Theo Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Hòa Bình Nguyễn Thị Cẩm Phương, từ khi có Nghị quyết của Quốc hội về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT - XH vùng đồng bào DTTS và MN giai đoạn 2021 - 2030 đến nay là gần 2 năm, Chương trình mới được triển khai thực hiện. Việc giao vốn cho năm 2022 cũng rất muộn. Đặc biệt, ở địa phương, HĐND các tỉnh phải ban hành Nghị quyết làm cơ sở cho việc triển khai thực hiện Chương trình thì cũng rất vướng. Ngay tại tỉnh Hòa Bình, khó khăn nhất là ban hành hướng dẫn về cơ chế lồng ghép thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia: giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới và phát triển KT - XH vùng đồng bào DTTS và MN, đòi hỏi phải nghiên cứu rất kỹ, rà soát kỹ mới ban hành được cơ chế lồng ghép.
Về nguồn vốn đối ứng, bên cạnh nguồn vốn ngân sách trung ương, địa phương thực hiện đối ứng 10 - 15%, với những tỉnh có điều kiện kinh tế thì thuận lợi, nhưng với tỉnh khó khăn, thì vốn đối ứng cũng là vấn đề khó.
Đáng lưu ý, thực hiện Nghị quyết 830/NQ - UBTVQH14, ngày 17.12.2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc tỉnh Hòa Bình, Hòa Bình giảm 59 xã (giảm từ 210 xã xuống còn 151 xã). Việc sáp nhập đơn vị hành chính cũng có tác động, ảnh hưởng đến triển khai thực hiện Chương trình cũng như vướng mắc trong xác định lại các tiêu chí, giao vốn và chỉ tiêu giải ngân. Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Hòa Bình chia sẻ, dù phải thực hiện cơ chế lồng ghép, nhưng mỗi bộ, ngành lại ban hành văn bản hướng dẫn khác nhau cũng gây ra vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện.
Ngoài ra, tiến độ hoàn thành cũng là áp lực đối với các tỉnh triển khai thực hiện Chương trình. Nhiều vấn đề như giải phóng mặt bằng, xác định các tiểu dự án, dự án để triển khai, nhưng nếu đẩy nhanh tiến độ, triển khai Chương trình không thận trọng, không từng bước, không kỹ thì khó bảo đảm hiệu quả.
Năm 2023, Quốc hội sẽ thực hiện giám sát tối cao việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, phát triển KT - XH vùng đồng bào DTTS và MN giai đoạn 2021 - 2030, sự giám sát của Quốc hội là hết sức kịp thời và cần thiết. Trong quá trình giám sát sẽ kịp thời phát hiện những bất cập, điều chỉnh kịp thời bất cập cho cả giai đoạn 2021 - 2030. Bởi lẽ dù cơ chế, chính sách chung, nhưng triển khai ở mỗi tỉnh lại có khó khăn khác nhau về địa bàn, dân cư, đầu tư. Quốc hội vào cuộc, giám sát ngay từ đầu, giúp địa phương vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, từ đó, bảo đảm Chương trình mục tiêu quốc gia đạt kết quả tốt.