Báo cáo với Đoàn khảo sát, UBND tỉnh Quảng Bình cho biết, đến nay, địa phương đã bàn giao 94,8% mặt bằng Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam đoạn qua tỉnh, còn lại 6,4km (5,14%) dự kiến sẽ hoàn thành trong quý III.2024. Toàn tỉnh phảixây dựng 26 khu tái định cư, với diện tích 69,13ha. Hiện nay, đã có 6 khu hoàn thành, bàn giao đất cho người dân xây dựng nhà ở; 20 khu còn lại dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2024.
Về dự thảo Luật Đường bộ, Phó giám đốc Công an tỉnh Quảng Bình, Đại tá Hoàng Khắc Lương nêu một số vướng mắc của địa phương. Trong đó, với quy định hiện hành, đất hành lang an toàn đường bộ được tạm thời sử dụng vào mục đích nông nghiệp, quảng cáo nhưng không được ảnh hưởng đến an toàn công trình, an toàn giao thông đường bộ. Tuy nhiên, do lịch sử để lại, phần lớn đất hành lang an toàn đường bộ đều được các địa phương cấp cho người dân; vì vậy trong phạm vi hành lang an toàn đường bộ của các quốc lộ hiện nay tồn tại nhiều công trình dân dụng của người dân, nhiều trường hợp công trình dân dụng gây ảnh hưởng đến an toàn giao thông đường bộ, nhưng việc bồi thường, thu hồi đất và giải phóng mặt bằng (GPMB) gặp rất nhiều khó khăn do không có nguồn vốn để thực hiện.
Bên cạnh đó, từ 2015 - 2017, địa phương đã hoàn thành việc tổng rà soát, phân loại đất, tài sản trên đất để áp giá, bồi thường và thu hồi phần đất bảo vệ, bảo trì dọc theo các tuyến đường; từ năm 2018 - 2020 hoàn thành việc cắm mốc lộ giới, bồi thường GPMB và thu hồi toàn bộ phần hành lang an toàn đường bộ. Tuy nhiên, sau khi tổng rà soát với khối lượng kinh phí quá lớn (khoảng trên 1.000 tỷ đồng cho mỗi giai đoạn), việc tổ chức thực hiện cũng không được như kế hoạch đặt ra. Đây là một trong những tồn tại ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông đường bộ hiện nay.
Tại buổi làm việc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Trần Thắng nêu một số vướng mắc, khó khăn trong đầu tư xây dựng hệ thống đường bộ, trong đó, việc tổ chức thực hiện thủ tục đấu nối một số tuyến giao thông huyết mạch như trục Đông - Tây, dự án Cầu Nhật Lệ 3, dự án đường từ cầu Nhật Lệ 2 đến đường Hồ Chí Minh nhánh Đông, dự án Hạ tầng cơ bản cho phát triển toàn diện các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình và Quảng Trị… gặp nhiều khó khăn và hiện không thể thực hiện. Địa phương đã trao đổi với Bộ Giao thông Vận tải và nhà đầu tư nhưng chưa tháo gỡ được. Nguyên nhân đưa ra từ phía nhà đầu tư là các điểm đấu nối có thể phân lưu lượng dẫn đến giảm doanh thu của dự án BOT.
Việc xóa bỏ lối đi ngang tự mở; công tác bảo trì chống xuống cấp hệ thống giao thông; đầu tư xây dựng, nâng cấp, sửa chữa hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ… cũng gặp khó khăn về nguồn vốn.