Đến nay, Sở Y tế tỉnh Gia Lai đã triển khai 1 cơ sở dữ liệu dùng chung của tỉnh (Hệ thống quản lý văn bản và điều hành tỉnh) tại 3 cơ quan trực thuộc là: Văn phòng Sở Y tế, Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình và Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh. Các đơn vị điều trị cũng đang triển khai phần mềm quản lý bệnh viện. Bên cạnh đó, Viettel đã tài trợ cho 4 trung tâm y tế tuyến huyện các thiết bị đầu cuối và đang cung cấp miễn phí dịch vụ kết nối. Trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố còn lại đã được Sở Y tế đầu tư trang thiết bị để tham gia hội chẩn, KCB từ xa với các bệnh viện tuyến trên.
Ngành Y tế cũng đã triển khai hệ thống tư vấn, khám chữa bệnh từ xa (Telehealth) tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh với các bệnh viện tuyến Trung ương như: Bệnh viện Tim Hà Nội, Bệnh viện Trung ương Huế và tại Bệnh viện Nhi tỉnh với Bệnh viện Nhi đồng I và Bệnh viện Nhi đồng II (TP. Hồ Chí Minh).
Đối với việc liên thông đơn thuốc quốc gia, ngành đã cấp mã cho 965 bác sĩ, y sĩ; cấp mã cho 194 cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Tổng số đơn thuốc được liên thông trên hệ thống quốc gia là 498.895 đơn. Hiện đã có 15 cơ sở y tế thực hiện liên thông dữ liệu khám sức khỏe phục vụ Đề án 06. Đến nay, tất cả 26 cơ sở y tế (23 cơ sở y tế công lập, 3 bệnh viện tư nhân) đã triển khai thanh toán chi phí dịch vụ y tế không dùng tiền mặt.
Đại diện Sở Y tế tỉnh cho biết, chuyển đổi số đã mang lại sự tiện lợi cho bệnh nhân như có thể đặt lịch khám, nhận kết quả xét nghiệm và tương tác với bác sĩ từ xa. Đồng thời, góp phần quan trọng vào việc tăng cường quản lý và giám sát sức khỏe cộng đồng. Hệ thống thông tin y tế kỹ thuật số cho phép các cơ quan y tế cập nhật dữ liệu về dịch bệnh, theo dõi tiến độ tiêm chủng và phân tích xu hướng dịch tễ giúp cung cấp thông tin chính xác, kịp thời trong thực hiện chính sách y tế và phòng chống dịch.
Còn đại diện Trung tâm Y tế huyện Chư Sê cho hay, từ cuối năm 2022, đơn vị xây dựng phần mềm quản lý nhân lực, từ đầu năm 2023 xây dựng và triển khai thí điểm số hóa hồ sơ bệnh án bằng việc lưu trữ dữ liệu quá trình điều trị, chăm sóc bệnh nhân trong hồ sơ bệnh án Khoa Y học cổ truyền vào kho dữ liệu chung của đơn vị. Đây cũng là cơ sở ban đầu cho việc tiến tới triển khai bệnh án điện tử giúp cho việc quản lý quá trình điều trị, chăm sóc bệnh nhân được thuận lợi, hiệu quả hơn.
Tại Bệnh viện Nhi tỉnh, công tác chuyển đổi số cũng được quan tâm. Đơn vị đã đưa nhiệm vụ phát triển công nghệ thông tin vào kế hoạch nhiệm vụ từng năm và dự toán kinh phí trong kế hoạch hàng năm để làm cơ sở thực hiện. Phấn đấu đầu tư Hệ thống chuông gọi y tá tại khu điều trị nội trú trong năm 2023; giai đoạn 2024 - 2025 xây dựng hệ thống khám chữa bệnh từ xa, hội họp trực tuyến, thanh toán không dùng tiền mặt, đầu tư phần mềm hồ sơ sức khỏe điện tử toàn dân, đăng ký khám bệnh online. Ngoài ra, nâng cấp phần mềm quản lý bệnh viện tiến đến Bệnh án điện tử và sử dụng bệnh án điện tử trước năm 2025.
Thời gian tới, ngành y tế tỉnh Gia Lai sẽ tiếp tục xây dựng, phát triển và hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu, bảo đảm an toàn và an ninh thông tin. Phấn đấu 100% hồ sơ nhân sự của công chức, viên chức và người lao động trong ngành được cập nhật thường xuyên và định kỳ tại địa chỉ https://gialai.vnerp.vn/. Phấn đấu trong năm 2023, tỷ lệ người dân có hồ sơ sức khỏe điện tử đạt từ 30% trở lên; các bệnh viện tuyến tỉnh, trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố triển khai thanh toán điện tử không dùng tiền mặt phấn đấu đạt trên 10%; 100% cơ sở cung ứng thuốc trên địa bàn tỉnh bao gồm cả công lập lẫn tư nhân thực hiện kết nối với Cổng quản lý dược quốc gia; các bệnh viện đẩy nhanh quá trình xây dựng bệnh án điện tử.