Khó khăn trăm bề
Đối với các em học sinh dân tộc thiểu số, tiếng Anh chính là ngôn ngữ thứ ba sau tiếng mẹ đẻ và tiếng Việt mà các em được học, vì vậy, học ngoại ngữ cũng là thử thách đối với các em.
Chưa kể, điều kiện địa lý cũng là một trong những trở ngại, cô Nguyễn Thị Thùy, giáo viên dạy môn tiếng Anh của Trường Tiểu học và THCS Nam Mẫu (huyện Ba Bể, Bắc Kạn) chia sẻ, nhiều học sinh ở điểm trường lẻ, điều kiện đi lại khó khăn, có những điểm trường xa điểm chính đến hơn 30 km đường mòn nên nhiều khi giáo viên phải sắp xếp học dồn 1 buổi tiếng Anh, do đó, các em không có nhiều thời gian để làm quen, luyện tập.

Hiện nay, Trường Tiểu học và THCS Nam Mẫu đã bố trí lắp tivi, máy chiếu, loa đài cho các em học sinh luyện nghe, nhìn khi học ngoại ngữ, tuy nhiên tại các điểm trường, mạng lưới điện yếu nên nhiều khi các phương tiện dạy học không thể sử dụng được, khiến cả thầy và trò gặp nhiều khó khăn.
Thực tế không chỉ ở các điểm trường vùng cao của tỉnh Bắc Kạn, mà ở các trường, việc dạy tiếng Anh cho học sinh dân tộc thiểu số hầu như thiếu thốn trăm bề, trong đó thiếu giáo viên cũng là một trong những nguyên nhân.
Trưởng Phòng Giáo dục Trung học, Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An Nguyễn Tiến Dũng cho biết, hiện nay, tại Nghệ An cấp học phổ thông còn thiếu nhiều giáo viên (do không có biên chế hoặc có nhưng không tuyển dụng được) nên dẫn đến việc phải tổ chức dạy học ghép lớp, chắp vá và thậm chí một số trường tiểu học không có giáo viên ngoại ngữ nên các em không có kiến thức nền cơ bản. Hơn nữa chất lượng đầu vào của giáo viên vẫn còn hạn chế nhất định về năng lực, mặc dù đã được bồi dưỡng đầy đủ.
“Thiếu giáo viên dạy học ngoại ngữ là thiếu đi chiếc cầu nối kiến thức, kĩ năng, tài liệu học tập với học sinh, là thiếu đi người hướng dẫn soi đường chỉ lối về phương pháp học tập và truyền lửa trong học tập cho học sinh và do đó việc học ngoại ngữ sẽ khó đến đích và đạt hiệu quả”, thầy Dũng nói.
Nỗ lực khắc phục khó khăn
Vì chương trình Giáo dục phổ thông 2018 yêu cầu việc dạy và học tiếng Anh cao hơn chương trình cũ nên tỉnh Nghệ An đã có những chính sách khắc phục như rà soát, sắp xếp lại hệ thống trường lớp, dồn dịch các điểm trường lẻ, sáp nhập các trường có quy mô nhỏ để tập trung đầu tư nguồn lực tăng cường cơ sở vật chất, bố trí giáo viên…
Trưởng Phòng Giáo dục Trung học, Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An Nguyễn Tiến Dũng cho biết, tỉnh Nghệ An đặc biệt ưu tiên dành chỉ tiêu biên chế để tuyển mới giáo viên ngoại ngữ, thực hiện chủ trương biệt phái, tăng cường giáo viên tiếng Anh cấp THCS dạy cấp tiểu học, bố trí giáo viên dạy liên trường để đảm bảo 100% học sinh từ lớp 3 trở lên được học ngoại ngữ. Sở GD-ĐT tỉnh Nghệ An cũng đã triển khai có hiệu quả phong trào phòng giúp phòng, trường giúp trường, bộ môn giúp bộ môn nhằm huy động giáo viên các huyện vùng thuận lợi hỗ trợ chuyên môn cho các huyện miền núi.

Về phía giáo viên, bản thân các thầy cô cũng nỗ lực đổi mới, sáng tạo phương thức dạy học để khiến học sinh hứng thú hơn trong mỗi giờ học. Cô giáo Nguyễn Thị Thùy, giáo viên dạy môn tiếng Anh của Trường Tiểu học và THCS Nam Mẫu (huyện Ba Bể, Bắc Kạn) cho biết, trên lớp, cô tận dụng tối đa thời gian để giao tiếp với học sinh bằng tiếng Anh, đồng thời, nhận thấy lợi ích từ việc trường học ở giữa khu du lịch Hồ Ba Bể, có nhiều khách nước ngoài, nên cô đã tăng cường các buổi ngoại khóa để các em có cơ hội giao tiếp tiếng Anh. Nhờ đó, trình độ học tiếng Anh của học sinh tại Nam Mẫu khá tốt so với các khu vực khác trong tỉnh.
Đồng thời, cô Thùy cho biết, các em khối 4, 5 cũng rất yêu thích môn học nhưng không thể tham gia tiết học chính do năm nay là năm đầu tiên thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 nên học sinh lớp 3 mới được tiếp cận, làm quen với bộ môn tiếng Anh.
Vì vậy, giờ ra chơi, thầy cô phải tranh thủ mở những video dạy những bài hát tập đếm, học chữ cái alphabet để các em lớp 4,5 làm quen. "Nhờ các em lớp 3 về hướng dẫn, dạy lại cho các anh chị của mình những từ, câu tiếng Anh đơn giản để khi các em lên lớp 6 không bị bỡ ngỡ”, cô Thùy bộc bạch.
Với những nơi không có nhiều khách du lịch nước ngoài, thiếu môi trường giao tiếp ngoại ngữ, các thầy cô giáo lại cần mẫn, kiên trì giảng giải nhiều lần để học sinh hiểu và nhớ bài lâu hơn.
Thầy Đặng Ngọc Quý, giáo viên tiếng Anh Trường PTDT Bán trú - THCS Thạch Ngàn (huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An) cho biết, “để học sinh dân tộc thiểu số tiếp nhận tốt kiến thức tiếng Anh thì giáo viên phải rất chịu khó và kiên trì. Có những kiến thức phải giảng đi giảng lại nhiều lần học sinh mới hiểu. Bên cạnh việc giảng giải trong các tiết học chính khóa, giáo viên cũng cần thường xuyên cho các em ôn bài liên tục, để các em nhớ lại những kiến thức vừa mới học”, thầy Quý chia sẻ.
Sớm có phương án tính biên chế phù hợp cho miền núi
Những năm qua, lĩnh vực giáo dục dân tộc đã được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm; hệ thống chính sách phát triển giáo dục và đào tạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã được ban hành, triển khai. Tuy nhiên, để đầu tư cho bộ môn tiếng Anh, giúp học sinh dân tộc thiểu số tiếp cận với ngoại ngữ hiện vẫn còn khoảng trống nhất định trong cơ chế, chính sách.
Cô Nguyễn Thị Thùy mong muốn Nhà nước, Chính quyền địa phương đầu tư làm đường bê tông rộng hơn 40 cm để xe máy có thể đi lại dễ dàng hơn, vì những ngày mưa gió đường lầy lội, giáo viên không có nhiều thời gian để di chuyển giữa các điểm nên khó bảo đảm các tiết dạy tiếng Anh thường xuyên.
“Mong muốn lớn hơn nữa là nhà trường được đầu tư xây dựng thêm các phòng học, khi lớp rộng hơn thì các em học sinh lớp 3, 4, 5 có thể được học dưới điểm chính, các em được làm quen, tham gia môi trường học tập mới năng động hơn, các em sẽ không bị thiệt thòi”, cô Thùy nói.

Trưởng Phòng Giáo dục Trung học, Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An Nguyễn Tiến Dũng mong muốn, Đảng và Nhà nước quan tâm đến các cơ chế chính sách cho vùng miền núi và dân tộc thiểu số cả nước nói chung và riêng cho Nghệ An như các chương trình mục tiêu quốc gia, các đề án phát triển vùng miền núi và dân tộc thiểu số để các địa phương có nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học ngoại ngữ.
Đồng thời, ông Dũng cũng cho rằng, Nhà nước cần mở rộng cơ chế để xây dựng và phát triển hệ thống trường phổ thông dân tộc, nội trú, tạo thuận lợi trong tổ chức thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018, trong đó có tổ chức dạy học ngoại ngữ cho học sinh dân tộc thiểu số vùng núi khó khăn.
“Quan trọng hơn cả là sớm có phương án tính biên chế phù hợp, cơ chế chính sách đãi ngộ tốt để tuyển dụng được giáo viên tiếng Anh cho các huyện miền núi”, ông Dũng đề nghị.