Đời làm quan của Nguyễn Trãi

Nguyễn Trãi (1380 - 1442) sinh ra trong gia đình quý tộc. Ông ngoại là Băng Hồ Trần Nguyên Đán từng giữ chức Tư đồ thời Trần, một trụ cột triều đình. Cha là Nguyễn Ứng Long đỗ tiến sĩ năm 1374 làm quan cùng triều với nhạc phụ. Thuở nhỏ Nguyễn Trãi ở cùng ông ngoại và được tiếp thu nền giáo dục chu đáo ngay từ gia đình.

Đời làm quan của Nguyễn Trãi ảnh 1
Minh họa của Thuý Hằng

Bấy giờ triều Trần suy yếu, vua Chiêm là Chế Bồng Nga nhiều lần đem quân đánh chiếm, có lần đánh đến tận kinh thành Thăng Long. Năm 1400 phụ chính thái sư Hồ Quý Ly đã phế bỏ vua Trần Thiếu Đế, tự phong làm vua, lập ra triều Hồ. Trước đó, năm 1397 Hồ Quý Ly đã cho lập trường học và đặt chức giáo thụ ở các địa phương nhằm đề cao công việc đào tạo nhân tài. Do đó, ngay khi lập nước, nhà Hồ đã tổ chức ngay khoa thi Thái học sinh. Nguyễn Trãi, lúc này vừa tròn hai mươi tuổi, ứng thí và đỗ cùng nhiều tài danh khác như Lưu Thúc Kiệm, Lý Tử Tấn, Vũ Mộng Nguyên, Nguyễn Mộng Tuân… Mặc dù còn rất trẻ nhưng Nguyễn Trãi đã được nhà Hồ tin cậy giao chức Ngự sử đài chánh chưởng, chức quan như Đô ngự sử đài, một trong những chức quan đại thần đầu triều. Lúc này thân phụ ông đổi tên là Nguyễn Phi Khanh cũng ra làm quan, được cử giữ chức Học sĩ Viện hàn lâm kiêm Tư nghiệp Quốc Tử Giám, một chức quan chuyên về giáo dục nhưng cũng là đại thần, thường do Thượng thư bộ Lễ đảm nhận.

Thời gian làm quan dưới triều Hồ không lâu, vì năm 1407 quân Minh sang xâm lược đã bắt được toàn bộ triều Hồ giải về nước, trong đó có Nguyễn Phi Khanh. Theo yêu cầu của cha, Nguyễn Trãi ra hàng và chịu làm môn khách của thượng thư Hoàng Phúc nhà Minh, một hình thức giam lỏng. Trong thời gian này, Nguyễn Trãi đọc nhiều sách và tìm hiểu kỹ điểm mạnh, điểm yếu của nhà Minh để đề ra sách lược cứu nước Bình Ngô sách.

Sau khi thoát khỏi sự giam lỏng của quân Minh, Nguyễn Trãi tìm đến với nghĩa quân Lam Sơn, nơi quy tụ sức mạnh dân tộc chủ yếu lúc bấy giờ. Sau khi dâng Bình Ngô sách, Nguyễn Trãi được chủ soái Lê Lợi giao cho chức Tuyên phụng đại phu, Học sĩ Hàn lâm viện thừa chỉ. Tuy không gọi là quân sư nhưng chức quan này lại bao hàm công việc của quân sư. Nguyễn Trãi là người thay mặt Lê Lợi viết các loại văn kiện chỉ đạo quân đội và giao thiệp với bên ngoài, đồng thời lại là người tuyên đọc các văn kiện đó. Kế sách bình Ngô từng bước được thực hiện trong thực tế chỉ đạo kháng chiến. Theo văn bản còn lại thì năm Nguyễn Trãi đến Lam Sơn có thể là năm 1423 khi nghĩa quân tạm hòa hoãn với quân Minh do Lê Lợi chịu nhận chức quan và được phép trở về Lam Sơn chứ không đóng ở vùng núi Chí Linh nữa. Khi nghĩa quân đóng ở vùng núi tây Thanh Hóa hiểm trở này để tránh sự truy diệt của quân Minh thì Nguyễn Trãi khó có thể tìm thấy. Việc Lê Lợi chịu nhận chức quan của nhà Minh là điều kiện thuận lợi để Nguyễn Trãi tìm đến hợp pháp. Mặt khác, có thể chính Nguyễn Trãi tìm đến còn để khuyến khích chủ soái và nghĩa quân không từ bỏ mục tiêu cứu nước bằng kế sách bình Ngô của mình. Thư tố oan Nguyễn Trãi viết gửi cho các tướng giặc chủ chốt là Sơn Thọ, Mã Kỳ, chính là lời thanh minh khéo léo để giữ thế hòa hoãn tạm thời, cho nghĩa quân bàn tính kế hoạch tác chiến giai đoạn mới. Đó là kế sách tiến quân vào nam. Bí mật di chuyển thoát khỏi sự bao vây của các cánh quân Sơn Thọ, Mã Kỳ, tiến vào đánh chiếm Nghệ An và các vùng đất phía nam quân Minh không mạnh. Chiến dịch này đã thắng lợi rực rỡ. Nghĩa quân làm chủ Nghệ An đến Thuận Hóa, cô lập quân Minh trong một số thành trì. Từ đây nghĩa quân đủ mạnh tiến ra Bắc giải phóng đất nước.

Tháng 11.1426 nghĩa quân Lam Sơn làm chủ hầu hết đất nước, quân Minh bị cô lập ở Đông Quan và một số thành trì khác. Để thu hút được ý chí toàn dân tộc, nhất là tầng lớp quý tộc cũ, nghĩa quân Lam Sơn thực hiện sách lược lập Trần Cảo, một tôn thất nhà Trần làm vua, lấy niên hiệu là Thiên Khánh. Nguyễn Trãi được phong chức Thượng thư bộ Lại, triều liệt đại phu, Nhập nội hành khiển kiêm Xu mật viện sự. Đây là chức quan như tể tướng đầu triều, một chức quan hư hàm của triều đình Thiên Khánh cũng hư hàm. Công việc chính của Nguyễn Trãi vẫn như trước kia. Tại dinh Bồ Đề, ông ngồi ở lầu thứ hai nhận, xử lý và soạn thảo các văn kiện đối nội, đối ngoại, nhất là việc viết thư dụ hàng các thành nhỏ, thúc giục Vương Thông giảng hòa để tập trung cho việc diệt viện binh đang kéo sang.

Tháng 9.1427 nghĩa quân Lam Sơn tiêu diệt toàn bộ hai đạo viện binh của giặc do Liễu Thăng và Mộc Thạnh chỉ huy thì Vương Thông đã phải chấp nhận giảng hòa. Nguyễn Trãi là người soạn Văn hội thề buộc Vương Thông rút hết quân về nước.

Tháng giêng 1428 Lê Lợi lên ngôi hoàng đế, luận công ban thưởng Nguyễn Trãi được phong Quan Phục hầu, dự hàng quốc tính (được đổi theo họ của vua). Rồi xảy ra vụ án Trần Nguyên Hãn, Nguyễn Trãi bị liên can chịu cảnh ngục tù xét tội. Sau khi Trần Nguyên Hãn tự tử, Nguyễn Trãi được tha. Tuy vẫn làm công việc soạn thảo văn kiện quan trọng thay vua nhưng Nguyễn Trãi không còn mang chức vụ chính thức như cũ.

Năm 1434 vua Lê Thái Tông kế vị mới phục chức Hành khiển và Thừa chỉ cho Nguyễn Trãi. Được phục chức nhưng Nguyễn Trãi lại không được làm công việc cũ mà nhận mệnh vua viết sách Dư địa chí. Năm 1435 thì được nhận thêm chức Nhập thị kinh diên để hàng ngày giảng kinh nghĩa cho vua. Tuy vẫn là đại thần dự thiết triều nhưng vai trò của Nguyễn Trãi bị lu mờ bởi sự lộng quyền của các đại thần Lê Sát, Lê Vấn, Lê Ngân.

Năm 1439 Nguyễn Trãi cáo quan về nghỉ ở Côn Sơn. Vua Lê Thái Tông không muốn cho ông nghỉ nên vẫn giao chức cũ và gia thêm chức Đông đài Môn hạ sảnh tả ti Gián nghị đại phu kiêm Tri tam quán sự Đề cử Tư Phúc tự. Nguyễn Trãi dâng Biểu tạ ơn. Chức quan thì to nhưng thực tế Nguyễn Trãi chỉ làm việc quan rất nhỏ là trông coi chùa Tư Phúc, ngôi chùa ở Côn Sơn nơi ông đang ở.

Năm 1442 vua Lê Thái Tông đã trưởng thành và chủ trương mở rộng nền văn trị, đặt nhà học rộng rãi ở các phủ huyện, đặt lệ thi cử với nhiều ân điển hậu đãi kẻ sĩ. Tháng tư năm này mở khoa thi tiến sĩ đầu tiên, lấy đỗ 23 người đủ tam khôi tam giáp. Nền văn trị mới mở rất cần Nguyễn Trãi giúp. Lúc này các lộng thần Lê Sát, Lê Ngân đã bị nhà vua trừ bỏ.

Ngày 27.7 vua thân đi xem duyệt thủy trận ở Hải Đông, xong rẽ vào Côn Sơn thăm Nguyễn Trãi. Ông bằng lòng trở về kinh làm việc nên cho vợ là Lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ theo vua về trước. Trong bài thơ Quan duyệt thủy trận Nguyễn Trãi viết: “Thánh tâm dục dữ dân hưu túc/ Văn tự chung tu trí thái bình” thể hiện rõ nguyện vọng tiếp tục gánh vác việc nước giúp vua của ông. Ngày 3.8 thuyền vua rời bến nhưng mới về đến Lệ Chi Viên thì vua mắc bạo bệnh phải dừng lại nghỉ và qua đời tại đây. Triều đình kết tội Nguyễn Trãi ngầm sai vợ giết vua nên bị tru di tam tộc. Thảm án Lệ Chi Viên làm hỏng kế sách văn trị của triều vua Lê Thái Tông. Phải hai chục năm sau vị vua sáng Lê Thánh Tông mới lại tiếp tục đường lối văn trị này.

Dưới thời vua Lê Thánh Tông phần lớn các bậc công thần khai quốc đều được gia phong tước vị quốc công. Riêng Nguyễn Trãi lại chỉ được phong tước Tán Trù bá, kém các công thần khai quốc khác hai bậc.

Năm 1512 vua Lê Tương Dực mới gia phong đến tước hầu là Tế Văn hầu.

Phải đến thời đại ngày nay, Nguyễn Trãi mới được tôn vinh xứng đáng cả ở trong nước lẫn nước ngoài. Năm 2002 ông được UNESCO vinh danh là danh nhân văn hóa thế giới.

Văn nghệ

Tự hào một dải non sông
Văn hóa - Thể thao

Tự hào một dải non sông

Những ấn phẩm ngợi ca vẻ đẹp quê hương đất nước, ngợi ca chủ nghĩa anh hùng cách mạng là điểm nhấn trong loạt ấn phẩm của nhà xuất bản Kim Đồng chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ Tư, 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Tạo không gian mở phát triển văn học
Văn hóa - Thể thao

Tạo không gian mở phát triển văn học

Văn học chưa có khung pháp lý thống nhất và chi tiết để định hướng, cụ thể hóa chính sách cho tác giả, tác phẩm, hoạt động trong lĩnh vực này. Việc xây dựng, ban hành nghị định về khuyến khích phát triển văn học vừa đáp ứng nhu cầu cấp thiết, vừa mang ý nghĩa quan trọng.

"Giai điệu tri ân" – lời cảm ơn sâu sắc Agribank gửi đến khách hàng
Văn nghệ

"Giai điệu tri ân" – lời cảm ơn sâu sắc Agribank gửi đến khách hàng

Tối mai, 12.12, tại Nhà hát Hồ Gươm sẽ diễn ra chương trình nghệ thuật “Giai điệu tri ân” do Agribank tổ chức. Sự kiện là lời cảm ơn sâu sắc từ Agribank gửi đến những khách hàng, đối tác và cộng đồng - những người đã đồng hành, sẻ chia và cùng kiến tạo những giá trị bền vững trong suốt hành trình phát triển.

Hé lộ sân khấu choáng ngợp của siêu nhạc hội 8WONDER Winter trước giờ G
Văn hóa - Thể thao

Hé lộ sân khấu choáng ngợp của siêu nhạc hội 8WONDER Winter trước giờ G

Toàn bộ phần sân khấu “đóng băng” 8WONDER Winter đã hoàn thiện những khâu setup cuối cùng để sẵn sàng chào đón ban nhạc hàng đầu thế giới Imagine Dragons và dàn Vpop Việt đình đám trước hàng chục ngàn khán giả Sài Thành. Ban nhạc hàng đầu thế giới dự kiến sẽ đến TP. Hồ Chí Minh chiều hôm nay để sẵn sàng cho siêu nhạc hội tại đại đô thị Vinhomes Grand Park.

Để điện ảnh Việt cất cánh
Văn hóa - Thể thao

Để điện ảnh Việt cất cánh

Để điện ảnh Việt Nam thực sự cất cánh và hội nhập thế giới, cần có một chiến lược toàn diện và đồng bộ; giải pháp không chỉ giúp nâng cao chất lượng phim mà còn phải thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành công nghiệp này.

Giải pháp cho vấn đề bản quyền âm nhạc
Văn hóa - Thể thao

Giải pháp cho vấn đề bản quyền âm nhạc

Dù đã có cải thiện, nhưng vi phạm bản quyền âm nhạc tại Việt Nam vẫn là vấn đề nan giải. Theo Tổng Giám đốc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC), NSƯT, nhạc sĩ ĐINH TRUNG CẨN, để giải quyết vấn nạn này, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.

Đưa giá trị của văn hóa lan tỏa đến cộng đồng
Văn nghệ

Đưa giá trị của văn hóa lan tỏa đến cộng đồng

Ngày 3.10, tại không gian nghệ thuật 34 Châu Long, Hà Nội đã diễn ra mạn đàm văn chương có chủ đề về văn hóa, tinh hoa trong văn thơ xưa và nay, với sự tham gia của các văn nghệ sĩ, nhà nghiên cứu phê bình văn học; được chủ trì bởi nhà sưu tập Thúy Anh - người khởi xướng nhiều chuỗi hoạt động văn hóa, nghệ thuật đậm đà tính nhân văn và hướng tới cộng đồng.

Trong bão lũ
Văn hóa - Thể thao

Trong bão lũ

Bài thơ "Trong bão lũ" của tác giả Đặng Quốc Vinh, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Tĩnh, là tiếng lòng đầy xót xa trước cảnh thiên tai khắc nghiệt do bão Yagi gây ra. Với ngôn từ sâu sắc, tác giả khắc họa nỗi đau mất mát của người dân và tinh thần đoàn kết, sẻ chia của đồng bào cả nước, tạo nên niềm tin vào sự hồi sinh và vững bền của quê hương Việt Nam.