
Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22.12.2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia chỉ rõ: “Tập trung đẩy mạnh hợp tác nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ với các quốc gia có trình độ khoa học và công nghệ, chuyển đổi số phát triển, nhất là các lĩnh vực trí tuệ nhân tạo…”. Đặc biệt, Chính phủ Việt Nam và Tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới Nvidia vừa ký thỏa thuận thành lập Trung tâm Nghiên cứu và phát triển và Trung tâm Dữ liệu trí tuệ nhân tạo. Đây là sự kiện mang tính bước ngoặt đối với Việt Nam, kỳ vọng đưa nước ta trở thành trung tâm nghiên cứu và phát triển AI hàng đầu châu Á.
Khi AI tiếp tục thâm nhập vào quy trình làm việc trong mọi ngành và tác động tích cực ngày càng rõ ràng, mọi cá nhân và tổ chức sẽ tìm cách khai thác khả năng của nó để có lợi thế cạnh tranh. Tuy nhiên, việc triển khai AI đòi hỏi phải có kế hoạch cẩn thận và phương pháp tiếp cận có cấu trúc để tránh những cạm bẫy phổ biến và đạt được kết quả bền vững.
Chính phủ cần xây dựng hệ sinh thái AI
Đối với Chính phủ, cần xây dựng hệ sinh thái AI tại các tỉnh, thành phố thông qua phát triển ngành công nghiệp công nghệ thông tin và các công ty AI trong nước, thúc đẩy quan hệ đối tác với các công ty công nghệ hàng đầu quốc tế như OpenAI, Google, Meta, Nvidia, Deepseek… và đẩy nhanh áp dụng AI trong Chính phủ có thể quản trị các nguồn lực kinh tế hiệu quả, tránh lãng phí và tiêu cực. Trước mắt, triển khai tốt việc quản trị nguồn lực xã hội (bao gồm thể chế và môi trường quản lý vĩ mô) nhằm tinh giản bộ máy, liên kết ngành AI với ngành bán dẫn và các ngành kinh tế trọng điểm.
Phát triển các nền tảng cơ sở hạ tầng kỹ thuật số (băng thông rộng mạnh mẽ, khả năng lưu trữ dữ liệu và khả năng kỹ thuật số) và phát triển kỹ năng của nguồn nhân lực AI (từ kiến thức số cơ sở đến nghiên cứu AI tiên tiến và bảo đảm các kỹ năng mới được tích hợp vào chương trình giảng dạy của trường học và đào tạo chuyên môn).
Thúc đẩy văn hóa đổi mới AI nhằm khuyến khích các lực lượng xã hội đón nhận sự thay đổi, khám phá những ý tưởng mới và tham gia vào quá trình áp dụng AI. Việc tạo ra văn hóa này bắt đầu bằng sự lãnh đạo đề cao tính dân chủ, tự do và cởi mở trong tất cả các tầng lớp của chính quyền nhằm thúc đẩy sự đổi mới và sáng tạo. Bằng cách áp dụng văn hóa đổi mới, chúng ta có thể xây dựng lực lượng lao động có chất lượng, thích ứng và sẵn sàng áp dụng AI trong tương lai.
Phát triển các khuôn khổ quản trị AI để quản lý rủi ro và xây dựng khuôn khổ đạo đức có trách nhiệm, bao gồm các nguyên tắc như công bằng, giải trình, minh bạch và tôn trọng quyền tự chủ của người dân.
Xác định rõ mục tiêu, lựa chọn mô hình phù hợp
Đối với doanh nghiệp, xác định mục tiêu là nền tảng để triển khai AI thành công. Bước đầu tiên là xác định các vấn đề hoặc cơ hội mà chuyển đổi số có thể giải quyết. Sau khi xác định các vấn đề cần giải quyết, các công ty có thể chuyển những vấn đề này thành các mục tiêu. Cách tiếp cận có mục đích và cấu trúc sẽ bảo đảm rằng sáng kiến AI được tập trung, với các điểm cuối rõ ràng để đánh giá và triển khai mô hình AI phù hợp với mục tiêu kinh doanh.
Do kết quả AI chỉ tốt bằng dữ liệu đầu vào nên việc đánh giá chất lượng dữ liệu đầu vào và khả năng truy cập là bước đầu quan trọng trong bất kỳ quy trình triển khai AI nào. Đầu tiên, chất lượng dữ liệu phải được đánh giá dựa trên một số tiêu chí, bao gồm độ chính xác, tính đầy đủ, nhất quán và liên quan đến vấn đề kinh doanh. Ngoài ra, dữ liệu phải đại diện cho các tình huống thực tế mà mô hình AI sẽ gặp phải để ngăn ngừa các dự đoán bị thiên vị hoặc hạn chế. Hơn nữa, các hệ thống AI phải có khả năng truy cập dữ liệu một cách phù hợp. Doanh nghiệp phải xác định loại cấu trúc và phương pháp mô hình AI phù hợp nhất với chiến lược của họ. Ngoài lựa chọn mô hình, các tổ chức cũng phải xem xét cơ sở hạ tầng và nền tảng sẽ hỗ trợ hệ thống AI.
Xây dựng nhóm thành thạo AI có kỹ năng xử lý được sự phức tạp của quá trình phát triển, triển khai và bảo trì AI. Nhóm nên bao gồm một loạt vai trò chuyên biệt, như nhà khoa học dữ liệu, kỹ sư phần cứng và nhà phát triển phần mềm, mỗi người đều có chuyên môn trong lĩnh vực của mình. Một nhóm thành thạo AI không chỉ tăng cường triển khai công việc tốt mà còn phải phối hợp xây dựng năng lực nội bộ để đổi mới và thích ứng AI liên tục.
Môi trường thực tế là luôn động, với các mẫu dữ liệu và nhu cầu kinh doanh có thể thay đổi, có khả năng tác động đến hiệu quả của mô hình. Sự kết hợp giữa thử nghiệm kỹ lưỡng và đánh giá nhất quán sẽ bảo vệ việc triển khai AI, giúp hệ thống vừa có khả năng đáp ứng được nhu cầu công việc, vừa có khả năng phản ứng với sự thay đổi.
Có kế hoạch cho khả năng mở rộng và cải tiến liên tục là điều cần thiết cho bất kỳ triển khai dự án AI thành công nào, vì nó cho phép hệ thống xử lý khối lượng dữ liệu, người dùng hoặc quy trình ngày càng tăng mà không ảnh hưởng đến hiệu suất. Khi lập kế hoạch cho khả năng mở rộng, các tổ chức nên chọn cơ sở hạ tầng và khuôn khổ có thể hỗ trợ mở rộng, cho dù thông qua dịch vụ đám mây, điện toán phân tán hay kiến trúc module…
Tựu trung, AI sẽ đóng vai trò trung tâm trong một thế giới đầy biến động, vừa hợp tác vừa cạnh tranh vì nó là đòn bẩy, vũ khí và tiềm tàng của năng lực cạnh tranh phát triển giữa các nền kinh tế trên thế giới đang bước vào thời kỳ bình minh của Cách mạng Công nghiệp 5.0. Trong đó, nền kinh tế sẽ vận hành dựa trên sự tăng cường hợp tác giữa con người và máy móc. Vì thế, bằng cách làm việc cùng với "đồng nghiệp robot", con người và các tổ chức thể chế có thể tập trung vào sáng tạo và thử nghiệm, tối đa hóa tiềm năng của mình, linh hoạt và năng suất hơn.