Đi tìm gà 9 cựa

“Voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao” là lễ vật thách cưới của vua Hùng với hai chàng Sơn Tinh, Thủy Tinh. Thế nhưng, ở một vùng núi cao mây phủ, nằm giữa rừng già thuộc xã Xuân Sơn, huyện Tân Sơn, Phú Thọ, người Dao nơi đây bao đời vẫn nuôi giống gà tưởng chỉ có trong truyền thuyết ấy.

Kỳ thú Xuân Sơn

Đi tìm gà 9 cựa ảnh 1

Có nhà nghiên cứu văn hóa đất Tổ cho rằng, tất cả truyền thuyết đều xuất phát từ thực tiễn và gà nhiều cựa cũng liên quan đến gốc rễ là gà rừng... Câu chuyện về xuất xứ loài gà chín cựa ở Xuân Sơn có nhiều điểm thú vị. Theo những người cao tuổi ở bản Cỏi, bản Dù như cụ Bàn Văn Trường, Đặng Văn Phúc thì từ lúc họ còn nhỏ đã thấy trong nhà có những con gà với chùm cựa tua tủa như gai nhọn. Xưa kia, con gà nào có đủ chín cựa thì không bị giết thịt và cũng chẳng thấy chúng chết bao giờ. Theo người già kể lại thì đấy là những con “gà thần” bước ra từ truyền thuyết. Chúng đến làm bạn với người Dao để tạo dựng cuộc sống no đủ rồi lại quay trở về với rừng già.

Từ Hà Nội đến Vườn Quốc gia Xuân Sơn (Phú Thọ) ngót nghét 200 cây số. Hơn chục năm trước, đến bản Dù, bản Cỏi gặp trời mưa chỉ có cách gửi xe ngoài xã Minh Đài rồi cuốc bộ 3 - 4 tiếng đồng hồ, nay đường nhựa thẳng băng đến tận trung tâm xã... Sáng sớm, núi rừng nơi đây vẫn còn chìm trong mây. Những tán cổ thụ thâm u vươn cao mây vờn vấn vít. Hai bên đường sắc đỏ hoa trạng nguyên xen lẫn sắc vàng hoa cúc dại khiến cảnh vật đầy thi vị. Cách đây ít lâu, trong một lần gặp gỡ, nguyên Giám đốc Vườn Quốc gia Xuân Sơn Trần Đăng Lâu kể đầy tự hào: Rừng núi Xuân Sơn kỳ lạ lắm! Ở đây có rất nhiều hang động kỳ thú. Những tên xóm, tên bản, tên núi, tên suối cũng đủ gợi lên sự hấp dẫn như: Núi Chim Bò, núi Bạc, núi Đứt, hang Lun, hang Lạng… rất thích hợp phát triển du lịch sinh thái. Nơi đây còn phát hiện giống cá anh vũ ở hạ nguồn thác Bản Kẹm, loại cá ngày xưa chỉ dùng để tiến vua. Mùa hạ cá ngược dòng lên thác đẻ rồi lại xuôi về ngã ba sông Bạch Hạc trú đông. Xuân Sơn còn có loài chuối cô đơn hay còn gọi là chuối tuyết, chuối voi, là một loài cây cảnh đẹp có giá trị, được mua bán phổ biến ở các nước phương Tây.

Bản Dù lác đác vài chục nóc nhà dần hiện ra dưới màn sương mỏng đang tan dưới ánh nắng mai. Anh bạn đồng nghiệp bỗng “À” lên đầy ngạc nhiên, chỉ tay về phía hàng rào cúc tần. Một chị gà mái đang dắt đàn con đi kiếm ăn sớm. Những đôi chân bới đất mạnh mẽ và có nhiều cựa. Tiếng màn trập máy ảnh liên hồi. Anh Nguyễn Tuấn Anh, kiểm lâm viên của Vườn Quốc gia Xuân Sơn cười nói: “Các nhà báo cứ tiết kiệm thẻ nhớ, lát vào trang trại nhà Bí thư xã Bàn Xuân Lâm tha hồ chụp. Anh Lâm có trang trại nuôi gà cựa với quy mô khá lớn ở vùng này”.

Bí thư Bàn Xuân Lâm dáng người thấp đậm, gương mặt tròn trịa, niềm nở đón khách. Nhà anh Lâm xây ba tầng kiên cố, tọa lạc ngay trung tâm xã. Trước cổng một chiếc ô tô hạng sang chắn gần hết lối đi. Anh Lâm bảo, tất cả là nhờ làm dịch vụ ăn uống và kinh tế trang trại. Trang trại nuôi gà nhiều cựa của gia đình anh Lâm cách nơi ở chỉ vài trăm mét. Tại đây anh quây rào lưới B40, nuôi gà cựa theo kiểu thả vườn, lớn nhỏ trên trăm con. “Gà chín cựa thì đất Xuân Sơn này là chính gốc rồi. Nhưng giờ ở bản Dù, bản Cỏi chỉ nhiều gà bảy, tám cựa thôi, gà đủ cả chín cựa thì hiếm lắm” - anh Lâm nói.

Bảo tồn giống gà quý

Đến trang trại của anh Lâm, do không báo trước, gia đình không bắt nhốt gà, nên chúng tôi được một buổi đuổi gà mệt bở hơi tai. Cuối cùng, nhờ “hợp đồng tác chiến” bài bản, một chị gà mái và một anh gà trống “chiến lợi phẩm” cũng trở thành “người mẫu” bất đắc dĩ.

Theo quan sát, giống gà chín cựa thông thường không nặng quá 1,8kg. Khi đủ lông đủ cánh, chúng bay như chim, bởi chân ngắn và sải cánh rất rộng. Mào gà đỏ tươi, đuôi cong tựa cầu vồng và rất mảnh. Chúng rất dạn người và không tỏ ra hoảng hốt ngay cả khi bị giữ chặt. Điểm đặc trưng của giống gà này là chân khá to, chắc và mọc đều 3 - 4 cựa mỗi bên. Mỗi cựa dài, ngắn khác nhau, mọc nối theo hàng. Cựa trên cùng hoàn toàn là sừng, cong vút như lưỡi câu liêm hay nanh lợn rừng. Cựa gà không dùng để đứng, đi, đậu hoặc bới tìm thức ăn, mà là để tự vệ, “trang trí”. Anh Lâm bảo, cả đàn gà trên trăm con của anh không có con nào đủ chín cựa. Muốn “mục sở thị” gà chín cựa phải đến nhà anh Bàn Văn Liên.

Vượt qua một con dốc cao, rồi men theo bờ suối, nhà anh Bàn Văn Liên nằm dưới một thung lũng khá bằng phẳng. Gia đình anh Liên sinh sống bằng nghề nông, nấu rượu và chăn nuôi. Mấy năm trước, chính quyền địa phương tổ chức tập huấn kỹ thuật về nuôi và bảo tồn giống gà chín cựa, anh Liên là một trong những người tiên phong khăn gói ra huyện học. Học xong anh Liên trở về áp dụng những kiến thức mới trong nhân giống đàn gà bản địa. Hiện gia đình anh nuôi khoảng 50 con gà thuần và chủ yếu cho đẻ để ấp bán gà giống. Anh Liên cho biết, vài năm trước gà chín cựa dễ bán vì hiếm, vào dịp Tết, các đại gia đánh xe lên tận bản thu mua để làm quà biếu. Nhưng nay gà được nuôi nhiều, thậm chí các trang trại miền xuôi cũng nuôi được gà nhiều cựa, nên với giá 250.000 - 300.000 đồng/kg gà nhiều cựa cũng khó tiêu thụ. Tại bản Dù hiện có gia đình mua gà ở vùng khác về cho lai tạo với giống gà địa phương để được loại gà lai cho trọng lượng lớn hơn. Nhưng phương thức lai tạo này sẽ làm giống gà chín cựa có nguy cơ biến mất. “Hiện nhà tôi có một con gà trống còn nhỏ đang có 7 cựa dài và 2 cựa non mới nhú, ít lâu nữa khi gà trưởng thành đây sẽ là con gà đủ 9 cựa duy nhất ở bản Dù. Tôi sẽ cho nhân giống với những con mái 8 cựa, hy vọng sẽ có nhiều gà chín cựa hơn”.

Cách đây nhiều năm, một hội thảo về “gà chín cựa” đã được tổ chức ở Phú Thọ. Có ý kiến cho rằng, cựa gà có thể là những ngón chân gà. Cũng có người đề cập đến vấn đề biến đổi gene, nhưng sự biến đổi chỉ diễn ra ở một vài cá thể chứ không thể nhiều như thế? Và hội thảo chưa có kết luận khẳng định đây là “gà chín cựa” mà mới tạm gọi là “gà nhiều cựa”. Tuy nhiên, khoa học là một nhẽ, còn trong dân gian, gà nhiều cựa ở Xuân Sơn vẫn được người dân gọi là giống gà bước ra từ truyền thuyết! 

5 đức tính tốt của người quân tử

Chữ Đinh trong Đinh Dậu được TS. Cung Khắc Lược tượng thành con gà vàng trong thành ngữ Gà vàng Hiến ngọc
Chữ Đinh trong Đinh Dậu được TS. Cung Khắc Lược tượng thành con gà vàng trong thành ngữ Gà vàng Hiến ngọc

Theo quan niệm dân gian, gà mang đủ 5 đức tính tốt của người quân tử. Đầu tiên là Văn, từ xa xưa những người học trong trường Quốc Tử Giám khi nhận bằng cử nhân trở lên đều đội mũ, hay còn gọi là mão, hình tượng như cái mào. Thứ hai là Dũng, con gà có tướng đi mạnh mẽ, ức nở, khi gáy sáng cũng đứng trên đỉnh cao hướng tới mặt trời. Thứ ba là Võ, con gà có cựa giống như đeo kiếm bên mình, đặc biệt, gà trọi chỉ đấu một lần trong đời, đã đánh sẽ đánh đến chết, sẵn sàng bảo vệ kẻ yếu. Thứ tư là Tín, dù trải qua sóng gió, bão lũ thiên tai, con gà vẫn cố giữ cho mình đứng trên cành cây cao hay mái nhà để cất tiếng gáy đúng giờ. Thứ năm là Nhân, con gà không sống cho bản thân mà vì đồng loại, sẵn sàng chia sẻ miếng ăn với tất cả đồng loại. Vì vậy, gà được coi là linh vật, nằm trong 12 con giáp.

Tiến sĩ Hán Nôm Cung Khắc Lược cho biết, năm Đinh Dậu 2017, chữ Đinh thể hiện sự rắn chắc, bền vững hay sức khỏe, mạnh mẽ. Năm Đinh Dậu phải suy nghĩ chín chắn và thận trọng về những việc cần làm, nên ngó trước nhìn sau, cần tôn trọng người thì tôn trọng, cần thương người thì thương. Mọi người không nên vội vàng, hấp tấp, mà nên xem lại mình, chăm chút mái ấm để chuẩn bị cho những năm tiếp theo tốt đẹp hơn. Mỗi người nên hồi hướng, để thấy lòng sáng hơn, trí tuệ hơn, thân thiện hơn, yêu thương hơn.

Hồng Nhung

Văn hóa

Để lá cờ Tổ quốc không ngừng bay ở vĩ tuyến 17
Văn hóa

Để cờ Tổ quốc tung bay ở vĩ tuyến 17

Trong những năm tháng khốc liệt của chiến tranh chống Mỹ, hình ảnh lá cờ Tổ quốc ở vĩ tuyến 17 là niềm tin, hy vọng của Nhân dân về một ngày đất nước thống nhất. Và để bảo vệ lá cờ không ngừng bay giữa mưa bom, bão đạn, nhiều chiến sĩ đã cống hiến thanh xuân của mình.

50 năm văn học, nghệ thuật đồng hành với đất nước
Văn hóa - Thể thao

50 năm văn học, nghệ thuật đồng hành với đất nước

Có lẽ trong mọi điều sâu thẳm và bền bỉ nhất mà một quốc gia có thể gìn giữ suốt hành trình phát triển là văn học, nghệ thuật. Nhìn lại 50 năm đất nước thống nhất, văn học nghệ thuật đã không chỉ song hành, mà còn là lực đẩy tinh thần đặc biệt, nâng bước dân tộc qua những năm tháng đầy biến động.

Kết nối ký ức hào hùng
Văn hóa - Thể thao

Kết nối ký ức hào hùng

Nửa thế kỷ sau ngày đất nước thống nhất, những thước phim truyện khắc họa cuộc kháng chiến cứu nước của quân và dân ta vẫn vẹn nguyên giá trị lịch sử và nghệ thuật, là di sản tinh thần vô giá của dân tộc. Làm tốt công tác bảo tồn, khơi dậy sức sống mạnh mẽ cho di sản này sẽ góp phần lan tỏa những câu chuyện hào hùng đến các thế hệ sau.

Nhà hát Tuổi trẻ hợp tác quốc tế phát triển nhạc kịch
Văn hóa

Nhà hát Tuổi trẻ hợp tác quốc tế phát triển nhạc kịch

Mới đây, tại Nhà hát Nghệ thuật thành phố Guri - Hàn Quốc đã diễn ra buổi diễn đọc kịch bản vở nhạc kịch "Giấc mơ của em" (My dream), kết quả giai đoạn đầu tiên của dự án hợp tác nghệ thuật giữa Nhà hát Tuổi trẻ và Nhà hát Sangsangmaru kéo dài trong hai năm 2025 - 2026.