Tại Hội thảo giáo dục "Thành tích học tập bậc phổ thông dưới góc nhìn đổi mới tuyển sinh đại học" do Trường phổ thông liên cấp Edison tổ chức mới đây, một trong những vấn đề được các diễn giả quan tâm là đánh giá năng lực học sinh, sinh viên.
Còn điểm vênh giữa giáo dục phổ thông với đầu vào của giáo dục đại học
Chia sẻ từ góc nhìn của một giảng viên đại học, cũng là nhà quản lý giáo dục ở đại học, PGS.TS Nguyễn Thị Thanh Huyền, Phó Viện trưởng Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết, bà luôn hoảng hốt khi thấy thời gian gần đây, rất nhiều sinh viên vào trường với điểm thi gần như tuyệt đối (từ 29-30 điểm) ở cách thi truyền thống theo các khối A, B, C, D.
Ví dụ, ngành báo chí truyền thông 29.5 điểm mới trúng tuyển, trong khi giai đoạn trước đây, chỉ khoảng 21.5 điểm đã có thể trở thành thủ khoa.
PGS Huyền bày tỏ, bà rất thích dạy sinh viên năm thứ nhất để cảm nhận được tất cả sự tươi mới và thay đổi của một thế hệ học trò mới, đặc biệt là kỳ học đầu tiên. Tuy nhiên, vì vào trường với điểm đầu vào quá cao, nhiều sinh viên đầy tự hào và cũng có những ảo tưởng, rằng mình là những người “giỏi nhất nước” mới trúng tuyển.
“Nhưng đến kỳ thi học kỳ 1, tất cả nhìn tôi bằng ánh mắt hết sức thất vọng và buồn bực, như thể mình bị oan. Chúng tôi có trò chuyện, hỏi các em cảm nhận như thế nào về học kỳ đầu tiên của đời sinh viên. Phần lớn là thất vọng. Các em nói rằng không thể tưởng tượng được ở phổ thông, con học giỏi thế, điểm con tốt thế, con được tuyển thẳng, có rất nhiều giải như vậy, tại sao điểm con lại thấp thế?
Điều mà chúng tôi muốn nói rằng, hình như đâu đó vẫn còn có điểm vênh giữa giáo dục phổ thông với đầu vào của giáo dục đại học, các bạn ấy chưa có văn hóa học của đại học. Các bạn ấy chưa hiểu hình thức đánh giá của đại học là như thế nào”, PGS Huyền tâm sự.
Cũng theo bà, có một điều bất ngờ là những bạn có kết quả tốt ở đại học không phải là những sinh viên được tuyển thẳng hay điểm cao “chót vót” ở trường phổ thông. Các bạn là những người biết mình muốn gì, thích gì. Có niềm đam mê và dấn thân, các bạn sẽ tìm đến thành công tốt hơn so với nhóm không biết phương hướng như thế nào, cứ điểm thấp sẽ thất vọng.
“Học đại học không phải vì thành tích, vì không có thành tích nào ở đây cả. Chỉ có mình đối diện với chính mình, với sự đầu tư của cha mẹ, của bản thân để trở thành một người như thế nào, có đạt được cái mục tiêu cuộc đời của mình hay không? Đó là con đường rất thầm lặng, riêng tư của từng người. Các bạn phải trả lời câu hỏi: Sự đầu tư đó của cha mẹ, của bản thân có xứng đáng hay không? Cần phải nỗ lực như thế nào?”, PGS.TS Nguyễn Thị Thanh Huyền nhấn mạnh.
Đồng quan điểm về tình trạng các bạn học ở THPT đạt kết quả rất tốt, nhưng giai đoạn đầu của đại học lại gặp nhiều khó khăn, GS.TS Nguyễn Tiến Thảo, Giám đốc Trung tâm Khảo thí, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng nguyên nhân là do ở bậc THPT, đặc biệt là với khối trường công và một số trường tư, khả năng tự học của học sinh không được tốt.
Các bạn thường tâm niệm “học gì thi nấy”, nên chỉ tập trung ôn luyện những gì mình được học và cố gắng thi đạt điểm cao để thầy cô, bố mẹ và bản thân vui mừng. Bên cạnh đó, các bạn tập trung nhiều vào kiến thức, năng lực chuyên môn, kỹ năng giao tiếp… nhưng lại không tập trung vào khả năng tự học nên dần mất đi kỹ năng này.
Theo GS Thảo, nhiều bạn trẻ đã quen cách “dạy kèm dỗ” ở bậc THPT. Trong khi đó, khi lên đại học, phần “dỗ” không còn nữa; chỉ có “dạy” tức là giảng bài, giao bài. Khi thầy cô giảng bài xong, học sinh lĩnh hội được bao nhiêu trên lớp thì tốt, nếu không thì phải tự mình tìm kiếm thông tin.
“Sẽ không còn hình thức “dỗ” học sinh học nữa, nên những ai chưa quen với hình thức này sẽ bị điểm thấp ngay trong kỳ học đầu tiên. Nhiều bạn sang đến học kỳ 2, học kỳ 3 thì điểm cao lên, bởi vì lúc đó các bạn biết không còn ai “dỗ” mình nữa, nên phải tự học”, GS Thảo nói.
Cũng theo ông, một vấn đề khác mà bậc trung học chưa triển khai được như đại học là đào tạo theo tín chỉ. Vấn đề này chưa thể thay đổi ngay. Tuy nhiên, năng lực tự học nên được tập trung ngay từ bậc trung học để học sinh không gặp khó khăn khi học lên các bậc học cao hơn. “Nhìn chung, đang có độ vênh nhất định giữa đào tạo bậc THPT và bậc đại học”, PGS Thảo nói.
Lý do thí sinh thi đánh giá năng lực nhiều lần nhưng kết quả không thay đổi
Chia sẻ về kỳ thi đánh giá năng lực được Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức - hiện đã trở thành một phương thức xét tuyển hệ đại học chính quy, GS.TS Nguyễn Tiến Thảo, Giám đốc Trung tâm Khảo thí, Đại học Quốc gia Hà Nội cho hay, kỳ thi đã được bắt đầu nghiên cứu từ năm 2012, dựa trên việc cố gắng tham khảo tất cả những kỳ thi lớn trên thế giới như SAT, ACT của Hoa Kỳ, hay TSA của Anh quốc, kỳ thi Cao khảo của Trung quốc, kỳ thi đại học của Hàn Quốc, Nhật Bản,…
Theo GS Thảo, việc tuyển sinh, tuyển dụng không những cần tìm được người giỏi, mà còn phải “đúng”, tức là phù hợp. Người làm công tác tuyển sinh sẽ thích thú hơn khi tuyển được những người phù hợp, yêu thích ngành học. Chỉ như vậy mới có hy vọng khi ra trường, sinh viên có thể đổi mới sáng tạo hay khởi nghiệp. Nếu chỉ vào học để nắm bắt như một tay nghề, ra trường, các bạn sẽ chỉ làm việc như một người thợ, dù được đào tạo để làm thầy.
Kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội được thiết kế để đánh giá đúng năng lực của người học.
“Dù là chương trình phổ thông cũ hay mới, khi tốt nghiệp bậc THPT, học sinh cần đạt được những năng lực gì về xử lý số liệu, về tư duy, về logic hay là về ngôn ngữ, về hành văn, ngữ pháp hay khoa học tự nhiên, khoa học xã hội… Bài thi đó không chỉ đòi hỏi phải nhớ kiến thức, bởi nếu một công thức chỉ thuộc làu mà không biết nó để làm gì, được ứng dụng như thế nào trong cuộc sống cũng không được cho là hiểu vấn đề.
Ngược lại, nếu bạn thể hiện được hiểu biết đó, chứng tỏ bạn lột tả được năng lực bên trong, lúc đó các trường sẽ khai thác các nhóm năng lực cần thiết để tuyển chọn. Ví dụ, nói một cách đơn giản, ngành báo chí, phóng viên thì không nên nói ngọng, nói sai hoặc tư duy ngôn ngữ không tốt chẳng hạn,…”, GS Thảo chia sẻ.
Theo đó, các chuyên gia Đại học Quốc gia Hà Nội đã cố gắng thiết kế bộ công cụ đánh giá tương đối toàn diện từ năng lực về mặt tư duy, kiến thức, ngôn ngữ cho đến khoa học, nghệ thuật, xã hội. Qua kỳ thi đánh giá năng lực, thí sinh sẽ bộc lộ được tất cả những gì đã tích lũy.
“Chính vì vậy, dù có bạn thi nhiều lần cũng không thay đổi nhiều lắm kết quả. Thống kê năm 2022, có 62.000 lượt thí sinh dự thi thì khoảng 1/4 trong số đó có thi lại, nhưng kết quả cũng không thay đổi nhiều. Một là năng lực của chúng ta như vậy, hoặc là phải có thời gian để tích lũy, chứ không thể tháng trước học, tháng này thay đổi ngay. Đánh giá của chúng tôi tương đối toàn diện là như vậy”, GS Thảo nói.
Ông nhấn mạnh thêm, bài thi đánh giá năng lực không được thiết kế để những người học theo cách tích lũy nhanh chóng có thể làm được bài. Thay vào đó, năng lực là một quá trình tích lũy. Do đó, GS Thảo khuyên các em học sinh xây dựng sớm các kiến thức ngay từ lớp 10, để có năng lực tích lũy tương đối dày dặn trước khi tham gia các bài thi.
“Có những học sinh ở nhà học rất giỏi, trên lớp giỏi, nhưng khi thi xong lại không tự tin vào khả năng của mình. Bởi vì chúng tôi không hỏi theo cách kiểm tra kiến thức thông thường.
Bài đánh giá có thang điểm 150 thì các bạn ấy chỉ được khoảng 70, 80 điểm. Các bạn không tin được việc đó, ngay cả bố mẹ cũng nhắn hỏi trên các diễn đàn, tại sao điểm con lại thấp như thế, bình thường cháu học rất tốt. Thế nhưng dù có thi lại buổi khác, đợt khác thì điểm cũng không thay đổi. Đây là do cách thiết kế khác biệt so với các bài kiểm tra trên lớp hay những kỳ thi thông thường như hiện nay”, GS Thảo nêu dẫn chứng.
Năng lực bạn trẻ cần có khi làm việc
Từ góc độ một nhà tuyển dụng, người lãnh đạo doanh nghiệp, bà Hồ Thu Lê, đồng sáng lập kiêm CFO Tomochain Lab chia sẻ, hiện nay, các bạn trẻ “nhảy việc” rất nhiều, bởi không phải ai cũng biết được mình làm ở đâu phù hợp.
“Các bạn nhiều khi đánh đồng giữa câu chuyện thu nhập với câu chuyện thành công. Những người đã trưởng thành, trải qua rất nhiều sóng gió trong cuộc đời sẽ hiểu rằng, cuộc sống có rất nhiều thứ. Tiền chỉ là phương tiện, công cụ thôi. Nhưng các bạn trẻ nhiều khi không hiểu được ngay, khi có những vấp ngã thì mới hiểu ra câu chuyện đó”, bà Lê tâm sự.
Theo bà, tự quản lý chính mình là kỹ năng cần có khi làm việc. Các bạn trẻ ngay khi còn đang học trên ghế nhà trường, nếu ý thức được vấn đề này là điều rất tốt; không nên đợi đến khi bị dồn vào thế buộc phải phát triển kỹ năng mới học mới thực hành.
Một trong những kỹ năng quan trọng khác khi đi làm là sự trách nhiệm. “Người quản lý, dù có chia thành các cấp như thế nào cũng không thể bám sát và cầm tay chỉ việc mình được. Tính chủ động trong công việc của các bạn phải cao, trách nhiệm phải rất cao. Bởi các bạn đóng góp chung vào sự phát triển của công ty, thành công của công ty cũng chiếu ngược lại thành công của cá nhân bạn. Nếu không có tính tự chủ trong công việc, không có trách nhiệm thì chắc chắn bạn không có thành công”, bà Lê chia sẻ.
Bên cạnh đó, trong công việc rất cần người có kỹ năng làm việc nhóm. Nêu dẫn chứng về thực trạng có nhiều nhân viên giỏi nhưng kỹ năng làm việc nhóm rất kém, không thể làm việc được với người khác, bà Lê nhấn mạnh, trong quá trình làm việc nhóm, mỗi người sẽ có một tính cách khác nhau. Bạn có thể phù hợp với người này, có thể thích làm việc với người khác hơn, nhưng khi làm việc trong đội, nhóm cần đặt mục tiêu của đội, nhóm lên đầu và phải đóng góp vào cái chung.
Cũng theo bà Hồ Thu Lê, năng lực làm việc nhóm là điều học sinh phổ thông, nhất là học sinh trong những môi trường giáo dục hiện đại được học rất nhiều. Đây là điểm thuận lợi và nên được phát triển ngay từ sớm.
“Những thứ liên quan đến kiến thức và kinh nghiệm, các bạn phải tích lũy. Chúng ta hoàn toàn có thể chuẩn bị các kỹ năng ngay từ bây giờ để thuận lợi ngay khi đi làm. Các bạn trẻ dù đang ở trên ghế nhà trường hay sắp vào đại học, tôi muốn chia sẻ rằng những kỹ năng này không chỉ liên quan đến công việc mà ngay trong cuộc sống hay trong môi trường học tập, chúng ta vẫn có thể có những phản chiếu giá trị lại cho thành tựu của bản thân”, bà Lê nói.