 Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật năm 2006.
Đồng thời, đề nghị Chính phủ chỉ đạo việc sửa đổi, bổ sung Điều 4 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo hướng: Bổ sung quy định rõ “Quy chuẩn kỹ thuật” là văn bản thuộc hệ thống văn bản quy phạm pháp luật; trình tự, thủ tục xây dựng, thẩm định, ban hành quy chuẩn kỹ thuật được thực hiện theo quy định của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật.
Về các quy định liên quan đến xây dựng, công bố tiêu chuẩn quốc gia (TCVN), xây dựng ban hành quy chuẩn kỹ thuật cho đối tượng thuộc danh mục bí mật nhà nước (Điều 17, Điều 32 dự thảo Luật hợp nhất), Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho biết, có ý kiến đề nghị rà soát, quy định cụ thể trong dự thảo Luật hoặc giao Chính phủ quy định chi tiết đối với trình tự, thủ tục xây dựng, thẩm định, công bố TCVN và trình tự, thủ tục xây dựng, thẩm định, ban hành Quy chuẩn Việt Nam (QCVN) đối với các đối tượng thuộc danh mục bí mật nhà nước đảm bảo thống nhất với Luật Bảo vệ bí mật nhà nước.
Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã chỉnh lý, bổ sung Điều 7b quy định chung về các đối tượng thuộc danh mục bí mật nhà nước, theo đó, giao Chính phủ quy định chi tiết nội dung này.
Cần cân nhắc bổ sung quy định rõ “Quy chuẩn kỹ thuật” là văn bản thuộc hệ thống văn bản quy phạm pháp luật
Quan tâm tới việc áp dụng trình tự, thủ tục ban hành văn bản quy phạm pháp luật trong xây dựng, thẩm định, ban hành quy chuẩn kỹ thuật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, hiện nay việc xây dựng, ban hành quy chuẩn kỹ thuật được áp dụng theo hai luật là Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật và Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Trong thực tế hiện nay việc áp dụng hai luật này không có vướng mắc gì lớn nhưng cũng có điểm chưa thật rành mạch do quy trình hai bên không hẳn trùng khớp nhau và việc ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật còn phải tuân theo quy định của Hiệp định về các rào cản kỹ thuật trong thương mại, cam kết quốc tế có liên quan.
Nêu thực tế này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho rằng, cần có khảo sát tất cả những vấn đề về chuyên môn kỹ thuật mà các văn bản quy phạm pháp luật thông thường không quy trình cụ thể.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho rằng, không nên đặt ra yêu cầu “Quy chuẩn kỹ thuật” là văn bản thuộc hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, vì thực tế tất cả các quy chuẩn kỹ thuật đều được ban hành kèm theo một quyết định của Bộ trưởng bằng thông tư.
“Về bản chất, thông tư của Bộ trưởng ban hành quy chuẩn kỹ thuật đã là văn bản quy phạm pháp luật rồi, còn tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật là nội dung ban hành trong thông tư. Nếu tiếp cận theo hướng đó thì không phải đặt lại vấn đề là coi tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật là văn bản quy phạm pháp luật để sửa trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật”, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nói.
Về trình tự, thủ tục, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật tán thành với đề xuất thực hiện theo quy trình được quy định tại Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật; đồng thời, trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật nên có quy định để viện dẫn sang, như “đối với loại thông tư ban hành quy chuẩn kỹ thuật thì quy trình thực hiện theo quy định của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật”, nhằm bảo đảm sự rành mạch.
Về việc sửa đổi, bổ sung Điều 4 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo hướng: Bổ sung quy định rõ “Quy chuẩn kỹ thuật” là văn bản thuộc hệ thống văn bản quy phạm pháp luật; trình tự, thủ tục xây dựng, thẩm định, ban hành quy chuẩn kỹ thuật được thực hiện theo quy định của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đề nghị cân nhắc, vì nếu sửa như dự kiến là không cần thiết, do trường hợp có quy định khác nhau giữa Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật và luật khác đã được ban hành trước ngày Luật Tiêu chuẩn chuẩn về kỹ thuật có hiệu lực về cùng một vấn đề cụ thể thì thực hiện theo quy định của Luật Tiêu chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật.
Tán thành với phân tích của Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cũng cho rằng, cần xác định hình thức văn bản quy định quy chuẩn kỹ thuật là thông tư thì đã là văn bản quy phạm pháp luật, cho nên không thể khẳng định là không ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định quy chuẩn kỹ thuật.
Phó Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng, việc sửa đổi, bổ sung Điều 4 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật là không phù hợp do hầu hết các luật vừa qua Quốc hội chỉnh lý đều theo hướng bảo đảm sự thống nhất trong hệ thống pháp luật.
Do đó, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, trong dự thảo Luật này cũng áp dụng thống nhất theo nguyên tắc của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản thống nhất với định hướng giải trình, tiếp thu, chỉnh lý một số vấn đề lớn trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật như: các quy định liên quan đến đánh giá sự phù hợp; việc áp dụng trình tự, thủ tục ban hành văn bản quy phạm pháp luật trong xây dựng, thẩm định, ban hành quy chuẩn kỹ thuật; các quy định liên quan đến xây dựng, công bố tiêu chuẩn quốc gia, xây dựng ban hành quy chuẩn kỹ thuật cho đối tượng thuộc danh mục bí mật nhà nước; quy định trách nhiệm thẩm định QCVN; quy định liên quan đến điều kiện đảm bảo cho việc thực hiện hoạt động trong lĩnh vực tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; quy định hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật… Đồng thời, nhất trí với nhiều nội dung trong dự thảo Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường.
Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp tục rà soát để bảo đảm các ý kiến của ĐBQH tại Kỳ họp thứ Tám, ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự thảo Luật tại phiên họp này; Thông báo kết luận số 4194 ngày 26.8.2024 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật được tiếp thu và giải trình đầy đủ, thuyết phục; tiếp tục rà soát dự thảo Luật để bảo đảm thể chế hoá đầy đủ các chủ trương của Đảng đáp ứng các yêu cầu đặt ra khi sửa đổi Luật, bảo đảm chất lượng dự án Luật trước khi trình Quốc hội; tiếp tục rà soát dự thảo Luật để bảo đảm sự thống nhất trong hệ thống pháp luật, bảo đảm việc thực hiện chủ trương đổi mới của Đảng, Quốc hội trong công tác xây dựng pháp luật, thực hiện nghiêm Nghị quyết 27-NQ/TW về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới và Quy định số 178-QĐ/TW ngày 27.6.2024 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật.
Đối với những nội dung còn có ý kiến khác nhau về bổ sung hay không bổ sung quy định chứng nhận sự phù hợp đối với tiêu chuẩn cơ sở, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, nêu rõ cơ sở chính trị, căn cứ pháp lý, cơ sở thực tiễn, các ưu, nhược điểm của từng phương án và xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu theo đa số ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội để trình Quốc hội xem xét quyết định.