- Gưm... gưm... gưm...
Ông co người lại, hai mắt ông trợn ngược lên, bắt ánh lửa bếp đỏ xòng xọng, hai cánh tay gân guốc của ông khuỳnh khuỳnh giơ lên cao, rồi khép vào nách. Hai chân ông khựu xuống. Đầu ông ngoái bên này, rồi ngoái sang bên kia trông mới dữ tợn làm sao.
- Gưm... Gưm... gưm... gưm...
Mặt ông giật lên, giật xuống, cổ ông bạnh ra, tiếng kêu của ông như được ai mang ấn sâu vào vách núi, vào vạt rừng sau nhà rồi dội ngược trở lại.
Máy và mấy đứa bạn co rúm người lại. Thằng Quấy em của Máy thì nhảy tọt vào lòng bà, nó nằm gọn trong chiếc váy đen đã sờn gấu, tay níu chặt vào vai áo bà, nhưng mắt vẫn không rời hình ảnh ông qua ánh lửa bên bếp bập bùng.
Rồi ông nằm phủ phục xuống sàn, hai chân ông đẩy đẩy, hai tay ông man man. Ông cứ thế mà trườn tới, làm bọn Máy kêu ré lên, vừa sợ nhưng cũng vừa thích. Rồi tiếng ông lại gầm lên:
- G...ư...m...
Tiếng vọng lại va vào vách rừng, lại âm vang dưới gầm sàn làm bọn gà đã ngủ từ lâu nháo nhác, những chú lợn hộc lên và mấy mẹ con cô đốm cũng sủa ầm ĩ...
Bà vừa ôm cu Quấy, vừa quát lên, nhưng bà lại cười chứ không cau có:
- Ông có thôi đi không, có một chút thế mà kể mãi, kể mãi, làm lũ trẻ sợ chết khiếp lên được. Lúc nào cũng “ngày xưa... ngày xưa”, làm cho gà qué, chó lợn kêu um ùm cả lên...
Bà còn nói một hơi dài toàn tiếng Dao, Máy nghe câu được, câu chăng.
|
Có lẽ đã hàng mấy trăm đêm, nhưng không phải, hàng mấy ngàn đêm mới đúng, quanh cái bếp lửa giữa nhà ấy, Máy và lũ bạn học cùng xóm đã được ông đưa về thế giới “ngày xưa” của ông.
Ông nhìn Máy, rồi nhìn lũ trẻ:
- Cái con hổ, đúng rồi, cái con hổ ngày xưa ông chưa kể hết đúng không? Mới đến chỗ nó kêu “gưm... gưm... g...ư...m...” thôi đúng không?
Ông bắt chước tiếng con hổ gầm vang vào đêm tối, lại gầm vang vào rừng, tiếng đập lại sàn nhà, làm cho cu Quấy ngủ chưa say khóc thét lên. Bà vứt con dao thái rau lợn chạy vào, vừa xốc nách cu Quấy, hai chân bà vừa dậm xuống sàn mai kêu lạo xạo:
- Rõ khổ, vẫn cứ “ngày xưa”, vẫn mãi một con hổ gầm. Ngày xưa ông không bắt nó về, ông không cứu nó thì đâu đến nỗi mẹ con nó làm tôi khiếp đến mấy năm. Cũng may, trước ngày ông đi bộ đội, ông bảo nó về rừng, ông dỗ dành nó, cũng may mẹ con nó biết nghe lời ông, nó còn chịu đi cho, chứ không thì tôi chết vì cái ngày xưa của ông lâu rồi.
- Hừ, bà này rõ nhớ, ngày xưa mưa lũ nó không ào ào cuốn phăng đi như bây giờ. Ngày xưa nước lũ lên to lắm, tràn bờ suối, tràn cánh ruộng, nhưng nó từ từ, có khi kéo dài tới vài ba ngày. Ngày xưa nước mưa rơi xuống tán rừng, nó uống vào rừng cây, nó có cái cây giữ lại trong lòng rừng, lòng núi, nó chảy ra dần dần. Đêm ấy, sau một tuần mưa tầm tã, nước trong con suối Cạn sau nhà lên cao, cao lắm, nó còn tràn cả vào vườn, tràn vào ao cá. Cá ở đâu mà lắm thế, nó nhảy lên cả gầm sàn, ông soi đuốc bắt được đến hàng tạ cá, có những con cá nheo nặng ba bốn cân, có những con cá bỗng hàng yến. Ông còn bắt được cả bao tải ếch, ếch gọi nhau i ôm khắp rừng, khắp khu ruộng bậc thang, chúng làm cho cả bản Dao mất ngủ. Mà còn ngủ sao được, người già, trẻ nhỏ, cả các bà cũng đi soi cá, vồ ếch. Mà vồ ếch là buồn cười nhất, con ếch nào cũng cắn đôi, con ếch cái thì to đùng bằng cái bát ăn cơm, nhưng con ếch đực thì chỉ nhỏ bằng đầu ngón chân cái. Vậy mà chúng say, say không biết trời đất nào nữa, bỏ vào trong bao, mang về nhà rồi mà chúng vẫn ôm nhau không rời.
Đêm ấy, ông đang soi bên bờ suối Cạn thì thấy tiếng hổ gầm bên kia rừng. Nghe tiếng nó gầm thảm thiết như kêu khóc, như ai oán, chứ không phải nó bị thương, không phải tiếng gầm tức giận. Khi chưa lũ, hai bờ con suối Cạn chỉ cách nhau vài ba chục bước chân, thế mà bây giờ nhìn mãi không thấy bờ bên kia ở đâu. Tiếng con hổ vẫn gầm, vẫn ai oán, rên rỉ. Ông giơ cao đuốc lên đầu, nhìn ra dòng nước lũ đang băng băng chảy. Bất ngờ ông phát hiện ra một con hổ con chỉ nhỏ bằng con chó mới đẻ đang bám chặt vào một khúc gỗ mục trôi giữa dòng. Con hổ con cố leo lên, khúc gỗ tròn oằn đi trong nước, con hổ lại tụt xuống. Đúng là giữa cái sống và cái chết có khác, nó vẫn bám chặt lấy khúc gỗ. Chỉ còn cách Thác Đĩa vài chục bước chân nữa thôi là con hổ con có tài mấy cũng toi mạng. Trên bờ bên kia, tiếng con hổ mẹ vẫn kêu rên thảm thiết... Ấy là ông đoán thế, chứ biết đâu nó là hổ mẹ hay hổ bố.
Không còn kịp nghĩ ngợi gì nhiều, ông lao ra dòng nước lũ lạnh buốt, ôm lấy con hổ con rồi lao trở lại bờ. Ngày xưa sao ông khỏe thế, chứ bây giờ chắc trôi xuống Thác Đĩa rồi. Con hổ con tuy được cứu, nhưng nó cũng kịp cào cho ông một vệt dài vào ngực, rách luôn cả áo.
Nói rồi, ông vén áo cho Máy và lũ bạn của Máy xem vết sẹo kéo dài từ trên ngực xuống gần bụng. Ông lại cười, vẫn cái cười móm mém:
- Chắc cu cậu ân hận lắm. Ông không soi cá, vồ ếch nữa, ông ôm cu cậu về nhà bảo bà đưa cho cái cũi sắt, cái cũi mà nghe đâu người Pháp mang lên để nhốt phạm nhân. Một hôm đi xúc cá ở sông Lô ông vớ được, tuy nó bị han một chút nhưng còn bền chán. Thế là ông nhốt cu cậu vào đấy, đốt lửa cho cu cậu sưởi, mang mấy con cá cho cu cậu ăn, nhưng cu cậu không ăn. Mẹ nó vẫn kêu gào ở bên kia suối Cạn, gào mãi, gào mãi... Cu cậu nằm run, chắc nghe thấy tiếng mẹ cu cậu cũng gào, gào như tiếng mèo con khàn giọng ấy. Bà đứng xem ông sưởi cho nó, nghe thấy tiếng mẹ nó gọi, con nó gào, đã mấy lần bà bảo ông thả nó ra, nhưng thả ra thì nó làm sao về được, chắc lại bị lũ cuốn trôi thôi.
Đêm khuya, mệt quá ông ngủ thiếp đi. Đến khoảng gần sáng, nghe tiếng mấy con chó dưới gầm sàn rên ư ử, mấy con lợn hộc nhảy chồm chồm, mấy con trâu thì lồng lên phá gioóng cồm cộp. Bà đập ông dậy, ghé mắt nhìn xuống gầm sàn... Trời ơi, ông hết hồn, hết vía. Một con hổ mẹ to đùng, có lẽ nó nặng đến hàng tạ chứ chả chơi, lông nó vằn lên màu lửa, nó nằm ôm lấy chiếc cũi sắt có con nó ở trong ấy. Cái mùi hổ bị ướt nước mưa bốc lên mới kinh khủng làm sao.
Ông khẽ nhón chân đi về góc vách cuối sàn lần tìm khẩu súng kíp. Ngày xưa ở bản Dao mình, nhà nào cũng có một hai khẩu súng kíp nhồi “ghém” sẵn để bảo vệ nhà, chống thú rừng mà. Khi cần, chỉ tra kíp nổ vào là xong. Nhưng tay ông run, run bắn lên, sao mình run thế, run tới không giữ nổi khẩu súng nữa. Bà đến bên cạnh ông thì thào: “Đừng bắn... đừng bắn nó. Cứu được con nó, lại bắn chết mẹ nó là làm sao? Chờ đến sáng, đánh động đuổi nó đi, rồi xuống thả con nó về với mẹ nó, cho nó về với “nhà rừng” của nó...”
Ông đặt súng xuống và thế là hai ông bà ôm nhau ngồi chờ trời sáng. Cũng may, cái ngày xưa ấy ông bà chưa có con cái gì. Sáng rõ mặt người, ông cầm con dao quắm gõ xuống đầu cầu thang một cái thật mạnh. Con hổ mẹ choàng dậy thật nhanh, nó quay đầu nhìn ông bằng đôi mắt không ra căm thù, cũng chẳng ra tức giận. Rồi nó chậm rãi bước đi về phía bờ suối Cạn, thỉnh thoảng nó vẫn ngoái đầu lại nhìn ông, đến bây giờ ông còn nhớ ánh mắt ấy. Một tay ông cầm khẩu súng kíp, một tay ông cầm con dao quắm, ông lần bước xuống cầu thang. Thật lạ, cả đàn chó, cả đàn gà vịt và chuồng lợn, chuồng trâu không hề suy suyển một con nào. Ngày xưa chính ông đã chứng kiến, có lần cả một đàn hổ kéo vào bản, chúng làm náo loạn, bắt hết cả gà lợn không còn một con nào. Vậy mà đêm qua hổ chê thức ăn đầy gầm sàn mới lạ.
Ông gọi bà mang cho ông một con cá bắt được đêm qua bỏ vào cũi sắt cho cu hổ con ăn, nhưng cu cậu vẫn không ăn, chỉ nhìn ông lấm lét. Mỗi khi ông thò tay vào cu cậu nằm ẹp xuống chứ không cào ông như đêm qua nữa. Cu cậu nằm nhắm mắt lim dim, ông mở cửa cũi mà nó cũng không chịu ra cho, chắc đêm qua mệt quá, sợ quá, khi mẹ về cho ăn no sữa, bây giờ ngủ bù. Ông bà cứ để cửa cũi không đóng mà quay lên nhà ngồi chờ xem mẹ nó có quay trở lại không, nhưng tuyệt nhiên không thấy động tĩnh gì.
Buổi trưa ấy, ông bà đóng cửa ngủ, con hổ mẹ lại về, nó lại nằm cho con nó ăn sữa trong khi cửa cũi không đóng. Đến khi ông bà đánh động, hổ mẹ lại bỏ vào rừng, nhưng cu hổ con vẫn không đi theo mẹ. Nó đứng nhìn theo mẹ một lúc rồi quay lại chui vào chiếc cũi sắt nằm ngủ.
Khó nói hết chuyện kỳ lạ của mẹ con nhà hổ. Cứ thế, hổ mẹ về nuôi hổ con vài ba lần một ngày. Tối đến nó về ngủ cùng con rồi sáng hôm sau lại ra lại đi mà không động đến một chút lông gà, lông chó nào nhà ông. Có những hôm hổ mẹ còn bắt cả gà rừng, lợn rừng về cho hổ con ăn ngay dưới gầm sàn, cả bản Dao đến xem, ai cũng cho là lạ. Con hổ con ai cũng có thể gần nó được, sờ mó nó được, nó chạy nhảy lăng xăng như con cún con, nó theo ông khắp gầm sàn...
Hơn sáu tháng như thế, cu cậu đã lớn bằng con chó tháu rồi, nhưng vẫn để mẹ nuôi, cậu không chịu ra khỏi gầm sàn. Hôm ấy đi khám tuyển bộ đội về, ông ngồi xuống vuốt đầu cu cậu, rồi ông bảo nó:
- Mai mình đi bộ đội đánh giặc rồi, cậu về rừng ở với mẹ cậu đi, ở đây không có ai chăm sóc cậu nữa đâu.
Con hổ con như nghe được lời của ông, vẻ mặt cu cậu buồn thiu rồi chui tọt vào cũi nằm im. Tối ấy cũng như mọi tối, hổ mẹ mang thức ăn về cho con nhưng không thấy nó vờn con như mọi khi nữa. Hai mẹ con nó nằm im từ tối cho đến tầm gần sáng, ông nghe thấy tiếng hổ mẹ “gưm... gưm...” vẫn cái giọng rên rỉ hôm nào, rồi tiếng hổ con cũng “gưm... gưm...” nhưng lạ lắm. Sáng ra hai mẹ con hổ đã dẫn nhau đi từ khi nào, chúng để lại một con lợn rừng khoảng trên ba mươi cân còn tươi rói. Hôm ấy có thịt lợn rừng liên hoan cho ông đi bộ đội.
Bà lại từ buồng cu Quấy chạy ra:
- Thế mà ông đi bộ đội mấy năm rồi, thỉnh thoảng mẹ con nó vẫn dẫn nhau về gầm sàn ngủ, sáng ra nó thấy tôi cậm cạch nó lại dẫn con nó đi. Thỉnh thoảng nó mang về cho tôi con gà rừng hay con dúi măng béo ngậy. Cũng từ ngày ấy nhà mình nuôi con gì là được con ấy, chẳng mất con gì, ai vào nhà mình cũng sợ gặp hổ. Nhất là một hôm, đã gần chín giờ đêm mà đàn trâu thả trên núi Nà Sác không về. Bà con thắp đuốc đi tìm hộ thì đến hơn mười giờ nhiều người nhìn thấy mẹ con con hổ lùa trâu về hộ. Khi tôi về đến nhà thì đàn trâu đã ở trong chuồng rồi...
Ông ngoảnh lại nhìn bà:
- Thế bây giờ bà cũng kể chuyện ngày xưa à? Ngày miền Nam giải phóng, tôi xuất ngũ, về đến nhà thì mới biết tin, hôm máy bay Mỹ ném bom trận địa pháo trên đỉnh Nà Sác người ta thấy xác một con hổ cái to lắm. Chẳng biết có phải mẹ nó không?
Bà đưa tay vuốt mắt:
- Đúng nó chứ còn gì nữa. Từ ngày ấy không thấy mẹ con nó xuất hiện nữa. Rồi rừng cũng bị tàn phá gần hết, nương rẫy thì làm vô tội vạ. Người khôn, của khó, ai cũng phá rừng, cũng làm ruộng, làm ao, còn đâu đất cho hổ báo nữa. Con suối Nậm Dầu thành con suối Cạn, rừng Nà Sác thì thành rừng tan tác. Đúng là được cái nọ thì mất cái kia. Con hổ nó là thú dữ mà nó ăn ở còn có nghĩa, có tình, thế mà con người sống nhờ rừng, nhờ đất mà sao không kịp nghĩ ra điều đó từ ngày xưa có tốt không.
- Đấy nhá, bà lại “ngày xưa” rồi, bà cũng có kém gì tôi, bao nhiêu cái “ngày xưa” nói bao giờ cho hết...
Khuya, lũ bạn Máy đã về lâu rồi mà sao Máy không tài nào ngủ được. Sáng mai lớp của Máy sẽ đến giúp bố mẹ Máy, ông bà Máy trồng rừng keo trên đồi Nà Sác, trên cái đỉnh núi ngày xưa có mẹ con con hổ, trên cái chỗ ngày xưa là khu rừng rậm nhất, già tuổi nhất cái bản Dao này. Trên cái chỗ ngày xưa con hổ mẹ đã ngã xuống vì bom đạn kẻ thù... và còn biết bao cái ngày xưa ông đã kể và ông chưa kể.
Ngày xưa, ôi ngày xưa của ông.