Ngày 13.1.2010, Tập đoàn công nghệ CMC (CMC) chính thức niêm yết trên Sàn Giao dịch chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HoSE) với tổng giá trị niêm yết hơn 635 tỷ đồng. Sau 13 năm, giá trị vốn hóa của CMC đang đạt hơn 7.300 tỷ đồng, nằm trong top 100 doanh nghiệp có giá trị vốn hóa lớn nhất thị trường. Tại thời điểm chính thức lên sàn HoSE, khối lượng cổ phiếu CMG niêm yết là 63,5 triệu cổ phiếu. Tính đến ngày 30.11.2023, khối lượng cổ phiếu đang lưu hành là gần 151 triệu cổ phiếu, tương đương tổng giá trị niêm yết đạt hơn 1.500 tỷ đồng. Theo đó, kết quả kinh doanh tăng trưởng ổn định là yếu tố quan trọng giúp cổ phiếu CMC duy trì “sức nóng” trong suốt nhiều năm qua.
Ông Nguyễn Trung Chính - Chủ tịch HĐQT, Chủ tịch Điều hành CMC cho biết: “Với vị thế là một Tập đoàn công nghệ thông tin hàng đầu tại Việt Nam, việc thực hiện niêm yết trên sàn chứng khoán đã góp phần nâng cao giá trị công ty, kết nối và thu hút nhà đầu tư mới, nâng cao lợi thế cạnh tranh, phát triển thương hiệu bền vững và tăng động lực làm việc cho cán bộ nhân viên thông qua các chính sách về sở hữu cổ phiếu…”.
Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới khó khăn, các doanh nghiệp Việt Nam đối mặt nhiều thách thức cùng với sự cạnh tranh về phí giao dịch giữa các công ty chứng khoán khốc liệt hơn. Bất chấp các yếu tố bất lợi trên thị trường công nghệ toàn cầu, CMC vẫn duy trì được đà tăng trưởng nhờ kiên định hướng phát triển tập trung vào mảng Công nghệ viễn thông. Luôn nằm trong top đầu các doanh nghiệp Công nghệ tại Việt Nam, CMC đang chứng tỏ vị thế của mình với các dịch vụ, giải pháp giúp cho các khách hàng trong và ngoài nước chuyển đổi số hiệu quả. Trong hành trình phát triển suốt 13 năm qua, CMC không ngừng đầu tư tích cực cho các hoạt động phát triển công nghệ:
Năm 2014, CMC thành lập Viện nghiên cứu ứng dụng Công nghệ CMC ATI phục vụ việc nghiên cứu phát triển các ứng dụng, giải pháp công nghệ tiên phong cho thị trường Việt Nam và quốc tế.
Năm 2017, CMC chính thức ra mắt Trung tâm Sáng tạo CMC, Quỹ Đầu tư Sáng tạo CMC & CMC Lab thúc đẩy hoạt động nghiên cứu sáng tạo trong lĩnh vực công nghệ thông tin.
Cũng trong năm 2017, CMC Telecom khai trương tuyến cáp xuyên Đông Nam Á CVCS và Trung tâm Dữ liệu thứ 3; Ra mắt Trung tâm giám sát ATTT thế hệ mới CMC Next Gen SOC.
Năm 2019, CMC công bố Hệ sinh thái hạ tầng mở cho Doanh nghiệp & Tổ chức C.OPE2N.
Năm 2022, Tổ hợp văn phòng thông minh CCS và Data Center Tier3 hiện đại và an toàn nhất Việt Nam chính thức đi vào hoạt động tại TP.HCM.
Kết hợp phát triển chiều rộng và chiều sâu, CMC cũng chú trọng đầu tư vào các công nghệ mới như AI, dữ liệu lớn, điện toán đám mây… làm nền tảng cho việc nghiên cứu những sản phẩm, ứng dụng thực tiễn như: CIVAMS – Giải pháp Phân tích và quản lý hình ảnh thông minh, C-VOICE – Giải pháp số hóa âm thanh, C-CHATBOT – Giải pháp cung cấp trợ lý ảo đa ngôn ngữ, C- ORC là một giải pháp số hoá, chuyển đổi số toàn diện văn bản, hồ sơ giấy tờ dạng ảnh... Bên cạnh đó, CMC tiếp tục chú trọng đầu tư cho tương lai với mảng Giáo dục - đào tạo. Năm 2023, Trường Đại học CMC khai giảng khóa 2 với tỷ lệ sinh viên ngành công nghệ thông tin chiếm 45% tổng quy mô tuyển sinh toàn trường. Với mục tiêu tiên phong xây dựng mô hình đại học số tại Việt Nam, trường đã từng bước xây dựng được hình ảnh, uy tín cao trên thị trường trong nước và quốc tế.
Ông Hồ Thanh Tùng - Tổng giám đốc CMC nhận định: “Chiến lược của CMC trong thời gian tới là tiếp tục đẩy mạnh hợp tác với khối Chính phủ, bộ, ban, ngành và các doanh nghiệp nước ngoài để không ngừng nâng cao năng lực, thúc đẩy sự sáng tạo và đem lại những giá trị bền vững.”
Theo đó, CMC sẽ tiếp tục theo đuổi mục tiêu trở thành Tập đoàn công nghệ toàn cầu, mở rộng quy mô hơn 10.000 nhân sự vào năm 2025. Mức gia tăng ổn định của cổ phiếu CMG gắn liền với kết quả kinh doanh tăng trưởng suốt hơn một thập kỷ qua, đồng thời phản ánh chiến lược phát triển bền vững của ban lãnh đạo Tập đoàn cho giai đoạn từ nay tới 2025, với các mảng kinh doanh mũi nhọn được xác định là Công nghệ viễn thông và Chuyển đổi số.