Chuyển biến cả về mức sống và tư duy
Với phương châm "cho cần câu, dạy cách câu", năm 2023, Việt Nam đã hỗ trợ đào tạo nghề cho hơn 88.218 người nghèo, người dân sinh sống trên địa bàn tỉnh có huyện nghèo; hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho khoảng 146 cơ sở giáo dục nghề nghiệp; gắn kết chặt chẽ giáo dục nghề nghiệp với tạo việc làm, sinh kế bền vững, tăng thu nhập và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.
Bên cạnh đó, hỗ trợ nâng cao trình độ ngoại ngữ, kỹ năng nghề cho hơn 10.000 người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng để tạo việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống, góp phần giảm nghèo bền vững; hỗ trợ việc làm bền vững, cung cấp thông tin thị trường lao động, đa dạng hóa các hoạt động giao dịch việc làm, kết nối với thị trường lao động với trên 30.000 lượt người lao động.
Đồng thời, hỗ trợ trên 1.600 dự án giảm nghèo về phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, du lịch, khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh nhằm tạo việc làm, sinh kế bền vững, thu nhập tốt, nâng cao chất lượng cuộc sống và thích ứng với biến đổi khí hậu, dịch bệnh cho người nghèo với trên 14.496 hộ tham gia. Hỗ trợ hơn 1.000 dự án nâng cao năng lực sản xuất nông, lâm, ngư, diêm nghiệp cho khoảng 37.520 hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo; khoảng 3.587 người được tập huấn, tư vấn quản lý tiêu thụ nông sản, thí điểm, nhân rộng các giải pháp sáng kiến phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với chuỗi giá trị hiệu quả.
Đánh giá chung về công tác giảm nghèo, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh cho biết, đây là giai đoạn thứ 2 của cả nước thực hiện chuẩn nghèo đa chiều. Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 đã thay đổi căn bản về mục tiêu, yêu cầu, đòi hỏi cao hơn so với những giai đoạn trước. Đặc thù công tác giảm nghèo trước đây đã khó, giai đoạn này còn khó hơn, yêu cầu và đòi hỏi cao hơn so với giai đoạn trước.
Ngoài chiều về thu nhập còn phải giảm 6 chiều thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản khác; chuyển hoàn toàn cơ chế hỗ trợ từ "cho không" sang hỗ trợ có điều kiện. Trong khi đó, địa bàn, đối tượng thực hiện Chương trình lại tập trung vào vùng lõi nghèo, địa bàn khó khăn nhất của cả nước. Vì vậy, mục tiêu của giảm nghèo không đơn thuần là giảm nghèo về thu nhập, mà cao hơn, hoàn thiện hơn và bao trùm hơn.
Qua 3 năm triển khai thực hiện bước đầu đã đạt được những kết quả tích cực, đó là tỷ lệ giảm nghèo hàng năm đều đạt và vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Quốc hội, Chính phủ đề ra; đã có 10 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo thoát nghèo, đời sống hộ nghèo, hộ cận nghèo, địa bàn lõi nghèo có bước cải thiện đáng kể, nâng cao.
"Đến nay, có thể khẳng định chỉ tiêu đề ra trong Nghị quyết 24 của Quốc hội và Quyết định 90 của Thủ tướng Chính phủ cơ bản đạt được. Việt Nam được cộng đồng quốc tế ghi nhận là điểm sáng về công tác giảm nghèo và là quốc gia duy nhất ở châu Á thực hiện chương trình giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững" - ông Lê Văn Thanh cho biết.
Triển khai nhiều nhiệm vụ trọng tâm
Là cơ quan thường trực giúp việc Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia trong quản lý, điều phối, tổ chức thực hiện Chương trình; Văn phòng Quốc gia về Giảm nghèo được Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội giao là cơ quan chủ dự án Hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội các huyện nghèo, các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo; dự án Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo; tiểu dự án 2 Truyền thông về giảm nghèo đa chiều thuộc Dự án 6 Truyền thông và giảm nghèo về thông tin; Dự án 7 Nâng cao năng lực và giám sát, đánh giá Chương trình.
Đồng thời, trực tiếp triển khai Dự án 2 Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo; Tiểu dự án 2 Truyền thông về giảm nghèo đa chiều (thuộc Dự án 6 Truyền thông và giảm nghèo về thông tin); Dự án 7 Nâng cao năng lực và giám sát, đánh giá Chương trình tại Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội.
Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh chia sẻ, năm 2024 là năm đặc biệt quan trọng để có thể đánh giá khả năng hoàn thành mục tiêu chung, mục tiêu cụ thể của Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 và là năm đề xuất kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 - 2030. Bên cạnh đó, nghiên cứu, đề xuất chuẩn nghèo, định hướng giảm nghèo cho giai đoạn 2026 - 2030 theo Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 23.6.2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo bền vững đến năm 2030. Do đó, đề nghị Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo tập trung triển khai nhiều nội dung trọng tâm.
Trong giai đoạn tới, ngành lao động sẽ tiếp tục tham mưu, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương rà soát, hoàn thiện văn bản hướng dẫn thực hiện chương trình; triển khai đồng bộ các giải pháp huy động, bổ sung nguồn lực thực hiện chương trình mục tiêu; tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông, giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình...
Đặc biệt, phối hợp với các bên liên quan xây dựng cơ sở dữ liệu và phần mềm quản lý về giảm nghèo, tích hợp với cơ sở dữ liệu về an sinh xã hội kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; xây dựng, triển khai Hệ thống quản lý Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; liên thông dữ liệu vào cơ sở dữ liệu Hệ thống giám sát, đánh giá chương trình mục tiêu quốc gia... Việc ứng dụng công nghệ thông tin sẽ là mắt xích quan trọng để tạo nên những cú hích trong giai đoạn mới.