
Kho bạc Nhà nước (KBNN) tỉnh Cao Bằng cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho các đơn vị sử dụng ngân sách, chủ đầu tư có mở tài khoản giao dịch tại các KBNN từ tháng 2.2018. Vừa tuyên truyền, vừa hướng dẫn kiểu cầm tay chỉ việc, rất nhanh chóng, 100% đơn vị thuộc diện bắt buộc tham gia đã thông thạo giao dịch với các đơn vị kho bạc qua dịch vụ công trực tuyến.
Đến nay, số lượng chứng từ giao dịch qua dịch vụ công trực tuyến của hệ thống KBNN tỉnh Cao Bằng cũng đã đạt gần 100%. Lãnh đạo KBNN tỉnh Cao Bằng cho biết, ngoài việc tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị sử dụng, ứng dụng dịch vụ công trực tuyến còn góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của KBNN. Cán bộ giao dịch có thời gian, không gian tập trung giải quyết công việc. Các thao tác nghiệp vụ được thực hiện qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến cũng nhanh hơn, thuận tiện hơn so với thao tác bằng chứng từ, hồ sơ giấy. Quan trọng nhất là hệ thống này giúp hạn chế sai sót, đồng thời nâng cao trách nhiệm của đơn vị sử dụng ngân sách khi yêu cầu nhập thông tin chính xác. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp như hiện nay thì việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến mang lại lợi ích hết sức to lớn góp phần hoàn thành "mục tiêu kép" vừa chống dịch hiệu quả vừa hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn.
Tại Hà Giang, thông tin từ KBNN tỉnh cho biết, từ năm 2021 đến nay, 100% các đơn vị sử dụng ngân sách trên địa bàn tham gia giao dịch với đơn vị thông qua cổng dịch vụ công trực tuyến. Theo đó, việc thực hiện gửi chứng từ của các đơn vị sử dụng ngân sách đến KBNN luôn thông suốt, nhanh, chính xác và ít sai sót. Công chức hệ thống KBNN Hà Giang kiểm soát các khoản chi qua dịch vụ công trực tuyến hiệu quả và kịp thời, đáp ứng nhu cầu chi tiêu của đơn vị. Với các giải pháp đã thực hiện, đến đầu tháng 4.2023, tỷ lệ chứng từ điện tử chiếm 99,8% lượng chứng từ gửi đến kho bạc. Số chứng từ thanh toán, tạm ứng của các đơn vị sử dụng ngân sách gửi đến KBNN Hà Giang đạt trên 73.000 chứng từ.
Tương tự, dịch vụ công trực tuyến đã trở thành phương thức giao dịch chính giữa KBNN Bắc Kạn với các đơn vị sử dụng ngân sách trên địa bàn.
Lãnh đạo KBNN Bắc Kạn cho biết, là một tỉnh miền núi, giao thông đi lại ở Bắc Kạn rất khó khăn. Khi giao dịch bằng hình thức trực tiếp, nhiều đơn vị sử dụng ngân sách mất ít nhất 3 giờ đồng hồ di chuyển đến KBNN Bắc Kạn để giao nhận hồ sơ chứng từ chi ngân sách. Vì thế, khi KBNN Trung ương triển khai dịch vụ công trực tuyến, KBNN Bắc Kạn tập trung triển khai ngay.
Dịch vụ công trực tuyến được triển khai trên phạm vi toàn tỉnh từ tháng 3.2020. Sau 3 năm, đến nay, hệ thống vận hành ổn định và số giao dịch qua dịch vụ công trực tuyến ngày càng tăng. Trung bình mỗi tháng có 21.463 bộ hồ sơ giao dịch thanh toán các khoản chi ngân sách thực hiện qua KBNN, trong đó trên 98% hồ sơ thực hiện qua dịch vụ công trực tuyến. Hiện chỉ còn gần 2% số lượng chứng từ giao dịch trực tiếp tại KBNN là chứng từ giấy của các đơn vị thuộc diện chưa bắt buộc phải triển khai (khối an ninh, quốc phòng, các hội, các hợp tác xã có số lượng chứng từ phát sinh ít chưa bắt buộc thực hiện) và một số đơn vị có thay đổi chủ tài khoản, kế toán trưởng, đang chờ cấp chứng thư số. Qua đó, giúp các đơn vị giao dịch gửi hồ sơ chứng từ qua internet thuận tiện, kịp thời, mọi lúc, mọi nơi. Đồng thời, góp phần giảm thiểu thời gian, chi phí đi lại, tiết kiệm chi phí văn phòng phẩm so với phương pháp giao dịch bằng chứng từ giấy nên đã nhận được sự ủng hộ, đồng thuận cao của các đơn vị.
Qua khảo sát của KBNN Bắc Kạn, Hà Giang và Cao Bằng, các đơn vị sử dụng ngân sách trên địa bàn đều rất hài lòng với việc giao dịch trên dịch vụ công trực tuyến của kho bạc vì đã rút ngắn thời gian giao dịch và hoàn thiện hồ sơ giao dịch, tiết kiệm tối đa chi phí và thời gian đi lại, hạn chế rủi ro. Đồng thời, cũng giúp cho đơn vị giao dịch có thể nắm rõ được thời gian, tiến độ tiếp nhận và xử lý hồ sơ tại KBNN, qua đó kịp thời thực hiện kế hoạch nhiệm vụ của đơn vị.