Quyết tâm thực hiện nhiệm vụ kép
Tổng số người chính thức ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV tính đến thời điểm này có 866 người để bầu 500 đại biểu ( tỷ lệ 1,73 người ứng cử để bầu 1 đại biểu). Cơ cấu kết hợp như sau: phụ nữ: 393 người (45,38%); Người dân tộc thiểu số: 185 người (21,36%); Người ngoài Đảng: 74 người (8,55%); tái cử: 204 người (23,56%); Người trẻ tuổi (dưới 40 tuổi): 224 người (25,87%). Số người tự ứng cử là 9.
Các địa phương cũng khẩn trương thành lập Ban chỉ đạo, Ủy ban bầu cử các cấp; tổ chức Hội nghị triển khai công tác bầu cử tại địa phương mình để quán triệt Chỉ thị 45 của Bộ Chính trị và các văn bản do Trung ương và địa phương ban hành; đồng thời ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn cụ về công tác bầu cử tại địa phương; chỉ đạo chuẩn bị nhân sự; công tác tuyên truyền; an ninh, y tế; giải quyết khiếu nại tố cáo và chuẩn bị cơ sở vật chất, các điều kiện đảm bảo cho “ngày hội non sông”; tổ chức tập huấn cho lực lượng làm công tác bầu cử; tổ chức các đoàn kiểm tra giám sát để đảm bảo công tác chuẩn bị bầu cử được thực hiện theo đúng các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước và sự chỉ đạo của Hội đồng Bầu cử quốc gia. Đặc biệt, trong thời gian sát ngày bầu cử, khi dịch Covid-19 bùng phát, các địa phương đã khẩn trương ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, trong đó đặc biệt lưu ý những vấn đề về triển khai công tác bầu cử trong hình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.
“Cuộc bầu cử đang được các cấp, các ngành, các tỉnh, thành phố triển khai đồng bộ, chặt chẽ, đạt kết quả cao. Công tác chuẩn bị bầu cử đã bám sát kế hoạch, đúng trình tự theo Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp và nghị quyết của Hội đồng Bầu cử quốc gia. Hội đồng Bầu cử quốc gia đánh giá cao Ban Thường vụ các Tỉnh, Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam và các cơ quan từ Trung ương tới cơ sở đã rất sát sao, phối hợp chặt chẽ, thể hiện quyết tâm, nỗ lực thực hiện nhiệm vụ kép vừa nghiêm túc phòng chống dịch, vừa đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội và tổ chức thành công cuộc bầu cử”, Chánh Văn phòng Hội đồng Bầu cử quốc gia nhấn mạnh.
Nêu nguyên nhân kết quả bước đầu đạt được, Chánh Văn phòng Hội đồng Bầu cử quốc gia chỉ rõ: trước hết là do sự lãnh đạo chặt chẽ, toàn diện và kịp thời của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các cấp ủy Đảng trong từng bước triển khai, chuẩn bị bầu cử. Thứ hai là sự chỉ đạo, hướng dẫn kịp thời, kiểm tra, giám sát thường xuyên, sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan Trung ương, các ngành, các cấp, các cơ quan, tổ chức phụ trách bầu cử ở địa phương. Thứ ba là sự tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân và cử tri cả nước. Thứ tư là Ủy ban MTTQ các cấp và các tổ chức thành viên đã phát huy tốt vai trò động viên Nhân dân tích cực tham gia vào cuộc bầu cử, thực hiện tốt công tác hiệp thương, lựa chọn, giới thiệu những người ứng cử, tổ chức tốt vận động bầu cử. Thứ năm là chính quyền và các cơ quan trong hệ thống chính trị các cấp đã có nhiều nỗ lực, tích cực quán triệt các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo của cấp trên để kịp thời chỉ đạo triển khai công tác chuẩn bị bầu cử chu đáo; bảo đảm tuyệt đối an ninh, trật tự an toàn, y tế; thông tin, tuyên truyền sâu rộng, đầy đủ; giải quyết khiếu nại, tố cáo kịp thời, chính xác; chuẩn bị các cơ sở, vật chất kỹ thuật thuận lợi cho cuộc bầu cử...
Ứng cử viên đại biểu HĐND cấp tỉnh: Tổng số đại biểu được bầu theo luật định: 3.726 người. Tổng số người ứng cử theo danh sách chính thức là 6.199 người. Tỷ lệ 1,66 người ứng cử để bầu 1 đại biểu. Cơ cấu kết hợp: phụ nữ: 2.528 người (40,78%); trẻ tuổi: 1.987 người (32,05%); ngoài Đảng: 774 người (12,49%); người dân tộc thiểu số: 1.156 người (18,65%). Số người tự ứng cử: 18 người (0,29%).
Ứng cử viên đại biểu HĐND cấp huyện: Tổng số đại biểu được bầu theo luật định: 22.952 người. Tổng số người ứng cử trong danh sách chính thức là 37.468 người. Tỷ lệ 1,66 lần. Cơ cấu kết hợp: phụ nữ: 15.814 người (42,21%); trẻ tuổi: 15.262 người (40,73%); ngoài Đảng: 4.909 người (13,10%); người dân tộc thiểu số: 7.204 người (19,23%). Số người tự ứng cử: 29 người (0,08%).
Ứng cử viên đại biểu HĐND cấp xã: Tổng số đại biểu được bầu theo luật định: 242.312 người. Tổng số người ứng cử trong danh sách chính thức là 405.244 người. Tỷ lệ 1,67 lần. Cơ cấu kết hợp: phụ nữ: 157.680 người (38,91%); trẻ tuổi: 181.056 người (44,68%); ngoài Đảng: 102.084 người (25,19%); người dân tộc thiểu số: 87.062 người (21,48%). Số người tự ứng cử: 213 người (0,05%).
Bên cạnh những kết quả đạt được, Chánh Văn phòng Hội đồng Bầu cử quốc gia cũng chỉ ra một số hạn chế, vướng mắc nhất định trong công tác chuẩn bị bầu cử thời gian qua như: một số địa phương có số lượng người lao động đi và đến khá đông, khó khăn trong việc rà soát, lập danh sách cử tri. Số lượng các buổi bố trí cho ứng viên đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND tiếp xúc cử tri vận động bầu cử rất khác nhau ở các địa phương, chưa phù hợp với tình hình bùng phát dịch bệnh Covid-19; chưa chú trọng sử dụng các phương tiện thông tin, truyền thông trong vận động bầu cử. Việc xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo một số nơi còn chậm. Công tác tuyên truyền có nơi chưa thật sự có tác động rộng rãi trong toàn dân, việc hướng dẫn một số khẩu hiệu tuyên truyền, phát hành băng đĩa tuyên truyền về bầu cử bằng tiếng dân tộc còn gặp khó khăn. Một số nơi, việc bố trí kinh phí còn hạn chế. Một số địa phương lập danh sách cử tri còn chưa chính xác, thiếu thông tin theo quy định.
“Đặc biệt, tình hình dịch bệnh Covid 19 trên thế giới và trong nước diễn biến phức tạp, xuất hiện nhiều biến thể mới của virus, trong khi đó, vẫn còn tình trạng người về từ vùng dịch không khai báo y tế trung thực, người dân còn chủ quan, không đeo khẩu trang nơi công cộng hoặc còn tụ tập đông người, chưa thực hiện tốt 5K theo hướng dẫn của Bộ Y tế nên khả năng lây lan dịch bệnh trong cộng đồng là rất lớn, ảnh hưởng đến việc triển khai công tác bầu cử. Có nơi còn chưa chủ động xây dựng các phương án bảo vệ khu vực bỏ phiếu, hòm phiếu, phương án phòng, chống dịch bệnh Covid -19 khi có cử tri bị sốt, hoặc phương án bỏ phiếu trong trường hợp bị cách ly”, ông Bùi Văn Cường cho biết.
9 nhiệm vụ trọng tâm
Tại Hội nghị, Chánh Văn phòng Hội đồng Bầu cử quốc gia cũng nêu 9 nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện trong thời gian tới. Cụ thể là:
Tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị số 45-CT/TW ngày 20.6.2020 của Bộ Chính trị, các nghị quyết của Quốc hội, Hội đồng bầu cử quốc gia, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, chỉ đạo của tỉnh ủy, thành ủy và các văn bản hướng dẫn về công tác bầu cử; thực hiện nghiêm các Chỉ thị, công điện của Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19. Chủ động xây dựng các phương án, dự lường các tình huống liên quan đến dịch bệnh covid 19 và tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của địa phương, đảm bảo tổ chức thành công cuộc bầu cử
Hoàn thành việc tổ chức các hội nghị tiếp xúc cử tri và công tác vận động bầu cử của những người ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp. Tập huấn cụ thể, sâu sát cho các tổ chức bầu cử, nhất là Tổ bầu cử. Chỉ đạo việc cấp phát kinh phí còn lại, bổ sung kinh phí cho những địa phương đặc biệt khó khăn, chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất và điều kiện cần thiết phục vụ ngày bầu cử; bảo đảm kịp thời, tiết kiệm, hiệu quả.
Chỉ đạo tăng cường, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về bầu cử, đặc biệt là về ý nghĩa của cuộc bầu cử, ngày bầu cử, danh sách những người ứng cử, cách thức bỏ phiếu… đấu tranh, phản bác các thông tin xấu độc về cuộc bầu cử, tạo không khí phấn khởi, hồ hởi trong nhân dân bằng các hình thức tuyên truyền đa dạng, sinh động, hiệu quả để cử tri, nhất là các cử tri bước vào độ tuổi đi bầu nắm được thông tin, tích cực tham dự bỏ phiếu đông đủ, đúng giờ; đẩy mạnh trang trí, trang hoàng ở các khu dân cư, khu công cộng, điểm bỏ phiếu… Hội đồng bầu cử Quốc gia tổ chức họp báo về công tác chuẩn bị cho ngày bầu cử (dự kiến ngày 21.5.2021).
Rà soát kỹ các phương án bảo đảm an ninh, trật tự cho cuộc bầu cử. Giao ban thường xuyên, phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng bảo vệ bầu cử. Tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, bị động, bất ngờ. Kiên quyết không để các thế lực thù địch, phản động lôi kéo quần chúng, phá hoại cuộc bầu cử. Bảo đảm thông tin thông suốt, kịp thời, chính xác.
Các đồng chí thành viên Hội đồng bầu cử quốc gia được phân công theo dõi các địa bàn theo Nghị quyết số 226/NQ-HĐBCQG ngày 12.4.2021, từ nay đến ngày bầu cử, chủ động triển khai kế hoạch, nắm bắt thông tin báo cáo Hội đồng bầu cử quốc gia để kịp thời xử lý những tình huống bất thường và giải quyết những vấn đề phát sinh có thể xảy ra. Các địa phương chủ động báo cáo Hội đồng Bầu cử quốc gia các vấn đề phát sinh cần xử lý để xin ý kiến chỉ đạo.
Nhận và kiểm tra biên bản xác định kết quả bầu cử của các Ủy ban bầu cử ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Ban bầu cử; lập biên bản tổng kết cuộc bầu cử ĐBQH trong cả nước, gửi đến Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và trình Quốc hội khóa mới.
Công bố kết quả bầu cử và danh sách những người trúng cử đại biểu Quốc hội Khóa XV trong cả nước chậm nhất là 20 ngày sau ngày bầu cử; công bố danh sách những người trúng cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 chậm nhất là 10 ngày sau ngày bầu cử; xem xét, giải quyết khiếu nại về kết quả bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân.
Chuyển các hồ sơ khiếu nại, tố cáo, kiến nghị liên quan đến công tác bầu cử mà chưa được giải quyết đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực HĐND các cấp để tiếp tục xem xét, yêu cầu cơ quan có thẩm quyền giải quyết.
Báo cáo tổng kết cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XV và kết quả xác nhận tư cách của người trúng cử đại biểu Quốc hội Khóa XV tại Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội Khóa XV. Bàn giao biên bản tổng kết và hồ sơ tài liệu về bầu cử đại biểu Quốc hội cho Ủy ban thường vụ Quốc hội. Tổng kết cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.
Theo thống kê, toàn quốc có tổng cộng 69.198.594 cử tri với 84.767 khu vực bỏ phiếu. Đến ngày 3.5.2021, các Tổ bầu cử đã hoàn thành việc niêm yết danh sách người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV, ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp theo đơn vị bầu cử và tiểu sử tóm tắt của người ứng cử bảo đảm chính xác, rõ ràng, đúng tiến độ theo luật định. Trước diễn biến phức tạp của tình hình dịch covid-19, theo chỉ đạo của Hội đồng bầu cử quốc gia, các địa phương đã rà soát, cập nhật bổ sung danh sách cử tri, có các phương án xử lý, bảo đảm tất cả các cử tri đủ điều kiện đều được thực hiện quyền bầu cử.
Tính đến 17 giờ ngày 14.5.2021, Tiểu ban Giải quyết khiếu nại, tố cáo của Hội đồng bầu cử quốc gia tiếp nhận được 164 đơn thư của công dân có nội dung khiếu nại, tố cáo và phản ánh về công tác bầu cử và ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Qua phân loại có 12 đơn tố cáo, phản ánh về người ứng cử đại biểu Quốc hội; 112 đơn tố cáo, phản ánh về người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp; 34 đơn tố cáo, phản ánh về việc lấy ý kiến cử tri nơi công tác và lấy ý kiến cử tri nơi cư trú, 06 đơn không liên quan đến bầu cử. Tiểu ban Giải quyết khiếu nại, tố cáo của Hội đồng bầu cử quốc gia đã chuyển đến các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét, giải quyết 69 đơn; xếp lưu 95 đơn (62 đơn trùng; 33 đơn không rõ nội dung, đơn không liên quan đến bầu cử). Đến nay, công tác xác minh, giải quyết đang được đẩy nhanh, đảm bảo quy định của pháp luật bầu cử và các quy định khác của pháp luật.