Chuyện cụ ông 78 tuổi tốt nghiệp Đại học Luật bằng Giỏi và động lực xúc động phía sau

Ở tuổi 78, ông Ngô Tôn Đức (quận Tây Hồ, Hà Nội) giữ kỷ lục sinh viên tốt nghiệp cử nhân cao tuổi nhất của Trường Đại học Luật Hà Nội. Với điểm trung bình chung tích luỹ đạt 8.1, ông Đức nhận bằng tốt nghiệp loại Giỏi và là người có điểm số cao nhất lớp.

Sự học như đã “ăn vào máu”

Cuối năm 1964, ông Đức tốt nghiệp trường cấp 3 Xuân Đỉnh, sau sự kiện tiến công xâm lược quy mô lớn đầu tiên của không quân Mỹ vào miền Bắc Việt Nam (ngày 5.8.1964) chưa lâu.

Ngay sau Tết Nguyên đán năm 1965, với tinh thần nhiệt huyết của tuổi trẻ, ông xung phong lên đường nhập ngũ, được phân vào Trung đoàn 205, Bộ Tư lệnh thông tin, làm lính tại khu trung tâm thu phát.

Chuyện cụ ông 78 tuổi tốt nghiệp đại học bằng Giỏi và động lực xúc động phía sau -0
Ông Ngô Tôn Đức (Ảnh: Trần Hiệp)

Ví sự học như đã “ăn vào máu”, ông Đức kể, khu hầm nơi ông ở không thể thiếu sách. Các sách đủ thể loại, được ông mượn từ người chỉ huy hoặc tự mang theo. Sau khi phục vụ chiến đấu và những lần tập luyện vất vả, ông Đức tìm đến sách ngay khi rảnh rỗi. Ông gần như có thể đọc thuộc trôi chảy cả cuốn Truyện Kiều và nắm rất rõ những lý thuyết trong Chủ nghĩa Mác Lênin hay Chủ nghĩa duy vật biện chứng.

Sau 7 năm trong quân ngũ, ông Đức xuất ngũ theo chế độ bệnh binh do phải mổ cắt 2/3 dạ dày. Lúc này, ông xin vào làm việc tại Nhà máy nước và được đơn vị cử đi học kỹ sư chế tạo máy tại Đại học Bách khoa Hà Nội vào năm 1974.

Ông Đức chỉ có 1 tháng được đơn vị cho nghỉ phép để ôn thi vào Bách khoa. Vậy là mỗi ngày, ông đều đi bộ lên chùa Thiên Niên gần nhà, tự ôn tập từ sáng tới tối mới ra về. 3 môn Toán, Lý, Hoá, mỗi tuần ôn một môn, tới tuần cuối ôn lại tổng thể. Kết quả bất ngờ khi ông Đức đạt 9.5 điểm Hoá, 8 điểm Lý và 7 điểm Toán, đủ đỗ Đại học Bách khoa Hà Nội.

40 năm từ khi tốt nghiệp kỹ sư chế tạo máy, bôn ba đủ nghề kiếm sống, khi đã nghỉ dưỡng già và bớt đi gánh nặng cơm áo gạo tiền, “máu thích học” lại một lần nữa sục sôi trong ông. Cảm giác này, ông Đức ví như “nhiệt huyết sục sôi ngày xung phong lên đường nhập ngũ”. Thế là cuối năm 2018, ông làm hồ sơ xét tuyển vào Trường Đại học Luật Hà Nội, hệ vừa học vừa làm.

“Năm 2018 bắt đầu làm hồ sơ xét tuyển thì tới ngày 9.3.2019 là khai giảng. Có giấy báo trúng tuyển, tôi mới thông báo với gia đình rằng mình bắt đầu đi học. Lúc đó, vợ và các con tôi người đồng ý, người không. Đa số nói rằng tôi khi đó đã sang tuổi 74 rồi, đi học khổ lắm. Nhưng tôi vẫn rất quyết tâm”, ông Đức nhớ lại.

Chuyện cụ ông 78 tuổi tốt nghiệp đại học bằng Giỏi và động lực xúc động phía sau -0
Ông Ngô Tôn Đức trò chuyện cùng phóng viên Báo Đại biểu Nhân dân (Ảnh: Trần Hiệp)

Chặng đường 4 năm học của “lão sinh viên” U80 quả thực nhiều vất vả! Mỗi ngày trừ thứ bảy và chủ nhật, ông Đức tự di chuyển bằng xe máy, vượt quãng đường trên 6km từ nhà tới trường Luật. Lịch học bắt đầu từ 18h tới 21h nên ông thường di chuyển từ 17h để đảm bảo tới lớp sớm ít nhất 15 phút. 21h30' tối, khi về tới nhà, ông Đức mới tắm rửa, ăn cơm tối và nghỉ ngơi một lúc trước khi ngồi vào bàn học.

Ông có thói quen hoàn thành bài tập được giao trong ngày và luôn đọc giáo trình trước khi tới lớp. Do đó, việc học thông tới 2h đêm mới đi ngủ là chuyện thường tình.

“Ngay từ đầu năm nhất, tôi đã mua tất cả giáo trình của cả khoá học. Có môn nào, tài liệu nào, giáo trình nào cũng đều mua hết. Không bao giờ chưa đọc trước giáo trình mà tôi đến lớp. Hình như ham thích quá nên quên cả mệt, thậm chí còn cảm thấy khoẻ ra”, ông Đức mỉm cười, nói.

Chuyện cụ ông 78 tuổi tốt nghiệp đại học bằng Giỏi và động lực xúc động phía sau -0
Với điểm trung bình chung tích luỹ đạt 8.1, ông Đức được Trường Đại học Luật Hà Nội trao bằng tốt nghiệp loại Giỏi (Ảnh: NVCC)

Học thay cho 3 đứa con đã mất

Một trong những lý do khiến ông Đức luôn đau đáu với việc học, không thể từ bỏ đi học dù rơi vào hoàn cảnh khó khăn nhất, đến từ 3 người con không may qua đời khi còn rất nhỏ.

Ông lão 78 tuổi nghẹn ngào khi nhắc về giai đoạn “đau đớn nhất cuộc đời”. Năm 1974, khi vừa nhập học Bách khoa chưa lâu, người con trai đầu của ông (khi ấy lên 4 tuổi) đột ngột qua đời sau một trận sốt cao không rõ nguyên nhân. Tới năm 1979, khi đang làm đề tài tốt nghiệp, người con gái thứ tư (mới 2 tuổi) cũng đột ngột mất do lồng tắc ruột. Ông Đức nén đau thương, cố hoàn thành sản phẩm tốt nghiệp để có thể ra trường.

Nhưng chỉ đúng 3 tháng 4 ngày sau sự ra đi của bé gái 2 tuổi, con gái thứ hai của ông Đức (khi ấy 7 tuổi) cũng qua đời sau trận sốt cao. Vậy là chỉ trong 4 năm, vợ chồng ông mất 3 người con.

“Nỗi đau đớn lên tới tận cùng. Những ngày sau đó, tôi hụt hẫng, cứ đi lang thang từ Thuỵ Khuê xuống dưới Quán Thánh rồi lại vòng về Xuân La. Cũng không biết mình muốn đi đâu”, ông nhoè nước mắt nhớ lại.

Ông tâm sự, việc ông chọn học tiếp không chỉ vì muốn mở mang kiến thức, học để biết, học để làm được việc, học để chung sống mà còn học vì con cháu, đặc biệt là 3 người con đã mất.

“Các con tôi mất khi còn quá non trẻ, chưa được đi học. Tôi muốn học thay cho con, đó là lương tâm, trách nhiệm của một người làm cha. Vì nghĩ rằng phải học thay cho con nên tôi luôn tự nhủ phải khoẻ, phải gắng để học tử tế, học cho tới nơi tới chốn”, ông nói.

Có lẽ chính nguồn động lực đặc biệt này đã giúp ông Đức gượng dậy được trong giai đoạn rất khó khăn.

Tháng 8 năm 2022, vợ ông Đức lâm bệnh hiểm nghèo. Nghe tin dữ, ông cũng đổ bệnh vì quá sốc và lo lắng. Ông không thể đi học, chỉ nằm trên giường dưỡng bệnh suốt 1 tháng. Thời điểm này cũng trùng với giai đoạn chuẩn bị thi hết môn của chương trình học kỳ 2.

“Có một động lực hối thúc tôi phải khoẻ lên để đi thi. Tôi nhớ khoảng tháng 10, khi thi môn Tiếng Anh, tôi ngã xuống trong phòng thi và được đưa xuống phòng y tế để điều trị. Môn học đó đến vừa rồi tôi mới thi lại được. Tôi nghĩ rằng giai đoạn ấy mình không thể bảo lưu, vì đã gần tới đích sau 4 năm cố gắng rồi”, ông nói.

Chuyện cụ ông 78 tuổi tốt nghiệp đại học bằng Giỏi và động lực xúc động phía sau -0
Chuyện cụ ông 78 tuổi tốt nghiệp đại học bằng Giỏi và động lực xúc động phía sau -0
Ông Đức cùng các con, các cháu trong buổi lễ trao bằng tốt nghiệp đại học ngành Luật khoá 18B, Trường Đại học Luật Hà Nội (Ảnh: NVCC)

Học đại học ở độ tuổi U80, ông Đức cũng gặp khó khăn rất nhiều trong các thao tác công nghệ, không thể đánh văn bản trơn tru, nhanh chóng. Do vậy, mỗi khi làm tiểu luận, ông đều cẩn thận viết bản thảo ra giấy 2 lần, chép lại tỉ mỉ thêm một lần nữa trước khi nhờ con cháu đánh máy lại giúp.

“Con cháu tôi không có chuyên môn trong lĩnh vực Luật, bởi vậy tôi luôn phải “theo kèm” rất kỹ mỗi khi nhờ đánh máy. Nhưng tôi cũng rất vui vì như vậy giống như một hình thức học thụ động. Vì giúp tôi nên các con, các cháu tôi cũng tự nhiên hiểu thêm nhiều kiến thức về Luật học”, ông kể lại.

Chưa dừng lại việc học

Ngay khi học năm 3 đại học, ông Ngô Tôn Đức đã nhận được một số lời mời làm việc từ các công ty luật. Tuy nhiên, ông chưa nhận lời bởi muốn chờ tới khi có bằng tốt nghiệp, thấy khả năng đủ sâu, đủ phù hợp mới có thể đi làm.

Ông cho biết có hai dự định. Một là học cao học tại Khoa Pháp luật dân sự, Trường Đại học Luật Hà Nội; hai là  học nghề luật sư tại Học viện Tư pháp. Ông đang trong quá trình chuẩn bị hồ sơ, dự định nếu may mắn trúng tuyển cả hai sẽ học song song.

Chuyện cụ ông 78 tuổi tốt nghiệp đại học bằng Giỏi và động lực xúc động phía sau -0
Ông Đức tâm sự, việc học đã ăn sâu vào máu, vào trí óc, trở thành một điều không thể thiếu trong cuộc sống (Ảnh: Trần Hiệp)

Tân cử nhân 78 tuổi tâm sự, ông không cho rằng việc mình lớn tuổi vẫn đi học là điều gì đó “đao to búa lớn”. Việc học, chỉ đơn giản đã ăn sâu vào máu, vào trí óc, trở thành một điều không thể thiếu trong cuộc sống.

“Cho đến lúc này, tôi vẫn nghĩ là tôi phải học tiếp. Tôi mà bỏ học bây giờ, chắc là tôi sẽ ốm bởi vì thấy thiếu vắng, chán nản lắm”, ông mỉm cười chia sẻ.

Giáo dục

Hà Nội: Hỗ trợ sách giáo khoa cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn
Giáo dục

Hà Nội: Hỗ trợ sách giáo khoa cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn

Thành phố Hà Nội sẽ xây dựng phương án hỗ trợ sách giáo khoa cho học sinh có hoàn cảnh gia đình khó khăn, diện hộ nghèo, cận nghèo, vùng sâu, vùng xa…vận động học sinh quyên góp, ủng hộ sách giáo khoa cũ vào thư viện để học sinh các lớp sau, các học sinh có hoàn cảnh khó khăn được mượn và sử dụng sách giáo khoa hiệu quả.

UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu chỉ đạo làm rõ vụ giáo viên Trường mầm non Ánh Dương phản ánh bị cắt xén bữa ăn
Giáo dục

UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu chỉ đạo làm rõ vụ giáo viên Trường mầm non Ánh Dương phản ánh bị cắt xén bữa ăn

UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã chỉ đạo UBND huyện Châu Đức khẩn trương kiểm tra, xác minh làm rõ vụ giáo viên Trường mầm non Ánh Dương phản ánh bị cắt xén bữa ăn, bảo đảm nguyên tắc xử lý dứt điểm, không né tránh, không bao che, không đối phó.

Lẵng hoa đặc biệt “quét QR” trong lễ khai giảng năm học mới của Trường Đại học Ngoại thương
Giáo dục

Lẵng hoa đặc biệt “quét QR” trong lễ khai giảng năm học mới của Trường Đại học Ngoại thương

Ngay trên sân khấu của buổi lễ khai giảng, Trường Đại học Ngoại thương đã chuẩn bị một lẵng hoa đặc biệt với thông tin tài khoản của Ban cứu trợ Trung ương - Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để lan tỏa tinh thần vì cộng đồng, chung tay giúp đỡ đồng bào chịu hậu quả nặng nề sau bão Yagi.

4 “chàng trai Vàng” Olympic quốc tế Sinh học, Hóa học năm 2024 chọn Trường Đại học Y Hà Nội
Giáo dục

4 “chàng trai Vàng” Olympic quốc tế Sinh học, Hóa học năm 2024 chọn Trường Đại học Y Hà Nội

Các “chàng trai Vàng” Olympic Sinh học quốc tế (IBO) năm 2024 gồm: Nguyễn Tiến Lộc, Nguyễn Sĩ Hiếu, Đặng Tuấn Anh; cùng Nguyễn Hữu Tiến Hưng - Huy chương Vàng, thí sinh có điểm cao nhất đoàn Việt Nam tại Olympic Hóa học Quốc tế (IChO) 2024 cùng chọn theo học ngành Y khoa, Trường Đại học Y Hà Nội.