Cuộc gặp ở dinh thừa tướng (Phần 1)<BR><I>Truyện ngắn của Phạm Thuận Thành</I>

>>Cuộc gặp ở dinh thừa tướng (Phần cuối)

Thanh muốn dành cho anh sự bất ngờ, không báo trước nhảy xe buýt về Phủ Từ, rồi đi xe ôm về Bến Trương Chi. Không thấy sông Tương đâu, chỉ thấy một đầm sen chạy dài tít tắp về phía cánh đồng lúa đang ngả màu lá gừng. Cái nắng đầu hạ làm sen như xanh hơn, hoa như thắm hơn và hương thơm như dìu dặt hơn. Người lái xe ôm có bộ râu quai nón như Lý Quỳ dừng xe, giọng đùa vui:

- Thưa tiểu thư, đây là Bến Trương Chi rồi ạ. Bến đá này có từ thời Trương Chi đấy. Nếu cần hỏi ai, hoặc đến nhà ai tôi xin hầu đưa đến tận nơi ạ.

- Cám ơn anh. Tiểu thư đây chỉ cần đến Bến Trương Chi là toại nguyện rồi.

Cách bến không xa có một lều trông sen đúng như anh tả. Dưới nước có một con thuyền nan cắm sào ngay cạnh lều. Thanh đi thẳng về phía đó như đã từng là người ở đây vậy. Chàng Lý Quỳ đánh quay xe, bấm còi inh ỏi từ biệt.

Anh bảo đầm sen này chính là dòng Tương cổ. Sông cạn rồi. Ở những nơi sâu nhất còn lại dấu vết những hồ nước dài. Nay mai sông Tương chỉ còn trong cổ tích, vì ai biết được đoạn sông có Bến Trương Chi đây lúc nào sẽ bị san lấp nốt làm khu công nghiệp. Thanh về khảo sát thời điểm này là đúng lúc, bởi ít ra vẫn còn hình sông dáng bến, và đặc biệt là những con người chính gốc dòng họ Trương Chi. Anh tự nhận là hậu duệ đời thứ ba mươi của cụ. Cũng ba mươi đời qua họ Trương ở làng này bám lấy sông Tương để sống. Chỉ có anh được đi học, nhưng ám ảnh thay, học xong không có việc, lại quay về làng thầu hồ trồng sen thả cá và… viết phả chi tiết về cụ cao cao tổ Trương Chi. Anh bảo, gia đình anh quyết không để đoạn sông Tương còn lại này bị vùi lấp trong quên lãng. Anh đang lập dự án lập công ty du lịch Trương Chi ngay tại bến sông cổ này. Nếu như sau khi tốt nghiệp Thanh không kiếm được việc làm anh sẽ mời về làm phó. Thanh cười: Làm phó giám đốc công ty hay làm chủ nhiệm gia đình đây? Anh phấn khởi đáp: Mời làm cả hai chức, trả đủ hai lương. Ô kê!

Thực ra đó chỉ là nói đùa, cho đến nay hai người chỉ dừng lại ở tình bạn chưa thân lắm. Anh học trước hai khóa nhưng lại khác khoa. Thanh kết anh có lẽ chỉ vì anh quê ở Phủ Từ, bên dòng Tương, còn Thanh thì rất ám ảnh bởi câu chuyện tình của chàng Trương Chi và nàng Mỵ Nương. Người xưa kể lại thành cổ tích. Rồi làm thơ, viết nhạc, dựng kịch. Loại hình nghệ thuật nào cũng đắm say mê ly. Các nhà nghiên cứu còn chỉ ra rằng nghệ thuật qua biểu hiện tiếng hát Trương Chi không có tính giai cấp mà chỉ mang tính nhân văn sâu sắc. Tình yêu cũng không có tính giai cấp, nhưng sức mạnh giai cấp lại đủ khả năng bóp vụn bao mối tình đẹp đẽ, do con người ở các giai tầng khác nhau. Thanh nghĩ thêm, kể ra cũng đáng trách nàng Mỵ Nương. Mê tiếng hát mà không yêu được người hát “xấu như ma lem”. Anh thì bảo vô lý cụ Trương Chi lại xấu đến như thế. Người thanh tiếng nói cũng thanh kia mà. Hơn nữa, anh là hậu duệ mà đẹp trai ngời ngời thế này. Thanh nguýt dài cãi: thời xưa chưa biết tiêm phòng đậu mùa, biết đâu cụ Trương cũng mắc bệnh nên rỗ như tổ ong bầu. Lại suốt ngày phơi mặt trên sông, ngấm mùi bùn mùi cá để nàng tiểu thư khuê các phải giật mình đánh thót. Nghe vậy anh ức lắm nhưng không biết nói sao đành chào thua.

Anh đưa Thanh lên con thuyền nhỏ rồi chống thuyền đi vào đầm sen. Thanh cảm tưởng hương sen cuốn con thuyền đi. Cái giống sen thật lạ, mỗi cuống lá có một cuống hoa. Mỗi cuống hoa sẽ trở thành một bát sen. Sen đã nở chật đầm mà vẫn còn sinh sôi tiếp. Dưới mặt bùn kia những ngó sen vẫn vươn tỏa không ngừng. Bất giác Thanh ngâm lên mấy câu thơ cổ chợt nhớ vu vơ:

   Lá sen xanh xanh thắm
   Mơn mởn đẹp hoa sen
   Hái hoa mà đụng ngó
   Năm sau sen chẳng lên.

Anh dừng thuyền nói: đã hái được sen rồi thì cũng nên thưởng thức hương vị sen xem thế nào. Anh chọn những bát sen non đầu mùa mẩy căng. Rồi bày cho cách ăn sen. Dùng tay xé vỏ bát một vành tròn chỉ còn lại một khoanh gồm toàn hạt sen thây lẩy chen nhau nhìn đã ngon mắt. Phần hạt sen nhô ra phô màu trắng mịn ngà, thâm dần về phía đầu, anh lấy tay xoa nhẹ cho rụng cái núm cứng thâm đen đi. Thanh bất giác nhìn xuống ngực mình, tự dưng mặt đỏ bừng. Thanh lẩy từng hạt bóc ăn. Anh bảo, dùng răng cắn nhẹ vào phần đầu rồi lại cắn nhẹ vào phần cuối, nhân sen sẽ tuột ra, bóc thế lâu chết. Anh định mời em ăn cả đầm sen hay sao mà sợ lâu. Nhìn cách anh cắn đầu nhân sen sao tham lam thế. Thanh không làm theo anh bày. Nhân sen vừa độ căng ăn ngay tại đầm có vị ngọt đặc biệt, ăn no được. Anh bảo ăn sen rất lành vì hạt có tinh bột nên không gây cảm giác say như các loại quả chín khác. Tâm sen thì chưa có vị đắng, tuy nhiên vẫn có tác dụng an thần dễ ngủ

Anh đưa Thanh lên bãi đất có gốc duối cổ thụ, bảo đây trước có một cây dương và một cây liễu, dân làng gọi là bãi Dương Liễu. Hai cây này bị hợp tác xã hạ làm nhà kho mấy mươi năm rồi. Đến gốc cây cũng bị dân bổ về đun hết. Tên bãi cũng đang bị gọi thành bãi Duối. Thế đấy, vật đổi sao dời, lòng người cũng biến cải theo. Không biết khi người ta bán đất làm khu công nghiệp thì bến Trương Chi sẽ được gọi là gì đây.

Anh đưa Thanh về lều rồi đi thả lưới. Thanh vào lều nằm dài ra cho đỡ mỏi. Gió tươi mát rượi, hương thơm mơn man. Từ phía con thuyền nhỏ anh cất tiếng hát:

   Đêm hôm qua mình tôi nhớ bạn
   Ố lính ố lính tình tang
   Này a có a tôi buồn
   Tôi buồn về ai..

Tiếng hát bập bềnh mang rõ sắc thái vang rền nền nảy của vùng quan họ gốc. Thanh tưởng như con thuyền, tiếng hát đã có cả ngàn năm nay. Tiếng hát đã hóa thạch. Ý nghĩ về chàng Trương đưa Thanh chìm dần vào giấc ngủ.

*

- Trương Chi, nhiều cá không?
- Ngô Tiến đấy à. Hôm nay được con chạch chấu kha khá. Biếu anh về nấu cháo cho quan thượng nhé.
- quan thượng mời anh vào phủ, anh mang vào luôn đi.

Trương Chi nhìn lại mình e ngại:

- Đợi một lát. Để tôi tắm rửa một tẹo đã chứ. Quần manh áo vá, tanh lợm mùi cá đây này.

Ngô Tiến và Trương Chi là bạn thuở thiếu thời. Bên Ngô Tiến có bát ăn bát để được đi học rồi vào làm trong phủ Lý thừa tướng. Bên Trương Chi nhà nghèo nên theo nghề cha truyền chài cá. Làng quê ven sông Tương này vào những hôm trời đẹp trai gái thường rủ nhau ra bờ sông hóng gió và hát hò đối đáp. Bên nam có Ngô Tiến đặt lời, lại có giọng hát vang rền nền nảy của Trương Chi mê hoặc lòng người thường giành phần thắng. Từ ngày Ngô Tiến ra làm quan, trai gái làng vẫn hát đối bên sông nhưng Trương Chi không dự. Chàng thích hát một mình trên dòng sông thanh vắng. Lời hát lan tỏa trên mặt nước khác nào dòng sông tự cất lời. Càng về đêm khuya tiếng hát dòng sông càng trống trải và vang xa, lọt vào tận khuê phòng tiểu thư Mỵ Nương nhà quan thượng. Ai hát thế nhỉ? Hay là tiếng vọng từ trời xuống, từ sông lên. Nàng mở tung cửa sổ để nghe cho rõ hơn, thấy hồi hộp, xốn xang khó tả. Mỵ Nương đã đôi tám, chả mấy lúc mà lên xe hoa, chỉ còn chờ ngày cha mẹ gật đầu chọn đám. Có lúc nàng phân vân, tự thích và tự nghe trộm lời hát thế này liệu phạm vào nếp gia phong không. Nhưng tiếng hát ám ảnh. Hôm nào không được nghe hát nàng bồn chồn kém ăn kém ngủ. Một lần nàng ra tận đình Nghênh Phong nghe hát, gặp Ngô Tiến đi qua, nàng hỏi:

- Anh có nghe thấy tiếng hát không? Ở đoạn sông phía làng ấy.

Ngô Tiến lắng tai nghe. Không thấy. Mỵ Nương tả. Tiếng hát trong, nỉ non ký thác cả tâm sự của người hát. Lạ lắm.

- Đêm nào tiểu thư cũng nghe thấy hay sao?
- Những hôm có trăng thì đều hơn.

Ngô Tiến đi về phía làng. Quả là có tiếng hát từ phía bờ sông. Chắc là Trương Chi rồi. Cái chất giọng đặt biệt vang rền nền nảy không thể trộn lẫn được. Bây giờ nghe có phần ai oán, da diết:

 Ai xui con nhện giăng mùng
 Để tôi tương ngộ tương phùng với ai
 Năm canh trút tiếng thở dài
 Năm canh nhớ bạn vẫn hoài mình tôi.

Ngô Tiến không nỡ cắt đứt dòng suy tư cất thành lời ấy của Trương Chi cứ lẳng lặng trở lui. Trong lòng ngân lên sự ghen tỵ khó nói. Từ ngày trở thành tùy tướng, Ngô Tiến đã thầm nhắm tiểu thư Mỵ Nương, chỉ chờ cơ hội lập công thăng chức sẽ ngỏ lời. Dường như quan thượng cũng biết điều thầm kín này nên ngài đã từ chối nhiều đám dạm hỏi khá môn đăng hộ đối, trong đó có cả đám nhà quan phụ chính Đàm Dĩ Mông; đám nhà Xa viễn đại tướng Phùng Tá Chu. Có lần ngài tâm sự riêng với Ngô Tiến là ngài sẽ kén rể quê hương Đông Ngàn, cũng là tìm người tài tin cậy ra giúp vương triều. Chả người đâu hơn người quê mình. Ngô Tiến phấn khởi lắm, lòng đầy hy vọng được quan thượng cất nhắc. Thế mà nay tiểu thư để lòng theo tiếng hát bạn chàng.

Ít lâu sau thừa tướng đưa gia quyến đi hội chùa Dâu rồi đi thẳng ra cảng Vân Đồn thị sát. Ngô Tiến theo hầu. Chuyến đi này Ngô Tiến được chứng kiến rõ nỗi lòng tiểu thư với Trương Chi. Hằng đêm không được tắm mình trong tiếng hát thân thuộc nàng có hiện tượng bỏ ăn bỏ ngủ, thần hồn thảng thốt. Quan thượng tưởng con gái không quen đi xa đường dài, giục xe đi nhanh hơn. Nhân có hai người, Ngô Tiến đánh nói thật tình cảnh của tiểu thư:

- Bẩm cụ, không phải tiểu thư khó ở hay không quen đi đường dài, mà là tương tư tiếng hát chàng Trương Chi đấy ạ.

- Trương Chi nào? Hai đứa chúng lén hò hẹn từ bao giờ thế?

- Dạ, hai người họ chưa từng gặp nhau, chưa từng hò hẹn lần nào. Mà là, tiểu thư chỉ tương tư tiếng hát thôi. Trương Chi là bạn thuở nhỏ của hạ quan, nay sống bằng nghề chài cá trên sông Tương, lấy thuyền là nhà. Đêm đêm chàng ta cất tiếng hát. Đêm khuya thanh vắng tiếng hát lan xa, tiểu thư nghe được, rồi đâm mê mẩn vì tiếng hát ấy.

- Quái lạ, tiếng hát mà làm đắm được lòng người, có họa là đồ tà thuật.

- Không đâu, Trương Chi có giọng hát vang rền nền nảy trời phú, ai nghe cũng mê đấy ạ. Hồi xưa hạ quan đã từng cùng chàng đi hát nên biết rõ.

- Thế ra ngươi đã thân quen với hắn, vậy hắn còn có khả năng gì nữa?

- Việc chài cá sông nước rất giỏi.

Thừa tướng gật gật đầu không nói gì thêm.

(Số sau đăng hết)

Văn nghệ

Tự hào một dải non sông
Văn hóa - Thể thao

Tự hào một dải non sông

Những ấn phẩm ngợi ca vẻ đẹp quê hương đất nước, ngợi ca chủ nghĩa anh hùng cách mạng là điểm nhấn trong loạt ấn phẩm của nhà xuất bản Kim Đồng chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ Tư, 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Tạo không gian mở phát triển văn học
Văn hóa - Thể thao

Tạo không gian mở phát triển văn học

Văn học chưa có khung pháp lý thống nhất và chi tiết để định hướng, cụ thể hóa chính sách cho tác giả, tác phẩm, hoạt động trong lĩnh vực này. Việc xây dựng, ban hành nghị định về khuyến khích phát triển văn học vừa đáp ứng nhu cầu cấp thiết, vừa mang ý nghĩa quan trọng.

"Giai điệu tri ân" – lời cảm ơn sâu sắc Agribank gửi đến khách hàng
Văn nghệ

"Giai điệu tri ân" – lời cảm ơn sâu sắc Agribank gửi đến khách hàng

Tối mai, 12.12, tại Nhà hát Hồ Gươm sẽ diễn ra chương trình nghệ thuật “Giai điệu tri ân” do Agribank tổ chức. Sự kiện là lời cảm ơn sâu sắc từ Agribank gửi đến những khách hàng, đối tác và cộng đồng - những người đã đồng hành, sẻ chia và cùng kiến tạo những giá trị bền vững trong suốt hành trình phát triển.

Hé lộ sân khấu choáng ngợp của siêu nhạc hội 8WONDER Winter trước giờ G
Văn hóa - Thể thao

Hé lộ sân khấu choáng ngợp của siêu nhạc hội 8WONDER Winter trước giờ G

Toàn bộ phần sân khấu “đóng băng” 8WONDER Winter đã hoàn thiện những khâu setup cuối cùng để sẵn sàng chào đón ban nhạc hàng đầu thế giới Imagine Dragons và dàn Vpop Việt đình đám trước hàng chục ngàn khán giả Sài Thành. Ban nhạc hàng đầu thế giới dự kiến sẽ đến TP. Hồ Chí Minh chiều hôm nay để sẵn sàng cho siêu nhạc hội tại đại đô thị Vinhomes Grand Park.

Để điện ảnh Việt cất cánh
Văn hóa - Thể thao

Để điện ảnh Việt cất cánh

Để điện ảnh Việt Nam thực sự cất cánh và hội nhập thế giới, cần có một chiến lược toàn diện và đồng bộ; giải pháp không chỉ giúp nâng cao chất lượng phim mà còn phải thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành công nghiệp này.

Giải pháp cho vấn đề bản quyền âm nhạc
Văn hóa - Thể thao

Giải pháp cho vấn đề bản quyền âm nhạc

Dù đã có cải thiện, nhưng vi phạm bản quyền âm nhạc tại Việt Nam vẫn là vấn đề nan giải. Theo Tổng Giám đốc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC), NSƯT, nhạc sĩ ĐINH TRUNG CẨN, để giải quyết vấn nạn này, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.

Đưa giá trị của văn hóa lan tỏa đến cộng đồng
Văn nghệ

Đưa giá trị của văn hóa lan tỏa đến cộng đồng

Ngày 3.10, tại không gian nghệ thuật 34 Châu Long, Hà Nội đã diễn ra mạn đàm văn chương có chủ đề về văn hóa, tinh hoa trong văn thơ xưa và nay, với sự tham gia của các văn nghệ sĩ, nhà nghiên cứu phê bình văn học; được chủ trì bởi nhà sưu tập Thúy Anh - người khởi xướng nhiều chuỗi hoạt động văn hóa, nghệ thuật đậm đà tính nhân văn và hướng tới cộng đồng.