Làm rõ khái niệm “dao có tính sát thương cao”
Đa số các đại biểu tại Tổ 2 nhất trí với sự cần thiết sửa đổi Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ nhằm tạo hành lang pháp lý vững chắc trong công tác quản lý nhà nước và phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm, vi phạm pháp luật về lĩnh vực này; đồng thời, khắc phục những bất cập, hạn chế, vướng mắc trong quá trình thi hành, áp dụng Luật thời gian qua.
ĐBQH Nguyễn Minh Đức nêu thực tế, trong xã hội hiện nay có một bộ phận thanh thiếu niên hình thành thành những băng nhóm và sở hữu, sử dụng vũ khí có khả năng gây sát thương cao để đâm chém nhau. Nêu lên hiện tượng tiêu cực, nhức nhối này trong xã hội, đại biểu cũng nêu thực tế, do khoảng trống pháp lý trong xử lý hành vi sử dụng trái phép những loại vũ khí nguy hiểm này nên khi bắt giữ những đối tượng sở hữu những loại vũ khí nguy hiểm thì cơ quan chức năng chỉ có thể xử lý bằng biện pháp hành chính. Những đối tượng này có thể tiếp tục tái phạm, và ngay cả khi bị bắt giữ lại thì pháp luật hiện hành cũng không có hình thức xử lý nào cao hơn để bảo đảm tính răn đe.
“Nếu không xây dựng và thực hiện pháp luật tốt nhất để ngăn chặn, phòng ngừa thì hàng ngày, hàng giờ trên đất nước ta có thể xảy ra những trường hợp đau lòng, sẽ còn những nạn nhân phải hứng chịu hậu quả từ hành vi của những nhóm đối tượng này”. Lưu ý điều này, đại biểu Nguyễn Minh Đức cũng nhấn mạnh, cần tính toán để các quy định trong dự thảo Luật bảo đảm bao quát các loại vũ khí mới phát sinh hoặc có thể phát sinh trong tương lai.
Góp ý vào quy định “dao có tính sát thương cao” tại điểm b, Khoản 4 dự thảo Luật, một số đại biểu cho rằng, quy định này chưa bao quát hết các loại công cụ tương tự (chông, mìn, bẫy...) có nguy cơ gây sát thương, sẽ trở thành vũ khí nguy hiểm khi sử dụng trái mục đích; đồng thời quy định dao có tính sát thương cao là vũ khí thô sơ, vũ khí quân dụng sẽ không thống nhất với một số quy định của pháp luật hiện hành quy định về vũ khí. Vì vậy, đề nghị nghiên cứu quy định bảo đảm phù hợp, đồng bộ, thống nhất.
ĐBQH Dương Văn Thăng đề nghị, cần quy định cụ thể “dao có tính sát thương cao” là loại dao có những đặc tính, tính năng nào? ĐBQH Nguyễn Thanh Sang cũng đề nghị cần làm rõ khái niệm “dao có tính sát thương cao”, bởi trong thực tế dao có rất nhiều loại, có khả năng sát thương, cần quy định để sau khi Luật được thông qua thì các cơ quan tiến hành tố tụng khi thực hiện có thể định danh được loại “dao có tính sát thương cao”.
Cần cụ thể hóa chính sách của Nhà nước đối với lực lượng cảnh vệ
Cơ bản tán thành với sự cần thiết xây dựng và ban hành dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ, các đại biểu TP. Hồ Chí Minh cũng cho rằng cần tiếp tục cụ thể hóa quy định của Hiến pháp về quyền con người, quyền công dân; khắc phục những bất cập, hạn chế, khó khăn, vướng mắc phát sinh trong thực tiễn công tác cảnh vệ thời gian qua.
Về phạm vi sửa đổi Luật lần này, ĐBQH Đỗ Đức Hiển đề nghị cần tiếp tục rà soát các quy định hiện hành, nhất là những vướng mắc trong thực tiễn thi hành luật, nhằm tiếp tục bổ sung, hoàn thiện vào dự thảo Luật để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật và đáp ứng yêu cầu bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.
Bên cạnh đó, đại biểu Đỗ Đức Hiển cũng đề nghị, đối với những điều khoản trong dự thảo Luật giao Chính phủ quy định chi tiết, cần hết sức cân nhắc và nên quy định ngay trong dự thảo Luật, nhất là những quy định về chính sách của Nhà nước đối với lực lượng cảnh vệ, nhằm bảo đảm tính bao quát, cụ thể, khả thi.
Về các biện pháp cảnh vệ, một số đại biểu cho rằng, việc bổ sung quy định các biện pháp cảnh vệ là cần thiết, góp phần hoàn thiện Luật Cảnh vệ, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cảnh vệ, đáp ứng yêu cầu thực tiễn; đồng thời, luật hóa các quy định đã được thực hiện ổn định trong thời gian qua.
Về bổ sung quy định áp dụng biện pháp cảnh vệ đối với trường hợp không thuộc đối tượng quy định của Luật Cảnh vệ, Luật hiện hành đã quy định “Căn cứ tình hình an ninh chính trị trong từng giai đoạn, khi xét thấy cần thiết, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung đối tượng cảnh vệ và việc áp dụng biện pháp, chế độ cảnh vệ phù hợp với quy định tại các điều 11, 12, 13 và 14 của Luật này”.
Tuy nhiên, đại biểu Đỗ Đức Hiển nhận thấy, trên thực tiễn chưa lần nào Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung đối tượng cảnh vệ và việc áp dụng biện pháp, chế độ cảnh vệ phù hợp. Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng an ninh cũng cho biết, việc thực hiện quy định này còn gặp nhiều khó khăn, chưa bảo đảm tính kịp thời nên đã tác động, ảnh hưởng đến tính hiệu quả của công tác cảnh vệ. Do đó, đại biểu đề nghị, dự thảo Luật cần quy định các trường hợp cụ thể.
Về bổ sung đối tượng cảnh vệ là Thường trực Ban Bí thư, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát Nhân dân Tối cao (điểm b và c khoản 3 Điều 1), một số đại biểu nhất trí với việc bổ sung 3 chức danh, chức vụ này vào đối tượng cảnh vệ nhằm thể chế kịp thời quy định của Đảng, nhất là Kết luận 35-KL/TW về danh mục chức danh, chức vụ lãnh đạo và tương đương của hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở và bảo đảm tính thống nhất, công bằng, minh bạch về chức danh, chức vụ và chế độ, chính sách đối với các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
ĐBQH Trần Hoàng Ngân đề nghị, dự thảo Luật cần quan tâm hơn tới các quy định về việc sử dụng các phương tiện phát hiện, phòng ngừa từ xa; chính sách của Nhà nước đối với lực lượng cảnh vệ.