Theo đơn, ông Lê Hồng Lâm - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Phát Triển (địa chỉ 480 Thụy Khuê, quận Tây Hồ, TP.Hà Nội) cho biết: Bệnh viện bán công chuyên khoa mắt Hà Nội (là bệnh viện theo mô hình bán công khi đó, sau là tư nhân đầu tiên của cả nước), được UBND TP.Hà Nội cho phép thành lập thí điểm tại Quyết định số 85/2000/QĐ-UB ngày 11.10.2000.
Địa chỉ Bệnh viện được đặt tại số 51 Trần Nhân Tông, TP.Hà Nội; với số vốn điều lệ 7,5 tỷ đồng, thời gian hoạt động 30 năm. Trong Đề án thành lập Bệnh viện, ngoài 2 doanh nghiệp góp vốn thống nhất ký kết, còn có sự phê duyệt của Giám đốc Sở Y tế Hà Nội khi đó ký, đóng dấu ngày 7.12.2000.
Cụ thể, Công ty TNHH Phát Triển góp số tiền là 3,375 tỷ đồng (trong đó giá trị trang thiết bị quy ra là 3,080 tỷ đồng và 295 triệu đồng là vốn lưu động). Công ty CP Kính mắt Hà Nội, khi đó là doanh nghiệp mới tiến hành cổ phần hoá, (địa chỉ 48 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, Hà Nội) góp vốn là 4,125 tỷ đồng (trong đó 1,155 tỷ đồng vốn lưu động chính là 28% vốn là tỷ lệ Nhà nước còn chiếm giữ tại doanh nghiệp và 3 tỷ đồng là quyền sở hữu đất nhà số 51 Trần Nhân Tông, quận Hai Bà Trưng, TP.Hà Nội có diện tích 115,5 m2 đang được giao cho Công ty quản lý, sử dụng). Trong số 1,155 tỷ đồng góp vốn từ Công ty CP Kính mắt Hà Nội, 2 bên thống nhất lấy ra 575 triệu đồng để đầu tư sửa chữa cơ sở hạ tầng cho Bệnh viện, còn 550 triệu đồng làm vốn lưu động.
Về nguồn gốc đất nhà này, theo Báo cáo số 2515/BC-STNMT-TTr ngày 17.11.2016 của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội và Công văn số 7748/SXD-QLN ngày 23.8.2017 của Sở Xây dựng Hà Nội thì cơ sở nhà đất số 51 Trần Nhân Tông được Sở Y tế có Quyết định số 290/QĐ-KH ngày 28.8.1995 với nội dung: Tạm giao nhà và đất cho Công ty CP Kính mắt quản lý, sử dụng. Đến ngày 29.12.1999, Công ty Kính mắt được chuyển sang hoạt động theo mô hình cổ phần hoá, vốn Nhà nước còn chiếm 28%.
Sang năm 2000, UBND TP. Hà Nội đồng ý chủ trương cho thành lập Bệnh viện bán công chuyên khoa mắt, trụ sở tại 51 Trần Nhân Tông. Ngày 10.10.2003, Sở Địa chính - Nhà đất khi đó ký hợp đồng số 132-2003 cho Công ty CP Kính mắt thuê 115m2 đất này để sử dụng vào mục đích làm Bệnh viện bán công chuyên khoa mắt Hà Nội theo hình thức trả tiền hàng năm, với số tiền làm tròn chỉ 9,5 triệu đồng/năm, trong thời hạn 30 năm.
Sau khi đổi tên sở mới, ngày 25.1.2009, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội ký phụ lục hợp đồng cho thuê đất tại vị trí "vàng, đắc địa" trên, được điều chỉnh giá thuê lên hơn 17,5 triệu đồng/năm. Đến ngày 19.1.2010, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số BA 495917 cho Công ty CP Kính mắt Hà Nội, mục đích sử dụng đất là: Để làm Bệnh viện bán công chuyên khoa mắt Hà Nội (đất cơ sở y tế), hình thức trả tiền thuê đất hàng năm.
Theo Điều 17 của Đề án thành lập Bệnh viện bán công chuyên khoa mắt đã được Sở Y tế phê duyệt năm 2000, phân phối lợi nhuận còn lại sau khi trừ các chi phí sẽ chia đều 50/50 trong suốt quá trình hoạt động. Tuy nhiên, sau vài năm, ngày 2.5.2007, hai Công ty đã ký Hợp đồng hợp tác kinh doanh, không theo hình thức phân chia lợi nhuận nữa, mà mỗi tháng phải thanh toán cho Công ty CP Kính mắt số tiền cố định là 70 triệu đồng/tháng, mỗi quý nộp 1 lần gộp 3 tháng; từ ngày 1.4.2009, hai bên ký Phụ lục tăng số tiền nộp cho Công ty CP Kính mắt là 80,5 triệu/tháng; từ ngày 25.8.2011 tăng lên 100 triệu đồng/tháng; từ ngày 28.5.2013 lên 170 triệu đồng/tháng.
Đến ngày 26.3.2014, hai bên tiến hành ký kết Thanh lý hợp đồng hợp tác kinh doanh số 01 và Công ty CP Kính mắt xin rút vốn đầu tư với nội dung chính: Công ty CP kính mắt sẽ nhận số tiền 4 tỷ đồng và giao toàn bộ tài sản, trang thiết bị, vật tư, nhân sự để Công ty Phát Triển tiếp tục phát triển Bệnh viện chuyên khoa mắt vẫn tại địa chỉ 51 Trần Nhân Tông.
Hai bên ký hợp đồng thuê nhà với giá cố định trong 3 năm với mức tiền 315 triệu đồng/tháng. Từ đây, về mặt pháp lý, Bệnh viện mắt chỉ còn là của Công ty Phát Triển, sau đó được UBND TP Hà Nội chấp thuận thành lập Bệnh viện mắt kỹ thuật cao Hà Nội tại Quyết định số 1319/QĐ-UBND ngày 27.3.2015, quy mô 20 giường bệnh, vẫn ở địa chỉ tại 51-53 Trần Nhân Tông cho đến nay.
Cũng từ sau khi rút vốn, hai doanh nghiệp này xảy ra những khúc mắc, khiến các Sở, ngành và UBND TP.Hà Nội phải nhiều lần vào cuộc; hai cấp toà án đã phán xử nhưng bên liên quan vẫn đang làm đơn đề nghị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm.