Chung Xuân Đào, tức chị Đào, nguyên quán Đài Sơn. Nhà nghèo, sinh ra không lâu thì được người ta nhận nuôi. Cha nuôi bị giết chết trong thời Nhật xâm lược, mẹ nuôi không đủ khả năng chăm sóc nên cuối cùng cho đi ở đợ ở nhà Lương gia. Từ 13 tuổi trở đi, chị Đào trước sau phục vụ 4 đời Lương gia, tổng cộng hơn 60 năm…
Đoạn intro giới thiệu xuất xứ của chị Đào như thế. Tên phim tiếng Anh là “A Simple Life”, tên tiếng Trung là “Tao Jie”, dịch nôm na ra tiếng Việt là chị Đào, nghe cái tên đã thấy phảng phất số kiếp đi làm thuê, giống chị Sen, chị Mơ, chị Nụ ở Việt Nam...
Phim khai thác mối quan hệ chủ - tớ, cũng dựa theo một câu chuyện có thật, giống như “The Intouchables” của Pháp vài năm trước hay “Roma” của Mexico gần đây. Nhưng ba bộ phim có ba lối kể chuyện khác nhau. “The Intouchables” hài hước, trào lộng. “Roma” nhìn biến động lịch sử qua góc độ cá nhân. “A Simple Life” đi vào thân phận và nói về “sinh lão bệnh tử” thường tình. Phim chậm rãi, bùi ngùi, lại có chút gì đó thâm thúy, châm biếm nhẹ nhàng, dư vị đọng lại vừa có chút cay đắng nhưng vẫn có chút ngọt ngào hậu vị.
Như đã nói, chị Đào trước sau phục vụ 4 đời nhà Lương gia, hơn 60 năm trời, thế hệ cũ chết đi lại có thế hệ mới được sinh ra. Sau đó gia đình Lương gia sang Mỹ định cư hết, một mình chị Đào sống cô quạnh trong căn nhà của họ, không chồng, con cái hay có ai bà con thân thích. Trong gia đình có mỗi La Kiệt (Lưu Đức Hoa), đời thứ 2 - được chị Đào chăm bẵm nuôi nấng khôn lớn, đi du học ở Mỹ rồi về Hong Kong làm sản xuất phim, tiếp tục được chị Đào lo cho từng miếng ăn giấc ngủ. Rồi một ngày, chị Đào trúng phong đột quỵ. Tỉnh dậy thì yếu dần, không còn khả năng chăm sóc La Kiệt, lại sợ phiền lụy nên xin nghỉ việc và nhất quyết đòi vào sống ở trại dưỡng lão.
![]() |
Mạch phim đến lúc này rẽ sang một hướng khác và đây cũng mới chính là chủ đề của phim. Một người cả đời đi chăm sóc người khác, giờ già yếu bệnh tật, trở thành gánh nặng của người khác, sẽ hành xử như thế nào với những năm cuối đời của mình? Ngược lại, người quen được chăm sóc sẽ đối xử như thế nào với người giúp việc cả đời chăm lo cho gia đình mình, người như người mẹ thứ 2 của mình, người không đẻ mình ra nhưng chăm bẵm, nuôi mình khôn lớn, biết từng thói quen, sở thích ăn uống của mình…?
La Kiệt đáp ứng nguyện vọng của chị Đào, xin cho chị một suất ở trại dưỡng lão nhờ mối quan hệ quen biết. Trại dưỡng lão trở thành “gia đình” mới của chị Đào. Con người lúc mới sinh ra và lúc sắp chết đều giống nhau ở chỗ đi vệ sinh không tự chủ, phải có người chăm sóc. Nhưng chăm sóc một đứa bé như nuôi nấng một mầm cây non, với bao trông ngóng, chờ đợi, hy vọng nó sẽ trở thành một cây đại thụ. Chăm sóc một người già như một cái cây bật gốc héo úa sắp tàn, như là nghĩa vụ, trách nhiệm phải làm.
Máy quay của nữ đạo diễn Hứa An Hoa giỏi lách vào những chi tiết, vừa mềm mỏng nữ tính vừa đắc địa thâm thúy. Bao nhiêu người già trong phim là bấy nhiêu thân phận, dù chỉ thoáng qua. May mắn thì có gia đình, nhưng con cháu cả năm ghé thăm một đôi lần, Tết được đón về nhà. Nhiều người đơn độc, không thân thích, sống nhờ vào phúc lợi xã hội của chính phủ. Lễ tết càng cô quạnh. Có bà mẹ già chia tài sản cho con trai nhiều hơn con gái, thằng con trai lấy xong tài sản thì không thèm đoái hoài, cô con gái thi thoảng vào thăm, được thể chì chiết bà mẹ dại dột, giờ trắng mắt ra chưa? Đến bữa cơm tập thể, cả đám già ngồi xếp hàng dài, mồm trệu trạo nhai. Cô y tá ngồi trên chiếc xe có bánh lăn, tour một vòng, một cụ được đút cho một thìa. Có cụ mồm nhễu, cơm rơi cơm vãi, cụ ngồi cạnh ngứa mắt bấu tai cho cái, quát “có mỗi cái mồm để ăn mà còn không giữ được cơm, vô dụng quá”. Cụ kia yếu thế hơn, lại bị mắng, uất ức khóc tu tu. Không khác gì trong nhà trẻ. Lễ tết Trung thu, có đoàn truyền hình vào quay, chúc phúc cho các cụ. Máy quay toàn cảnh tươi vui ấm áp, cận cảnh cô ca sĩ mặt tươi như hoa hát tặng các cụ. Hát xong, ra khỏi hình cô vứt mic cho trợ lý, mặt xịu xuống. Hát xong thì có màn tặng quà bánh trung thu, ấm áp nghĩa tình. Các cụ mừng định mở ra ăn thì bị trợ lý giật lại, bảo đây chỉ là đạo cụ quay cho lên truyền hình thôi, đợi đến lễ mới được tặng bánh thật. Các cụ ngao ngán thở dài, tưởng bị tra tấn xong rồi định về phòng thì bị bắt ở lại tiếp thêm một đoàn trẻ con vào thăm nữa…
Mạch phim cứ giản dị, nhẹ nhàng như thế. Đạo diễn giỏi ở chỗ là giữ cho mạch phim thăng bằng, cốt truyện đơn giản nhưng giỏi tình tiết, xúc động nhưng không bị sến súa. Lâu lâu lại bật ra một tiếng cười nhẹ, châm chích nhẹ nhàng mà sâu sắc. Và điều cuối cùng đọng lại vẫn cái tình giữa con người với con người. Như chị gái của La Kiệt nói với anh: “Chị Đào thế mà cũng có số hưởng. Cả đời chăm sóc gia đình mình, hồi em còn nhỏ cưng chiều em nhất nhà, nay về già đau yếu được em báo hiếu”. La Kiệt nói lại: “Em thấy ở đời ai cũng có số phận hết. Chúa Trời quả là có một cái máy tính siêu việt, đã an bài số phận cho mấy tỉ người trên hành tinh của chúng ta”…