Nâng cao vị thế và uy tín của Hải quan Việt Nam trong cộng đồng Hải quan ASEAN

Cùng với xu thế hội nhập, công tác hợp tác, hội nhập quốc tế của Hải quan Việt Nam đã đi vào chiều sâu, thực chất, góp phần thúc đẩy tiến trình cải cách, phát triển và hiện đại hóa hải quan. Trong khuôn khổ hợp tác hải quan tại cộng đồng Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Hải quan Việt Nam luôn là thành viên tích cực trong việc thực hiện các chương trình sáng kiến hợp tác hải quan khu vực.

Nỗ lực khẳng định uy tín, vị thế

Theo đánh giá của Vụ Hợp tác quốc tế, Tổng cục Hải quan, vị thế của Hải quan Việt Nam trong ASEAN từng bước được nâng cao thông qua việc đưa ra các sáng kiến hợp tác, hội nhập ASEAN được cộng đồng Hải quan ASEAN ghi nhận. Đặc biệt là có những đề xuất trong thay đổi cơ chế hoạt động mang lại hiệu quả, minh bạch hơn.

Minh chứng là năm 1995, lần đầu tiên Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị Tổng cục trưởng Hải quan ASEAN - đây dấu mốc quan trọng của Hải quan Việt Nam với cộng đồng Hải quan ASEAN. Năm 2004, Hội nghị Tổng cục trưởng Hải quan ASEAN 12 được tổ chức tại Hà Nội - đánh dấu quá trình tiếp cận ban đầu của Hải quan Việt Nam với Hải quan quốc tế, bắt đầu bước phát triển mới theo định hướng hiện đại hóa. Tháng 6.2014 tại Đà Lạt, Hải quan Việt Nam tiếp tục đăng cai, tổ chức thành công Hội nghị Tổng cục trưởng Hải quan ASEAN lần thứ 23 tiếp tục khẳng định vị thế của Hải quan Việt Nam trong hợp tác quốc tế và hiện đại hóa hải quan.

Bên cạnh việc tham gia xây dựng và thực hiện các kế hoạch, chiến lược phát triển Hải quan ASEAN (SPCD); Cơ chế một cửa ASEAN (ASW); Cơ chế quá cảnh hải quan ASEAN (ACTS); Hiệp định Hải quan ASEAN mới; xây dựng và rà soát Danh mục Biểu thuế hài hòa ASEAN (AHTN) trên phiên bản HS cập nhật... Hải quan Việt Nam còn tham gia sâu rộng trong các chương trình hợp tác với các nước đối thoại và đối tác của ASEAN như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia, New Zealand, Mỹ trong việc hỗ trợ kỹ thuật nghiệp vụ hải quan.

Nâng cao vị thế và uy tín của Hải quan Việt Nam trong cộng đồng Hải quan ASEAN -0
Hội nghị Tổng cục trưởng Hải quan ASEAN lần thứ 32 được tổ chức từ ngày 6-8.6.2023 tại Pattaya, Thái Lan. Ảnh: ITN

Điển hình, trong năm 2023, Hải quan Việt Nam đã hoàn thành và triển khai Danh mục AHTN; triển khai ACTS; ký và triển khai thỏa thuận công nhận lẫn nhau về DN ưu tiên trong ASEAN (AAMRA); trao đổi thông tin Tờ khai hải quan ASEAN (ACDD) và Chứng nhận kiểm dịch điện tử (e-phyto) qua ASW. Ngoài ra, Hải quan Việt Nam chủ trì, phối hợp với Cơ quan Hải quan và Bảo vệ biên giới Úc tổ chức thành công Chương trình đào tạo cán bộ lãnh đạo hải quan cấp trung (JCMMP) lần thứ 6 vào tháng 10.2023.

Cũng trong năm 2023, với vai trò là chủ tọa trong đàm phán "Chương Thủ tục hải quan" và tạo thuận lợi thương mại của Hiệp định Thương mại tự do ASEAN- Canada, Hải quan Việt Nam đã hoàn thành mục tiêu đề ra của Ủy ban đàm phán. Trong vai trò là thành viên, Hải quan Việt Nam đã tích cực tham gia đàm phán nâng cấp các Hiệp định ASEAN - Trung Quốc, ATIGA và bước đầu khởi động đàm phán nâng cấp Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN - Ấn Độ.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, ngày 8.9.2015, Việt Nam chính thức thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia (NSW) và kết nối kỹ thuật ASW. Tính đến ngày 15.2.2024, NSW đã có 250 thủ tục hành chính của 13 bộ, ngành kết nối với sự tham gia của hơn 69,5 nghìn doanh nghiệp.

Theo Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Tài chính, kết quả đạt được trong hợp tác về lĩnh vực hải quan nhằm mục đích bảo vệ lợi ích kinh tế và ngăn chặn, phòng chống các vi phạm về hải quan, tạo thuận lợi thương mại, đầu tư và giao lưu đi lại giữa Việt Nam và các nước, đồng thời tranh thủ được nguồn hỗ trợ kỹ thuật nghiệp vụ, trang thiết bị... phục vụ quá trình cải cách, hiện đại hóa hải quan.

Đẩy mạnh cải cách, phát triển và hiện đại hóa hải quan

Cùng với xu thế chung về hội nhập và phát triển hiện nay trên thế giới, ASEAN luôn có những giải pháp kịp thời khuyến khích các nước thành viên tạo thuận lợi tối đa cho thương mại hợp pháp thông qua tăng cường hợp tác hải quan. Hiện nay, các nước thành viên của ASEAN đang nỗ lực áp dụng các kỹ thuật quản lý hải quan hiện đại, đặc biệt là những chuẩn mực được nêu trong Công ước Kyoto sửa đổi với mục tiêu giảm thời gian giải phóng hàng hoá xuống còn 1 đến 6 giờ tuỳ theo điều kiện của từng nước.

Đặc biệt, năm 2024, Hải quan Việt Nam đảm nhận vai trò Chủ tịch tổ chức đăng cai Hội nghị Tổng cục trưởng Hải quan ASEAN lần thứ 33, dự kiến tổ chức vào tháng 6. Với vai trò là chủ tịch, Hải quan Việt Nam sẽ tích cực thúc đẩy, giữ vai trò kết nối các nước thành viên để tiếp tục triển khai và hoàn thành các sáng kiến hợp tác hải quan quan trọng trong ASEAN như: trao đổi chứng từ điện tử, doanh nghiệp ưu tiên, thương mại điện tử...

Trong tiến trình chung của hợp tác hải quan ASEAN, Hải quan Việt Nam tiếp tục thực hiện các sáng kiến đang triển khai và nghiên cứu một số nội dung mới như: trao đổi thông tin dữ liệu thương mại điện tử giữa các cơ quan Hải quan và doanh nghiệp thương mại điện tử, rà soát và tháo gỡ các điểm vướng mắc trong quy trình giải phóng hàng.

Hải quan Việt Nam có quan điểm đồng thuận, thống nhất và ủng hộ các sáng kiến hoạt động hợp tác hải quan trong ASEAN nói chung với mục tiêu đơn giản hóa thủ tục hải quan, tạo thuận lợi thương mại và tăng cường hiệu quả kiểm soát hải quan theo các tiêu chuẩn và thông lệ quốc tế.

Do đó, Hải quan Việt Nam sẽ phối hợp tiếp tục tham vấn và hợp tác về hỗ trợ kỹ thuật với các đối tác như: Australia, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, các Hội đồng kinh doanh EU-ABC, US-ABC trong một số lĩnh vực ưu tiên gồm: Doanh nghiệp ưu tiên, Hải quan số, mô hình Hải quan thông minh...

Xã hội

Hà Nội: Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá vận hành thử nghiệm từ 1.12.2024
Môi trường

Hà Nội: Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá vận hành thử nghiệm từ 1.12.2024

Thông tin từ Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật và nông nghiệp thành phố Hà Nội cho biết, gói thầu số 1 xây dựng Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá và gói thầu số 2 xây dựng hệ thống cống bao cho sông Tô Lịch và cống chính cơ bản đã hoàn thành và đưa vào vận hành thử vào ngày 1.12 tới.

Các đại biểu tham dự chương trình. Ảnh: Lăng Dành
Xã hội

Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin nắm bắt tình hình

Trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã thành lập trên 2.100 Tổ Dân vận cộng đồng ở 100% thôn, bản, tổ dân phố, trong đó có vùng đồng bào dân tộc thiểu số để nắm tình hình và đề xuất các cấp ủy Đảng, chính quyền giải quyết những vấn đề liên quan đến người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Các tổ dân vận đã tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong nắm bắt tình hình thông qua thành lập các nhóm Zalo “Tổ Dân vận nòng cốt vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi”.

Tổng kết dự án tăng cường khả năng chống chịu rủi ro thiên tai cho đồng bào dân tộc thiểu số
Xã hội

Tổng kết dự án tăng cường khả năng chống chịu rủi ro thiên tai cho đồng bào dân tộc thiểu số

Ngày 22.11, tại Thành phố Điện Biên Phủ, World Vision International tại Việt Nam đã tổ chức hội thảo tổng kết dự án "Tăng cường khả năng chống chịu rủi ro thiên tai cho đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Điện Biên" (IREM). Dự án do Liên minh cứu trợ Đức (ADH) tài trợ và được triển khai bởi World Vision trong 14 tháng (10.2023-11.2024).