Nhãn quan kinh doanh
Carlos Slim Helú trong Bảo tàng Soumain
Sản xuất thuốc lá, phụ tùng xe hơi, thiết bị khai thác hầm mỏ và dầu khí, bảo hiểm xe hơi và chủ xe, màng lưới siêu thị Sanborns (tương tự Wall Mart của Hoa Kỳ); mua bán tất tần tật, từ nước uống đến các thiết bị kỹ thuật, khi đủ tiềm lực, bắt đầu lập hãng vận tải hàng không giá rẻ Volaris… Nhưng trụ cột cơ nghiệp của Slim vẫn là hãng viễn thông Telmex và Telcel – về thực chất nắm giữ độc quyền 90 và 80% thị phần trong nước. Tiền thu được từ khách hàng trong nước giúp Slim mua cổ phần ở những hãng viễn thông xuyên Mỹ Latin, thò tay đến cả những khu vực dùng tiếng Tây Ban Nha ở Bắc Mỹ và châu Âu. Ở Hoa Kỳ, ông mua lại hàng loạt mạng điện thoại di động, cả một màng lưới phân phối máy vi tính mang tên CompUSA, rồi hùn vốn vào Saks Fifth Avenue – một tổ hợp kinh doanh thời trang và những đồ dùng hàng hiệu. Khi được con cái giới thiệu về máy vi tính, ông chú ý đặc biệt đến mạng internet và mua lại của Hoa Kỳ hãng Internet Prodigy, hiện đang hoạt động mạnh ở hàng loạt nước Mỹ Latin.
Chớp thời cơ Mexico cổ phần hóa các doanh nghiệp theo khuyến cáo của MWF và Ngân hàng Thế giới, năm 1990, với 1,7 tỷ USD, Slim đã mua gần như toàn bộ số cổ phiếu của tập đoàn Telmex. Nắm được độc quyền, Slim đẩy giá dịch vụ viễn thông ở Mexico lên mức cao nhất thế giới. Telmex là một trong những tập đoàn viễn thông đầu tiên trên thế giới có ngay dịch vụ internet hữu tuyến ADSL và triển khai những chương trình khuyến mại rầm rộ, hiệu quả, ví dụ: cung cấp miễn phí internet cho thanh thiếu niên. Riêng trong ngành viễn thông, Slim gắn liền với những hãng Telefones de Mexico, Altria Group (nguyên là Philip Morris), Telcel, America Movil và có khả năng thôn tính Telecom Italia. Riêng America Movil của Slim có hơn 100 triệu khách hàng.
Slim rất khâm phục phương pháp kinh doanh táo bạo của cha mình: trong những năm Mexico xảy ra nội chiến, cha ông mua bất động sản ở thủ đô với giá bèo vì quân của Pancho Villa đã tiến đến rất gần. “Đó là một bước đi táo bạo. Cha tôi đã dạy cho tôi rằng cuộc khủng hoảng dù có sâu sắc đến mấy thì Mexico cũng chẳng biến đi đâu, và, nếu biết tin vào đất nước thì bất kỳ một sự đầu tư nghiêm chỉnh nào cũng sẽ được hoàn vốn rất nhanh”. Hãng thương mại Carso (ghép những chữ đầu của tên ông với tên người vợ quá cố Soumaia) bỏ tiền ra mua bất kỳ gói hàng nào họ thấy hấp dẫn - như dụng cụ khai thác mỏ chẳng hạn, và bây giờ, hãng Frisco thuộc tổ hợp Carso trở thành lớn nhất trong ngành hóa - khoáng sản của Mexico. Người dân ở Mỹ Latin thường có câu nói cửa miệng gắn liền với tên tuổi Slim, đại ý “chưa kịp đứng lên thì đã vội bỏ tiền vào túi Carlos Clim rồi”. Vị doanh nhân có đầu óc chiến lược là con người gặp thứ gì đang ế ẩm cũng mua, rồi chọn thời cơ đứng lên giành vị trí độc tôn kiếm lãi trên thị trường. Nhưng điều quan trọng là ông không bao giờ bị nhầm trong chuyện mua bán.
![]() Bảo tàng mỹ thuật Soumain do Carlos Slim Helú thành lập |
Năng khiếu kiếm tiền
Tất cả bắt đầu từ một sạp hàng nho nhỏ bán quần áo với thương hiệu rất kêu “Ngôi sao Phương Đông” do người cha khai trương vào năm 1911 ở Mexico.
Sinh thời, Julian Slim Haddad trốn quân dịch từ Libăng chạy sang Mexico, lấy con gái của một thương gia khác, cũng gốc Libăng, có sáu người con, thì đứa con thứ năm - Carlos Slim Helú (chào đời năm 1940, được đặt theo tên mẹ là Helú) là ranh mãnh nhất. Hồi nhỏ cậu đã biết bán lại cho anh khi cái kẹo, khi thỏi chocolate mà cậu dành dụm chưa ăn và hay “trao đổi hàng hóa” - đồ chơi, đồ dùng… - với nhiều người bạn cùng tuổi hoặc hơn tuổi. Năm 15 tuổi, cậu đã có trong ngân hàng Banamex một tài khoản là 5.523 peso. Hai năm sau, khi thi đỗ vào khoa Kỹ thuật trường Đại học Tổng hợp Mexico, tài khoản đó đã tăng thành 31.900 peso. Đến năm 26 tuổi, nhờ biết sử dụng di sản của cha, Slim đã có một tài sản trị giá 400.000 USD. Slim Helú tự nhận mình có một cảm nhận rất đặc biệt với những con số và nhớ các con số chính xác tuyệt vời. Trong một lần họp đại hội cổ đông, khi chỉ là một thanh niên rất trẻ đang sở hữu một ít cổ phần, Slim Helú đã nhắc lại vanh vách các số liệu quyết toán một cách chính xác đến tận con số phần nghìn.
Quan hệ xã hội
Một thành công nữa của Slim là biết trọng những mối quan hệ cần thiết. Cựu tổng thống Mexico giai đoạn 1988 - 1994 đang phải trốn sang Ireland để tránh bị ra tòa về tội tham nhũng - trong đó có vụ bán hãng viễn thông nhà nước cho Slim - vậy mà Slim vẫn không bị hề hấn gì, có thể là sau khi mua được hãng viễn thông, Slim đã kịp thời đặt quân vào bàn cờ khác. Một mối quan hệ nữa cũng rất phức tạp: Slim bắt tay với Andres Manuel Lopez Obrador - thị trưởng thành phố Mexico, thuộc phái hữu và nhận lời tài trợ việc cải tạo khu phố cổ trung tâm thủ đô nhằm ủng hộ ông này tranh cử tổng thống, nhưng khi đại biểu này của đảng Xã hội bị thất bại, Slim vẫn không hề “xót của bỏ người”, mặt khác lại còn thiết lập được quan hệ bình thường với tân tổng thống Felipe Calderon. Các mối quan hệ với nước ngoài cũng được thiết lập theo kiểu nhìn xa trông rộng như thế: Slim mời cựu thị trưởng New York Rudolph Giuliani làm tư vấn cho hãng của mình. Và đúng khi tổng thống Panama Martin Torrihos không biết làm cách nào để kịp sang Vatican dự lễ tang giáo hoàng Jan Pawel II, ông liền cho ngài mượn ngay chiếc chuyên cơ riêng của mình. Còn nữa - đích thân Slim dẫn đệ nhất phu nhân Hoa Kỳ Laura Bush đến dự đám cưới của đại sứ Hoa Kỳ tại Mexico với người thừa kế đế chế bia Corona… Slim là con người hoàn toàn hòa nhập vào một cuộc sống chính trị - xã hội phức tạp với những mối quan hệ chằng chịt giữa chính khách và doanh nhân. Chẳng hạn, ông chấp nhận quyết định của Ủy ban chống độc quyền và buộc lòng ngừng mua lại các hãng truyền hình cáp. Để tỏ lòng trung thành với đất nước Mexico, ông rất không thích giao tiếp bằng tiếng Anh và khẳng định rằng không hề có một ngôi nhà nào, một biệt thự nào ở ngoài nước. Trở thành nhà doanh nghiệp thành đạt hàng đầu thế giới, ông chưa một lần về thăm Libăng cố hương. Kỳ thực, cũng có một lần ông gửi về Libăng – thông qua Syria – một chuyến tàu hàng nhu yếu phẩm để giúp đỡ các nạn nhân của cuộc chiến tranh với Israel, nhưng chuyến hàng đó không may bị thất lạc dọc đường.
Tình yêu kỳ lạ
Nhà tỉ phú đụng vào đâu là đấy hóa vàng nhưng ông ăn mặc giản dị và không bao giờ tiêu xài xa xỉ. Trụ sở làm việc cho cái tổ hợp kiếm ra bạc tỉ trong nhiều năm dài vẫn chỉ là một tòa nhà bê tông hai tầng, không cửa sổ, trong đó, ông chủ chỉ có một căn phòng không rộng hơn phòng của một nhân viên bình thường. Mãi về sau này, do hoàn cảnh bắt buộc, Slim mới xây trụ sở mới cho tập đoàn Carso – một tòa nhà cực kỳ hiện đại ở trung tâm thủ đô, trang bị những đồ gỗ được mua từ hãng đấu giá Sotheby nổi tiếng. Ngày làm việc của ông bình thường kéo dài 14 tiếng đồng hồ, và khi cần, ông vẫn không ngần ngại gọi các cộng sự đến hội ý từ… bốn giờ sáng.
Sở thích của nhà tỉ phú là xì gà Cuba và sưu tập tác phẩm mỹ thuật. Ông mê Degas và Monet, sở hữu bộ sưu tập tác phẩm của Rodin chỉ chịu thua mỗi bảo tàng Paris và bộ sưu tập nghệ thuật cổ của bộ tộc Aztec ấn tượng hơn cả bảo tàng Nhân chủng học ở Mexico. Năm 1999, sau khi người vợ bị bệnh thận qua đời, Slim quyết định mở bảo tàng Soumain – và trong đất nước Mexico đầy rẫy các di sản nghệ thuật, bảo tàng này vẫn là viên kim cương vô giá. Hiện nay, nhà tỉ phú 73 tuổi này đã dần dần bàn giao công việc điều hành guồng máy kinh doanh cho sáu người con để tập trung đầu óc vào những bước đi chiến lược và vui thú với những cuộc đấu bóng chày và những cây bonsai. Phương châm của ông là: “Nhiều người muốn làm cho con cái mình hưởng một thế giới tốt đẹp hơn. Tôi thì làm cho con cái tốt đẹp hơn để phụng sự thế giới”.
Khi nhà tỷ phú mở hầu bao
Đã có chiến lược cung cấp internet miễn phí cho thanh thiếu niên, Carlos Slim Helú cũng chú trọng hơn đến việc tham gia cải thiện xã hội - đó không chỉ là số tiền thuế rất lớn nộp ngân sách cũng như hàng chục nghìn việc làm tại một đất nước có tỉ lệ thất nghiệp khá cao, mà còn là công việc từ thiện. Quỹ từ thiện mang tên ông đã giúp trên 5.000 trẻ em phạm pháp có cơ hội trở lại cuộc sống của những đứa trẻ bình thường, giúp hơn 11.000 ca mổ trẻ em và cấp hơn 20.000 suất học bổng cho sinh viên. Ông đã nâng số vốn quỹ từ thiện của mình lên 1,2 tỉ và còn cam kết trong vòng bốn năm sẽ nâng con số đó lên không dưới 10 tỉ. Tuy nhiên, quan niệm của ông đối với việc xóa đói giảm nghèo vẫn không thay đổi: “Tài sản cũng giống như một khu vườn, người ta chỉ có thể đem chia cho người khác hoa lợi, chứ không thể chia sẻ chính khu vườn”. Cử chỉ lớn nhất của ông là chi tới 50 triệu USD cho việc cải tạo khu trung tâm tài chính cũ ở thủ đô Mexico đang có mức độ phạm tội đáng sợ thành một điểm du lịch lộng lẫy, 34 tòa nhà cổ từ đống đổ nát trở thành xưởng vẽ, phòng tranh, nhà hát… Nhà tỉ phú nói thật: “Mình không bỏ tiền ra dễ dàng đâu nhé. Mình chỉ muốn giải quyết một số vấn đề thực tế càng nhanh càng tốt thôi”.