Độc đáo rối nước Đào Thục

Nhắc đến múa rối nước không thể không nhắc đến phường múa rối Đào Thục. Nơi đây được biết đến là một trong những phường rối nước có truyền thống lâu đời nhất, độc đáo nhất.

Vào ngày cận kề cuối năm, trong tiết trời se lạnh và lất phất mưa bay, chúng tôi tìm tới làng Đào Thục, xã Thụy Lâm, Đông Anh, Hà Nội. Qua lời kể của anh Nguyễn Thế Nghị, phụ trách điều hành phường múa rối Đào Thục được biết, ông tổ nghề múa rối nước làng Đào Thục là ông Nguyễn Đăng Vinh tự Phúc Thiêm, làm chức Nội giám thời nhà Lê (1735 - 1940). Khi làm quan trong triều, ông đã tiếp thu được nghệ thuật rối nước của các phường rối biểu diễn phục vụ triều đình. Trở về làng, ông thành lập một phường và trực tiếp dạy cho những người trong làng nghệ thuật biểu diễn múa rối nước. Trải qua hàng trăm năm, người dân Đào Thục vẫn lưu giữ nghề như báu vật của làng. Nhiều gia đình, dòng họ đã có 5 đời giữ nghề rối nước.

Nét độc đáo, riêng biệt của rối nước Đào Thục sử dụng loại máy sào dây làm cho con rối lắc đều vung vẩy được cả hai tay. Vì vậy các nghệ nhân điều khiển dễ dàng sang trái, sang phải và đặc biệt con rối đi vào buồng trò bằng cách quay ngược trở lại được - không giống như các phường rối khác chỉ có thể vào buồng trò bằng cách đi lùi hoặc đi chéo. Các tích trò nổi tiếng của phường là Ba khí giáo trò, Lên võng xuống nước, Trâu chui ống, Phùng đánh hổ, Dệt cửi… Những năm gần đây, các nghệ nhân phường rối Đào Thục đã sáng tác thêm một tiết mục mới ca ngợi quê hương, đất nước như Tặng hoa ngày hội, Rước ảnh Bác Hồ, Hà Nội 12 ngày đêm…


Bằng tài năng và nhiệt huyết, sự khổ luyện và bí kíp làng nghề, các nghệ nhân phường rối Đào Thục biến những con rối đáng yêu ấy thành những đại sứ kể chuyện về làng quê, về sự chân chất của những người nông dân, về lịch sử hào hùng, nét văn hóa độc đáo mà giản dị của dân tộc. Đến với Đào Thục, khách du lịch không chỉ được xem biểu diễn mà còn được sống trong khung cảnh làng quê, được tham quan tận hậu trường của biểu diễn rối nước, được xem các thế hệ người Đào Thục gìn giữ, truyền thừa nghệ thuật...

Theo ông Đinh Hữu Tự - Phó trưởng phường rối nước Đào Thục, sinh ra ở mảnh đất có truyền thống múa rối nước, nên các thế hệ người Đào Thục đều say mê môn nghệ thuật này. Say mê nên họ luôn ý thức bảo tồn văn hóa dân gian, bảo tồn nghề diễn độc đáo của cha ông để lại.

Đây là điều đáng hoan nghênh giữa bối cảnh nghệ thuật truyền thống có nguy cơ mai một. Tuy nhiên, để nghệ nhân thực sự gắn bó, có trách nhiệm với vốn văn hóa dân gian cổ truyền thì phải làm thế nào để chính rối nước đem lại hiệu quả kinh tế. Bởi được coi là phường rối độc đáo đầy triển vọng, song phường rối Đào Thục đã và đang gặp không ít khó khăn về kinh tế để đầu tư phát triển. Nghệ nhân Đinh Văn Trách cho biết, nghề này chẳng làm giàu được, tôi và cả đoàn đều diễn vì yêu nghề. Với 50 thành viên như hiện nay, các nghệ nhân phải diễn xoay vòng, nên thu nhập vẫn chưa đều đặn. Vì thế, hầu hết những người trong phường rối nước đều phải có nghề khác để tự nuôi sống bản thân và gia đình.

Chuyện nối nghiệp và giữ nghề vẫn luôn là sự trăn trở của các nghệ nhân phường rối Đào Thục. Các nghệ nhân đều là nông dân, nhiều người dù rất yêu nghề song cũng đành phải chia tay với nghiệp múa rối bởi thu nhập không đáng bao nhiêu. Cũng do nguồn thu không có nên con rối hỏng cũng không có tiền để thay mới. Trong khi mỗi buổi diễn cần khoảng 100 con rối, nhưng vì thường xuyên ngâm nước nên rối rất nhanh hỏng. Tạm thời, cứ con nào hỏng, diễn viên trong phường sẽ tự đục đẽo, sơn phết để có cái biểu diễn. Bên cạnh đó, Đào Thục còn nhiều tích trò cổ rất hay, muốn khôi phục nhưng chưa tìm đâu ra kinh phí.

Với điều kiện kinh tế khó khăn như vậy, khó có thể mở rộng và phát triển mạnh mẽ nghề rối nước ở làng, chưa nói đến đầu tư vào cơ sở vật chất và đào tạo nghề. Bởi vậy, những nghệ nhân rối nước Đào Thục hy vọng được Nhà nước quan tâm hơn không chỉ về kinh phí bảo tồn mà còn là việc tổ chức, liên kết, có nhiều hơn những hợp đồng biểu diễn, giúp họ có thể sống được bằng nghề. Có như vậy, họ mới không đơn độc trên con đường bảo tồn, phát triển nghệ thuật truyền thống độc đáo này.

Văn hóa

Để lá cờ Tổ quốc không ngừng bay ở vĩ tuyến 17
Văn hóa

Để cờ Tổ quốc tung bay ở vĩ tuyến 17

Trong những năm tháng khốc liệt của chiến tranh chống Mỹ, hình ảnh lá cờ Tổ quốc ở vĩ tuyến 17 là niềm tin, hy vọng của Nhân dân về một ngày đất nước thống nhất. Và để bảo vệ lá cờ không ngừng bay giữa mưa bom, bão đạn, nhiều chiến sĩ đã cống hiến thanh xuân của mình.

50 năm văn học, nghệ thuật đồng hành với đất nước
Văn hóa - Thể thao

50 năm văn học, nghệ thuật đồng hành với đất nước

Có lẽ trong mọi điều sâu thẳm và bền bỉ nhất mà một quốc gia có thể gìn giữ suốt hành trình phát triển là văn học, nghệ thuật. Nhìn lại 50 năm đất nước thống nhất, văn học nghệ thuật đã không chỉ song hành, mà còn là lực đẩy tinh thần đặc biệt, nâng bước dân tộc qua những năm tháng đầy biến động.

Kết nối ký ức hào hùng
Văn hóa - Thể thao

Kết nối ký ức hào hùng

Nửa thế kỷ sau ngày đất nước thống nhất, những thước phim truyện khắc họa cuộc kháng chiến cứu nước của quân và dân ta vẫn vẹn nguyên giá trị lịch sử và nghệ thuật, là di sản tinh thần vô giá của dân tộc. Làm tốt công tác bảo tồn, khơi dậy sức sống mạnh mẽ cho di sản này sẽ góp phần lan tỏa những câu chuyện hào hùng đến các thế hệ sau.

Nhà hát Tuổi trẻ hợp tác quốc tế phát triển nhạc kịch
Văn hóa

Nhà hát Tuổi trẻ hợp tác quốc tế phát triển nhạc kịch

Mới đây, tại Nhà hát Nghệ thuật thành phố Guri - Hàn Quốc đã diễn ra buổi diễn đọc kịch bản vở nhạc kịch "Giấc mơ của em" (My dream), kết quả giai đoạn đầu tiên của dự án hợp tác nghệ thuật giữa Nhà hát Tuổi trẻ và Nhà hát Sangsangmaru kéo dài trong hai năm 2025 - 2026.