Nỗ lực học hỏi và tích lũy kinh nghiệm
Theo bà Hồng Nguyễn, CEO công ty Pinky House Việt Nam, trên thực tế, việc một người đi xin việc hay đi làm, bản chất là sự trao đổi về giá trị. Có nghĩa, chúng ta đưa sức lao động, kiến thức và kỹ năng của mình cho nhà tuyển dụng, doanh nghiệp và doanh nghiệp cũng trao lại một giá trị tương xứng.
Giá trị từ doanh nghiệp đưa đến cho người lao động, nếu nhìn rộng ra sẽ không chỉ đong đếm bằng mức lương, mà còn thể hiện qua rất nhiều yếu tố khác như môi trường công việc, hay tính chất công việc mang lại cho người lao động những bài học, kiến thức, kỹ năng gì.
Bà Hồng Nguyễn cho rằng, một sinh viên mới ra trường, khi đi làm sẽ phải học hỏi rất nhiều. Nói đúng hơn, sinh viên nên xem đây là một sự khởi đầu cho việc tích lũy những kinh nghiệm, bài học thực tế, bên cạnh kiến thức đã được học từ trường lớp.
“Do đó, một bạn sinh viên mới ra trường, theo tôi trong những năm đầu các bạn nên đề cao việc nỗ lực học hỏi và tích lũy kinh nghiệm. Đồng thời, tăng tốc hơn với thái độ rất tích cực thì sau đó chắc chắn chúng ta không cần “mặc cả” với doanh nghiệp về mức lương, mà sẽ được đề xuất mức lương cao hơn mong đợi rất nhiều. Tất nhiên, điều này phải có thời gian và quá trình, khi bạn đã có đủ đầy những trải nghiệm thực tế”, bà Hồng Nguyễn nêu quan điểm.
Nói về tình trạng nhiều bạn trẻ thích “nhảy việc”, bà Hồng Nguyễn nhìn nhận, đứng ở góc độ doanh nghiệp và nhà tuyển dụng sẽ đánh giá cao những bạn có nhiều trải nghiệm và kinh nghiệm, nhưng phải ở góc độ sâu, thay vì chỉ thay đổi công việc một vài tháng trong khi chưa nghiên cứu sâu được công việc đó.
“Với quan điểm từ một chủ doanh nghiệp, một nhà tuyển dụng, những bạn nhảy việc nhiều nhưng không có nhiều kinh nghiệm sẽ không được chúng tôi đánh giá cao bằng những bạn làm thật sâu, làm thật tới ở một vị trí công việc chuyên môn nào đó”, bà Hồng Nguyễn chia sẻ.
Ông Nguyễn Văn Đạt, Giám đốc Phát triển mạng lưới kiêm Giám đốc đối ngoại Công ty thời trang YODY đưa ra 4 khái niệm sinh viên cần lưu ý khi tìm kiếm việc làm, gồm: “công việc”, “nghề nghiệp”, “sự nghiệp” và “sứ mệnh”.
Theo ông Đạt, sinh viên ở độ tuổi vừa tốt nghiệp ra trường cần tìm một “công việc”. Giai đoạn 3-5 năm đầu tiên sau tốt nghiệp là thời điểm học hỏi, tích lũy kinh nghiệm. Sau giai đoạn này, ở độ tuổi 27-28, bạn cần xác định được “nghề nghiệp” mình sẽ theo đuổi để đi sâu vào nó, có được những vị trí nhất định trong một doanh nghiệp nào đó.
Giai đoạn tiếp theo sẽ là xây dựng “sự nghiệp”. Khi đã có sự nghiệp vững chắc là thời điểm xác định “sứ mệnh” của bản thân, xác định bộ giá trị cốt lõi của cuộc đời mình. Có được bộ giá trị cốt lõi, bạn sẽ xác định được thương hiệu cá nhân để được nhận diện dù ở đâu.
Giám đốc Phát triển mạng lưới kiêm Giám đốc đối ngoại Công ty thời trang YODY nhấn mạnh, với một CV xin việc thể hiện ứng viên đã nhảy việc nhiều lần, nhà tuyển dụng sẽ xác định hai nội dung: bạn bao nhiêu tuổi và tâm thế khi chuyển việc thế nào.
“Nếu 35-40 tuổi mà vẫn nhảy việc nhiều sẽ không được đánh giá cao, nhưng ở độ tuổi 22-25 thì không lo ngại. Bên cạnh đó là tâm thế khi chuyển việc: chuyển việc với sự chủ động để trải nghiệm không gian làm việc mới, môi trường việc làm việc mới, hay do trước đó bạn thờ ơ với công việc và bị nhận hình thức gọi là cho thôi việc”, ông Đạt nói.
Nên “định giá” lại giá trị của bản thân trong thị trường lao động
Theo bà Thương Vũ, Giám đốc Sconnect Academy of Media Arts, Founder và Giảng viên Học viện đào tạo lãnh đạo Link Power Việt Nam, để tìm được công việc ưng ý, trước hết sinh viên nên “định giá” lại giá trị của bản thân trong thị trường lao động.
Theo đó, các doanh nghiệp, công ty, tập đoàn thường yêu cầu ứng viên 3 năng lực cốt lõi, gồm năng lực hành vi chung, năng lực lãnh đạo (để xác định xem trong con đường sự nghiệp của mình, bạn sẽ đi theo hướng chuyên gia hay quản lý) và năng lực chuyên môn trong lĩnh vực bạn đang đảm nhiệm. Bên cạnh đó, bạn cần có cả kỹ năng cứng và kỹ năng mềm.
“Có nhiều bạn đến nơi làm việc nhưng không sử dụng được Excel, PowerPoint, hay những ứng dụng đơn giản. Với chúng tôi, đó là một sự thiếu sót trong quãng thời gian học đại học, bởi vì tất cả những điều đó các sinh viên trên cả nước đều có. Hay khả năng để giao tiếp, giới thiệu bản thân cũng là kỹ năng ứng viên cần có. Về khả năng ngoại ngữ, đơn cử, hiện nay số bạn có chứng chỉ IELTS 5.5 trở lên là rất nhiều. Nếu năng lực của bạn cũng tương tương, bạn không thể thỏa thuận lương hơn những người khác. Vậy nên, bạn cần có năng lực ngoại ngữ tốt, thậm chí biết nhiều ngoại ngữ”, bà Thương Vũ nhấn mạnh.
Cũng theo Giám đốc Sconnect Academy of Media Arts, một trong những yếu tố quan trọng sinh viên cần đáp ứng khi đi xin việc là sự tử tế.
“Sự tử tế khi các bạn bắt đầu với công việc được thể hiện thông qua thần thái, câu nói, cách hành xử của bạn với nhà tuyển dụng. Do đó, khi đi phỏng vấn hay viết CV, hãy thành thật nhất có thể. Hãy thể hiện sự chân thành, làm việc một cách tử tế, nói một cách tử tế, hứa một cách tử tế. Có những điều này, tôi nghĩ rằng bạn sẽ là ứng cử viên sáng giá”, bà Thương Vũ cho hay.
Doanh nhân này cũng nhấn mạnh tới 2 chỉ số quan trọng sinh viên nên thể hiện khi đi xin việc - đó là chỉ số vượt khó và chỉ số hạnh phúc.
Chỉ số vượt khó sẽ thể hiện bạn có kiên nhẫn với dự án hay không, có thể ở lại vượt qua khó khăn với doanh nghiệp không, có tinh thần tích cực hay không. Chỉ số hạnh phúc thể hiện bạn có là một nhân viên tích cực, hợp với văn hóa doanh nghiệp hay không.
“Đừng chỉ thể hiện mình một người quá chăm chỉ. Thay vào đó, hãy làm việc thông minh”, bà Thương Vũ nhấn mạnh.