Củng cố, kiện toàn về tổ chức
Theo Bộ Tư pháp, qua 12 năm thi hành Luật Giám định tư pháp và 5 năm thực hiện Đề án Tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp, công tác giám định tư pháp đã đạt được những kết quả quan trọng; hệ thống tổ chức giám định tư pháp được củng cố, phát triển.
Cả nước hiện có 3 tổ chức pháp y ở Trung ương; 55/63 tỉnh, thành phố hoạt động theo mô hình Trung tâm pháp y; 7 tổ chức pháp y tâm thần được thành lập (2 viện và 5 trung tâm tại các khu vực); có 66 tổ chức giám định kỹ thuật hình sự và 580 tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc ở các lĩnh vực: tài chính, ngân hàng, xây dựng, tài nguyên môi trường, thông tin truyền thông...
Đội ngũ người giám định tư pháp không ngừng được phát triển. Đến nay, đội ngũ giám định viên tư pháp ở các lĩnh vực trong toàn quốc là 7.135 người. Trong đó, số giám định viên tư pháp do UBND cấp tỉnh bổ nhiệm là 4.081 người; do Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ bổ nhiệm là 3.054 người. Ngoài ra, trên toàn quốc còn có 2.621 người giám định tư pháp theo vụ việc.
Tuy nhiên, theo đại diện Bộ Tư pháp, phần lớn đội ngũ người làm giám định tư pháp tại một số lĩnh vực còn thiếu kiến thức pháp lý cần thiết trong hoạt động giám định tư pháp và kỹ năng nghiệp vụ giám định; chủ yếu dựa vào kiến thức, nghiệp vụ chuyên môn thuần túy để thực hiện giám định, ít có cơ hội cập nhật kiến thức mới nên còn nhiều lúng lúng, khó khăn khi thực hiện giám định, tham gia tố tụng hoặc tương tác với cơ quan trưng cầu, người tham gia tố tụng có liên quan. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng, hiệu quả hoạt động giám định.
Trừ một số giám định viên chuyên trách ở lĩnh vực pháp y, pháp y tâm thần, kỹ thuật hình sự; phần lớn người giám định ở các lĩnh vực có tâm lý e ngại, không muốn làm giám định tư pháp vì liên quan đến điều tra, truy tố, xét xử... Trong khi đó, chế độ đãi ngộ về vật chất rất thấp (150.000 đồng/ngày làm giám định đủ 8 tiếng theo Quyết định số 01/2014/QĐ-TTg về chế độ bồi dưỡng giám định tư pháp); thậm chí là nhiều trường hợp không được chi trả, thanh toán. Thực tế đã có người tìm lý do từ chối giám định hoặc khi được cử làm giám định lại không chủ động, tích cực trong việc giám định; thậm chí cá biệt có trường hợp cơ quan điều tra phải đề nghị thay đổi người giám định để bảo đảm kết quả giám định phục vụ điều tra.
Bổ sung, hoàn thiện chính sách đãi ngộ
Đại diện Sở Tư pháp Hà Nội cho biết, trên địa bàn thành phố có 57 giám định viên tư pháp thuộc các lĩnh vực pháp y, kỹ thuật hình sự và 153 người giám định tư pháp theo vụ việc thuộc các lĩnh vực: thuế, ngân hàng, giao thông vận tải, khoa học và công nghệ, tài chính, kế hoạch và đầu tư, thông tin và truyền thông, văn hóa và thể thao, tài nguyên và môi trường. Nhìn chung, đội ngũ người giám định tư pháp theo vụ việc đáp ứng các tiêu chuẩn, yêu cầu giám định, có trình độ chuyên môn ở lĩnh vực được đào tạo, có tinh thần trách nhiệm, phối hợp tốt với các cơ quan tố tụng trong quá trình giám định, tham gia bảo vệ kết luận giám định tại phiên tòa.
Tuy nhiên, trước thực trạng số lượng vụ việc, yêu cầu giám định ngày càng nhiều, phức tạp; đội ngũ giám định viên thiếu về số lượng; người thực hiện giám định theo vụ việc chủ yếu là kiêm nhiệm; đại diện Sở Tư pháp Hà Nội kiến nghị, Bộ Tư pháp sớm đề xuất Chính phủ hoàn thiện chính sách đãi ngộ, thu hút nhân lực làm giám định tư pháp, đặc biệt là người giám định tư pháp theo vụ việc.
Nhiều ý kiến cho rằng, các bộ, ngành cần thường xuyên mở các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ giám định để nâng cao năng lực chuyên môn cho giám định viên tư pháp; chú trọng tập huấn các nội dung có chuyên môn sâu về kỹ năng giám định, kỹ năng sử dụng các phương tiện, thiết bị giám định hiện đại; tăng cường hướng dẫn nghiệp vụ, giải đáp các khó khăn, vướng mắc cho địa phương về công tác giám định tư pháp. Đồng thời, thường xuyên bồi dưỡng kiến thức pháp lý cho giám định viên tư pháp; có chính sách củng cố, kiện toàn tổ chức hoạt động của các tổ chức giám định theo hướng nâng cao tính chuyên nghiệp trong hoạt động, quản lý.
Là địa phương có số lượng án phải giải quyết nhiều nhất cả nước; tính chất và mức độ của từng loại án cũng rất phức tạp; ông Phan Thanh Tùng, Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP. Hồ Chí Minh cho biết, từ ngày 1.1.2018 - 30.6.2023, số vụ việc giám định trong lĩnh vực pháp y tại TP. Hồ Chí Minh là 58.080 vụ việc, trong lĩnh vực kỹ thuật hình sự là 65.783 vụ việc... Việc giám định cơ bản thực hiện đúng trình tự, thủ tục, thời hạn theo quy định. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, người làm giám định, tổ chức giám định đã chủ động phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng và các cơ quan, tổ chức có liên quan nên đã đáp ứng yêu cầu của công tác điều tra, truy tố, xét xử.
Tuy nhiên, hoạt động giám định tư pháp cũng gặp không ít khó khăn, vướng mắc. Đơn cử như phạm vi các lĩnh vực được phép thành lập văn phòng giám định tư pháp còn hẹp; điều kiện thành lập văn phòng giám định tư pháp không khả thi; quy định về các trường hợp miễn nhiệm giám định viên tư pháp chưa phù hợp với thực tế, dẫn đến khó khăn không có nguồn giám định viên để thực hiện chủ trương xã hội hóa hoạt động giám định tư pháp.
Trên cơ sở đó, Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP. Hồ Chí Minh kiến nghị, Bộ Tư pháp phối hợp với các bộ, ngành nghiên cứu, bổ sung quy định về việc thành lập văn phòng giám định tư pháp; hoàn thiện quy định về miễn nhiệm giám định viên tư pháp, theo hướng không miễn nhiệm giám định viên tư pháp đã nghỉ hưu, nghỉ việc còn đủ điều kiện và có nguyện vọng tiếp tục tham gia hoạt động giám định tư pháp. Đồng thời, kiến nghị Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Tư pháp và các bộ, ngành nghiên cứu, có cơ chế ưu đãi để khuyến khích các nguồn lực xã hội đầu tư vào hoạt động giám định tư pháp; xây dựng chế độ đãi ngộ tương xứng để thu hút chuyên gia giỏi trên các lĩnh vực tham gia vào hoạt động giám định tư pháp...