Đố Kiều có lắm điều hay

Không thể thống kê hết số người thuộc toàn bộ 3254 câu, và khó tìm được một người Việt Nam mà không thuộc một vài đoạn, một vài câu Kiều. Thế kỷ này qua thế kỷ khác, dân ta mê rồi nghĩ ra các cách thưởng thức Truyện Kiều. Nếu như Vịnh Kiều, Bình Kiều là công việc của giới nhà Nho, trí thức, thì Ngâm Kiều, Lẩy Kiều, Bói Kiều... đặc biệt là Đố Kiều được quần chúng bình dân tham gia rộng rãi.

Đố Kiều có lắm điều hay ảnh 1
Minh họa của Thanh Huyền

Đố Kiều là một trò chơi văn nghệ dân gian dưới hình thức đối đáp, nghĩa là một bên hỏi, một bên trả lời, mỗi bên thường là một nhóm, một đội... Có điều đặc biệt là khi chơi trò Đố Kiều, cả người ra đố và giải đố thường dùng thơ, chủ yếu là thể lục bát, để chuyển tải ý của mình. Trò chơi Đố Kiều xảy ra nhiều nơi, dưới nhiều hình thức khác nhau, nhưng ở vùng quê Nghệ Tĩnh trước đây chủ yếu diễn ra trong các cuộc hát Phường vải.

Hát Phường vải là hình thức hát đối đáp gồm hai nhóm người, một bên là các cô gái địa phương ngồi quay xa dệt vải, một bên là các chàng trai tứ chiếng tụ tập lại. Nội dung hát đố, giải trong hát Phường vải gồm nhiều đề tài khác nhau, nhưng Đố Kiều luôn luôn chiếm một vị trí quan trọng. Điều khó của người giải đố là sau khi nghe đố xong, chỉ một thời gian thật ngắn phải có lời đáp. Bởi vậy trò chơi này đòi hỏi những người tham gia không những thuộc, hiểu Truyện Kiều, mà phải có phản ứng nhanh trong việc diễn tả ý của mình bằng thể thơ lục bát, đồng thời cần có giọng ngâm, giọng hát hay. Sự thật khó tìm được một người toàn tài như vậy, mà trong các bên dự thi Đố Kiều phải phân công nhau, để cho từng người thể hiện sở trường của mình. Thông thường trong thành viên mỗi đội, ngoài số nam thanh nữ tú, mỗi bên còn mời một vài người không phân biệt tuổi tác, thường là cụ đồ Nho hoặc cậu tú, cậu cử... thông thuộc Truyện Kiều, gánh vác nhiệm vụ mách lời, các chàng trai cô gái tốt giọng có khi chỉ là người “phát ngôn”.

Nội dung đầu tiên các câu hát Đố Kiều quan tâm là thử thách sự thông thuộc, hiểu biết của người giải đố về Truyện Kiều. Loại câu đố ấy thường ngắn gọn, buộc người giải đố phải tìm một câu, một đoạn nào đó có ý theo yêu cầu của người đố. Có khi bản thân câu đố không khó nhưng vì phải trả lời ngay nên đến cả những nhà “Kiều học” cũng lúng túng. Sau đây là một số ví dụ.

 Đố:

Truyện Kiều anh đã thuộc lòng

 Chỗ nào tơ liễu mà không buông mành?

Ở câu này, người ra đố đi từ nhận xét rằng, không ai mê Truyện Kiều mà không thuộc câu “Lơ thơ tơ liễu buông mành/ Con oanh học nói trên cành mỉa mai”, nên hễ nhắc hai chữ tơ liễu là thế nào buông mành cũng hiện lên. Vả lại, trong Truyện Kiều có rất nhiều từ liễu, từ nhưng tơ liễu thì chỉ xuất hiện ba lần, “tơ liễu mà không buông mành” chỉ có hai lời giải:

Dưới cầu nước chảy trong veo

Trên cầu tơ liễu bóng chiều thướt tha!

Và:

Chừng xuân tơ liễu còn xanh

Nghĩ mình chưa thoát khỏi vành ái ân.

Trong trò chơi đố Kiều, rất phổ biến loại câu đố mà lời giải là một câu Kiều:

Đố:

Truyện Kiều anh đã thuộc làu

 Đố anh kể được một câu năm người?

Giải:

“Này chồng, này mẹ, này cha

 Này là em ruột, này là em dâu”!

Đố:

Truyện Kiều anh đã thuộc lòng

 Đố anh đọc được một dòng toàn Nho?

Giải:

Hồ công quyết kế thừa cơ

 Lễ tiên, binh hậu khắc cờ tập công”!...

Nhưng có nhiều câu đố đòi hỏi lời giải không phải là một câu Kiều, mà là sự tổng hợp của những câu, những đoạn khác nhau. Cái khó của lời giải loại này là không chỉ thống kê các câu Kiều, mà phải xử lý vần để lời giải là một đoạn thơ:

Đố:

 Nàng Kiều lưu lạc gian truân

 Với người tình, đã mấy lần chia tay?

Giải:

“Dùng dằng một bước một xa”

 Chia tay Kim Trọng châu sa đẫm ngày

 “Chén đưa nhớ buổi hôm nay”

 Chia tay chàng Thúc hẹn ngày năm sau

 “Đành rằng chờ đó ít lâu”

 Chia tay Từ Hải, lòng đau nhớ nhà

 Chiếc thân bèo nổi, sóng sa

 Ba lần ly biệt xót xa, tội tình!

Cũng có khi người ra đố không chỉ dùng một vài lời ngắn gọn, mà dùng nhiều câu dắt dẫn, đưa đẩy để giới thiệu mình hoặc để tỏ tình, trước khi vào nội dung cần đố:

Nữ:

 “Trăm năm tính cuộc vuông tròn

Phải dò cho đến ngọn nguồn lạch sông”

Phải đâu mèo mả, gà đồng

Thuyền quyên muốn hỏi anh hùng trước sau:

“Ba quân chỉ ngọn cờ đào

Đạo ra Vô Tích, đạo vào Lâm Tri”

Thế còn một đạo làm chi?

Trai anh hùng giải được, gái nữ nhi chịu tài.

Nam:

Vì ai chiếc lá lìa cành

Khi săn như chỉ, khi mành như tơ

Trót công rày đợi mai chờ

“Phải người trăng gió vật vờ hay sao”

“Ba quân chỉ ngọn cờ đào

Đạo ra Vô Tích, đạo vào Lâm Tri”

Ắt còn một đạo binh uy

Ở nhà giữ chốn biên thùy cho nghiêm

Anh hùng tỏ với thuyền quyên

“Chữ tình càng mặn, chữ duyên càng nồng”!

Trong loại câu đố này, người ra đố và giải đố dùng những câu Kiều nguyên vẹn hoặc lẩy Kiều để chuyển tải ý mình, và hình như đây không chỉ là đố giải Kiều mà là còn là đối đáp tỏ tình. Một đặc điểm cũng cần lưu ý, là cả người đố và giải đều đùa với ngôn ngữ trong Truyện Kiều, cụ thể ở đây là chữ Ba quân. Họ đều thừa hiểu rằng ba quân là tiếng chỉ quân đội nói chung, thế mà giả vờ như không hiểu để mà đố, mà giải. Chúng ta biết rằng, trong các câu đố về Truyện Kiều, những câu đố vui đùa theo kiểu chơi chữ chiếm một tỷ lệ rất lớn. Loại câu đố này chỉ mượn Truyện Kiều để mang lại tiếng cười sảng khoái như nghe chuyện tiếu lâm. Đó là Truyện Kiều của “những người thích đùa”.

Hỏi:

Tiện đây hỏi một hai điều

 Thiếp tôi chưa rõ nàng Kiều ai sinh?

Đáp:

“Hổ sinh ra phận thơ đào

Công cha nghĩa mẹ kiếp nào trả xong”

Khái (hổ) sinh Kiều, thật lạ lùng

Trả lời như rứa thỏa lòng em chưa?

Hỏi:

Chập chờn cơn tỉnh cơn mê

Nghe đâu Kiều có làm nghề tráng gương?

Đáp:

“Mười lăm năm, bấy nhiêu lần

Làm gương cho khách hồng quần thử soi!”

Hỏi:

Nổi danh tài sắc đủ điều

Tại sao lại bảo nàng Kiều sứt răng?

Đáp:

“Hở môi ra những thẹn thùng”

Sứt răng nàng sợ chúng trông, bạn cười!

Hỏi:

“Song thu đã khép cánh ngoài”

Nàng Kiều chung chạ có thai bao giờ?

Đáp:

“Lỡ từ lạc bước bước ra”

“Thất kinh nàng chửa biết là làm sao!”

Hỏi:

Đến đây hỏi khách cựu giao

Chàng Kim đau bụng thế nào chàng ơi?

Đáp:

“Khi tựa gối, khi cúi đầu

Khi vò chín khúc, khi chau đôi mày!”

Hỏi:

 Sinh ra thời buổi chiến chinh

Thúy Kiều có lấy thương binh không chàng?

Đáp:

Một tay trời bể ngang tàng

Chồng Kiều, Từ Hải rõ ràng thương binh!

Hỏi:

Thời Kiều đã có ngân hàng

Em đây chưa tỏ nhờ chàng chỉ cho?

Đáp:

Nhà băng đưa mối rước vào...”

Tiền nong thanh toán việc nào chẳng xong!

Còn một nội dung đố Kiều khác nữa, là người đố dùng những câu Kiều hoặc lẩy Kiều để đố xem ý câu đó nói gì. Với nội dung này, người giải phải có óc suy xét, phán đoán mới giải được. Và lạ thay, có nhiều câu có lời giải có vẻ thật chính xác! Và ở loại này, người ta thường trả lời trực diện mà ít dùng thơ.

Đố:

“Trên vì nước, dưới vì nhà”

“Lòng này ai tỏ cho ta hỡi lòng” (Là cái gì?)

Giải: Cái máng nước (nằm giữa hai mái nhà)

Đố:

“ Vầng trăng vằng vặc giữa trời

 Đinh ninh hai miệng một lời song song” (Là cái gì?)

Giải: Sáo diều đêm trăng!

Đố:

“Trăm năm tính cuộc vuông tròn

 Phải dò cho đến ngọn nguồn lạch sông?” (Là nghề gì?)

Giải: Người đan bồ! (khi đan bồ, phải đan đáy hình vuông trước, rồi sau đó mới đan tròn phía trên và vật liệu đan bồ là nứa phải lấy từ rừng về).

Đố Kiều là một trò chơi tao nhã có từ lâu đời, nhưng tiếc rằng hơn nửa thế kỷ qua hầu như ít xuất hiện trong đời sống tinh thần của công chúng. Đó là một thiếu sót trong công việc bảo tồn vốn cổ của ngành văn hóa. Gần đây Đài Tiếng nói Việt Nam có một chương trình khá hoành tráng về việc đưa Truyện Kiều đến với thính giả bằng cách giới thiệu toàn bộ Truyện Kiều, từ đầu đến cuối qua giọng ngâm của các nghệ sĩ nổi tiếng nhất, đồng thời trong mỗi đoạn có sự phân tích, giảng giải của các chuyên gia về Truyện Kiều. Cũng trong chương trình này, đài còn tổ chức mỗi tháng một câu Đố Kiều với thính giả rộng rãi trong cả nước. Việc làm này của Đài Tiếng nói Việt Nam không những đem lại hứng thú cho người nghe mà còn làm sống lại một trò chơi văn hóa có nguy cơ mai một.

Văn nghệ

Tự hào một dải non sông
Văn hóa - Thể thao

Tự hào một dải non sông

Những ấn phẩm ngợi ca vẻ đẹp quê hương đất nước, ngợi ca chủ nghĩa anh hùng cách mạng là điểm nhấn trong loạt ấn phẩm của nhà xuất bản Kim Đồng chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ Tư, 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Tạo không gian mở phát triển văn học
Văn hóa - Thể thao

Tạo không gian mở phát triển văn học

Văn học chưa có khung pháp lý thống nhất và chi tiết để định hướng, cụ thể hóa chính sách cho tác giả, tác phẩm, hoạt động trong lĩnh vực này. Việc xây dựng, ban hành nghị định về khuyến khích phát triển văn học vừa đáp ứng nhu cầu cấp thiết, vừa mang ý nghĩa quan trọng.

"Giai điệu tri ân" – lời cảm ơn sâu sắc Agribank gửi đến khách hàng
Văn nghệ

"Giai điệu tri ân" – lời cảm ơn sâu sắc Agribank gửi đến khách hàng

Tối mai, 12.12, tại Nhà hát Hồ Gươm sẽ diễn ra chương trình nghệ thuật “Giai điệu tri ân” do Agribank tổ chức. Sự kiện là lời cảm ơn sâu sắc từ Agribank gửi đến những khách hàng, đối tác và cộng đồng - những người đã đồng hành, sẻ chia và cùng kiến tạo những giá trị bền vững trong suốt hành trình phát triển.

Hé lộ sân khấu choáng ngợp của siêu nhạc hội 8WONDER Winter trước giờ G
Văn hóa - Thể thao

Hé lộ sân khấu choáng ngợp của siêu nhạc hội 8WONDER Winter trước giờ G

Toàn bộ phần sân khấu “đóng băng” 8WONDER Winter đã hoàn thiện những khâu setup cuối cùng để sẵn sàng chào đón ban nhạc hàng đầu thế giới Imagine Dragons và dàn Vpop Việt đình đám trước hàng chục ngàn khán giả Sài Thành. Ban nhạc hàng đầu thế giới dự kiến sẽ đến TP. Hồ Chí Minh chiều hôm nay để sẵn sàng cho siêu nhạc hội tại đại đô thị Vinhomes Grand Park.

Để điện ảnh Việt cất cánh
Văn hóa - Thể thao

Để điện ảnh Việt cất cánh

Để điện ảnh Việt Nam thực sự cất cánh và hội nhập thế giới, cần có một chiến lược toàn diện và đồng bộ; giải pháp không chỉ giúp nâng cao chất lượng phim mà còn phải thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành công nghiệp này.

Giải pháp cho vấn đề bản quyền âm nhạc
Văn hóa - Thể thao

Giải pháp cho vấn đề bản quyền âm nhạc

Dù đã có cải thiện, nhưng vi phạm bản quyền âm nhạc tại Việt Nam vẫn là vấn đề nan giải. Theo Tổng Giám đốc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC), NSƯT, nhạc sĩ ĐINH TRUNG CẨN, để giải quyết vấn nạn này, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.

Đưa giá trị của văn hóa lan tỏa đến cộng đồng
Văn nghệ

Đưa giá trị của văn hóa lan tỏa đến cộng đồng

Ngày 3.10, tại không gian nghệ thuật 34 Châu Long, Hà Nội đã diễn ra mạn đàm văn chương có chủ đề về văn hóa, tinh hoa trong văn thơ xưa và nay, với sự tham gia của các văn nghệ sĩ, nhà nghiên cứu phê bình văn học; được chủ trì bởi nhà sưu tập Thúy Anh - người khởi xướng nhiều chuỗi hoạt động văn hóa, nghệ thuật đậm đà tính nhân văn và hướng tới cộng đồng.