Đồ tể (Phần 1)<br><i>Truyện ngắn của Nguyễn Trí</i>

Minh họa của Đặng Hồng Quân
Minh họa của Đặng Hồng Quân
Châu. Thường gọi Châu Bóng Chuyền, về sau được gọi Đa Dích. Bắt nguồn của cái tên Đa Dích là do Minh Chuối phán. Minh đen thui như củ súng, là con mọt sách. Hắn ta thồ chuối đi bán nhưng lúc nào cũng có quyển sách kèm theo. Một hôm không biết đọc quyển gì có hình, Minh bảo thằng Châu phải gọi là Đa Dích mới đúng.

Thiên hạ hỏi Đa Dích là cái con gì? Minh ta nói Đa Dích là cái tượng của ông Mikenlănggiêlô tạc hình vua David ở bên Ý. Cả bọn trong đội tuyển bóng chuyền lăn ra cười mà rằng:

- Mày bị mát dây hả Minh Chuối, ở Việt Nam nói chuyện Paulôrốtsi là sao?

Chuối liền đưa quyển sách ra, và cả bọn tâm phục khẩu phục ngay tức khắc. Quả là Châu đẹp và uy phong như bức tượng. Xí quên, tấm ảnh chụp bức tượng. Tuy nhiên mặt Châu dài nên hoang dã hơn, tóc bồng bềnh như nghệ sĩ thứ thiệt. Chiều cao mét bảy, Châu đứng vị trí chắn bóng, đẹp lắm, mỗi khi đồng đội đưa bóng Châu nhảy lên vung tay vừa đập vừa hét lớn. Đập xong cả thân mình rớt xuống trụ vững trên cặp đùi ếch, hất mái tóc, chao ôi nó quyến rũ cả bọn con trai. Nói chi bọn hâm mộ cánh tóc dài.

Mỗi thú chơi Châu rành một chút. Ôm đàn hát mấy bài lá cải, giọng nghe cũng mượt. Võ vẽ cũng biết gối lên chỏ xuống, cờ tướng không một ai trong cái xã núi non nầy bắt Châu chung độ. Cái bá nghệ bá tri chỉ đồng nghĩa với bá láp, thời gian khó chỉ tổ mang cái tiếng linh tinh lai tai. Châu không có một nghệ nào cụ thể, kiếm cơm chủ yếu là nguồn thu từ rừng. Thuở ấy chỉ có rừng.

Mấy thằng độc thân như Châu thì tàm tạm nếu không dính vô bồ bịch yêu đương. Còn mấy anh vợ con thì hạnh phúc là cái lon bò khua trong tỉn gạo. Rột rột là lòng em như lửa đốt, mà sao ngày nào anh cũng rượu vậy hả anh? Chớ sao bây giờ? Thằng thợ rừng nào không rượu chỉ tao coi… Chạy qua má mượn đỡ mấy lon, hôm nay trong rừng truy quét. Ở nhà không nhậu thì làm khỉ mẹ gì? Yên tâm, để tao lên thằng Đa Dích mượn mấy đồng coi có không.

Châu bốc rời lắm, trăm nghìn đổ một trận như không. Châu mà nhậu thiếu là không quán nào mè nheo. Nói nhỏ nghe thôi, nghe rồi bỏ. Là nhờ Châu đẹp trai và tài tử. Mấy em mê Châu lắm. Hạnh có vài ba Hạnh, Hương có đôi ba Hương, Thúy cũng có luôn. Đôi khi Châu hỏi mượn là mấy em xùy liền, trả còn nói thôi anh Châu để mà xài, em chưa cần. Có em gan góc đến độ tới tận quán nhậu trả cái anh Châu thiếu. Thiệt đó, nếu có loại đàn ông con trai đội gái lên đầu, thì cũng có loại đàn bà con gái… mê trai. Nói như ca dao là khi yêu quên cả đường đi lối về, lọ gì ba đồng bạc lẻ. Được cái Đa Dích uy tín, không lợi dụng của em nào đồng nào, mượn trả. Thiếu quán cũng trả luôn, còn ai đó trả cho chị thì chị kiếm họ mà trả lại tui không biết.

Vậy nên mấy em mới mê Châu. Em nào cũng mong đến cháy bỏng anh Châu là tình của mình. Khổ cái ông trời buồn cười lắm, xấu trai thì bù cho cái miệng nói lời hoa mỹ, còn đẹp trai thêm tí tài vặt thì ít nói. Châu im thít khi có bất kỳ một bóng hồng nào xuất hiện. Thiên hạ gọi nhát gái. Nhát hay gan không biết được tâm con người ta, nhưng quan trọng nhất là thằng nào cũng yêu. Châu không ngoại lệ. Anh yêu Mỹ Hạnh. Một nhan sắc có tầm và thuộc con cái nhà.

Thời mà trai gái mê nhạc Trịnh phải rành trên nông trường không xa lắm có đôi chân đi không ngại ngần… thì Mỹ Hạnh là dân ăn trắng mặc trơn, dáng lại gầy như liễu và điệu buồn như mai. Vì em là con danh gia, tuy bỏ phố vô rừng, nhưng cả gia đình đang chăm bẵm vô cái tiếng Anh để chờ ngày phỏng vấn. Cha và anh Mỹ Hạnh là sĩ quan triều cũ sau năm năm cải tạo được Hiệp Chúng Quốc sẵn sàng đón tiếp.

Cả gia đình cựu sĩ quan nghe con em mình dính dấp vô một thằng đất hỡi trời ơi thứ thiệt là cực lực phản đối. Họ nói cho cả ba quân nghe rằng con nào bá vô thằng tài tử nửa mùa lại dốt đặc cán mai đó thì đi ăn mày hết kiếp. Họ nói có phần đúng. Quan xuất thân từ Võ bị Đà Lạt là phải Tú tài Hai hẳn hoi, Châu chỉ lớp năm trường làng, chê dốt là quá đúng. Đầu dốc chợ, mẹ Mỹ Hạnh là chủ một xe bánh mì, cuối dốc cũng một xe do anh cô làm chủ. Châu chỉ có cái xe đạp thồ, miệng lúc nào cũng có mùi hèm, ai ngu sao có con gả cho bọn khố rách. Họ nhấn mạnh qua Mỹ rồi muốn sao cũng được, còn bây giờ tao mà thấy mầy đi xem bóng chuyền là đừng trách tao. Mỹ Hạnh xụ mặt một đống.

Mỹ Hạnh buồn nhưng bọn bè bạn dạng tình địch của cô khoái lắm. Chúng vây quanh anh Châu mà õng ẹo và sửa tướng. Lại kháo rằng:

- Anh Châu nói dám chê tao dốt, tao nghèo hả? Tao đách cần…

Mỹ Hạnh nghe qua, tình thiệt mà nói, cô sợ. Trên chục nhan sắc sẵn sàng nhảy vô thế chỗ cô trong trái tim Châu. Thêm cái ngăn cấm. Sai lầm của các bậc trưởng thượng ở chỗ nầy, tình yêu trai gái mà cấm là kích thích cho chúng tìm mọi cách gặp nhau để thỏa cái nhớ nhung. Châu thì vì hoa nên phải đánh đường tìm hoa, còn Hạnh thì vì anh. Vậy là cả hai gặp nhau trong bóng tối. Bóng tối và rượu làm Châu hết nhát. Anh nắm tay cô, cô nép đầu vào vai anh, anh ôm rồi hôn lên mắt lên má lên môi cô. Chỉ vậy thôi. Ừ, chỉ vậy thôi mà cô có bầu mới chết ông bà cố nội luôn.

Mặt lạnh như tiền. Cha Mỹ Hạnh, một ông già khó tánh chính hiệu con nai, phong kiến và bảo thủ số một, phán thẳng thừng:

- Cút ra khỏi nhà, đồ hư thối, mày làm nhục nhã gia đình ông.

Quay sang bà vợ ông nói tiếp:

- Tôi cấm bà gặp nó, tôi biết được thì đừng trách.

Vậy là vợ chồng Đa Dích, Mỹ Hạnh lôi nhau vô Tà Rua - cái tên nghe thấy ớn - rừng mà, không ớn sao được. Bạn trong tuyển bóng chuyền xúm nhau phát một khoảnh rừng rồi dựng lên một căn. Tục gọi lều tranh, trong đó có hai tim, chả vàng vọt gì nhưng cũng tàm tạm gọi là hạnh phúc. Khi chưa lên đường đi Mỹ, bà cựu sĩ quan và con em lâu lâu có dấm dúi vào tay đứa con gái mê trai vài đồng gọi là, nên đẻ đứa đầu vợ chồng không đến nỗi. Đến hai đứa kế thì chao ôi là khổ hạnh. Bữa ăn của gia đình Châu không tu cũng hóa thành phật. Bên nội cũng cùng hoàn cảnh, chỉ có tình thương là giàu, họ hun mấy đứa cháu thiếu điều chết ngộp, xong rồi về, một tấm bánh cũng không có. Thông cảm đi há, nghèo quá mà biết làm sao.

Châu vào rừng kiếm cái nuôi vợ con. Rừng - trời ạ - ai muốn đâu? Thần chết vây tám hướng. Không chết cũng cho ta cả xác lẫn hồn tàn tạ. Buồn vì bế tắc. Phải. Nhìn vợ con nheo nhóc thiếu cái ăn thằng đàn ông nào chẳng buồn. Buồn thì mượn chén tiêu sầu. Và quy luật muôn đời là sốt kèm rượu khiến mười buồng gan bị hư hết chín rưỡi, nhẹ thì xơ hoặc viêm. Còn nặng?

Nặng hả? Có bị mới biết nghe, đang đi Châu té cái đụi. Đứng dậy bước tiếp, được mươi bước lại té tiếp. Không hiểu sao tối qua tới giờ nghe mệt trong người dữ vậy kìa? Thôi nghỉ một bữa:

- Anh bịnh rồi đó, nghỉ vài bữa đi anh - Vợ nhìn chồng âu lo.

- Bữa nay thôi em. Vài bữa có mà chết… Bữa nay em đừng mua rượu nghe, sao miệng anh đắng như ngậm bồ hòn vậy.

Đang đi mà bị té, nghe mệt mỏi trong người, miệng đắng nghét nghĩa là gan anh bị sưng rồi… Bà mẹ nó - Châu kể - Chiều đó bỗng nhiên cái hông tao đau khủng khiếp, như có ai cầm dao thọc vô vậy. Tưởng cái vết thương bị té hồi trèo cây tái phát, vậy là cứ rượu thuốc tao xoa bóp. Bà xã bán nhà đưa lên Nguyễn Văn Học mới hay bị áp xe gan.

- Mới à. Áp xe là sao?

- Là một miếng gan bị làm mủ, hiểu hông?

- Mẹ cha ơi. Rồi làm sao?

- Bệnh viện đề nghị mổ, cắt bỏ chỗ gan bị hư. Chi phí thì nhà giàu mới kham nổi. Tao với cái nhà rách đành bó tay chịu phép.

- Rồi làm sao qua?

- Cuối cùng họ đề nghị rút mủ chỗ hoại thư và uống trụ sinh thế hệ thứ ba.

- Là sao?

- Tao cũng đách biết. Cha bác sĩ điều trị cho toa ra ngoài mua thuốc, loại nầy ngoại nhập có tên là plageltin. Đắt trời sợ. Tao uống bay cái nhà là vừa hoàn lại hồn. Hết tiền, không nơi ăn chốn ở phải dẫn ba đứa con với bà xã về bà nội ở ké. Vợ tao phải viết thơ qua Mỹ xin viện trợ kiếm cái cho tao tái khám. Mày biết bà già vợ tao gởi về được bao nhiêu không?

- Ai biết.

- Một trăm đô.

- Tệ vậy sao?

- Đã vậy, nhờ địa chỉ còn bị nó chận hết hai chục... Mày biết không, gia đình vợ tao qua Mỹ lúc con gái lớn tao hai tuổi. Năm tao bịnh con gái tao tám tuổi, sáu năm ròng cả một gia đình làm ăn ở Mỹ với hai ông sĩ quan mà cho trăm bạc, như mày mày tin không? Cầm triệu bạc trong tay tao ngậm ngùi chi xiết kể. Năm đó khó khăn quá tao phải cho con gái nghỉ học, đi coi con cho nhà giàu... buồn lắm bạn hiền ơi.

- Bên vợ vẫn ghét ông à?

- Lúc đầu tao cũng nghĩ vậy. Sau nầy mới biết qua bển ông già và ông anh bị ung thư phổi.

- Kỳ vậy?

- Là do bị nhiễm chất độc màu da cam trong chiến tranh. Hiểu hông?

Hết tiền bệnh cũng vừa hết. Châu cùng vợ về. Tới nhà đã nghe bà cô mắng cháu là đồ báo cô. Châu nổi tự ái vặt:

- Làm gì mà cô mắng cháu nặng nề vậy?

Cô cũng không vừa. Cãi lại rằng vợ chồng ông không biết điều. Có tiền chỉ biết lo cho mình còn con cái bắt gia đình nuôi là sao? Có đô la thì phải chi để cho bầy nhỏ ăn chớ. Thật là oan ức cho vợ chồng Châu. Ai cũng nhầm hai vợ chồng được hưởng nhiều ân sủng lắm. Mà cũng không trách cô được, nghèo túng tâm hồn ai chả bẩn chật. Anh lấy vợ xong là dông tuốt, má để bọn tui lo, anh không cho bà má lấy một xu. Đi cho đã rồi tai họa là vác thân về nhà. Là sao? Ngó được không? Bà má cũng không bênh được con trai. Già rồi, ở với cô và chú, thương cháu lắm nhưng lực bất tòng tâm. Châu nghe em hạch tội, lặng lẽ thu xếp rồi dẫn vợ con đi. Bà má nằm trên võng nước mắt đoanh tròng nhưng đành chịu.

Đang không biết đi đâu về đâu. Châu ta gặp Tiên Lùn.

Tiên cao mét sáu, nhưng bị mang tiếng lùn vì thấp nhất trong tuyển bóng chuyền. Anh em thân nhau một thuở. Tiên từng si tình Mỹ Hạnh, nay thấy bạn xác xơ như lá mùa thu, cám cảnh quá Tiên ra tay:

 - Thằng Thủy chủ quán cháo lòng tiết canh, đang kiếm người phụ, mày có làm xuống gặp nó.

Châu thở dài:

- Làm gì cũng được, nhưng tao đang kiếm một chỗ cho vợ con tao ở.

- Xuống cái chòi dưới ruộng của tao. Chòi mới làm, lợp xong rồi chỉ chưa dừng vách.

Châu đưa bầu đoàn xuống chòi. Để tránh tối tăm ẩm thấp Tiên cấp cho Châu một cái đèn dầu. Thêm hai cái đệm phơi lúa để có cái trải ra mà ngủ. Xong cơ ngơi cho bạn, Tiên còn dúi vào tay vợ bạn vài đồng để qua thì khốn nạn. Châu nằm vắt tay lên trán nghe vợ vừa thở dài vừa vỗ về ba đứa con. Rồi mệt mỏi quá, Mỹ Hạnh cũng vào giấc.

Đó là một đêm tương đối gọi là bi thiết trong đời vợ chồng Châu. Mưa. Cha mẹ ơi. Mưa và gió nữa mới khủng khiếp. Những ai từng ở miền Đông ắt phải biết những cơn mưa đầu mùa vô cùng cuồng bạo. Gió thổi bốn phương tám hướng. Nhà kín mít mà gió còn luồn vô hành hạ gia chủ nói chi thông thống như cái chòi Châu ngụ. Hai vợ chồng phải lấy đệm che cho ba đứa con. Gió hướng nào họ che hướng đó. Ôi là trái tim của bậc làm cha mẹ. Ba đứa con ngủ say đến độ không biết mưa và gió đi qua. Sau mưa Châu ôm vợ vào lòng, cả hai cùng cảm nhận sâu thật sâu sắc thật sắc tình yêu của họ.

Hôm sau Tiên dừng vách chòi rồi dẫn Châu lên cháo lòng tiết canh Thủy.

 (Số sau đăng tiếp)

Văn nghệ

Tự hào một dải non sông
Văn hóa - Thể thao

Tự hào một dải non sông

Những ấn phẩm ngợi ca vẻ đẹp quê hương đất nước, ngợi ca chủ nghĩa anh hùng cách mạng là điểm nhấn trong loạt ấn phẩm của nhà xuất bản Kim Đồng chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ Tư, 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Tạo không gian mở phát triển văn học
Văn hóa - Thể thao

Tạo không gian mở phát triển văn học

Văn học chưa có khung pháp lý thống nhất và chi tiết để định hướng, cụ thể hóa chính sách cho tác giả, tác phẩm, hoạt động trong lĩnh vực này. Việc xây dựng, ban hành nghị định về khuyến khích phát triển văn học vừa đáp ứng nhu cầu cấp thiết, vừa mang ý nghĩa quan trọng.

"Giai điệu tri ân" – lời cảm ơn sâu sắc Agribank gửi đến khách hàng
Văn nghệ

"Giai điệu tri ân" – lời cảm ơn sâu sắc Agribank gửi đến khách hàng

Tối mai, 12.12, tại Nhà hát Hồ Gươm sẽ diễn ra chương trình nghệ thuật “Giai điệu tri ân” do Agribank tổ chức. Sự kiện là lời cảm ơn sâu sắc từ Agribank gửi đến những khách hàng, đối tác và cộng đồng - những người đã đồng hành, sẻ chia và cùng kiến tạo những giá trị bền vững trong suốt hành trình phát triển.

Hé lộ sân khấu choáng ngợp của siêu nhạc hội 8WONDER Winter trước giờ G
Văn hóa - Thể thao

Hé lộ sân khấu choáng ngợp của siêu nhạc hội 8WONDER Winter trước giờ G

Toàn bộ phần sân khấu “đóng băng” 8WONDER Winter đã hoàn thiện những khâu setup cuối cùng để sẵn sàng chào đón ban nhạc hàng đầu thế giới Imagine Dragons và dàn Vpop Việt đình đám trước hàng chục ngàn khán giả Sài Thành. Ban nhạc hàng đầu thế giới dự kiến sẽ đến TP. Hồ Chí Minh chiều hôm nay để sẵn sàng cho siêu nhạc hội tại đại đô thị Vinhomes Grand Park.

Để điện ảnh Việt cất cánh
Văn hóa - Thể thao

Để điện ảnh Việt cất cánh

Để điện ảnh Việt Nam thực sự cất cánh và hội nhập thế giới, cần có một chiến lược toàn diện và đồng bộ; giải pháp không chỉ giúp nâng cao chất lượng phim mà còn phải thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành công nghiệp này.

Giải pháp cho vấn đề bản quyền âm nhạc
Văn hóa - Thể thao

Giải pháp cho vấn đề bản quyền âm nhạc

Dù đã có cải thiện, nhưng vi phạm bản quyền âm nhạc tại Việt Nam vẫn là vấn đề nan giải. Theo Tổng Giám đốc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC), NSƯT, nhạc sĩ ĐINH TRUNG CẨN, để giải quyết vấn nạn này, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.

Đưa giá trị của văn hóa lan tỏa đến cộng đồng
Văn nghệ

Đưa giá trị của văn hóa lan tỏa đến cộng đồng

Ngày 3.10, tại không gian nghệ thuật 34 Châu Long, Hà Nội đã diễn ra mạn đàm văn chương có chủ đề về văn hóa, tinh hoa trong văn thơ xưa và nay, với sự tham gia của các văn nghệ sĩ, nhà nghiên cứu phê bình văn học; được chủ trì bởi nhà sưu tập Thúy Anh - người khởi xướng nhiều chuỗi hoạt động văn hóa, nghệ thuật đậm đà tính nhân văn và hướng tới cộng đồng.

Trong bão lũ
Văn hóa - Thể thao

Trong bão lũ

Bài thơ "Trong bão lũ" của tác giả Đặng Quốc Vinh, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Tĩnh, là tiếng lòng đầy xót xa trước cảnh thiên tai khắc nghiệt do bão Yagi gây ra. Với ngôn từ sâu sắc, tác giả khắc họa nỗi đau mất mát của người dân và tinh thần đoàn kết, sẻ chia của đồng bào cả nước, tạo nên niềm tin vào sự hồi sinh và vững bền của quê hương Việt Nam.