
- Kìa, con gà trống Cồ nhà ta tưởng mất tích, ở đâu về kìa! - Anh Xã Tý reo lên.
Tôi đĩnh đạc bước vào. Cả đàn gà mới này không biết tôi là ai. Chúng không chào. Không nhường, không thèm quan tâm. Tôi không chấp. Hoặc tôi đã khiêm nhường hơn trước, sau những năm tháng bể dâu.
Sáng hôm sau, khi tôi đang dạo bước, thì lại có cô Bé hàng xóm đem một "nàng cung nữ chân buộc dây" đến.
- Nhỡ ơi, cho chị đạp mái "nhờ" một tí nhé.
Hóa ra chỉ là chuyện nhờ thôi à. Tạo ra sự sống, tạo ra cả chục sinh mạng, lại chỉ là chuyện "nhờ" dễ bỡn thế sao.
Nàng cung nữ, e ấp, bọn thẹn nằm ẹp xuống chờ đợi.
Suốt nửa năm qua, tôi quên bẵng mất chuyện yêu đương tình dục. Cơn chấn động đã tiêu diệt hoàn toàn sinh lực đàn ông của tôi. Mất hẳn lúc nào không biết. Trước kia gần như mỗi ngày tôi được âu yếm một "nàng cung nữ". Họ thi nhau đem đến dâng hiến cho tôi. Tôi là vua ba ngàn mỹ nữ cung tần.
Vậy mà bây giờ, một cái gì trong tôi nhũn ra biến mất, không còn có thể làm gì được nữa. Tên đàn ông trong tôi bất lực, vô dụng hoàn toàn.
"Nàng cung nữ" vẫn nằm ẹp chờ đợi. Đôi mắt đắm đuối. Trời ơi, tôi thấy nhục nhã không biết chừng nào là nhục nhã. Muốn độn thổ xuống đất. Xấu hổ quá chừng...
Tôi vè vè tiến lại, giả vờ làm động tác âu yếm. Giả vờ cắn vào mào cung nữ, rồi rút chân lên, rồi lắc lư, rồi... đủ cả, nhưng hoàn toàn chỉ là giả vờ. Tôi che mắt được Cô Bé, nhưng sao dối lừa được "nàng cung nữ". Khi tôi tụt xuống, giả vờ đã xong, nàng kinh hoàng, tức giận...
Tôi vội lảng tránh ánh mắt nàng, rồi chạy trốn ra vườn, vùi đầu vào khóm dong riềng khóc nức nở. Suốt sáu tháng qua, không nhỏ một giọt nước mắt, mà giờ lệ chảy ròng ròng.
Hôm sau, rồi hôm sau nữa, hôm nào cũng thế, hàng xóm cứ đem các "nàng cung nữ" đến dâng hiến cho tôi. Vì tôi đã có "thương hiệu'. Đáng lẽ tôi phải chối từ, và bộc bạch sự "bất lực" của mình. Nhưng vì sĩ diện tôi tiếp tục giở trò dối lừa. Cũng vè vè xòe cánh. Cũng lượn quanh. Cũng nhẩy phắt lên hùng dũng. Cũng gáy một tiếng sảng khoái báo hiệu đã hoàn thành nhiệm vụ... dối lừa!
Trò sĩ diện ấy kéo dài được vài tháng. Rồi một hôm, hàng xóm đến báo tin động trời:
- Tất cả các ổ trứng "lấy sống" con Cồ, ung hết. Không nở lấy một con nào.
Tôi nấp sau bụi dong riềng nghe rõ hết.
- Trông thì to xác đẹp mã, nghênh ngang khụng khiệng thế mà là đồ toi cơm!
Đồ toi cơm. Không có câu chửi nào đau hơn thế. Tôi lủi ra bờ tre, không dám về chường mặt trước anh Xã. Cũng từ hôm ấy, không được ai đem "cung nữ" đến dâng hiến nữa.
Kiểm điểm lại, tội của tôi to tày đình. Hàng trăm quả trứng ung vì thiếu "sống", tức là hàng trăm sinh mệnh đã bị "bóp chết từ trong trứng", không được trình diện trên thế gian. Tất cả vì tính sĩ diện của tôi...
*
* *
Cuộc sống thanh bình diễn ra chừng được một năm.
Nỗi khổ đau "bất lực" của tôi chỉ là cục bộ. Còn lại, nói chung cuộc sống là tích cực. Làm gì có cuộc sống nào toàn niềm vui. Vì vậy tôi không lấy nỗi khổ đau của mình làm hệ quy chiếu chung cho cuộc sống.
Nhưng rồi thảm họa cũ vừa mới đi qua, vết thương chưa lành miệng, thảm họa mới lại đến. Thảm họa hôm qua rơi xuống đầu người này, và ngày mai rơi xuống đầu người khác.
Một lần nữa tôi lại chứng kiến sự ghé thăm của thần chết tới nhà anh Xã Tý. Chúng không báo trước. Dừng trước chuồng trâu, chúng vạch mồm, xem móng hai mẹ con con nghé.
ó ọ ó ọ... Tội nghiệp trâu mẹ hồn nhiên, không biết giờ "khai hỏa" của nạn diệt chủng loài có móng đã điểm, y như năm trước với loài có cánh. Thằng có cánh bị ghen tỵ đã đành, đến thằng chỉ có móng dầm trong bùn đất cũng bị ghen tỵ. Khốn nạn có còn gì khổ hơn thân phận con Trâu. è cổ ra kéo cày. Xới tung cả cánh đồng lên. Lực đôi vai cào xước vỏ quả đất. Ôi cực lắm. Chân suốt đời dầm trong bùn. Ăn thì nhai toàn cỏ để làm ra hạt cơm dẻo ngọt cho kẻ khác xơi. Còn bản thân mình thì cả đời không được hột cơm nào vào bụng. Làm ra cả núi gạo, núi cơm mà bản thân không được chia phần một hạt. Vô lý đến thế là cùng. Bất công đến thế là cùng. Nhưng bản chất cuộc đời này là sự bất công, biết làm sao được. Ai bảo sinh ra tồn tại trên đời. Cứ ở cõi hỗn mang u u minh minh có hơn không.
Bây giờ đến lượt cả kẻ khốn nạn nhất cũng không thoát. Bọn đặc nhiệm dắt trâu mẹ đi. Anh Xã khóc lóc xin lại được con nghé. Hai mẹ con mắt rớm lệ chia tay nhau. Mẹ đang đi đến nấm mồ chôn sống. Sừng trâu mẹ có thể húc lòi ruột bọn đặc nhiệm. Nhưng nó vốn hiền lành cam chịu, cho dắt mũi đi, kể cả dắt mũi đến chỗ chết.
Tiếp sau trâu, hôm sau đến lượt lợn. Lợn cũng có móng. Bọn đặc nhiệm lại sử dụng những cái bao bố to tướng để bó tròn lợn bên trong rồi chất ra xe bò.
Hố chôn sống loài có móng to như cái ao. Bọn đặc nhiệm không đủ xăng đốt. Chỉ có xe tải kìn kìn chở vôi bột đến. Trâu, lợn sặc vôi hộc lên. Mắt bị vôi lấp mù. Trâu bò giãy giụa trong cái chết trắng. Thành hố cao quá, không ai có thể trèo lên được. Sinh vật nọ chồng lên sinh vật kia bẹp gan, lòi ruột. Đất bắt đầu phủ bóng đêm vĩnh viễn cho các số phận. Màn đen che phủ cuộc đời.
Nấm mồ trâu, bò, lợn của làng to như một chiếc gò.
Tôi chắt cũng không còn một giọt nước mắt để nhỏ xuống. Lòng lạnh tanh, đầu khô khốc. Có đập vỡ đầu tôi ra, tôi cũng không hiểu được cuối cùng thì cuộc đời này có chân lý hay là toàn phi lý...
Bây giờ trông tôi như một lão già xác xơ. Chiếc mào đỏ sần sùi những chấm đen. Đôi ủng dát vàng đã xước xát. Bộ nhung y bạc phếch. Tôi tha thẩn bờ tre bụi rậm, không ai thèm để ý.
Đêm đêm, tôi đến gần chiếc ti vi nhà anh Xã Tý. Cảnh diệt chủng trâu, bò, ngựa, lợn hiện lên loang loáng với quy mô toàn thế giới. Những đàn ngựa chiến trên thảo nguyên gục đầu ủ rũ lê bước què quặt giẫy chết... Những đàn bò nước Anh sừng sững, bị xích kéo lôi ra pháp trường. Những trại lợn châu Âu, châu Mỹ bị thiêu hủy trống hơ trống hoác...
Chú cẩu Vàng nhà anh Xã Tý cũng là loài có móng, dù móng bé tý. Nó thì thào bảo tôi:
- Bác ơi. Binh tình này thì em cũng chả thoát. Em đến rừng hoang trốn đây. Bác ở lại nhé...
- ừ đi đi... - Tôi giục - Qua cơn bĩ cực sẽ đến ngày thái lai. Gắng mà giữ lấy mạng sống nhé.
Con cẩu Vàng đi rồi, nhà anh Xã Tý hiu quạnh. Đêm vắng lặng như tờ. Một mình tôi dạo bóng trăng suông.
Từ ngày xảy ra thảm họa, tôi thường không bỏ giờ thời sự ti vi. Bẵng đi một thời gian, không thấy có cảnh thảm sát loài có móng. Nhưng không, chớ vội mừng. Bởi cái gì cũng phải "tam giả ba bận" mới đủ đô. Tai họa tập I và tập II ghê gớm thật, nhưng chưa thấm gì với tập III. Người phát thanh viên một hôm hốt hoảng đọc tin: Ông X vào thang máy ở Hồng Công. Một người khác nữa cùng vào. Người khách ấy hắt hơi nhẹ một cái. Hắt hơi, chuyện bình thường. Ông X đâu biết cái hắt hơi của một người không quen biết, khác quốc tịch, lại là định mệnh của đời mình. Loài người liên quan với nhau thế đấy. Ông X về tự nhiên thấy sốt cao, khó thở mê man. Tất cả là từ cái hắt hơi của người đi cùng chiếc "thang máy cuộc đời" để lên thiên đình kia.
Ông X đến bệnh viện quốc tế. Ông bác sĩ Tây chữa cho ông. Ngày hôm sau đến lượt chính ông bác sĩ cũng sốt cao khó thở mê man. Toàn thể kíp bác sĩ, y tá, liên quan đều lăn quay ra không phương cứu chữa. Rồi cùng chết trong vài ngày. Chết từ bác sĩ chết đi, chứ đừng nói bệnh nhân. Bệnh SARS. Cứ ai đến gần, ngửi phải một cái là đã lây. Bệnh từ miệng người phả ra bay lơ lửng trong không khí. Ai mà chả phải hít thở không khí. Hít vào là bị. Người bị SARS, bố không dám đến thăm con, vợ không dám đến thăm chồng. Không tiếp xúc thì may còn được sống. Chứ nhìn thấy nhau là đã lây bệnh, đã chết rồi.
Cái khẩu trang che mũi che miệng bác sĩ sao mà mong manh. Các bác sĩ, y tá khắp nơi run sợ. Vậy thì ai còn cứu ai được bây giờ.
Nghe nói bệnh này do một loại vi rút được hình thành trong phòng thí nghiệm làm bom vi trùng nào đó lọt ra ngoài. Trí tuệ "khốn cùng" của loài người, đã chế ra được loại bom, để có thể giết hết loài người. Nguyên tử Hirôsima, chả ăn thua gì. HIV, chả ăn thua gì. HIV đã là cái "đểu nhất". Ngủ với nhau là cái khoái nhất của loài người, thì nó nhè vào đấy để "khống chế" một cách "vô văn hóa", thiếu "nhân văn". Nhưng HIV cũng phải 10 năm sau mới chết. Còn đằng này cứ thằng nào "hít hít thở thở" cạnh nhau là đã có thể chết rồi!
Có lẽ giờ tận diệt đã điểm. Nghe nói hành tinh trái đất này cũng không phải là vĩnh cửu. Đến một lúc nào đó, nó có thể nổ tung thành bụi tinh vân. Rồi bụi tinh vân mù mịt quay đảo tụ lại với nhau, lại thành hành tinh... Rồi sự sống lại bắt đầu từ đơn bào. Hàng tỷ tỷ năm cứ lẩn mà lẩn mẩn như thế.
Anh Xã Tý đi mua khẩu trang về cho cả nhà. Cái mồm cái mũi anh toang hoác ra thế kia, làm sao bịt được con SARS nhỏ đến vô hình...
Ti vi đưa tin Tổng thống nước này thăm nước nọ. Thăm nom làm gì nữa. Sắp chết hết đến nơi rồi...
Chuyện SARS bắt đầu có từ mùa đông, qua mùa xuân. Những ngày lạnh và ẩm đi qua. Nắng mới lên hong hong. Rồi đến nắng hè chói chang. Nắng như đổ lửa. Tôi suốt ngày chạy trong bóng râm. Nắng này thì SARS cũng phải chạy trốn, chứ không thì tan xác. ý nghĩ ấy là của tôi đầu tiên. Tôi nghĩ ra nó. Bắt đầu từ câu chửi tục: "Nắng này thì đến bố SARS cũng phải chết". Thế mà rồi thành khoa học. Cái khoa học ấy là do tôi nghĩ ra, phải giữ bản quyền cho tôi... Sau một tháng nắng chói chang, ti vi chạy bản tin: đã khống chế được bệnh Sars trên toàn thế giới. Không thấy một trường hợp mắc bệnh nào nữa. Nắng nóng, nhiệt độ cao không phải là môi trường thích hợp của vi rút Sars. Do mới được điều chế trong phòng thí nghiệm, chưa được rèn luyện biến đổi gien nhiều lần trong tự nhiên, nên Sars yếu ớt, chết yểu.
Tôi thở phào. Cả thế giới thở phào theo. Hú vía. Ông giời dọa con người. Ai bảo khoa học của chúng mày cứ bảo không có giời. Không có giời mà tao lại đẻ ra chúng mày. Chẳng lẽ chúng mày từ lỗ nẻ chui lên.
ấy, thỉnh thoảng cứ phải dọa một cái với tầm cỡ "diệt chủng" cho nó biết thế nào là lễ phép. Nhưng "giơ cao đánh sẽ". Chúng nó là con cháu mình cả mà... Cho nó sợ vãi đái ra một cái rồi thôi...
*
* *
Anh Xã Tý vung thóc gọi đàn gà đông đúc. Con nghé con nghé ọ ngoài vườn. Từ ngày mẹ chết, nó âu sầu. Nỗi buồn rồi cũng nguôi ngoai. Kỳ này trông nó đã lớn phổng.
Có tiếng gì ngoài ngõ. Nhìn ra, chú cẩu Vàng đi "tỵ nạn chính trị", nghe tình hình yên ắng, đã trở về.
- Vào đây, không sợ nữa rồi. Cuộc sống thanh bình đã trở lại - Tôi nói.
Chú Vàng trông xác xơ, thất sắc. Còn đâu vẻ bóng mượt, vô tư ngày xưa. Đến bố thằng nào cũng không vô tư được sau những vố như thế này.
- Tất cả lại bắt đầu sức sống mới bền vững. Sự sống là vĩnh cửu. Sau các thảm họa, càng làm cho ta thấy yêu cuộc đời này hơn - Tôi bảo.
- Bác sợ bài ghi chép này của bác không được đăng báo nên bác cứ nói thế, chứ em thì em sợ bỏ mẹ ra ấy- Chú Vàng bảo.
- Thế tao không thọt dái lên cổ à - Tôi ghé tai nó - Tao "đ. làm gì" được nữa rồi. Còn mày thế nào.
- Em cũng không thấy "ham muốn" gì nữa.
- Mất "ham muốn" tức là sự sống đã bị triệt tiêu tận gốc, chẳng còn các thế hệ sau. Mất giống. Họa diệt chủng tuy nó không chặt phăng cái đầu tao với mày, nhưng nó đã đạt được mục đích tương đối.
- Vì thế em với bác mới phải "cố gắng". Luyện tập thế nào đó để lấy lại "phong độ" ngày xưa.
Tôi cười hì hì:
- Chẳng cứ tao với mày, mà cả loài người cũng vừa qua một trận dựng tóc gáy. Thôi bây giờ hãy biết thân biết phận. Đừng làm gì nhố nhăng quá. Cuộc sống vốn mong manh lắm mà.
Nguyễn Phan Hách