![]() Phim Die Frau des Polizisten |
Đạo diễn Paul Scharader, người từng làm các phim Taxi Driver và Raging Bull đình đám thập kỷ 70, 80 của thế kỷ trước nhận xét: “Tình hình kinh tế suy thoái đã góp phần thay đổi đáng kể nền công nghiệp điện ảnh. Công việc kinh doanh phim ảnh đang thay đổi một cách có hệ thống. Tất cả những gì chúng ta từng biết trong quá khứ đều không áp dụng được nữa. Thay vào đó là những kiểu làm “khó ló khôn” và các nhà làm phim đành phải chấp nhận, trong một chừng mực nào đó”. Paul Scharader mới hoàn thành Canyon, một bộ phim kinh phí thấp có sự tham gia của ngôi sao quậy Lindsay Lohan.
Còn đạo diễn lừng danh người Mexico Alfonso Cuaron tiết lộ, Gravity, bộ phim chiếu khai mạc LHP Venice 2013 của ông suýt “vỡ kế hoạch” vì bị ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế. Bản thân các nhà tổ chức LHP Venice cũng đã khá chật vật khi phải xoay sở với chi phí quảng cáo và triển lãm tăng cao, trong khi các nhà sản xuất tham gia LHP muốn cắt giảm chi tiêu để đỡ nặng gánh và đạt hiệu quả kinh tế cao hơn.
Không chỉ tác động lên kinh phí và cách thức làm phim, suy thoái kinh tế còn ảnh hưởng đến nội dung của các bộ phim, điều này thể hiện rõ trong các phim dự LHP Venice vừa qua. Trong Joe của đạo diễn David Gordon Green, thực hiện dựa trên cuốn tiểu thuyết cùng tên của Larry Brown, cảnh nghèo đói do suy thoái kinh tế hiện diện khắp nơi, từ cảnh nhân vật chính lái xe chở người lao động da đen vào khu rừng để dọn sạch ô nhiễm và rác thải, cho đến cảnh những người hàng xóm sống trong túp lều xiêu vẹo và sống bằng xác những con thú hoang bị xe cộ va phải trên đường. Joe kể về một người đàn ông cố gắng chuộc lại những lỗi lầm trong quá khứ khi anh gặp một cậu thanh niên đang gặp rắc rối. Vai Joe do Nicolas Cage đảm nhiệm, đây là vai diễn duy nhất của anh trong suốt một năm ròng không đóng phim. Cage chia sẻ: “Tôi luôn cẩn trọng lựa chọn kịch bản phù hợp, và tôi thích Joe ngay khi đọc kịch bản, bởi phim phản ánh được một cách chân thật những điều đang diễn ra trong xã hội. Đối với tôi, đó là cơ hội để trở thành một nhân vật có tính cách và thế giới nội tâm sâu sắc, được phát triển qua nhiều lớp kịch bản”.
Phim Die Frau des Polizisten (Vợ cảnh sát) kể về một gia đình trẻ sống ở tỉnh lẻ tại Đức, không để tâm đến cuộc sống đang từng bước bị đẩy vào tình trạng bạo lực. Đạo diễn Philip Groening cho biết, bộ phim chủ yếu nói về trạng thái tâm lý và tình cảm của con người, trong đó suy thoái kinh tế cũng có vai trò. “Phim không chỉ đề cập đến tình trạng bạo lực, mà còn nói về tình cảm giữa mẹ và con gái. Sự nghèo đói cũng được mô tả như một tác nhân. Chúng tôi tách mái các ngôi nhà ra để có thể rọi vào từng gia đình. Chúng tôi đưa vào phim những cảnh đời giống như đưa cuộc sống gia đình lên soi trên kính hiển vi”. Phim sử dụng phần lớn các chi tiết lặt vặt, đối thoại hàng ngày được ứng biến, tuy nhiên bộ phim không đi sâu vào các cảnh bạo lực. Đạo diễn Groening muốn khán giả xem bằng cảm nhận từ chính cuộc sống gia đình của mình.
Bộ phim của nước chủ nhà Italy L’Intrepido cũng đề cập đến tình trạng suy thoái kinh tế đẩy con người đến những công việc “tưởng chừng không thể”, khi kể về một người thất nghiệp kiếm sống bằng cách “đóng thế” những công nhân phải vắng mặt bất chợt trong công việc vì lý do nào đó. Đại diện của điện ảnh Đài Loan Jiaoyou (Chó lạc), đạo diễn Thái Minh Lượng, nói về ba cha con thuộc tầng lớp đáy của xã hội, vật lộn kiếm sống để tồn tại giữa chốn đô thị phồn hoa hiện đại. Jiaoyou được yêu thích và đánh giá cao, thậm chí nhiều nhà phê bình cho rằng Jiaoyou xứng đáng với giải Sư tử vàng năm nay.
Phim ảnh phản ánh thực tế cuộc sống, và LHP danh tiếng hàng đầu thế giới Venice năm nay đúng là tấm gương phản ánh hiện thực. Với tình trạng khó khăn chưa có dấu hiệu thuyên giảm, có lẽ phim ảnh năm sau chưa thể sáng sủa hơn.