Nhiều mô hình hay trong phát huy tiêu chí văn hóa gắn nông thôn mới
Thống kê cho thấy, hiện nay, toàn tỉnh có 11 Trung tâm văn hóa - thông tin và thể thao; 152/170 xã, phường, thị trấn có Trung tâm văn hóa, thể thao - học tập cộng đồng (trong đó có 17 trung tâm sử dụng chung với các thiết chế văn hóa, thể thao khác trên địa bàn); có 859/925 ấp, khu phố có nhà văn hóa - khu thể thao ấp, khu phố; 14 nhà văn hóa dân tộc.
Trong quá trình xây dựng nông thôn mới, ngoài những tiêu chí cứng, các địa phương trên địa bàn tỉnh rất chú trọng đến các tiêu chí văn hóa, nhất là trong xây dựng và phát huy công năng của các thiết chế văn hóa. Tiêu biểu, tại các xã, các mô hình câu lạc bộ, đội, nhóm sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, thể dục - thể thao… không ngừng được nhân rộng. Việc giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa nông thôn được chú trọng nhằm giữ gìn hồn quê Việt; góp phần không ngừng nâng cao đời sống tinh thần cho người dân nông thôn.
Huyện Vĩnh Cửu là địa phương có nhiều mô hình hay trong phát huy tiêu chí văn hóa gắn với xây dựng nông thôn mới. Tiêu biểu nhất là mô hình Ngôi nhà trí tuệ. Ông Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện học tập suốt đời kiêm nhà sáng lập Ngôi nhà trí tuệ cho biết, đây là mô hình hoạt động nhân ái trong lĩnh vực giáo dục, tập trung vào việc tạo dựng, duy trì và phát triển những cộng đồng học tập suốt đời và các hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao, góp phần rèn luyện kỹ năng sống, tạo sân chơi lành mạnh cho thanh, thiếu nhi và người dân.
UBND huyện Vĩnh Cửu lựa chọn xây dựng Ngôi nhà trí tuệ tại các thiết chế văn hóa trên địa bàn huyện; sử dụng một phần diện tích của nhà văn hóa, trung tâm văn hóa - thể thao, hội trường cộng đồng để đặt các giá sách được trang bị sách báo, tạp chí và một số trang thiết bị, bố trí bàn ghế đọc sách và tổ chức các hoạt động hỗ trợ dạy học. Ngoài ra, nơi đây còn được bố trí thêm các hoạt động vui chơi giải trí khác như: bóng bàn, cờ vua, cờ tướng, trò chơi dân gian… Tùy theo điều kiện cụ thể của từng thiết chế văn hóa để bố trí các hoạt động hỗ trợ dạy học văn hóa, thư viện đọc sách, kỹ năng sống, duy trì phát triển các loại hình văn hóa dân gian phù hợp với đặc trưng của từng địa phương.
Được triển khai từ tháng 7.2022 đến nay, toàn huyện có 15 Ngôi nhà trí tuệ đang hoạt động; huy động từ nguồn xã hội hóa được 993 triệu đồng, hơn 23,5 nghìn đầu sách, 300 kệ sách, 150 bộ bàn ghế, 10 máy tính, 9 tivi, 3 máy chiếu; 5 sân cầu lông, 60 bộ dụng cụ thể dục - thể thao…
Các Ngôi nhà trí tuệ đã thành lập được 100 câu lạc bộ như: đọc sách, tiếng Anh, bóng đá, yoga, võ thuật, thể dục dưỡng sinh… Trung bình mỗi Ngôi nhà trí tuệ thu hút hơn 100 người/ngày đến sinh hoạt với đa đạng các hoạt động vui chơi, giải trí, thể dục - thể thao, đọc sách, học tiếng Anh, giao lưu với giáo viên tiếng Anh người nước ngoài. Đặc biệt, Ngôi nhà trí tuệ đã tiếp và giao lưu với 5 đoàn người nước ngoài chia sẻ kinh nghiệm trong việc xây dựng và tổ chức hoạt động; giao lưu phát triển kỹ năng tiếng Anh cho các câu lạc bộ tiếng Anh.
Nhờ đó, tỷ lệ người dân tham gia sinh hoạt văn hóa, văn nghệ trên địa bàn đạt gần 55% tổng dân số; tỷ lệ số người tập thể dục - thể thao thường xuyên gần 54%. Trong năm 2023, mô hình này tiếp tục được nhân rộng trong các trường học với mục tiêu tạo ra những thư viện thân thiện, thư viện thông minh và phát triển văn hóa đọc trong trường học. Hiện toàn huyện có 25/33 trường học ra mắt và đưa vào hoạt động mô thư viện này. Mỗi thư viện được trang bị từ 500 - 1.000 cuốn sách từ nguồn vận động xã hội hóa.
Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa đặc trưng
Giữ gìn những giá trị văn hóa bản địa đang được nhiều làng quê của tỉnh Đồng Nai chú trọng. Đây không chỉ dừng lại ở nhận thức, trách nhiệm của Nhà nước, của bộ máy chính quyền, mà lan tỏa đến chính người dân sinh sống ở nông thôn.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Xuân Lộc Huỳnh Thị Lành, hệ thống thiết chế văn hóa trên địa bàn huyện được đầu tư xây dựng đồng bộ. Địa phương chú trọng xây dựng đời sống văn hóa, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa khu vực nông thôn. Cụ thể, hàng năm, tỷ lệ ấp, khu phố văn hóa trên địa bàn luôn đạt từ 98% trở lên, 100% xã giữ vững danh hiệu xã văn hóa nông thôn mới, thị trấn Gia Ray giữ vững danh hiệu đạt chuẩn văn minh đô thị. Tỷ lệ gia đình văn hóa được công nhận năm 2022 đạt 99,29%. Các lễ hội truyền thống của đồng bào các dân tộc Chơro, Mạ, Chăm, S'tiêng được duy trì. Hoạt động văn hóa, văn nghệ truyền thống được tổ chức thường xuyên, góp phần bảo vệ, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp của các dân tộc, góp phần thúc đẩy phong trào ngày càng phát triển sâu rộng.
Với mong ước lưu giữ truyền thống văn hóa dân tộc Chơro, nhiều năm qua, anh Điểu Toa (xã Xuân Thiện, huyện Thống Nhất) luôn tìm tòi, sưu tầm, tự học hỏi những bài hát, những loại nhạc cụ truyền thống của dân tộc mình như: đàn Goong Talog, đàn Chinh K’la, các loại cồng, chiêng... Năm 2010, Nhà văn hóa cộng đồng của đồng bào dân tộc Chơro tại xã được khánh thành, anh Điểu Toa đã đi vận động, tập hợp thanh niên trong làng thành lập đội cồng chiêng vì không muốn những giá trị truyền thống của dân tộc có nguy cơ dần mai một. Để khơi gợi lớp trẻ yêu thích nhạc cụ truyền thống, dựa trên nền nhạc của dân tộc, anh Điểu Toa đã sáng tác thêm những bài hát phù hợp với mọi lứa tuổi hiện nay, góp phần làm phong phú các bài hát sử dụng trong các buổi lễ hội, giao lưu.
Đội cồng chiêng xã Xuân Thiện do anh duy trì và tập luyện đã đoạt giải nhất tại liên hoan biểu diễn nhạc cụ dân tộc cấp tỉnh nhân hội thao Các dân tộc thiểu số năm 2019. Năm 2020, bản thân anh Điểu Toa cũng đoạt giải tại liên hoan biểu diễn nhạc cụ dân tộc cấp tỉnh.
Anh Điểu Toa chia sẻ, “làng đồng bào Chơro tại xã Xuân Thiện lâu nay được xem là vùng đồng bào dân tộc lâu đời, với bề dày về giá trị truyền thống văn hóa. Tôi hy vọng ngày càng có nhiều thanh niên dân tộc vừa giỏi kiến thức xã hội chung, vừa có ý thức trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa riêng của dân tộc”.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lê Văn Gọi đánh giá, quan điểm của tỉnh trong xây dựng nông thôn mới là không rập khuôn mà khai thác thế mạnh, đặc trưng của mỗi địa phương. Trong đó, các giá trị truyền thống địa phương, tính đặc thù mỗi vùng miền được phát huy chứ không “mặc đồng phục” cho tất cả. Khi triển khai vào thực tế, các địa phương cũng rất sáng tạo trong chọn mô hình phát triển sản xuất đến xây dựng cảnh quan môi trường, cũng như phát huy, giữ gìn những nét đặc sắc về văn hóa bản địa.