Theo đó, Luật Dầu khí mới sắp có hiệu lực thi hành sẽ giúp cho những dự án nhỏ, những mỏ nhỏ, những mỏ cận biên đầy khó khăn có thể thành hiện thực trong khai thác, là động lực thúc đẩy các nhà đầu tư như PVEP mạnh dạn bỏ tiền ra đầu tư (xây giàn và chi phí cho giếng khoan) để biến nó thành lợi ích thực sự. Khác với trước kia, khi chưa có cơ chế ưu đãi thì những đối tượng này vẫn chỉ tồn tại ở dạng tiềm năng dưới biển.
Cụ thể, đối với những dự án phát hiện có trữ lượng lớn thì các điều kiện trong hợp đồng dầu khí như thuế suất, ăn chia dầu lãi… không có gì đáng bàn, các nhà đầu tư cứ thế triển khai vì nhà đầu tư đã nhìn thấy lãi khi làm. Song, với những phát hiện nhỏ, cận biên, nếu nhà đầu tư bỏ tiền ra làm, có thể lỗ. Tuy nhiên, nếu có các điều kiện mới, biến hợp đồng dầu khí thông thường thành một hợp đồng dầu khí ưu đãi, với một số thay đổi về thuế, tỷ lệ… thì dự án từ chỗ có thể lỗ sẽ thành dự án lãi, có thể giúp nhà đầu tư bù đắp được chi phí xây giàn, làm giếng khoan.
Song song với đó, nhiều chuyên gia cho rằng, cần phải đầu tư nguồn lực, kiến nghị cơ chế, chính sách để việc đi tìm, đi thăm dò được diễn ra một cách thuận lợi. Bởi ngồi một chỗ không thể biết trong lòng đất, dưới đáy đại dương chỗ nào có dầu, chỗ nào có khí. Ngoài ra, việc tìm kiếm, thăm dò không những giúp mở rộng được phạm vi khai thác mà còn có khả năng phát hiện ra những mỏ lớn.
Theo TS. Trần Hồng Nam, việc thu hút các nhà đầu tư dầu khí bắt nguồn từ nhiều yếu tố mà quy định trong Luật Dầu khí mới là “phần cứng”. Nếu Luật Dầu khí quy định thông thoáng rồi mà người áp dụng không như tinh thần của luật, “trên nóng, dưới lạnh” thì cũng không thể thu hút được đầu tư. Nếu luật, sắp tới là nghị định hướng dẫn được áp dụng thông suốt, sẽ có nhiều nhà đầu tư tìm đến Việt Nam.
“PVEP là đơn vị trụ cột của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) nên sẽ là đơn vị đi đầu trong hoạt động tìm kiếm thăm dò, qua đó tạo “cảm hứng” trong đầu tư để mời gọi các đối tác quốc tế vào Việt Nam” - TS. Trần Hồng Nam nhấn mạnh.