Đánh giá tác động xã hội và tác động giới trong dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi), nhiều đại biểu lưu ý một số quy định về tiền lương và tuổi nghỉ hưu. Theo đó, với chính sách tiền lương, vấn đề bất cập trong Bộ luật Lao động là các quy định về cơ cấu tiền lương, tiêu chí và các yếu tố xác định mức lương tối thiểu, thành phần hội đồng tiền lương quốc gia, định mức lao động, trả lương làm thêm giờ, lương làm việc ban đêm... Ban soạn thảo đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định này theo hướng tăng thêm thu nhập của người lao động, làm rõ hơn cách tính tiền lương và sẽ tăng chi phí cho doanh nghiệp khi mức trả lương tăng. Xét về tác động giới, có lẽ thu nhập của lao động nữ có thể ít hơn nam do ít làm thêm giờ và làm việc ban đêm để dành thời gian chăm sóc cho gia đình.
Quy định về tuổi nghỉ hưu cũng chưa phù hợp với thực tiễn và quy định của Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW). Nếu vẫn giữ như quy định hiện hành, thì quy định tuổi nghỉ hưu chưa bảo đảm duy trì khoảng cách tuổi giữa nam và nữ. Từ góc nhìn của CEDAW, khác biệt về tuổi hưu là một hình thức phân biệt đối xử đối với phụ nữ, qua đó xâm phạm quyền bình đẳng của phụ nữ trong vấn đề làm việc, cơ hội việc làm, thăng tiến, ổn định công việc. Tuổi nghỉ hưu sớm của phụ nữ góp phần gia tăng khoảng cách thu nhập trong thời gian đi làm cũng như lương hưu sau này giữa phụ nữ và nam giới. Khoảng cách thu nhập giữa lao động nam và nữ đã tăng từ 7% năm 2009 lên 10,1% năm 2015. Cũng tương tự như vậy, mặc dù tỷ lệ hưởng lương hưu của lao động nữ cao hơn lao động nam đến 2,9%, song lương hưu bình quân của lao động nữ lại thấp hơn đến 3,7% so với lương hưu của lao động nam (Bảo hiểm xã hội năm 2012). Nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng này là do quy định tuổi nghỉ hưu của nữ giới thấp hơn của nam giới cho nên bậc lương cuối cùng của nữ giới thường thấp hơn so với nam giới. Điều này đặc biệt thể hiện rõ đối với cách tính lương hưu theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định chỉ căn cứ vào 5 năm cuối cùng trước khi nghỉ hưu.
Vì vậy, các đại biểu nhất trí sửa đổi quy định về tuổi nghỉ hưu theo hướng tăng tuổi nghỉ hưu với cả nam và nữ. Xét về tác động xã hội, Ban soạn thảo dự án Bộ luật Lao động sửa đổi cho rằng, tăng tuổi nghỉ hưu không gây nhiều ảnh hưởng tiêu cực tới sức khỏe của người lao động. Tiền lương và lương hưu của phụ nữ được dự báo sẽ tăng. Xét về tác động giới, quy định mới về tuổi nghỉ hưu sẽ có tác động tích cực và trực tiếp đối với phụ nữ. Phụ nữ có nhiều cơ hội việc làm, thăng tiến hơn, khoảng cách thu nhập cũng như lương hưu giữa nam giới và phụ nữ sẽ được thu hẹp.
Tại cuộc họp, các đại biểu cũng đánh giá tác động xã hội và tác động giới trong dự thảo Nghị quyết của QH về điều chỉnh mức đóng bảo hiểm thất nghiệp, dự án Luật Dân số; dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục; dự án Luật Quản lý và phát triển đô thị; dự án Luật Kiến trúc; dự án Luật Hỗ trợ phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi; dự án Luật Quốc phòng (sửa đổi); dự án Luật Cảnh sát biển; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi hành án hình sự; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đặc xá; dự án Luật An ninh mạng; dự án Luật Bảo vệ bí mật nhà nước; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao; dự án Luật Hành chính công; dự án Luật Cạnh tranh (sửa đổi); dự án Luật Trồng trọt; dự án Luật Chăn nuôi; dự án Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.