Không để mất cân đối cung cầu
Phó Giám đốc Sở Công thương TP Nguyễn Nguyên Phương thông tin, các mặt hàng bình ổn thị trường chiếm thị phần từ 25-43%; bình quân mỗi tháng dự kiến cung ứng 7.000 tấn gạo, 70 triệu quả trứng gia cầm, 2.000 tấn đường, 1.000 tấn thực phẩm chế biến, 2.000 tấn dầu ăn, 10.000 tấn rau củ quả, 6.000 tấn thịt gia súc, 8.000 tấn thịt gia cầm, 200 tấn thuỷ hải sản…
Đồng thời, doanh nghiệp sẵn sàng phương án tăng sản lượng trong tình huống cần thiết, tổ chức bán hàng lưu động để xử lý biến động bất thường, thiếu hàng cục bộ (nếu có)…, kiên quyết không để xảy ra khan hiếm, thiếu hàng hoá, mất cân đối cung cầu.
Trong đó, các doanh nghiệp tham gia Chương trình Bình ổn thị trường cam kết giữ ổn định giá, không điều chỉnh tăng giá bán trong 1 tháng trước Tết và 1 tháng sau Tết; thực hiện giảm giá sâu trong 2 ngày cận Tết đối với các mặt hàng thiết yếu như: thịt heo, thịt gà, trứng gia cầm... Bên cạnh đó, doanh nghiệp tích cực hưởng ứng Chương trình Shopping Season đợt 2 đẩy mạnh triển khai giảm giá sâu nhiều mặt hàng, tập trung vào các mặt hàng Tết như: nước giải khát, bánh, kẹo, mứt, quần áo... Đại diện Sở Công Thương khẳng định, đơn vị sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan phát huy vai trò quản lý, kiểm soát thị trường, đảm bảo nhu cầu của người dân.
Liên quan công tác cung ứng hóa Tết, Phó Tổng Giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP. Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) Lê Trường Sơn, thông tin, đơn vị đã chuẩn bị nguồn hàng thiết yếu khoảng 10.000 tỷ đồng, tăng 20-50% tùy theo nhóm hàng so với tháng kinh doanh bình thường. Phần lớn ngân sách ưu tiên cho trữ lượng các nhóm hàng bình ổn thị trường gồm: gạo, đường, dầu ăn, thịt heo, thịt gia cầm, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến, rau củ quả, thủy hải sản… Còn lại dành cho các mặt hàng thực phẩm, phi thực phẩm khác và các loại đặc sản Tết. Hiện Saigon Co.op đã mở màn chuỗi hoạt động Tết bằng cách giảm giá trực tiếp từ 50-100% cho hơn 10.000 sản phẩm.
Giám sát cả chất lượng lẫn giá cả
Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường TP Nguyễn Tiến Đạt thông tin, trong dịp trước, trong và sau Tết, đơn vị tăng cường kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý chất lượng hàng hóa, tiêu chuẩn chất lượng, quy chuẩn kỹ thuật đối với các mặt hàng thực phẩm (sữa các loại, đồ uống, rượu thủ công, bánh kẹo, thực phẩm chế biến,...), phân bón, xăng dầu, đồ điện gia dụng, hàng tiêu dùng.
Bên cạnh đó, lực lượng chức năng tập trung kiểm tra, kiểm soát thị trường và xử lý nghiêm vi phạm hành chính đối với những mặt hàng có nhu cầu tiêu dùng cao trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán như: bánh kẹo, đường cát, hoa quả, rượu bia, thuốc lá, nước giải khát, hàng điện tử, điện lạnh, quần áo, giầy dép, động vật và sản phẩm chế biến từ động vật, pháo nổ, pháo hoa các loại ... Đặc biệt, tổ chức giám sát chặt chẽ hoạt động kinh doanh xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng; không để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giả bất hợp lý, nhằm góp phần đảm bảo ổn định thị trường, phục vụ nhu cầu Tết.
Về vấn đề an toàn thực phẩm, Phó trưởng Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP Lê Minh Hải thông tin, đơn vị đã thành lập 11 đoàn thanh kiểm tra để thực hiện công tác kiểm tra trong thời điểm cao điểm từ nay đến Tết Nguyên đán. Trong đó, chú trọng 2 nội dung chính: đẩy mạnh truyền thông đến các đối tượng người tiêu dùng, cơ sở chế biến, kinh doanh, cơ quan Nhà nước; thanh kiểm tra phân cấp, tập trung ở 3 chợ đầu mối cung ứng thực phẩm cho toàn thành phố, các cơ sở sản xuất, cung ứng ở từng địa phương, chủ yếu ở các mặt bằng: thịt, bia rượu, bánh kẹo...
Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP sẽ tập trung phối hợp với lực lượng Quản lý thị trường phát hiện, chống hàng gian, hàng giả. Đặc biệt ở các cơ sở phát sinh mới có ý định thu gom sản phẩm và đưa ra trong dịp Tết. Từ đó, thực hiện giám sát cả về chất lượng và giá cả, đảm bảo quyền lợi của nhân dân.
Kéo dài thời gian hoạt động chợ, trung tâm thương mại
Theo Sở Công Thương TP, trong những ngày cần Tết, các đơn vị sẵn sàng phương án tăng lượng hàng từ 2 - 3 lần so với ngày thường; đồng thời có phương án kéo giãn thời gian hoạt động để đảm bảo nhu cầu tăng đột biến của người tiêu dùng. Cụ thể:
Từ ngày 20 - 27.12 tháng Chạp: Mở cửa từ 7h sáng đến 23h đêm.
Từ ngày 28 - 29.12 tháng Chạp: Mở cửa từ 6h sáng đến 24h đêm.
Ngày 30 tháng Chạp: Mở cửa từ 6h sáng đến 12h trưa.
Khai trương năm mới: 8h sáng mùng 2 Tết Nguyên đán.
Từ mùng 2 đến mùng 5 Tết Nguyên đán: Mở cửa từ 8h sáng đến 12h trưa.
Mùng 6 Tết Nguyên đán: Hoạt động kinh doanh bình thường.