Dòng sông (Phần 1)<BR><I>Truyện ngắn của Lê Minh Khuê</I>

>> Dòng sông (Phần cuối)

Những khi rất mệt mỏi, tôi thường tự nhủ: thôi, ta về quê một chút đi. Nhưng không lúc nào thực hiện được. Có gì đâu, mua vé tàu, ngồi một ngày rồi xuống tàu, lên xe khách, thế là đến nhà. Nhưng từ sau cái lần về thăm nhà khi chiến tranh kết thúc đến nay, tôi chưa bước ra bến tàu hỏa để về quê. Nói là bận lắm cũng không đúng. Có lẽ là sự ù lì, là thói quen mòn mỏi níu giữ bước chân. Sự chuyển động làm người ta ngần ngại. Đôi lúc tôi không thể định thần được xem mình còn có gì trên đời.

Vào cuối tháng mười, mùa gặt ở quê tôi, cô Kim, con gái của cô tôi viết thư: “Anh ơi, mẹ mất rồi anh ạ. Em nghĩ các anh bận quá, báo cho anh cũng không kịp, nên thôi. Em lo cho cụ yên phần mộ rồi. Sắp tới, một trăm ngày cụ, em báo cho họ hàng ngoài Hà Nội và Sài Gòn, nếu ai thu xếp được thì về thắp cho mẹ nén hương...!”.

Tôi ngồi thừ ra suốt buổi chiều trong phòng làm việc. Đã hàng chục năm nay chưa lúc nào ngồi thừ ra như vậy. Bây giờ, tôi ngồi một mình, lòng nghẹn ngào cảm giác đơn côi của đứa trẻ lúc chiều về. Ôi, cô tôi, người mẹ nuôi của tôi từ ngày tôi còn bé tý. Thế là cụ làm tròn phận sự của một kiếp người cơ cực. Cụ đã yên phận ở bên kia thế giới, nơi con người không còn những ràng buộc, những giằng xé khốn khổ...

Ngày hôm sau, tôi xin nghỉ mấy ngày và từ cơ quan đi luôn ra ga. Con tàu đi qua thành phố nham nhở nhà cửa xây dựng dở, xam xám những dòng người trên những lối đi đông nghẹt. Khi gần chiều, tàu tới vùng núi đá vôi trôi lờ nhờ trong màn sương trắng như sữa đang dâng lên từ các hang núi, lan tỏa trên mặt nước, trên cánh đồng. Nhưng tôi đã như ngửi thấy phong vị của thời thơ ấu, nhìn thấy cái đời sống hồn nhiên như cây cỏ mà tôi đã trải qua. Lòng tôi dìu dịu một nỗi buồn.

Bố mẹ tôi mất sớm. Sau cái chết của bố tôi một thời gian ngắn, mẹ tôi cũng qua đời vì buồn khổ. Tôi nhớ rõ, khi đó tôi còn bé lắm, cứ đứng trân trân nhìn người ta khiêng quan tài mẹ tôi đi. Khi cô tôi, xa gần hai trăm cây số tới đón tôi, tôi mới khóc òa lên và lờ mờ hiểu được tình cảnh của mình. Tay xách cái tay nải bằng vải đen, đội một cái mũ nan rộng, mặc cái áo trấn thủ bé tí, tôi nắm tay cô tôi đi trên con đường làng rợp bóng cây ra bến xe. Cô là em ruột bố tôi. Cô về đón tôi lên ở với cô. Khi ấy cô đang dạy học. Hai cô cháu đi bộ xa lắm và tôi thỉnh thoảng phải ngồi bệt xuống vì mỏi chân. Khi xắn quần lội qua con sông cạn nước và đi qua cái bãi sông rộng mênh mông cô tôi mới bảo:

- Sắp đến nhà đấy, con ạ.

Cô tôi mới lấy chồng. Cái nhà hai gian nằm trong khu vườn trồng chè, ngay bên bờ lở của con sông. Chồng cô cũng là thầy giáo và tôi nhớ rõ ngày đó ông đi một cái xe đạp Pháp kiểu cổ chả lau chùi bao giờ, xe “cởi truồng” và có một cái chuông kêu to đến hàng cây số cũng nghe thấy. Mùa hè, ông chạy xuống tắm bất cứ lúc nào rỗi. Từ dưới bến chạy lên, ông giẫm hai chân lạch bạch trên đất, miệng hát một bài hát bằng tiếng Pháp và mỗi lần nghe ông hát, cô tôi lại rũ ra cười. Dần dần tôi cũng quen cả với bài hát, vì ông hát ầm ĩ, say sưa, mắt nhấp nháy và miệng ông cứ cười lên vì điệp khúc láy lại nhiều lần của bài hát.

Những ngày đầu trí óc tôi chưa quen với sự vắng mặt của mẹ. Tôi thường ra đứng đầu dốc đi xuống bãi sông, chơi thơ thẩn ở đó trong khi cô chú tôi đi dạy học. Tôi đến tuổi đi học thì cô tôi đưa tôi đến trường luôn. Hai cô cháu thường ra đi rất sớm. Những người nông dân trong làng trông thấy cô tôi đều niềm nở, kính trọng:

- Cô giáo đi dạy ạ!

Và họ xoa đầu tôi, hay là nắm tay tôi lắc lắc:

- Cô giáo mới nhặt được cậu chàng ở đâu mà bảnh quá?

Cô tôi cũng đùa trả lời họ:

- Có người họ vừa gửi qua bưu điện cho tôi đấy.

Trường cô tôi dạy ở trong một cái chùa nằm cheo leo trên mỏm đất chìa ra bãi sông. Sông lở về bên này nên cô tôi bảo trước sau gì mỏm đất này cũng lở, vì thế người ta đang xây dựng trường mới cho học sinh ở trong làng. Tôi còn nhớ cái trường rất huyên náo, toàn bọn bé lóc nhóc như tôi. Lớp ba và lớp bốn ở khu nhà bên kia, cách một cái sân gạch nghiêng. Các chị học sinh lớp bốn ngày ấy đã lớn lắm. Có một chị răng đen, tóc vấn khăn cũng học bên ấy và mỗi khi chị đi qua sân, bọn bé con chúng tôi nhìn qua cửa sổ, theo dõi chị và bàn tán thì thầm. Chúng nó bảo chị có chồng rồi, mỗi lần đi học về, bà mẹ chồng hay chửi chị chua ngoa, có lần túm tóc chị quấn vào cột nhà vì bà không muốn chị đi học. Chị rất thương tôi, thỉnh thoảng chị gọi tôi ra sân trường dúi vào tay tôi thỏi kẹo lạc mà chị làm ban đêm. Đi học về, chị sang chợ huyện giao kẹo cho nhà hàng, lấy tiền làm vốn riêng.

Tôi học lớp cô tôi dạy. Cô thường đứng quay lại phía chúng tôi, bàn tay mũm mĩm của cô nắn nót những chữ hoa, chữ cái trên bảng. Ngày ấy cô trẻ lắm, cặp tóc hồng, hai má bầu bầu đỏ au. Khi trông thấy những người nông dân từ xa đi lại, cô đã cất tiếng chào. Đi qua họ rất lâu, tôi ngước nhìn vẫn thấy nụ cười còn đọng trên đôi môi tươi tắn của cô. Khuôn mặt rạng rỡ và hiền hậu vì tình cảm của cô dành cho mọi người mà cô chào vẫn chưa hết. Cô dắt tôi đi qua cái xóm chuyên làm đậu phụ. Những chảo nấu sữa đậu bốc hơi nghi hút trong sân mỗi nhà. Những thùng bằng gỗ đựng nước đậu xếp thành hàng trên sân, trên lối đi. Mùi đậu ngâm bốc lên, đi từ xa đã ngửi thấy. Những người nông dân thường làm đậu một buổi, một buổi đi làm đồng. Những người nông dân ấy quý trọng thầy giáo dạy con họ học. Họ thường cho tôi uống sữa đậu pha thật nhiều đường. Tôi vừa thổi vừa uống trong khi cô tôi nói chuyện làm ăn với họ. Đôi khi họ mời cô tôi ăn trầu. Tôi thì uống căng cả bụng. Cái nước sữa đậu nóng hổi, ngọt thanh thanh ấy cho đến bây giờ tôi vẫn nhớ. Đường ở đây cũng sẵn vì có cả một xóm chuyên làm mía kéo mật. Mùa kéo mật, tiếng kẽo kẹt của xe ép mía vang lên suốt từ sáng đến khuya. Những con bò buồn bã kéo cái cần quay quanh cối ép mía. Nước mía chảy ra cái chảo đặt lên bếp lò. Chảo nấu mật sôi suốt ngày đêm. Mùa kéo mật là mùa bọn trẻ con rất khoái, tha hồ ăn mía và ăn cái bọt mật nấu thành kẹo kéo. Bọn trẻ con thường kéo tôi đi chơi những ruộng mía và chọn những cây to nhất, lấy những khúc ngon nhất ngồi ăn với nhau, thú vị là không ai trông thấy mình cả.

Tôi được chiều chuộng như thế cho đến khi cô bé Kim ra đời. Căn nhà chộn rộn lên, tôi hầu như bị bỏ quên. Tôi đứng trong xó bếp nhìn các bà chạy ra chạy vào. Còn chú tôi thì vừa hát bài tiếng Pháp của ông, vừa xách nước dưới sông đổ vào cái vại to tướng để ở gốc cau.

Cô bé lớn nhanh. Thoáng cái tôi đã thấy nó biết đi. Tôi quý nó vô cùng vì nó xinh lắm, lại thông minh. Hai anh em thường đi chơi trong khu vườn chè. Tôi chạy khắp vườn hái những bông hoa dại mọc ở các bờ rào, lấy sợi rơm buộc lại thành bó và Kim cầm bó hoa chơi suốt ngày, lúc đi ngủ cũng để trên gối. Đến khi nó biết chạy, tôi dắt nó xuống sông chơi. Con sông lạ lùng. Năm ấy, tháng tám nước lên tràn ngập cả hai bờ bãi, ngập cả cái dốc tôi đã đứng chơi. Nước đục ngầu, đầy bọt vàng. Người ta đi thuyền nan vớt củi trôi từ mạn ngược về, để dành nấu quanh năm. Họ kể là có năm nước còn tràn lên cuốn theo nhà cửa. Mỗi khi bước lên, tôi sợ lắm, cứ luẩn quẩn quanh cô tôi. Nước rút, bãi cát còn đầy những quả rừng chín khô đen. Nước lên, con sông rộng mênh mông là thế. Nhưng mùa khô con sông đẹp làm sao. Nước trong đến nỗi nhìn thấy rõ từng hạt cát. Những người đi làm việc bên huyện và đi chợ phủ về thường xắn quần lội bãi ngô. Cây ngô mập mạp, phấn ngô bay vàng bãi sông. Dưới một chút là đến khu trồng bí đỏ. Dây bí đỏ tràn lan. Người ta cho bẻ ngọn bí tự do, bẻ bao nhiêu cũng được vì càng hái, bí càng đâm thêm nhánh. Ngày đó, Kim chập chững biết đi, hai anh em hay bốc cát chơi gần mép nước nhưng không ai sợ vì sông cạn lắm. Cô tôi thường đứng trên đầu dốc gọi hai đứa về mỗi khi trời đổ tối. Một lần trên bãi cát xuất hiện hai con ngỗng cực lớn. Hai con ngỗng dữ tợn đuổi theo Kim khi ấy đang chơi sát mép nước, còn tôi ở trong vườn bí. Kim chạy lại phía tôi. Lúc ấy tôi sợ hai con ngỗng ghê gớm, vì chúng to lớn lạ thường. Nhưng không hiểu sao tôi vẫn lao về phía Kim, nhặt sỏi ném túi bụi vào hai con ngỗng, miệng la hét ầm lên. Một trong hai con ngỗng suýt cắn lên chỏm tóc của Kim bị trúng một hòn sỏi vào cổ. Nó kêu quang quác, rụt cổ bỏ chạy và con kia cũng chạy theo. Kim lao vào tay tôi, mặt tái mét, không khóc mà môi chỉ run run, muốn nói cái gì đấy. Phải đến mấy ngày sau, nó không dám đi xuống sông. Nó cứ tròn xoe mắt, nhắc đi nhắc lại:

- Ngỗng, ngỗng cắn em...

Cô tôi sinh con rất dày. Kim chưa đầy hai tuổi, tôi đã thấy một em bé nữa ra đời. Ngày ngày, tôi phải gánh một cái gánh con con đựng tã lót của đứa bé, tay dắt Kim đi xuống sông. Kim tha thẩn chơi cát, còn tôi giặt tã. Lúc về, tôi phải quẩy thêm một chậu nước nhỏ. Kim ngắt hai cái lá bí non đặt vào chậu nước cho khỏi sánh và cô bé đi sau tôi, vừa đi vừa bi bô nói chuyện. Có lúc Kim hát bài hát mà cô tôi hay hát giễu hai anh em: gánh vàng đi đổ sông Ngô!... Giọng Kim ngọng líu lo làm tôi buồn cười.

Cô tôi sinh liên tiếp toàn con trai. Tôi đi học rất vất vả vì gia đình ngày càng nghèo. Học hết cấp ba, tôi vào bộ đội. Tôi lên đường khi Kim mới học lớp bốn. Cô bé tiễn tôi ra nơi tập trung, khóc rưng rức. Tôi nhớ mãi cô bé con gày gò, mặc cái áo hoa cắt lại từ áo mẹ mà cũng phải vá vai. Đó là năm giặc Mỹ bắt đầu đánh ra miền Bắc một năm, tôi được đi chiến đấu trong miền Nam. Tôi về thăm nhà trước khi đi. Giặc Mỹ bắn phá suốt ngày đêm. Đường chim bay từ nhà tôi ở đến nhà máy điện của tỉnh có năm cây số. Gần đó có một số cơ sở công nghiệp mới xây dựng, một trường cấp ba nhiều tầng mái ngói đỏ tươi... nên bọn Mỹ tập trung đánh phá. Cái làng hiền lành làm mật và đậu phụ đã thay đổi từ lâu. Những nghề phụ ấy dần biến mất, nông dân phải tập trung cày ruộng. Hơn nữa, thanh niên trai tráng ra đi nhiều, đi qua làng bây giờ vắng vẻ, im ắng hơn trước. Đêm, máy bay ù ù thả pháo sáng. Cô chú tôi thường che đèn ngồi chấm bài, mỗi lần máy bay sẹt qua lại phải tắt phụt đèn đi. Khi thắp lại đèn, ngọn lửa cháy bằng dầu ma dút khói bốc cuồn cuộn hai ông bà phải khó khăn lắm mới nhìn thấy chữ qua cái ánh sáng tù mù kia. Chấm bài xong thường là nửa đêm. Cô tôi và Kim xuống bếp ngồi thầm thì trong bóng tối, chẻ que đưa cho nhà làm hương bên phố huyện để lấy tiền. Hai đứa em trai Kim học bài xong vác giỏ và nơm đi nơm cá ở cánh đồng sau làng. Những đứa nhỏ hơn thì chăn lợn, chăn gà, đi lo cái đun. Các em càng đông, đồng lương cô chú càng eo hẹp. Công việc nhà trường thời chiến mỗi ngày thêm vất vả. Tôi về mấy ngày mà chưa lúc nào ngồi nói chuyện được với cô chú tôi. Lúc nào cũng thấy ông bà tất bật. Dạy xong thì lo xây dựng hầm hào, lo học hành. Thường khi về nhà đã đêm. Bọn trẻ con đã nấu nướng ăn uống xong với nhau. Còn được miếng nào thì ăn quấy quá cho xong. Cơm canh nguội ngắt và thực tình là ít khi được no lắm. Cũng có hôm nhịn mà đi ngủ.

(Số sau đăng hết)

Văn nghệ

Tự hào một dải non sông
Văn hóa - Thể thao

Tự hào một dải non sông

Những ấn phẩm ngợi ca vẻ đẹp quê hương đất nước, ngợi ca chủ nghĩa anh hùng cách mạng là điểm nhấn trong loạt ấn phẩm của nhà xuất bản Kim Đồng chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ Tư, 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Tạo không gian mở phát triển văn học
Văn hóa - Thể thao

Tạo không gian mở phát triển văn học

Văn học chưa có khung pháp lý thống nhất và chi tiết để định hướng, cụ thể hóa chính sách cho tác giả, tác phẩm, hoạt động trong lĩnh vực này. Việc xây dựng, ban hành nghị định về khuyến khích phát triển văn học vừa đáp ứng nhu cầu cấp thiết, vừa mang ý nghĩa quan trọng.

"Giai điệu tri ân" – lời cảm ơn sâu sắc Agribank gửi đến khách hàng
Văn nghệ

"Giai điệu tri ân" – lời cảm ơn sâu sắc Agribank gửi đến khách hàng

Tối mai, 12.12, tại Nhà hát Hồ Gươm sẽ diễn ra chương trình nghệ thuật “Giai điệu tri ân” do Agribank tổ chức. Sự kiện là lời cảm ơn sâu sắc từ Agribank gửi đến những khách hàng, đối tác và cộng đồng - những người đã đồng hành, sẻ chia và cùng kiến tạo những giá trị bền vững trong suốt hành trình phát triển.

Hé lộ sân khấu choáng ngợp của siêu nhạc hội 8WONDER Winter trước giờ G
Văn hóa - Thể thao

Hé lộ sân khấu choáng ngợp của siêu nhạc hội 8WONDER Winter trước giờ G

Toàn bộ phần sân khấu “đóng băng” 8WONDER Winter đã hoàn thiện những khâu setup cuối cùng để sẵn sàng chào đón ban nhạc hàng đầu thế giới Imagine Dragons và dàn Vpop Việt đình đám trước hàng chục ngàn khán giả Sài Thành. Ban nhạc hàng đầu thế giới dự kiến sẽ đến TP. Hồ Chí Minh chiều hôm nay để sẵn sàng cho siêu nhạc hội tại đại đô thị Vinhomes Grand Park.

Để điện ảnh Việt cất cánh
Văn hóa - Thể thao

Để điện ảnh Việt cất cánh

Để điện ảnh Việt Nam thực sự cất cánh và hội nhập thế giới, cần có một chiến lược toàn diện và đồng bộ; giải pháp không chỉ giúp nâng cao chất lượng phim mà còn phải thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành công nghiệp này.

Giải pháp cho vấn đề bản quyền âm nhạc
Văn hóa - Thể thao

Giải pháp cho vấn đề bản quyền âm nhạc

Dù đã có cải thiện, nhưng vi phạm bản quyền âm nhạc tại Việt Nam vẫn là vấn đề nan giải. Theo Tổng Giám đốc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC), NSƯT, nhạc sĩ ĐINH TRUNG CẨN, để giải quyết vấn nạn này, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.

Đưa giá trị của văn hóa lan tỏa đến cộng đồng
Văn nghệ

Đưa giá trị của văn hóa lan tỏa đến cộng đồng

Ngày 3.10, tại không gian nghệ thuật 34 Châu Long, Hà Nội đã diễn ra mạn đàm văn chương có chủ đề về văn hóa, tinh hoa trong văn thơ xưa và nay, với sự tham gia của các văn nghệ sĩ, nhà nghiên cứu phê bình văn học; được chủ trì bởi nhà sưu tập Thúy Anh - người khởi xướng nhiều chuỗi hoạt động văn hóa, nghệ thuật đậm đà tính nhân văn và hướng tới cộng đồng.