“Địa chỉ đỏ” thu hút tham quan, chiêm bái, nghiên cứu
Khảo sát công tác quản lý các di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn, Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh Long An ghi nhận: công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật nhằm nâng cao ý thức tôn trọng, bảo vệ và phát huy giá trị di tích đã được các cấp chính quyền địa phương quan tâm, triển khai thực hiện kịp thời bằng nhiều hình thức, nhất là trên các nền tảng mạng xã hội. Từ năm 2017, các di tích cấp quốc gia, cấp tỉnh từng bước được UBND tỉnh bàn giao về UBND cấp huyện, nơi có di tích để quản lý. Toàn tỉnh Long An hiện có 125 di tích. Trong đó, có 21 di tích cấp quốc gia và 104 di tích cấp tỉnh.

Hệ thống tổ chức bộ máy quản lý di tích các cấp từng bước được hoàn thiện. Việc phân cấp quản lý các di tích đã tăng cường trách nhiệm, tính chủ động của địa phương trong huy động các nguồn lực, đặc biệt từ nguồn xã hội hóa (trong đó, có sự tham gia đóng góp tích cực của người dân, với số tiền lên đến hàng tỷ đồng trùng tu, tôn tạo, nhất là đối với các di tích gắn liền với tôn giáo, tín ngưỡng như đình, chùa...), gắn chặt với công tác quản lý, khai thác, phát huy các giá trị của hệ thống di tích. Trên cơ sở đó, UBND cấp huyện đã chủ động phối hợp xây dựng kế hoạch, lộ trình trùng tu, tôn tạo, sửa chữa, phát huy giá trị các di tích trên địa bàn.
Việc tu bổ, tôn tạo, chăm sóc, bảo vệ và phát huy giá trị di tích được đa số các địa phương quan tâm, luôn chú ý đến công năng, thẩm mỹ và bảo đảm tính nguyên gốc của di tích. Công tác quản lý các công trình xây dựng và hiện vật tại các di tích đa số được thực hiện hiệu quả. Nhiều địa phương đã phát huy tốt giá trị các di tích. Một số di tích tiêu biểu đã trở thành “địa chỉ đỏ” thu hút ngày càng nhiều người dân trong và ngoài tỉnh đến tham quan, chiêm bái và nghiên cứu. Một số di tích bước đầu đã gắn kết được với hoạt động du lịch và phát huy các giá trị truyền thống qua lễ hội để thu hút đông đảo du khách thập phương trong và ngoài tỉnh.
Phát huy vai trò giám sát của cộng đồng
Bên cạnh những kết quả đạt được, Đoàn khảo sát cũng thẳng thắn chỉ ra một số tồn tại, hạn chế, nhất là: việc chấp hành pháp luật về bảo tồn và phát huy giá trị di tích chưa được thực hiện thường xuyên. Một số di tích được xếp hạng, sau khi phân cấp quản lý đã bị xuống cấp do chưa được bảo tồn và trùng tu kịp thời. Đối với di tích lịch sử cách mạng được phục dựng hiện đang hư hỏng chưa được kịp thời khôi phục, sửa chữa (Căn cứ Xứ ủy và Ủy ban Hành chính - Kháng chiến Nam Bộ; Khu di tích lịch sử cách mạng tỉnh Long An). Một số di tích gần như không còn các yếu tố gốc, cảnh quan di tích bị xâm lấn và biến dạng theo thời gian (Khu vực Ngã ba Tân Lân, Di tích Đám lá tối trời…). Nhiều di tích chưa được xây dựng bia ghi dấu, biển báo chỉ dẫn, bảng giới thiệu, rào chắn bảo vệ, quang cảnh hoang phế, môi trường ô nhiễm… nhưng chưa được phục dựng, sửa chữa kịp thời và chưa có giải pháp chăm sóc, tu bổ, phục hồi để gìn giữ, phát huy giá trị. Việc thu hút khách đến tham quan, về nguồn tại các di tích nhất là người dân địa phương còn ít do hầu hết các di tích chưa có nhiều điểm nổi bật để thu hút du khách.
Từ thực tế trên, để nâng cao hiệu quả công tác quản lý các di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn, Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, các cấp, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền (như tăng cường không gian công cộng để tổ chức các sinh hoạt cộng đồng nhằm truyền tải ý nghĩa và giá trị của di sản văn hóa đến với các tầng lớp Nhân dân). Phát huy vai trò của cộng đồng trong việc bảo vệ di tích với phương châm “đưa di tích về cộng đồng”. Tăng cường chỉ đạo rà soát, kiểm tra toàn bộ văn bản về quản lý di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn tỉnh để xây dựng, điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung cơ chế quản lý, phối hợp quản lý giữa các cấp, ngành và các địa phương cho phù hợp, cụ thể. Rà soát lại kinh phí, có lộ trình đầu tư các di tích lịch sử, văn hóa phù hợp theo hướng tập trung vào công tác bảo tồn, phát huy, phục dựng các di tích gốc, tránh đầu tư dàn trải gây lãng phí và dẫn đến khó khăn cho nhân lực, kinh phí duy tu, bảo dưỡng sau khi hoàn thành…
Đoàn khảo sát cũng nhấn mạnh Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tham mưu sửa đổi, bổ sung Quy chế quản lý, bảo vệ, sử dụng và phát huy giá trị di tích trên địa bàn tỉnh theo hướng phân cấp, phân quyền, quy định cụ thể trách nhiệm đối với đơn vị sau khi được phân cấp quản lý. Thường xuyên theo dõi việc quản lý di tích của cấp huyện. Đối với các di tích khảo cổ, cần tăng cường hỗ trợ chuyên môn nghiệp vụ và chủ động phối hợp UBND cấp huyện lập quy hoạch các di tích khảo cổ trình UBND tỉnh phê duyệt. Trên cơ sở quy hoạch được duyệt, chủ động xây dựng kế hoạch, lộ trình tu bổ, tôn tạo, khai thác, phát huy giá trị các di tích khảo cổ. Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, quản lý. Phát huy vai trò giám sát của cộng đồng để kịp thời phát hiện, điều chỉnh những sai sót có thể xảy ra trong quá trình triển khai các dự án tu bổ di tích, nhằm bảo vệ tối đa các yếu tố gốc cấu thành di tích, kể cả đối với những di tích chưa được xếp hạng.