Không thay đổi sẽ lụi tàn
- Không phải chờ đến Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng mới đặt ra vấn đề đổi mới và nâng cao hiệu quả DNNN. Theo ông, vì sao đến giờ chúng ta vẫn phải nói câu chuyện này?

- Đúng là việc đổi mới, nâng cao hiệu quả DNNN không phải chỉ được đề cập tại Nghị quyết Đại hội XIII mà là quá trình liên tục. Trong các đề án tái cơ cấu DNNN luôn luôn có 3 phần nội dung: Bắt buộc DNNN hoạt động theo nguyên tắc thị trường; áp dụng quản trị hiện đại theo thông lệ quốc tế; và cổ phần hóa, thoái vốn. Tuy vậy, trên thực tế, chúng ta mới chỉ tập trung vào cổ phần hóa và thoái vốn. Đây rõ ràng là khiếm khuyết bởi đó chỉ là một trong ba nội dung quan trọng của chương trình tái cơ cấu, sắp xếp lại, nâng cao năng lực, hiệu quả của DNNN.
Tôi cho rằng, nguyên nhân chính ở đây là DNNN vẫn chưa được trao quyền tự chủ thực chất và cạnh tranh bình đẳng như các doanh nghiệp khác. Chúng ta vẫn đang có sự lầm lẫn giữa quyền của chủ sở hữu (quản lý nhà nước) và quyền của doanh nghiệp. Đáng ra, chủ sở hữu chỉ sở hữu cổ phần, không có chuyện sở hữu vốn hay tài sản. Tài sản (như bất động sản) phải là của doanh nghiệp. Như vậy, trong DNNN không thể chia ra khái niệm tài sản nhà nước, tài sản doanh nghiệp; vốn từ ngân sách, vốn từ doanh nghiệp. Đó hoàn toàn là chế độ kế hoạch hóa tập trung và không còn phù hợp.
Chính vì chúng ta chưa tách bạch được quyền chủ sở hữu với quyền của doanh nghiệp thành ra Nhà nước vẫn can thiệp quá nhiều. Nhiệm kỳ 5 năm vừa rồi không có dấu ấn của DNNN. Nếu tiếp tục thực hiện như bây giờ thì DNNN sẽ tiếp tục lụi tàn.
- Việc tách bạch chức năng chủ sở hữu tài sản, vốn của Nhà nước với chức năng quản lý nhà nước, chức năng quản trị kinh doanh của doanh nghiệp đã được đề cập tại Nghị quyết Trung ương 5 Khóa XII về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả DNNN. Thế nhưng đến nay vẫn chưa làm được thì có thể lý giải thế nào, thưa ông?
- Nếu trao quyền tự chủ cho doanh nghiệp đồng nghĩa cơ quan quản lý sẽ mất quyền, mất lợi từ hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Bởi thế, chúng ta nói nhiều nhưng không làm được vì chúng ta không vượt được chính bản thân mình, không vượt được tư duy nên không thể áp dụng được nguyên tắc thị trường mà chỉ loanh quanh chuyện thoái vốn, cổ phần hóa.
- Vậy cần phải thay đổi ra sao?
- Có rất nhiều việc phải làm. Đầu tiên, phải có tư duy rành mạch, rõ ràng về các khái niệm, phạm trù, phạm vi thẩm quyền và trách nhiệm của từng bên. Cơ quan quản lý nhà nước là các bộ đừng can thiệp vào việc của chủ sở hữu, vào quyền tự chủ của doanh nghiệp.
Đối với chủ sở hữu chỉ có quyền sở hữu cổ phần và phải nâng cao năng lực của mình như một người đầu tư kinh doanh, bằng cách đặt ra mục tiêu cụ thể, rõ ràng cho doanh nghiệp như trong năm nay tỷ suất lợi nhuận là bao nhiêu phần trăm, giá cổ phiếu thế nào... Các mục tiêu đó phải đủ tạo được áp lực và động lực cho doanh nghiệp thực hiện. Đồng thời, phải có cơ chế, cách thức, công cụ giám sát doanh nghiệp thực hiện mục tiêu thường xuyên, liên tục mà không can thiệp vào hoạt động của doanh nghiệp. Trong trường hợp doanh nghiệp đi xa mục tiêu thì chủ sở hữu mới cần can thiệp bằng cách nhắc nhở hoặc thay đổi vị trí lãnh đạo cần thiết; không phải đợi đến khi thua lỗ, xảy ra hậu quả mới thay thế.
Hãy coi DNNN là một công ty bình thường với mục tiêu trước hết và cao nhất là phải đi tìm kiếm lợi nhuận. Điều này đồng nghĩa họ phải có đầy đủ quyền kinh doanh vốn có của một doanh nghiệp, tức là tự chủ quyền làm những gì, làm như thế nào để đạt mục tiêu mà chủ sở hữu đặt ra. Thêm nữa, khi đã coi DNNN là công ty thì tất cả tài sản phải là của công ty. Chỉ khi đó doanh nghiệp mới có đầy đủ quyền chiếm hữu, định đoạt, hưởng lợi từ tài sản này. Đồng nghĩa, doanh nghiệp được quyền cơ cấu lại tài sản để có cơ cấu tài sản hợp lý hơn, hiệu quả hơn, bền vững hơn, đạt được mục tiêu mà chủ sở hữu đặt ra.
Tóm lại, những vấn đề này không có gì cao siêu. Chỉ cần theo đúng nguyên tắc thị trường sẽ bảo đảm đổi mới và nâng cao hiệu quả DNNN.

Lãnh đạo DNNN phải là nhà đầu tư
- Nghị quyết cũng xác định phải hình thành đội ngũ quản lý DNNN chuyên nghiệp, có trình độ cao. Theo ông, làm thế nào để có được đội ngũ này?
- Muốn thu hút người tài vào làm quản lý DNNN thì phải đặt mục tiêu đủ cao và chọn được người mà tin rằng sẽ hiện thực hóa mục tiêu. Tất nhiên, ông chủ sở hữu không thể thuê tất cả đội ngũ này mà chỉ cần chọn được 5 - 7 người quản lý, sau đó trao cho họ quyền tự chủ thuê chọn tiếp những người thực sự có năng lực, chuyên môn, từng giữ vị trí tương tự mà đạt hiệu quả. Điều này đồng nghĩa, quản lý DNNN không nhất thiết phải là đảng viên hay công chức.
Thêm nữa, phải có chế độ tiền lương, tiền công xứng đáng. Đừng nghĩ làm quản lý DNNN mà thu nhập 1 - 2 tỷ đồng/năm là quá cao, quan trọng là xem họ làm được bao nhiêu tiền và họ cần được hưởng xứng đáng. Như vậy mới thể hiện sự tôn trọng giá trị của họ. Đồng thời, phải để họ có quyền tự chủ để cống hiến. Phải tạo môi trường, không gian cho họ thể hiện, đóng góp vào sự phát triển của doanh nghiệp nói riêng và xã hội nói chung.
- Vậy theo ông, vai trò của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp sẽ phải thay đổi như thế nào?
- Đó không phải là cơ quan nhà nước mà phải là nhà đầu tư, những người trong cơ quan đó phải là nhà đầu tư chứ không phải công chức. Phải hút được người tài về để hoạt động như một công ty. Lãnh đạo Ủy ban cần phấn đấu là những nhà đầu tư danh tiếng trên thị trường, chứ không phải phấn đấu lên vị trí cao hơn trong bộ máy.
Ở nhiều nước, chủ sở hữu đặt ra 3 mục tiêu: Lợi nhuận, giá trị (tiền vốn phải tăng), có sản phẩm mũi nhọn tạo ra sự cạnh tranh. Ủy ban này cũng phải làm được các mục tiêu như vậy.
- Cám ơn ông về cuộc trao đổi này!