|
Ông bất giác nhìn lui phía sau khi taxi đến gần bãi đáp trước nhà hàng Tam Mã. Ồ. Tại sao phải nhìn lui, giờ mình còn gì phải sợ nữa đâu. Cử chỉ này, đã lâu lắm ông quên đi, từ khi không gặp Diễm nữa, có đến mười lăm năm nay rồi. Thỉnh thoảng có thấy email của nàng xuất hiện trong hộp thư, ông cũng chỉ đọc qua rồi xóa... Ông là người quyết đoán, đã dứt áo thì thôi, nhất định không ngoái lại.
Mặc dù đôi khi trong đêm thanh vắng, nỗi nhớ cũng day dứt vô cùng. Ở cương vị một quan chức, ông đâu có thời gian để mà ủy mị. Lịch họp, lịch công tác chi chít, con người có lúc chẳng còn là chính mình, nói gì đến nhớ thương. Có lúc trên ô tô giữa hai cuộc họp, ông thiếp đi, chợt nghe tiếng hát của ca sĩ nào đó vang ra từ máy stereo trên xe. Một bài hát của Cung Tiến, bài Hoài cảm. Ông thấy lòng lịm đi, thấy hình ảnh nàng hiện ra trước mặt, thấy nụ cười nàng thơ dại như đứa trẻ, đôi mắt xanh trong, trong đến nỗi khi mới nhìn lần đầu ông ngỡ sau đôi mắt ấy không bao giờ có thể gợn lên một suy tính gì. Cảm giác lúc ấy thần tiên đến nỗi về sau ông giữ mãi trong xe CD ấy, chỉ để thỉnh thoảng nghe một câu da diết: Chờ nhau hoài cố nhân ơi…
Rồi ông về hưu, không thường đi lại bằng xe nữa. Chiếc CD lại lặng lẽ tỉ tê trong phòng ông những đêm khó ngủ.
Nghe là nghe vậy thôi, chẳng bao giờ ông nghĩ đến gặp lại cố nhân.
Vậy mà bây giờ ông sắp gặp nàng.
Chuyện này quả thực ngoài dự tính của ông. Ông biết mười lăm năm đã qua, cả hai bây giờ đã khác. Nhất là cuộc gặp gỡ này lại chẳng phải để hẹn hò, mà là để nói một câu chuyện quá nặng nề. Từ lúc về hưu, chuyển vào Nam, mặc dù vẫn còn rất nhiều mối quan hệ, ông đã khước từ mọi chuyện vận động, thuyết phục, xin xỏ. Chỉ muốn rũ áo gác kiếm để thảnh thơi trong lòng. Vì vậy, khi nghe vợ thủ thỉ: “Mình cố làm sao giúp Út Lan. Nó đang bị tiểu đường nặng vậy, nếu bị kết án đến mười năm làm sao sống nổi?” Ông chỉ thở dài: “Anh biết. Không nói là Út Lan, cho có là con đẻ của mình rơi vào hoàn cảnh đó cũng chẳng làm sao cứu được. Tình ngay lý gian là thế”. Vợ ông chảy nước mắt: “Mình có nhớ tình nghĩa của bác Hai thuở trước không, cái năm em sơ tán ở nhà bác ấy, mỗi lần bom dội, bác nằm đè lên cu Tý nhà mình, bị thương tật cũng vì bao che cho con mình. Bây giờ con gái bác ấy gặp nạn, không lẽ mình khoanh tay ngồi nhìn?”
Út Lan, từ một chủ tịch lâm trường – đã khai phá hơn năm ngàn mẫu đất Tây Nguyên, đã đem lại công ăn việc làm cho mấy chục ngàn dân di cư từ miền Trung vào, đã được khen thưởng, ca ngợi, tôn vinh - bỗng trở thành tội đồ, nay mai sẽ đứng trước vành móng ngựa, đối diện với bản án “Cố ý làm trái” - Vụ án của Út Lan, hàng chục tờ báo tranh cãi, bao nhiêu người ở vị trí còn cao hơn ông cũng đã lên tiếng bênh vực, vậy mà còn chẳng ăn thua. Thử hỏi ông có thể can thiệp được gì? “Sao lại không hở ông, người cao hơn ông không nói được, nhưng mà ông thì nói được”. “Bà nói gì tôi chưa hiểu?” Vợ ông nhỏ nhẹ: “Phan Ngọc Diễm vừa về nước tuần trước, ông ạ!” Ông giật mình. Lặng người. Bao nhiêu năm nay ông cứ nghĩ vợ không biết gì về chuyện riêng tư của ông. Máu trong người ông như ngừng chảy trong một lúc. Lát sau, ông nói, nặng nhọc: “Tôi có biết cô ấy về đâu. Lâu lắm rồi không còn liên hệ gì”. Vợ ông vẫn nhỏ nhẹ: “Tôi biết, tôi tin mình mà”.
Câu nói làm ông tạm yên tâm phần nào. Bà là mối tình đầu, là vợ, là mẹ của các con ông, ông chưa bao giờ muốn làm gì cho bà buồn trong suốt cuộc đời. Hơn ba mươi năm, trên đường công vụ, ông luôn bị những bóng hồng đe dọa. Nhiều nữ nhân viên tìm cách mua chuộc ông, làm duyên làm dáng với ông, có người nhân cùng đi công tác mời ông ghé nhà rồi dẫn thẳng lên lầu nói là để uống trà, nhưng khi lên đến nơi hóa ra lại đối diện với cái giường ngủ. Ông toát mồ hôi rút lui, từ đó hễ phát hiện cô nào trong cơ quan có dấu hiệu đầu mày cuối mắt là ông cách ly người đó ngay không tạo cơ hội cho người ta tiếp xúc với mình. Bởi ông biết rõ thời ấy, bẫy tình là cái bẫy thê thảm nhất mà nhiều quan chức đã sụp vào, thân bại danh liệt. Tự kiềm chế đã thành thói quen, kể cả những lúc một thân một mình ông cũng giữ gìn quá kỹ. Như lần đi công tác ở Thượng Hải, đối tác cử một cô nhà báo trẻ trung xinh xắn dẫn ông đi tham quan thành phố, chỗ ở họ bố trí cho ông là một suite gồm một phòng khách và hai phòng ngủ trong khách sạn năm sao, cái trớ trêu là hai phòng ngủ ấy lại thông nhau bằng một cửa ngách nhỏ. Cô nhà báo xinh đẹp, trước khi lui về phòng mình, lại còn nói rõ với ông: “Ngay sau cánh cửa này là phòng em”. Đêm ấy ông lên giường, không phải với tâm tư rạo rực của người đàn ông trong hoàn cảnh “mỡ để miệng mèo” mà với những phân vân đầy suy tính: cô gái này có thực là một nhà báo không? Có âm mưu gì sau hảo ý này không? Ông chột dạ, nhìn quanh phòng, xem thử có gắn camera không, có máy thu âm đâu đó không. Nếu có, thì cũng chẳng tài nào phát hiện được. Rồi ông lại phập phồng lo, nếu nửa đêm cô ta cởi tuột quần áo rồi a lên giường mình thì mình có đối phó được không? Rất may là đêm đó cô gái chẳng động tĩnh gì cả, phần ông sau một ngày đi quá mệt, nên cũng thao thức một lúc rồi ngủ thiếp đi.
Sau này, kể lại với bạn bè, ông thường đùa: “Bây giờ nghĩ lại thấy mình dại quá!” Thật ra trong những phút thử thách đó, ông không thấy có gì khó khăn gay go như nhiều người tưởng tượng. Chủ yếu là do ông bị hút trong công việc nên chẳng còn nhiều tâm trí cho chuyện trăng hoa, hơn nữa, ông có gia đình hạnh phúc, có người vợ hiền hậu yêu thương và luôn nhắc nhở ông giữ mình. Đối với ông, bà chẳng khác gì thiên thần hộ mệnh.
Mọi chuyện chỉ khác đi khi ông gặp Diễm. Nàng xuất hiện trong đời ông vào những năm đầu ‘90, khi cuộc sống đang bung ra, cách làm ăn bung ra, quan niệm về cách sống cũng khác đi... Đấy cũng là thời điểm khó khăn trong cuộc sống vợ chồng: vợ ông đang qua khỏi tuổi năm mươi, tấm thân mảnh mai ngày nào đã bắt đầu “bể phom”, lại đang thời kỳ mãn kinh với bao nhiêu trục trặc về cơ thể. Hai vợ chồng bắt đầu ngủ riêng phòng, gần gũi nhau càng ngày càng thưa, rồi bỗng nhiên trong lúc đang còn lay hoay tìm cách điều chỉnh sự trục trặc thì bà bỗng đột ngột tuyên bố: “Ngày xưa, bố mẹ em đến năm mươi là đã hết”. Lúc ấy ông chỉ nghĩ có lẽ vợ mình chịu ảnh hưởng giáo dục quá nghiêm khắc từ một gia đình Nho phong. Bây giờ nghĩ lại, rất có thể ngay từ lúc ấy bà đã nắm được thông tin về Diễm, và vì lòng tự ái bà không muốn để chồng âm thầm so sánh cơ thể mình với thân thể một người đàn bà trẻ hơn mình đến hai mươi tuổi.
Chỉ có ông là ngây thơ. Ông đã cố gắng hết sức để cho bà được bình yên. Ngay khi đang yêu Diễm say đắm, ông cũng không quên tạo một lớp vỏ bọc hoàn hảo để bà khỏi nghi ngờ. Rồi khi xảy ra tình huống có thể làm đau một trong hai người đàn bà, ông đã đành lòng để cho Diễm bị tổn thương.
***
Lúc ấy là tầm giữa chiều, nhà hàng còn vắng lặng, một mình ông bước vào ngồi trong một góc kín đáo sau những chậu cây phát lộc xanh tốt. Cái nhà hàng sang trọng nằm trên một đường chính ở trung tâm thành phố, ở cái nơi “tấc đất tấc vàng” theo đúng cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, vốn là một trong những ngôi nhà của một quan chức hàng đầu trong chính phủ. Ngày ông còn đương chức, có lần vào công cán ở thành phố đã được mời dự tiệc ở đây. Vị quan trên đó đã chết hơn mười năm, bây giờ các con của ông ta cho chủ nhà hàng này thuê mỗi tháng đến sáu nghìn đô. Ông nhìn quanh: chẳng còn chút dấu vết gì của người chủ cũ.
Ông nhìn đồng hồ: ba giờ mười phút. Sợ kẹt xe nên ông đã đi hơi sớm. Mười lăm năm trước, người đến sớm thường là Diễm. Còn ông bao giờ cũng đến sát giờ hẹn, có khi trễ đôi chút, vội vội vàng vàng. Nàng rất hay dỗi, lúc nào cũng nũng nịu trách móc rằng đến trễ lẽ ra phải là đặc quyền của đàn bà... Nhưng rồi hờn dỗi cũng qua thôi, vì ông biết nói những câu làm cho nàng nguôi lòng, luôn có những món quà bất ngờ, không phải những thứ đắt tiền cho lắm nhưng được lựa chọn rất thông minh đủ cho nàng nhận thấy trong đó chứa đựng rất nhiều yêu thương và quan tâm.
Ông đốt một điếu thuốc, tranh thủ hút trước để lát nữa khỏi nói lời xin phép phụ nữ. Đã có thời thân thiết đến thế nhưng dù sao giờ đây Diễm cũng vừa trải qua năm năm trời sống ở Mỹ, khó mà chấp nhận được việc ngửi mùi khói thuốc từ một người đàn ông. Lát nữa đây thôi, họ lại sẽ ngồi đối diện với nhau trong bữa ăn, như cái lần đầu ấy. Thực lòng chỉ muốn về nhà, nhưng người trợ lý mời tha thiết quá, ông phải nhận lời đi ăn cơm niêu, lúc ấy đang là mốt mới ở Hà Nội. Tưởng là sẽ chén tạc chén thù với một người đàn ông thì ông lại gặp thêm ở đó một phụ nữ. “Em xin giới thiệu với sếp cô em gái, nhờ sếp quan tâm”. Việc mà anh ta nhờ, là giúp cho cô em, vốn là trưởng phòng giao dịch của một công ty nhỏ trong Sài Gòn. Công ty đang trên đà phá sản, đang cần những lời khuyên và kinh nghiệm của ông. Ông cảm thấy thoải mái vì anh ta chẳng xin một điều gì cụ thể, khỏi phải cân nhắc đắn đo, hay tìm lời từ chối. Còn sự ủng hộ, thì là một việc về lâu về dài, một cuộc điện thoại, một chút tin tức, thậm chí nhận cho một món quà cũng đã có thể gọi là ủng hộ rồi.
Điều làm ông có ấn tượng với Diễm là cô chẳng có vẻ gì là một trưởng phòng giao dịch. Tuổi trạc ba mươi, chân dài, đẹp cỡ hoa hậu nhưng trông cô có dáng ngoan hiền và thơ dại của một nhà thơ hơn là một nhân viên kinh doanh năng nổ. Ánh mắt cứ lạc loài như con nai vàng ngơ ngác vậy thì kinh doanh cái gì, ông nghĩ thầm. Ông đưa cái menu cho cô chọn món ăn. Cái menu ấy là menu tiếng Anh. Cô lúng túng, ông nhận ra cô nàng không biết ngoại ngữ. Vào những năm tám mươi, nhân viên giao dịch không biết tiếng Anh là chuyện bình thường, nên ông chẳng lấy làm lạ.
(Số sau đăng tiếp)