Đồng cỏ nở hoa (Phần 1)<br><i>Truyện ngắn của Ma Văn Kháng</i>

>> Đồng cỏ nở hoa (Phần cuối)

05-dong-co-36409-300.jpg

Bống hóa ra là một cô bé có tài hội họa thật!

Người phát hiện ra điều này trước nhất là bác Lan, nữ diễn viên cải lương, chị gái bố Bống. Thực ra, lúc đầu bác Lan chỉ thấy hơi là lạ, vì con bé mới học có lớp hai tiểu học mà sao nó lại mê vẽ thế! Nó vẽ như người ta thở, như người ta nhìn, như người ta nghe. Ở trong lớp học, đang trong giờ thầy giảng đoạn văn, chữa bài tập toán, nó cũng vẽ. Nó vẽ các nàng tiên, các cô công chúa, các chàng công tử. Còn ở nhà thì dường như khắp các mặt bàn, bờ tường, mặt tủ, hở chỗ nào có thể vẽ được là có nét vẽ của nó tất. Vẽ như nó đã là họa sĩ thực thụ và đang thực hiện câu châm ngôn của Salvador Dali họa sĩ thiên tài: “Là họa sĩ, bạn hãy vẽ đi! Vẽ đi!”

Cái Bống rất hay vẽ, nhưng đáng chú ý hơn nữa là nó vẽ rất giống. Con mèo Kết ra con mèo Kết. Con chó Lu ra con chó Lu. Cây cau ra cây cau. Và cuối cùng bố Lít nó ra bố Lít nó, cái mặt hoằm hoặp, cái mũi cà chua, cái mồm thổi lửa. Cũng vậy, mẹ Phít nó cũng chẳng lẫn được với ai, cái mặt tròn như đồng xu, trắng phau phau với hai con mắt lá răm, cái mũi tin hin và cái cằm lẹm một nét vát dài.

Bố Bống làm nghề gác chắn xe lửa. Dân thợ thuyền chất phác, chẳng biết gì là nghệ thuật, tính tình lại cục mịch, hết giờ làm chỉ có vui với bia, rượu, nói tục không ai bằng và nổi danh chỉ là cái đức kiên trì ngồi chờ u chi nảy trong ván bài tổ tôm. Mẹ Bống buôn hoa quả Tàu. Quẩn quanh nơi chợ búa, ngoài cái tài dán mác Mỹ lên táo Tàu để bán giá cao ra, chỉ thạo món lên đồng và trò lô, đề một ăn bảy. Thấy con gái vẽ nhiều, giấy bút, mầu mè bừa bộn, lắm khi mẹ Bống quát tháo mắng mỏ ầm ĩ, coi như mày vẽ vời vô tích sự. Còn bố Bống thì cứ tiện tay là vơ hết tranh vẽ của con gái, để làm giấy nhóm lò rang cơm mỗi sáng. Gặp những lúc như thế, Bống ngồi khóc ti tỉ.

Thương cháu, bác Lan mời ông họa sĩ già tên Phan, người có kiến văn sâu rộng, nhưng bốn mươi năm nay chỉ chuyên làm một nghề bôi vẽ hóa trang mặt mày tóc tai diễn viên trong đoàn cải lương tới, đưa tranh của Bống cho ông xem để hỏi ý kiến.

 Lạ cái là ông họa sĩ Phan vừa cầm xấp tranh vẽ con chó, con mèo, cây cau, chân dung bố mẹ Bống lên xem đã tặc tặc lưỡi trầm trồ: chà chà! Vẽ như đồng cỏ đến kỳ nở hoa! Vẽ được lắm, được lắm! Đến nỗi bác Lan phải kinh ngạc, giật giọng hỏi lại; và ông họa sĩ già một lần nữa lại gật gù: rồi tôi sẽ giảng giải cho bác cháu cô hiểu. Còn bây giờ thì hãy cứ nhớ là: cái Bống vẽ như đồng cỏ nở hoa đã. Đoạn nhìn cái Bống hất mắt nhẹ nhàng hỏi: còn những bức nào nữa, cho ông xem mới nào? Tất nhiên là Bống lập tức đưa cho ông cả tập tranh giấu trong cặp. Và ông thì trố mắt, trỏ ngón tay vào từng bức, nheo nheo mắt:

- Sao dưới bụng con gà mái mẹ lại có một hàng chấm chấm?

- Dạ! Đó là tí của nó ạ. Không có tí, gà con bú mẹ sao được ạ.

- Thế con chuột nhắt đứng cạnh cái vòng tròn có hai chóp nhọn là cái gì?

- Dạ! Là lưng con mèo ạ, ý cháu là... hỡi tên chuột kia, mi hãy giờ hồn, mèo chưa quay đầu lại đâu!

- Khá lắm! Thế hai người dắt tay nhau đi trong bức tranh này là những ai? Sao một người to một người lại bé tí và đen thui thế?

- Thưa ông, người to là mẹ cháu. Người bé và đen thui là bố cháu.

- Sao bố cháu lại bé tí và đen thui thế?

- Tại là vì bố cháu hay cốc đầu cháu. Mấy lỵ cũng có bận say rượu, cầm cái ghế đẩu giơ lên đánh mẹ cháu ạ.

Ông họa sĩ già bật cười. Rồi sau khi tặng Bống một tập giấy crôki, một hộp bút chì màu, một tá bút chì đen, ông quay ra hỏi chuyện bác Lan. Bác Lan nói: cả gia hệ Bống nhà em chả có ai theo nghề hội họa cả. Bống là nhũ danh, cháu họ Đinh, tên khai sinh là Đinh Minh Yên. Cụ tổ sáu mươi đời theo tương truyền tên Sớm. Kiêng húy kỵ, cả dòng họ khi gặp từ sớm đều đọc chệch thành sủa. Ví dụ: sáng sớm thì nói thành sáng sủa. Gốc gác tổ tiên là nông dân ở đất Hoa Lư, theo vua Lý Công Uẩn dời đô về đất Thăng Long, rồi chuyển từ nghề nông sang nghề công, nghề thương cho hợp cảnh phố phường. Gốc cội nào thì cũng xù xì ngộc nghệch. Cụ tổ thế nào, con cháu cũng thế. Cả dòng họ chẳng ai đỗ nổi cái bằng tú tài, chứ đừng nói cử nhân, tiến sĩ. Giỏi giang, mở mày mở mặt với thiên hạ là cụ nội Bống, thì cũng chỉ giữ chân tài xế xe lửa từ hồi Pháp thuộc. Có chút tiếng tăm là ông nội làm thợ rèn, nghe nói đã rèn cái tămpông ở đầu máy xe lửa, bền chắc ngang với cái mà nền công nghiệp Pháp hiện đại rèn đúc được, nên đã được đem đi bày ở Đấu xảo Hà Nội năm 1931. Thế còn các cô tức em gái bố Lít của Bống? Cũng vậy thôi. Cô Phương mở hiệu trang điểm cô dâu. Cô Lanh là chủ Shop may mặc thời trang. Nghĩa là chẳng có ai làm nghề dính dáng đến nghệ thuật cả!

- Thế còn cô, nghệ sĩ hát cải lương?

 Ngắt đoạn câu chuyện của bác Lan, ông họa sĩ hỏi. Bác Lan cười nhè nhẹ:

- Em kể bác nghe. Mọi sự đều là tình cờ. Em dẫn một con bạn tên Thúy đi thi vào trường nghệ thuật ca kịch dân tộc. Thúy mê cải lương, nhưng nhát. Thi vấn đáp xong, nó chạy ra, ôm chầm lấy em, khóc tu tu vì sợ trượt. Em lựa lời khuyên giải nó. Lát sau, vừa đứng dậy định dắt nó về thì một ông béo như ông Di Lặc trong ban giám khảo từ trong buồng hỏi thi đi ra, chỉ tay vào em, gọi: mời cô vào. Em cuống lên, lắc đầu lia lịa. Ô hay! Em có xin dự thi đâu ạ! Ông nọ cười: thì mời em cứ vào! Em vào. Ba ông giám khảo ngồi chễm chệ nhìn em. Một ông nói: qua những câu em nói với bạn Thúy của em, chúng tôi phát hiện thấy em có một chất giọng rất quý, nên mời em vào thi thử. Rồi tiếp: giờ, em diễn một tiểu phẩm đi! Tiểu phẩm là cái gì? Em chẳng biết. May, lúc ấy thấy ông Di Lặc, thế là em chợt nhớ tới ông bán kẹo kéo gầy còm ở ngõ chợ nhà em. Thế là em đóng luôn vai ông này. Em làm điệu bê cái bàn kẹo kéo rồi hát: Hỡi ai đau yếu sài mòn. Mua xu kẹo kéo béo tròn cối xay. Cả ban giám khảo, nhất là ông Di Lặc, cười như nắc nẻ. Em trúng tuyển một cách tình cờ như thế, chả hiểu có phải là vì có năng khiếu nghệ thuật hay không. Cái Bống liệu nó vẽ có thành tài không mà sao nó ham quá thế không biết, hở bác!

*

Bống ham vẽ quá. Trừ lúc ngủ, lúc ăn hay bận bịu với công việc nội trợ giúp mẹ ở nhà, lúc nào cũng thấy trong tay Bống không là cái bút chì thì cũng là viên phấn, cái que. Bống vẽ trên giấy, trên bảng, trên đất. Bống vẽ như có sự thôi thúc từ bên trong, như chỉ có một mục đích duy nhất là sống để… vẽ, là để biểu hiện mình. Bống vẽ mê mải. Vẽ như một họa sĩ thực thụ mà nào Bống có biết mình đang dấn thân vào một bộ môn nghệ thuật lớn, một nghệ thuật lấy thị giác làm căn bản, một nghệ thuật rắc rối bậc nhất, vì phân chia ra không biết bao nhiêu trường phái, nào cổ điển, lập thể, ấn tượng, nào dã thú, trừu tượng, đa đa... Một nghệ thuật đã sản sinh ra các danh họa vĩ đại, như Leonardo da Vinci, Michelangelo, Raphael, Pablo Picasso, Salvador Dali, như Từ Bi Hồng, Tề Bạch Thạch… Mà nào Bống đã biết tới lời khuyên của các bậc tiền nhân: thói lười biếng sẽ chẳng sinh ra kiệt tác đâu, là họa sĩ thì hãy vẽ đi! Là họa sĩ, bạn không phải diễn giải, bạn hãy vẽ đi! Vẽ đi!

Chẳng một ai dạy bảo, Bống cứ vẽ. Vẽ theo con mắt mình nhìn và trái tim yêu ghét của con trẻ mách bảo. Vẽ như một niềm vui được hít thở không khí trong lành, được ngắm nhìn mọi người, được tiếp xúc với thiên nhiên tạo vật trong một không gian tràn ngập ánh sáng. Vẽ như đồng cỏ đến kỳ nở hoa. Mà lạ chưa. Thì chính ông họa sĩ Phan chẳng đã phải kinh ngạc khi xem bức tranh Bống vẽ bố Bống mẹ Bống đó thôi. Bống đã mang tố chất nghệ sĩ sáng tạo khi dùng hình sắc xung quanh để bộc lộ tình cảm, và khi hình sắc xung quanh không còn đủ để biểu đạt, thì Bống sẵn sàng bóp méo chúng, hoặc tô cho chúng những sắc màu dị thường!

Như tất cả các gia đình lao động, bố Lít gác chắn xe lửa và mẹ Phít buôn hoa quả, đâu có biết đến việc học hành và thiên tư của con cái mình! Thảng hoặc, thấp thoáng biết được, thì ông bố Bống sẵn sàng trợn mắt nạt nộ: “Ô hay, cái con lỏi này. Lâu nay mày vẫn cứ vẽ đấy à! Vẽ, vẽ, vẽ để ra đời lấy cứt mà ăn à!” Ấy là những buổi Bống đem bích báo của lớp về nhà để trang trí. Từ năm lớp sáu đến lớp mười hai, Bống luôn được bầu là trưởng ban biên tập báo tường của lớp. Và chẳng năm nào tờ báo tường do Bống trình bày không giành giải cao nhất của toàn trường.

Bố mẹ Bống chẳng biết gì về con gái họ cả. Cũng chẳng biết Bống đã học hết trung học phổ thông và trở thành thiếu nữ từ lúc nào. Ơ này, mày là con Bống nhà tao đấy à? Ông gác chắn say bia rượu, trố mắt nhìn con gái đi học về, ngây đờ ra vì tưởng là ai. Vì thật không ngờ vợ chồng thợ thuyền, lái thương khù khì gộc ghệch thế mà đẻ ra được cô con gái tươi đẹp quá! Mười sáu tuổi, Bống cao một mét sáu lăm. Chân dài. Mình thon. Tóc mượt. Hai con mắt lay láy. Cái mũi dọc dừa. Và đôi môi hiển hiện phúc lộc vì có bờ góc gẫy gọn. Gương mặt chỉ có mỗi nét nhang nhác bà buôn hoa quả có tính đồng bóng ở cái cằm hơi lẹm, điểm một nét đặc sắc riêng. Nghệ thuật hóa ra lại tác động trở lại, làm đẹp ngay Bống, hay Bống chính là hiện thân của cái đẹp!

Ông gác chắn xe lửa và bà buôn hoa quả chẳng hề quan tâm gì đến con gái họ cả. Họ đâu có biết con gái đã nộp đơn thi và đã đỗ với số điểm cao ngất ngưởng vào trường Đại học Mỹ thuật Yết Kiêu, một trường nghệ thuật danh tiếng đã có lịch sử 100 năm, cái lò luyện đã cho ra đời những họa sĩ tên tuổi như Nguyễn Gia Trí, Tô Ngọc Vân, Trần Văn Cẩn… Thành ra chiều đó, được tin Bống đỗ đại học, ông bố Bống đang ngồi chễm chệ trên cái phản mộc với chai rượu và đĩa lòng lợn tú ụ, mới khề khà:

- Bống đâu! Thế đ. nào mà mày câm như hến thế! Con lão hàng vàng Bảo Châu, con mụ cầm đồ Ngọc Tín, con ông tiến sĩ Lê Minh ở cùng phố đang tức hộc máu ra kia kìa! Thế đ. nào chúng lại trượt vỏ chuối mà mày lại đỗ đánh oạch thế? Cứt nát lại có chóp, hử! Nhà này làm đ. gì có mả làm nghệ thuật mà mày theo đòi, hả con ranh!

*

Bống vào học Đại học Mỹ thuật. Cô bé Đinh Minh Yên trở thành sinh viên trường dạy vẽ đẳng cấp cao nhất cả nước. Ngay năm đầu, Bống được nhận học bổng toàn phần ba trăm nghìn đồng một tháng. Xinh xắn, tính tình mềm mại, nhã nhặn, Bống được nhiều bạn quý mến, kết thân. Lại có cả anh chàng cùng lớp đẹp trai, con nhà giàu, đang là sinh viên mà cổ đeo vòng xích ba lượng vàng, đi xe máy SH giá hai trăm triệu, ngày ngày đưa đi đón về.

Mỗi sáng thấy anh chàng vè vè chiếc xe phân khối lớn rẽ vào ngõ, đón Bống đến trường, lại ríu rít bạn bè đến rủ, mẹ Phít vênh vang với chị em phố chợ lắm. Còn bác Lan, nhìn cảnh ấy, lòng không khỏi mừng thầm. Mọi sự thế là đã thuận chiều. Thành ra, chiều ấy, thấy Bống một mình đeo cái ba lô sách, tay cắp giá vẽ, từ trường học trở về, vẻ mặt buồn thiu, bác Lan mới giật thót mình:

- Bống, sao lại lủi thủi một mình thế? Mà mày đang có việc gì buồn bực phải không?

- Cháu chán lắm, bác ạ

- Sao mà chán? Thôi, sang nhà bác đi!

Ngồi bên nhà bác Lan, Bống vừa rên rỉ vừa khóc ti tỉ. Bác ơi, chả có đứa bạn nào nó chơi với cháu nữa rồi. Cháu chả muốn đi học nữa đâu, bác ạ.

Trời tối. Bác Lan vừa nghe Bống nói vừa dọn cơm. Rồi nhìn Bống chép miệng:

- Thôi, nói thế là bác hiểu rồi. Bây giờ ăn cơm với bác đi. Ăn xong, đêm nay bác còn phải đến nhà hát diễn. Cháu có biết đêm nay bác diễn vở gì không? Vở Lục Vân Tiên. Trong vở này, vai Kiều Nguyệt Nga là vai chính, vai nặng. Diễn xong, về, bác sẽ nói chuyện với cháu.

- Ứ ừ, bác nói ngay bây giờ cơ.

- Nói ngay, hả?

- Vâng.

 Đặt bát cơm xuống bàn, bác Lan nói từng câu thong thả:

- Nếu thế thì thế này. Minh Yên ơi! Bác gọi tên khai sinh chứ không gọi nhũ danh cháu nữa, để cháu thấy cháu đã lớn rồi. Và từ nay cháu phải nhìn đời như một người trưởng thành.

Nuốt nước bọt, bác Lan tiếp:

- Minh Yên! Bác năm nay gần bốn mươi tuổi. Đã sống quá nửa đời người rồi. Vào nghề diễn viên từ năm hai mươi, có thời đài vinh quang bác đã leo tới đỉnh. Bác đã từng được tôn vinh là giọng ca vàng, ảnh bác được in trên áp phích quảng cáo. Bác là diễn viên chính, lại kiêm cả dẫn chương trình. Nhưng, cháu có hiểu sau đỉnh vinh quang là cái gì không? Là một con dốc. Nói cụ thể trường hợp bác. Một con diễn viên bạn bác nó ganh với bác. Và còn thiếu gì thủ đoạn mà nó không dùng để dìm dập bác. Chẳng hạn, chồng nó, một thằng nhạc công, về hùa với nó. Bác vào vai diễn, nó giả vờ quên không dạo đàn dẫn, tức là không cho một thanh mẫu để mình lựa chọn hát theo, khiến mình hát lệch giọng đi, là hỏng luôn cả vai diễn rồi!

Nhìn hai con mắt ngơ ngác của Bống, bác Lan chép miệng:

- Minh Yên à, cháu có hiểu không? Vài vai diễn lại bị một lần như thế là đủ tiêu ma cả sự nghiệp xướng ca của đời mình rồi, cháu ạ! Còn cháu, thi hết năm, cháu đỗ đầu, bạn bè xa lánh dần. Chuyện ấy là dễ hiểu thôi. Bạn bè đến với nhau lúc thành công, hiếm lắm. Là nghệ sĩ tức là sống ở môi trường luôn ô nhiễm thói ghen ghét, đố kỵ của đồng nghiệp. Người ta vẫn nói đó. Nghệ sĩ là người chết hai lần, cháu ạ. Một lần chết vì tác phẩm bị người đời quên lãng! Một lần chết vì thói đời ganh ghét tị hiềm của bạn bè! Vậy bây giờ ta nên thế nào?

Ngước lên nhìn bác Lan, hai con mắt ậng nước, Bống khẽ khàng và sụng sịu:

- Cháu chẳng biết thế nào đâu. Thôi, cháu đã thế nào thì nay cháu vẫn thế thôi, bác ạ.

(Số sau đăng hết)

Văn nghệ

Tự hào một dải non sông
Văn hóa - Thể thao

Tự hào một dải non sông

Những ấn phẩm ngợi ca vẻ đẹp quê hương đất nước, ngợi ca chủ nghĩa anh hùng cách mạng là điểm nhấn trong loạt ấn phẩm của nhà xuất bản Kim Đồng chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ Tư, 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Tạo không gian mở phát triển văn học
Văn hóa - Thể thao

Tạo không gian mở phát triển văn học

Văn học chưa có khung pháp lý thống nhất và chi tiết để định hướng, cụ thể hóa chính sách cho tác giả, tác phẩm, hoạt động trong lĩnh vực này. Việc xây dựng, ban hành nghị định về khuyến khích phát triển văn học vừa đáp ứng nhu cầu cấp thiết, vừa mang ý nghĩa quan trọng.

"Giai điệu tri ân" – lời cảm ơn sâu sắc Agribank gửi đến khách hàng
Văn nghệ

"Giai điệu tri ân" – lời cảm ơn sâu sắc Agribank gửi đến khách hàng

Tối mai, 12.12, tại Nhà hát Hồ Gươm sẽ diễn ra chương trình nghệ thuật “Giai điệu tri ân” do Agribank tổ chức. Sự kiện là lời cảm ơn sâu sắc từ Agribank gửi đến những khách hàng, đối tác và cộng đồng - những người đã đồng hành, sẻ chia và cùng kiến tạo những giá trị bền vững trong suốt hành trình phát triển.

Hé lộ sân khấu choáng ngợp của siêu nhạc hội 8WONDER Winter trước giờ G
Văn hóa - Thể thao

Hé lộ sân khấu choáng ngợp của siêu nhạc hội 8WONDER Winter trước giờ G

Toàn bộ phần sân khấu “đóng băng” 8WONDER Winter đã hoàn thiện những khâu setup cuối cùng để sẵn sàng chào đón ban nhạc hàng đầu thế giới Imagine Dragons và dàn Vpop Việt đình đám trước hàng chục ngàn khán giả Sài Thành. Ban nhạc hàng đầu thế giới dự kiến sẽ đến TP. Hồ Chí Minh chiều hôm nay để sẵn sàng cho siêu nhạc hội tại đại đô thị Vinhomes Grand Park.

Để điện ảnh Việt cất cánh
Văn hóa - Thể thao

Để điện ảnh Việt cất cánh

Để điện ảnh Việt Nam thực sự cất cánh và hội nhập thế giới, cần có một chiến lược toàn diện và đồng bộ; giải pháp không chỉ giúp nâng cao chất lượng phim mà còn phải thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành công nghiệp này.

Giải pháp cho vấn đề bản quyền âm nhạc
Văn hóa - Thể thao

Giải pháp cho vấn đề bản quyền âm nhạc

Dù đã có cải thiện, nhưng vi phạm bản quyền âm nhạc tại Việt Nam vẫn là vấn đề nan giải. Theo Tổng Giám đốc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC), NSƯT, nhạc sĩ ĐINH TRUNG CẨN, để giải quyết vấn nạn này, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.

Đưa giá trị của văn hóa lan tỏa đến cộng đồng
Văn nghệ

Đưa giá trị của văn hóa lan tỏa đến cộng đồng

Ngày 3.10, tại không gian nghệ thuật 34 Châu Long, Hà Nội đã diễn ra mạn đàm văn chương có chủ đề về văn hóa, tinh hoa trong văn thơ xưa và nay, với sự tham gia của các văn nghệ sĩ, nhà nghiên cứu phê bình văn học; được chủ trì bởi nhà sưu tập Thúy Anh - người khởi xướng nhiều chuỗi hoạt động văn hóa, nghệ thuật đậm đà tính nhân văn và hướng tới cộng đồng.