Ngày 11.10, Tổ Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XV, Đơn vị số 1, TP Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh có buổi tiếp xúc cử tri tại TP Thủ Đức trước kỳ họp Thứ sáu, Quốc hội khóa XV.
Giá bồi thường thấp, chưa sát giá thị trường
Tại buổi tiếp xúc, Tổ đã ghi nhận nhiều ý kiến cử tri liên quan đến công tác đền bù, giải phóng mặt bằng dự án đường Vành đai 3, đoạn qua địa bàn TP Thủ Đức. Các cử tri cho biết, là các công dân của TP. Hồ Chí Minh khi nghe tin triển khai dự án Vành đai 3, người dân rất đồng lòng ủng hộ, bàn giao đất để thực hiện dự án. Tuy nhiên, hiện nay giá đền bù chưa hợp lý giữa các vị trí với nhau, còn mang tính "cào bằng".
Cụ thể, giá đền bù đất nông nghiệp ở tại các vị trí sâu trong hẻm, không có đường vào được đền bù giá từ 5,8-6 triệu đồng/m2. Trong khi đó, giá đền bù đất nông nghiệp ở các vị trí mặt tiền đường Nguyễn Duy Trinh, Nguyễn Xiển, Tam Đa… chỉ nhỉnh hơn một chút khoảng 7,6 triệu đồng/m2. Như vậy quá thấp so với giá thị trường, người dân sẽ chịu rất nhiều thiệt thòi.
Cử tri Lê Minh Thắng cho biết, ông cũng như nhiều cử tri khác chưa đồng tình phương án đền bù giá đất. Gia đình ông có đất nằm ở mặt tiền đường Nguyễn Xiển (phường Trường Thạnh) bị thu hồi để làm dự án Vành đai 3, nhưng giá bồi thường chỉ 7,6 triệu đồng/m2 cho đất trồng cây lâu năm, trong khi giá thị trường hiện đang giao dịch từ 40-50 triệu đồng/m2. Ông Thắng mong muốn chính quyền địa phương thấu hiểu nguyện vọng chính đáng của ông cũng như các hộ dân bị thu hồi đất.
Cử tri Bùi Thanh Tuấn (phường Trường Thạnh) ý kiến, cũng một tuyến đường Nguyễn Xiển nhưng giá đất nông nghiệp ở khu vực thuộc tỉnh Bình Dương cao gấp 3 lần so với TP. Hồ Chí Minh.
"Tôi mong muốn Đoàn ĐBQH bố trí thời gian sâu sát đi xuống thực địa để xác định, giải quyết cho các hộ mặt tiền đường khỏi bị thiệt thòi vì giá đền bù hiện nay là không bằng 1/10 giá thị trường" ông Tuấn nêu ý kiến.
Chủ tịch TP Thủ Đức mong giá đền bù hợp lý hơn
Tổ ĐBQH đã ghi nhận kiến nghị của cử tri, trong thẩm quyền của UBND TP Thủ Đức sẽ rà soát, xem xét cụ thể để có hướng giải quyết hợp lý, tạo sự đồng thuận cao nhất.
Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội đã mở ra nhiều cơ hội, động lực phát triển cho TP Thủ Đức nói riêng và TP. Hồ Chí Minh nói chung. Các cơ chế, chính sách đặc thù được áp dụng vào thực tiễn của TP Thủ Đức luôn cần sự đồng lòng, ủng hộ, kiến nghị, đề xuất của mọi tầng lớp nhân dân, các cử tri để đảm bảo vận dụng hiệu quả nhất, phát huy cụ thể vào các vấn đề, đáp ứng yêu cầu phát triển của TP Thủ Đức trong giai đoạn mới.
Đối với các ý kiến cử tri chưa đồng tình với cách tính giá đền bù đất nông nghiệp liên quan đến dự án Vành Đai 3, trả lời cử tri, Chủ tịch UBND TP Thủ Đức Hoàng Tùng cho rằng, khi triển khai dự án đã nhận được sự đồng tình ủng hộ của nhân dân. Những vấn đề cử tri đưa ra về đơn giá bồi thường đất nông nghiệp chưa phù hợp, chênh lệch giữa tỉnh Bình Dương và TP. Hồ Chí Minh, lãnh đạo TP Thủ Đức đã nắm tình hình.
Theo Chủ tịch UBND TP Thủ Đức, đơn giá bồi thường là câu chuyện rất phức tạp đòi hỏi quá trình xây dựng công phu, thông qua nhiều cấp nhiều ngành để được phê duyệt. TP Thủ Đức sẽ tiếp nhận tất cả các ý kiến cũng như các vấn đề liên quan cụ thể để bàn bạc giải quyết.
“Cá nhân tôi rất mong muốn có được giá bồi thường sát với giá trị trường, tức là phải hợp lý. Chúng tôi cũng đặt mình vào vị trí, vai trò của người bị thu hồi đất thì chúng ta cũng rất mong muốn nó thỏa đáng để làm sao người dân, doanh nghiệp giảm đi thiệt hại và bất tiện khi phải di dời nhà cửa, rồi tái ổn định cuộc sống”, Chủ tịch UBND TP. Thủ Đức Hoàng Tùng chia sẻ trước cử tri.
Tại Hội nghị, ĐBQH Vũ Hải Quân, Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh ý kiến, vấn đề nhân dân kiến nghị về giá đất đền bù cũng đã được lãnh đạo TP Thủ Đức nắm bắt và có ý kiến với lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh.
Theo ông Quân, đây là vấn đề khó và các ngành chức năng vẫn đang cố gắng giải quyết làm sao để đảm bảo quyền lợi cho người dân.