Nhu cầu cấp bách
Khánh Hòa là một trong những tỉnh có số lượng tàu khai thác hải sản lớn. Bên cạnh đó, số lượng tàu cá của các tỉnh tham gia khai thác tại ngư trường chính như: Ngư trường Nam Trung Bộ và Trường Sa thường xuyên cập cảng tại tỉnh Khánh Hòa hết sức nhộn nhịp. Tuy nhiên, trong những năm qua, do ngân sách dành cho việc đầu tư cơ sở hạ tầng tại các cảng cá trên địa bàn vẫn hạn chế, một số cảng cá đã xuống cấp. Việc đầu tư xây dựng trung tâm nghề cá lớn hết sức cần thiết trong bối cảnh hiện nay, tạo động lực để phát triển và đã được UBND tỉnh Khánh Hòa đặc biệt quan tâm.
Cũng như các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ, Khánh Hòa có vị trí rất quan trọng trong khai thác thủy sản, đặc biệt là hậu thuẫn cho các ngư dân vươn khơi bám biển bởi hiện nay, nghề đánh bắt xa bờ chủ yếu thuộc khu vực miền Trung. Địa phương cũng có lợi thế khi gắn liền với nhiều ngư trường lớn.
Lãnh đạo Bộ NN - PTNT đánh giá, Khánh Hòa hội đủ 6 điều kiện là điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý; khả năng thu hút các nguồn lực, tạo sức hút về thị trường, gắn kết các khâu trong chuỗi làm tăng giá trị các sản phẩm thủy sản; sự thống nhất với các chính sách, chiến lược, quy hoạch phát triển; nguồn nhân lực; vai trò của kinh tế thủy sản đối với kinh tế vùng và vị trí gắn với quốc phòng, an ninh biển, đảo; đánh giá độ rủi ro.
Sở dĩ lượng hải sản đưa vào chế biến phục vụ xuất khẩu thấp là do chất lượng hải sản sau thu hoạch không cao. Một số chủ tàu khai thác xa bờ cho rằng, cần phải tiến hành song song 2 biện pháp để giảm tổn thất hải sản sau khai thác, đó là đầu tư hệ thống bảo quản đạt tiêu chuẩn và phát triển đội tàu dịch vụ hậu cần nghề cá.
Theo ngư dân Trần Phi Long (Hòn Rớ, TP Nha Trang), do thiếu kinh phí nên phần lớn các tàu chưa thể trang bị hầm bảo quản tốt, các chuyến biển thường kéo dài hơn 20 ngày, khi gặp thời tiết xấu, chất lượng cá càng xuống cấp, hơn 60% lượng cá khi đưa vào bờ chất lượng kém. Cá không đạt tiêu chuẩn nên việc tiêu thụ khó khăn, giá bán thấp. Vì vậy, nếu có tàu dịch vụ, khi khai thác xong thu ngay để đưa cá về bờ thì chắc chắn chất lượng cá sẽ cao, ngư dân lại được tiếp tế nhu yếu phẩm bám biển dài ngày.
“Khi gặp luồng cá lớn, nếu không có tàu dịch vụ thu mua cá, cung cấp thêm nhu yếu phẩm thì ngư dân buộc phải quay về bờ, không thể tiếp tục đuổi theo đàn cá. Khi về bờ, lượng cá khai thác đầu chuyến chất lượng chỉ còn 30 - 40%, giá bán rất thấp” - ông Long chia sẻ.
![]() Phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá là động lực thúc đẩy ngành thủy sản phát triển |
Động lực thúc đẩy ngành thủy sản vùng
Xét về địa lý, Khánh Hòa có vùng ngư trường Trường Sa rất rộng lớn, có các đảo tiền tiêu thuộc huyện Trường Sa. Phía bờ có nhiều vịnh: Vân Phong, Nha Trang, Cam Ranh có khả năng xây dựng, tiếp nhận tất cả các loại tàu hiện đại. Về nhân lực, cơ sở vật chất Khánh Hòa hiện có trên 1.100 tàu cá công suất lớn đánh bắt xa bờ, lại có nhiều cảng cá lớn, nhỏ như Hòn Rớ, Vĩnh Lương (Nha Trang), Đá Bạc (Cam Ranh), Đại Lãnh (Vạn Ninh)… Những cảng cá này từ lâu đã trở nên quen thuộc với ngư dân các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Ninh Thuận, Bình Thuận… bà con thường xuyên ra vào để tiếp nhiên liệu cho tàu, bán cá, tránh trú bão. Khánh Hòa còn thuận lợi khi có nhiều nhà máy, xưởng đóng tàu có thể đóng từ tàu gỗ, composite đến tàu sắt hiện đại. Có Viện Hải dương học, Đại học Nha Trang, Viện Nghiên cứu và Nuôi trồng Thủy sản III… đều là những trung tâm đầu ngành về thủy sản.
Hiện nay, toàn tỉnh Khánh Hòa có gần 83.000 lao động làm việc trong lĩnh vực thủy sản, chiếm gần 10% tổng số lao động toàn tỉnh. Trong đó, lao động trực tiếp trong ngành khai thác thủy sản khoảng 33.000 người. Chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2019, Chi cục Thủy sản tỉnh Khánh Hòa đã tổ chức được 29 lớp tuyên truyền về Luật Thủy sản 2017 và 1 lớp máy trưởng tại địa bàn huyện Ninh Hòa, phổ biến đến tận các đơn vị hành chính xã, phường và tiến hành chiêu sinh, mở lớp.
Việc hình thành trung tâm nghề cá vùng sẽ thu hút, khai thác nguồn lực và phát huy những tiềm năng, lợi thế về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên cũng như hệ thống kết cấu hạ tầng, các nguồn lực của vùng. Sau khi hình thành; Trung tâm này sẽ là đầu tàu kéo ngành thủy sản vùng phát triển mạnh mẽ hơn, năng động hơn, tốc độ tăng trưởng cao, bền vững hơn. Trung tâm sẽ bảo đảm, tạo điều kiện tối đa cho ngư dân cả nước đánh bắt hải sản ở ngư trường Trường Sa yên tâm đánh bắt xa bờ, góp phần giữ vững an ninh biển đảo.
Chính vì vậy, trong thời gian vừa qua, UBND tỉnh Khánh Hòa đã triển khai hoàn thiện các hạng mục như quy hoạch chi tiết, phân hạng mục đầu tư, giải phóng mặt bằng, tạo các chính sách thu hút các doanh nghiệp tham gia đầu tư vào trung tâm nghề cá lớn. Bên cạnh đó, tỉnh Khánh Hòa sẵn sàng tạo mọi điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư tham gia xây dựng các hạng mục trong trung tâm nghề cá lớn.
Trung tâm nghề cá lớn tại tỉnh Khánh Hòa dự kiến được xây dựng tại cảng cá Đá Bạc, với diện tích khoảng 46ha. Trong đó có 30ha mặt nước, trong đó có cảng chuyên dụng cho cá ngừ đại dương; khu dịch vụ hậu cần, hệ thống kho lạnh bảo quản sản phẩm; chợ đầu mối hải sản, chợ đấu giá cá ngừ đại dương khu vực Nam Trung bộ. Tổng mức đầu tư hơn 1.500 tỷ đồng.
Trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá sẽ là địa chỉ tin cậy của ngư dân đánh bắt khơi xa trong cung ứng nhu yếu phẩm, nước ngọt, nhiên liệu, cứu nạn, cứu hộ, sửa chữa tàu cũng như cấp cứu, chữa trị cho ngư dân mỗi khi bị tai nạn, đau ốm.