Dự kỳ họp có: Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Dương Văn Thái; Ủy viên Thường trực Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Leo Thị Lịch; Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội Trần Văn Lâm; Tổng biên tập Báo Đại biểu Nhân dân Phạm Thị Thanh Huyền; Phó Kiểm toán Nhà nước khu vực 6 Lê Thanh Hà...
Tập trung "đúng - trúng" vấn đề cử tri quan tâm

Phát biểu khai mạc kỳ họp, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bắc Giang nhấn mạnh: Tại Kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh sẽ xem xét, quyết nghị nhiều nội dung quan trọng. Trong đó, tập trung đánh giá khách quan, toàn diện về tình hình kinh tế - xã hội bảo đảm quốc phòng, an ninh trong 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu 6 tháng cuối năm 2022.

Xem xét, thảo luận, quyết nghị thông qua 22 dự thảo nghị quyết thuộc nhiều lĩnh vực (kinh tế, đầu tư, văn hoá, giáo dục, bảo đảm an sinh xã hội). Trong đó, nhiều nghị quyết ảnh hưởng sâu, rộng được cử tri và Nhân dân trong tỉnh quan tâm như: Các nghị quyết liên quan đến việc triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; Nghị quyết quy định mức thu học phí, các khoản thu dịch vụ phục vụ và hỗ trợ hoạt động giáo dục từ năm học 2022-2023 trở đi tại các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông và giáo dục thường xuyên công lập trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, có tác động đến nhiều tầng lớp nhân dân và các cơ sở giáo dục và nhiều nghị quyết quan trọng khác... Thực hiện giám sát thông qua nghiên cứu, xem xét, cho ý kiến đối với 48 báo cáo của UBND tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh, các Ban của HĐND tỉnh, một số cơ quan, đơn vị trình tại kỳ họp theo quy định.

Đặc biệt, tại kỳ họp lần này, HĐND tỉnh sẽ tăng thời gian thảo luận tổ, thảo luận tại hội trường. Những nội dung thảo luận tại hội trường kỳ này được lựa chọn, tập trung vào những vấn đề được quan tâm, cấp bách của địa phương, quá trình thảo luận sẽ có sự trao đi, đổi lại giữa đại biểu và các cơ quan có liên quan để làm rõ một số vấn đề xung quanh nội dung thảo luận, nhằm khuyến khích các đại biểu, nhất là các “Tư lệnh ngành” của tỉnh đưa ra các giải pháp có tính khả thi để thực hiện chức năng, nhiệm vụ của ngành mình một cách hiệu quả hơn, thực chất hơn, trong đó tập trung đúng, trúng vào những vấn đề qua TXCT trên địa bàn tỉnh quan tâm.

Kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh là kỳ họp thường lệ giữa năm 2022, đây là năm đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX và là năm đầu tiên thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH theo Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ. Những nội dung mà Kỳ họp thứ 7 của HĐND tỉnh sẽ xem xét, quyết định có ý nghĩa quan trọng, tác động đến nhiều lĩnh vực đời sống xã hội và việc thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ năm 2022 cũng như của cả giai đoạn 2021-2025.
Do đó, người đứng đầu HĐND tỉnh đề nghị các đại biểu HĐND tỉnh nêu cao tinh thần trách nhiệm, tích cực nghiên cứu, thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến vào nội dung chương trình bảo đảm cho kỳ họp thành công, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của cử tri và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh.

Tốc độ tăng trưởng dẫn đầu cả nước

Vượt qua những khó khăn thách thức, cùng với việc thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch với mục tiêu “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”; triển khai hiệu quả “mục tiêu kép” vừa kiểm soát tốt dịch bệnh vừa khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội, nhanh chóng chuyển sang trạng thái bình thường mới. Đến nay, tỉnh đã hoàn toàn kiểm soát dịch Covid-19; KT - XH của tỉnh 6 tháng đầu năm duy trì đà phục hồi mạnh mẽ và bền vững... Những kết quả nổi bật này đã được Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Mai Sơn khẳng định tại báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH 6 tháng đầu năm; nhiệm vụ và giải pháp thực hiện 6 tháng cuối năm 2022.

Nổi bật nhất trong bức tranh kinh tế - xã hội của tỉnh đó chính là tốc độ tăng trưởng GRDP cao nhất từ trước đến nay và dẫn đầu cả nước. Trong đó, ngành công nghiệp – xây dựng tăng 35,5%; dịch vụ tăng 7,8%; nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 2,7%; thuế sản phẩm tăng 6,6%. Quy mô GRDP đạt 71.260 tỷ đồng, bằng 46,9% kế hoạch…. Thu ngân sách ước đạt 9.994 tỉ đồng, tăng 31,1% so với cùng kỳ.

Công tác quy hoạch, đầu tư công và thu hút đầu tư được quan tâm chỉ đạo. Tỉnh Bắc Giang cũng là địa phương đầu tiên trong cả nước được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh. Tổng vốn đầu tư phát triển mạnh so với cùng kỳ. Môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh có sự cải thiện.
Tính đến cuối tháng 6, toàn tỉnh đã thu hút được 728,7 triệu USD tổng vốn đầu tư quy đổi, bằng gần 96% so với cùng kỳ; các dự án FDI điều chỉnh tăng vốn với số vốn đăng ký bổ sung đạt 255 triệu USD, gấp 3,2 lần cùng kỳ.
Các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, khởi sự được đẩy mạnh. Tỷ lệ hồ sơ đăng ký kinh doanh thực hiện qua mạng chiếm 96%, đứng thứ 6 toàn quốc. Tính đến ngày 28.6.2022, toàn tỉnh có 832 doanh nghiệp và 82 chi nhánh, văn phòng đại diện thành lập mới, tăng 35% so với cùng kỳ; tổng vốn đăng ký là 16.010 tỷ đồng...
Chất lượng giáo dục, y tế được duy trì; an sinh xã hội được bảo đảm. Tỉnh đăng cai tổ chức thành công môn Cầu lông SEA Games 31, các vận động viên người Bắc Giang tham gia SEA Games 31 gặt hái được nhiều thành tích cao. Công tác cải cách hành chính tiếp tục đạt được kết quả tích cực; hiệu quả hoạt động của chính quyền địa phương được nâng lên. Công tác thanh tra, kiểm tra, tiếp công dân và giải quyết khiếu nại tố cáo được chú trọng. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm...
Bên cạnh những kết quả đạt được, Báo cáo của UBND tỉnh cũng thắng thắn chỉ rõ những tồn tại, hạn chế như: Sản xuất công nghiệp của tỉnh còn phụ thuộc nhiều vào khu vực FDI; sức lan tỏa của các dự án FDI còn thấp. Chất lượng các dự án thu hút đầu tư chưa được cải thiện nhiều; chưa thu hút được nhiều dự án lớn của các tập đoàn đa ngành, hoạt động xuyên quốc gia, có thương hiệu quốc tế. Tỉ lệ vốn đầu tư thực hiện các dự án còn thấp so với tổng vốn đầu tư đăng ký...
Trên cơ sở nhận diện, đánh giá, phân tích toàn diện bức tranh kinh tế - xã hội, 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp đã được UBND tỉnh xác định nhằm duy trì nhịp độ tăng tăng trưởng và hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra trong năm 2022. Trong đó, UBND tỉnh sẽ triển khai thực hiện hiệu quả các nghị quyết của Trung ương, của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh và kế hoạch của Ban cán sự Đảng UBND tỉnh về các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2022.

Tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tăng cường tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh phát triển sản xuất; đẩy mạnh thu ngân sách, tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng thiết yếu, trọng tâm là hạ tầng khung về giao thông, công nghiệp, đô thị. Tiếp tục nâng cao hiệu quả quản lý đất đai, tài nguyên khoáng sản và bảo vệ môi trường. Chú trọng công tác y tế, nâng cao chất lượng dịch vụ, chăm sóc sức khỏe Nhân dân. Nâng cao công tác giáo dục, đào tạo nghề, phát triển nguồn nhân lực. Triển khai hiệu quả công tác an sinh xã hội; phát huy các giá trị văn hóa, tăng cường quản lý lao động. Đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường chuyển đổi số. Tăng cường an ninh quốc phòng, bảo đảm trật tự xã hội, thực hiện tốt công tác tiếp dân giải quyết khiếu nại tố cáo. Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, phối hợp tốt với MTTQ tỉnh và các đoàn thể các cấp…

Tại kỳ họp, các đại biểu nghe Báo cáo tình hình, kết quả công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật 6 tháng đầu năm; nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng cuối năm 2022; Báo cáo tình hình, kết quả công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện 6 tháng cuối năm 2022; Báo cáo thẩm tra của các Ban HĐN tỉnh; Thông báo của Ủy ban MTTQ tỉnh tham gia xây dựng chính quyền 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2022 và những kiến nghị tại Kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh Khóa XIX; Thông báo của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh về kết quả Kỳ họp thứ Ba, Quốc hội Khóa XV; Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri trước Kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh Khóa XIX....

Tại kỳ họp, HĐND tỉnh đã bầu bổ sung uỷ viên UBND tỉnh
+ Theo chương trình, Kỳ họp thứ 7 sẽ diễn ra từ ngày 11 - 12.7.