Huy động lực lượng tham gia thu hoạch nông sản
An Giang có khoảng 1,4 triệu tấn lúa hè thu đang vào giai đoạn thu hoạch và tiêu thụ. Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư cho biết, tỉnh có chủ trương hỗ trợ xét nghiệm Covid-19 cho những lao động đăng ký tham gia hỗ trợ nông dân thu hoạch, vận chuyển lúa. Ông đề nghị Sở Giao thông Vận tải khẩn trương hướng dẫn thủ tục vận chuyển hàng hóa qua các địa bàn đang giãn cách theo Chỉ thị 16 để hàng hóa đến với người dân nhanh nhất, chi phí giảm thiểu nhất.
Tỉnh Đồng Tháp cũng đã lên kịch bản có thể huy động lực lượng quân đội, công an hỗ trợ người dân thu hoạch nông sản trong tình hình dịch căng thẳng hơn, ảnh hưởng toàn diện đến đời sống của người dân, trong đó có hoạt động xuất khẩu nông sản. Ngoài lúa gạo, các loại trái cây, hoa cảnh, thủy sản cũng được tỉnh Đồng Tháp hỗ trợ. Tỉnh sẽ huy động các kho cấp đông, trữ lạnh, bảo quản, thiết bị sấy nông sản của các doanh nghiệp để hỗ trợ người dân sơ chế, bảo quản nông sản và kết nối với các hệ thống phân phối, doanh nghiệp, chợ, điểm bán nông sản thị trường nội địa và các kênh bán hàng trực tuyến. Trường hợp cần thiết, các địa phương có thể đề nghị đoàn viên, thanh niên, quân đội hỗ trợ.

Sau một tuần thực hiện giãn cách, ngành công thương TP. Cần Thơ từng bước có giải pháp phù hợp đưa trái cây, nông sản vào siêu thị và chợ. Giám đốc Sở Công thương TP. Cần Thơ Hà Vũ Sơn cho biết, thành phố hiện có 22.830 ha trồng cây ăn trái, sản lượng thu hoạch 83.016 tấn. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều mặt hàng nông sản đang gặp khó đầu ra. Sở Công thương phối hợp với Sở NN - PTNT đề nghị các siêu thị ưu tiên nhận nông sản của địa phương để giảm chi phí vận chuyển, vừa giải quyết được đầu ra cho nông dân, vừa đưa thực phẩm tươi ngon đến người tiêu dùng với chi phí thấp nhất. TP. Cần Thơ đang có kế hoạch đưa chợ xuống phố, xây dựng các điểm bán hàng ngoài trời, các xe bán hàng lưu động và có kế hoạch ưu tiên tiêm ngừa cho bà con tiểu thương.
Khơi luồng xanh để thông thương hàng hóa
Cùng áp dụng Chỉ thị 16, nhưng với điều kiện và hoàn cảnh đặc thù, tỉnh Hậu Giang và Bạc Liêu vẫn cho các chợ truyền thống hoạt động với điều kiện đảm bảo chặt chẽ các tiêu chí an toàn phòng chống dịch.

Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Đồng Văn Thanh đã yêu cầu tạm dừng tất cả các loại hình kinh doanh dịch vụ không cần thiết trên địa bàn tỉnh. Để bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm cho người dân và giúp nông dân tiêu thụ sản phẩm, lãnh đạo tỉnh cũng yêu cầu Sở Giao thông - Vận tải chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan hướng dẫn tổ chức giao thông, bảo đảm vận hành thông suốt, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các xe chở hàng hóa, nguyên, nhiên vật liệu phục vụ sản xuất, đời sống thiết yếu cho người dân, các chuyên gia và công nhân.
Đối với các chợ truyền thống, chỉ tạm dừng hoạt động và thực hiện các biện pháp khắc phục nếu không đảm bảo các tiêu chí an toàn phòng chống dịch. Chị Nguyễn Hồng Loan, người dân huyện Long Mỹ cho biết, các loại hình kinh doanh siêu thị, chuỗi cửa hàng bách hóa chưa bao phủ ở Hậu Giang, nếu không cho các chợ truyền thống hoạt động người dân sẽ bị cắt nguồn cung cấp lương thực, thực phẩm.
Kèm quyết định giãn cách xã hội, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều chỉ đạo “tinh thần chung là vẫn bảo đảm duy trì các dịch vụ, mặt hàng thiết yếu, nhất là lương thực, thực phẩm và thuốc điều trị bệnh". Do đó, tỉnh cho phép duy trì hoạt động của các chợ truyền thống, riêng chợ tự phát phải dừng hoạt động. Các siêu thị, các cửa hàng kinh doanh lương thực, thực phẩm, các nhà thuốc, cửa hàng thuốc được mở cửa song phải đảm bảo cao nhất các yêu cầu phòng chống dịch, nhất là 5K.
Tỉnh Kiên Giang cũng đã xây dựng kế hoạch đưa hàng hóa về các địa phương, trong đó có đảo Phú Quốc. Ông Lê Việt Bắc, Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải tỉnh cho biết: “Việc vận chuyển hàng hóa được duy trì nhưng phải theo quy định và hoạt động trong luồng xanh. Hiện nay phương tiện vận chuyển hàng hóa đến Kiên Giang sẽ đi theo 4 tuyến: đường bộ theo quốc lộ N1; cao tốc Lô Tẻ- Rạch Sỏi; Quốc lộ 61; và đường hành lang ven biển phía nam. Tuy nhiên các phương tiện và người tham gia hoạt động này phải được cấp thẻ nhận diện”.
Ở Tiền Giang, trong sáng 19.7, các doanh nghiệp, hợp tác xã ở huyện Châu Thành đã đưa hàng nông sản xuống tàu cao tốc, khởi hành chuyến vận chuyển luồng xanh đầu tiên với 40 tấn hàng hóa là các mặt hàng rau củ quả tươi đến TP. Hồ Chí Minh.