Theo Vụ trưởng Giáo dục mầm non, Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Bá Minh, thời gian thí điểm Chương trình giáo dục mầm non mới thực hiện theo hai giai đoạn.
Giai đoạn thứ nhất thí điểm ở diện hẹp, bắt đầu từ năm học 2023-2024 ở 120 cơ sở giáo dục mầm non của 40 huyện.
Giai đoạn thứ hai thí điểm trên diện rộng, bắt đầu từ năm học 2024-2025 ở toàn bộ cơ sở giáo dục mầm non của 40 huyện.
Đối tượng thí điểm lấy tiêu chí đại diện cho 6 vùng kinh tế-xã hội; số tỉnh được chọn phù hợp với quy mô của vùng; có đăng ký thực hiện thí điểm gồm: Trung du và Miền núi phía bắc (Điện Biên, Thái Nguyên, Lào Cai); Đồng bằng sông Hồng (Hải Dương, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Hà Nội); Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền trung (Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Khánh Hòa, Bình Thuận); Tây Nguyên (Đăk Nông, Kon Tum); Đông Nam Bộ (Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, TP Hồ Chí Minh); Đồng bằng sông Cửu Long (Long An, Đồng Tháp, Cà Mau, An Giang).
Tiêu chí thực hiện thí điểm Chương trình giáo dục mầm non mới cũng bảo đảm yêu cầu có các cơ sở giáo dục mầm non ở vùng thuận lợi và vùng khó khăn; có các cơ sở giáo dục mầm non công lập và ngoài công lập. Mỗi tỉnh chọn 2 huyện khó khăn và thuận lợi. Hiện nay, các địa phương đã chọn đơn vị huyện tham gia thí điểm gửi về Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Các cơ sở giáo dục mầm non được chọn làm thí điểm chương trình, chuẩn bị các điều kiện để triển khai thí điểm, xây dựng kế hoạch thí điểm tại cơ sở giáo dục mầm non. Tổ chức phát triển chương trình giáo dục nhà trường, xây dựng kế hoạch giáo dục của nhà trường và của nhóm lớp. Cùng với đó, tổ chức hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ; theo dõi, đánh giá sự phát triển của trẻ; Tổ chức phối hợp nhà trường, gia đình, cộng đồng để thực hiện chương trình...
Tại hội thảo, đại diện các địa phương nhất trí với quy trình thí điểm chương trình giáo dục mầm non mới. Đồng thời, mong muốn quy trình thí điểm thực hiện sao cho đạt hiệu quả cao nhất để Chương trình giáo dục mầm non mới sớm được chính thức đưa vào sử dụng đại trà, góp phần nâng cao chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ.
Điểm mới của Chương trình giáo dục mầm non mới: Tiếp cận năng lực theo định hướng tình cảm xã hội thể hiện trong mục tiêu, nội dung, kết quả mong đợi. Chương trình mang tính mở: Chủ động, linh hoạt trong tổ chức thực hiện, đề cao vai trò của nhà trường trong phát triển chương trình nhà trường. Chương trình giáo dục mầm non liên thông với Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Nhấn mạnh quan điểm giáo dục lấy trẻ làm trung tâm và tiếp cận quyền trẻ em. Quy định rõ hơn trách nhiệm của nhà trường, gia đình và cộng đồng trong tổ chức thực hiện chương trình.