Trước đó, ngày 25.7.2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 889/QĐ-TTg về việc phê duyệt “Kế hoạch quốc gia triển khai các nhiệm vụ trọng tâm nhằm tăng cường năng lực quản lý, kiểm soát dịch bệnh động vật và bảo đảm an toàn thực phẩm có nguồn gốc động vật, giai đoạn 2023 - 2030” (Kế hoạch quốc gia). Theo đó, để bảo đảm thực hiện kịp thời, đầy đủ, đạt mục tiêu, hoàn thành các nhiệm vụ của địa phương được nêu tại Kế hoạch quốc gia, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương báo cáo Thường vụ Tỉnh ủy, Thành ủy chỉ đạo các Sở, ban ngành liên quan và chính quyền các cấp thực hiện một số nội dung chính sau:
Đối với nhiệm vụ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong công tác thú y, giai đoạn 2023 - 2030 cần thực hiện các nội dung sau:
Tổ chức xây dựng kế hoạch đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong công tác thú y, giai đoạn 2023 – 2030 phù hợp với thực tiễn của địa phương, bảo đảm liên thông, kết nối có hiệu quả với hệ thống của Trung ương.
Phối hợp với các cơ quan liên quan ở Trung ương triển khai các nhiệm vụ: Xây dựng kho dữ liệu số dùng chung của ngành thú y; Xây dựng hệ thống trực tuyến phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh; Xây dựng hệ thống trực tuyến phục vụ công tác kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật; Xây dựng hệ thống trực tuyến phục vụ công tác quản lý kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm; Xây dựng hệ thống trực tuyến phục vụ công tác quản lý thuốc; Hệ thống trực tuyến phục vụ chỉ đạo, điều hành, đào tạo, tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ trong lĩnh vực thú y.
Chuẩn bị cơ sở vật chất, nguồn nhân lực tiếp nhận, vận hành, sử dụng các hệ thống, dữ liệu được Trung ương xây dựng.
Đối với nhiệm vụ nâng cao quản lý thuốc, vaccine thú y đảm bảo chất lượng hiệu quả giai đoạn 2023-2030 cần thực hiện những nội dung chính như sau:
Tăng cường năng lực quản lý thuốc, vaccine thú y; thực hiện giám sát chất lượng thuốc thú y và quá trình sử dụng kháng sinh và kháng thuốc. Bên cạnh đó, phối hợp tổ chức nghiên cứu, sản xuất, đánh giá, sử dụng các loại thuốc thú y, nhất là các loại vaccine phòng các bệnh quan trọng, vaccine thế hệ mới. Đồng thời, xây dựng và triển khai chương trình truyền thông, thông tin tuyên truyền về quản lý thuốc thú y, kê đơn, sử dụng thuốc thú y, đặc biệt kháng sinh và phòng chống kháng thuốc trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản tại địa phương.
Đối với nhiệm vụ tăng cường năng lực quản lý, kiểm dịch động vật, kiểm soát giết mở, kiểm tra vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm đối với động vật, sản phẩm động vật, giai đoạn 2023-2030 cần thực hiện các nội dung chính sau: Tăng cường năng lực quản lý, kiểm dịch động vật; Giám sát vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm đối với sản phẩm động vật tiêu dùng trong nước; Xây dựng và triển khai chương trình thông tin, tuyên truyền về vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm tại địa phương.
Đối với nhiệm vụ tăng cường năng lực quản lý, kiểm soát dịch bệnh động vật, bệnh truyền lây giữa động vật và người, giai đoạn 2023-2030 cần thực hiện một số nội dung chính sau: Xác định và thiết lập vùng an toàn dịch bệnh phù hợp với quy hoạch của tỉnh, các quy định của Luật Thú y, Luật Quy hoạch và quy định của Tổ chức Thú y thế giới (WOAH/OIE); Xây dựng hệ thống quản lý thông tin, dữ liệu bảo đảm yêu cầu truy xuất nguồn gốc; Xây dựng kế hoạch dự phòng ứng phó khi phát hiện dịch bệnh động vật; Áp dụng công nghệ mới trong nghiên cứu, quản lý, kiểm soát dịch bệnh động vật; Ưu tiên đầu tư hạ tầng, trang thiết bị dịch tễ, chẩn đoán xét nghiệm, phòng, chống dịch bệnh động vật của địa phương....