Chuyển đổi số là cuộc cách mạng
Chuyển đổi số là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, đã được Bộ Chính trị xác định trong Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27.9.2019 về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đặc biệt, Nghị quyết Đại hội Đảng XIII chỉ ra định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030 khẳng định: “Đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số nền tảng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, gắn kết hài hòa, hiệu quả thị trường trong nước quốc tế”.

Các chuyên gia nhận định, chuyển đổi số là hoạt động thiết thực nhằm xây dựng hệ sinh thái giúp định hình và thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số, giúp các đơn vị, tổ chức có thể cập nhật kịp thời sự phát triển chung của thế giới, tối ưu hóa tiến trình tiếp cận các giải pháp. Chuyển đổi số thành công góp phần giúp có thêm các giải pháp nhằm giải quyết các vấn đề và thách thức của các tổ chức, doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo sự đột phá về năng suất, chất lượng… nhằm chinh phục khách hàng, tranh thủ cơ hội nhằm phát triển kinh tế - xã hội một cách bền vững… Và Diễn đàn Chuyển đổi số quốc gia được thực hiện với mục tiêu góp phần nâng cao nhận thức, hình thành năng lực tư duy dữ liệu cho các nhóm đối tượng đang triển khai chính quyền số - kinh tế số - xã hội số trong bối cảnh năm 2023 được Ủy ban Chuyển đổi số quốc gia chọn là năm Chiến lược dữ liệu quốc gia…
Đánh giá về thực trạng về chuyển đổi số ở Việt Nam hiện nay, Viện trưởng Viện Chiến lược chuyển đổi số Lê Nguyễn Trường Giang cho biết, chủ trương, chính sách và hành lang pháp lý về chuyển đổi số đã có, nhưng để thực hiện chuyển đổi số một cách hiệu quả cần nhận thức đúng, đầy đủ để có thể áp dụng công nghệ giúp thay đổi hình thái, tổ chức, cách làm. Trong đó, dữ liệu (data) là nền tảng, là cơ sở và là nguồn lực quyết định. Để bảo đảm chuyển đổi số cần thực hiện một cách đồng bộ. Do đó, cần lấy việc kiến tạo thể chế, cải cách bộ máy hành chính, thiết kế quy trình làm việc điện tử là trọng tâm và lấy công nghệ, phương tiện và con người là trung tâm là chủ thể.

Chia sẻ về tư duy dữ liệu trong kiến tạo, quản trị và vận hành sản phẩm nội dung số, Tổng Giám Đốc VieON Huỳnh Long Thuỷ cho rằng, các sản phẩm về công nghệ được phát triển và đưa lên không gian mạng ngày càng nhiều, sự cạnh tranh ngày càng gay gắt và khốc liệt đã dẫn tới tư duy về dữ liệu và sử dụng dữ liệu để quản trị vận hành và phát triển sản phẩm bắt đầu được chú ý đến và được quan tâm nhiều hơn. Để một ứng dụng hay sản phẩm đạt được thành công thì bắt buộc phải chú ý đến yếu tố kiến tạo, quản trị và vận hành sản phẩm đó hoàn toàn dựa trên dữ liệu…
“Một trong yếu tố tiên quyết trong việc triển khai xây dựng hệ thống dữ liệu đó là bảo mật thông tin dữ liệu và sự tuân thủ các quy định về mặt Pháp luật Việt Nam về an toàn thông tin và dữ liệu. Chính vì vậy khi doanh nghiệp bắt đầu triển khai hệ thống dữ liệu lớn (Big Data), cần đặc biệt chú ý về việc xây dựng các chính sách về an toàn dữ liệu nội bộ, các điều khoản quy định dịch vụ với người sử dụng sản phẩm phải tuân thủ các quy định của Luật An ninh mạng 2018; Nghị định số 53/2022/NĐ-CP Quy định chi tiết một số điều của Luật An ninh mạng; Nghị định số 13/2023/NĐ-CP về Bảo vệ dữ liệu cá nhân…”, Tổng Giám Đốc VieON Huỳnh Long Thuỷ nhấn mạnh.
Câu chuyện không của riêng ai
Viện trưởng Viện Chiến lược Chuyển đổi số Lê Nguyễn Trường Giang nhấn mạnh, chuyển đổi số không phải là câu chuyện của riêng một đơn vị nào. Muốn làm tốt, cách tốt nhất là mở rộng để tất cả cùng làm, cùng có lợi, cùng thành công.
Tại Diễn đàn, các chuyên gia cũng cho rằng, khuyến khích những nền tảng mở, dữ liệu mở, khuyến khích nền tảng chia sẻ trong kinh tế, dữ liệu là cơ hội thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số. Điều tiên quyết, là bệ phóng thành công của chuyển đổi số chính là sự đồng hành của các chủ trương, chính sách. Chuyển đổi số không kiến tạo nên những cơ chế đóng, định khuôn và những thước đo phụ thuộc bởi một hay một số tổ chức nhất định mà phải tạo ra những cơ chế, chính sách mở, cách thức mở, nhằm thúc đẩy tư duy, cách thức mới phát triển…

Đào tạo về chuyển đổi số cũng cần hướng tới việc định hình ra những tiêu chí, tiêu chuẩn và những chuẩn mực về chất lượng, tạo điều kiện cho tất cả các bên có năng lực đều có thể tham gia vào tiến trình này, thay vì khuôn định nó trong những môi trường đóng, tạo nên những vùng hạn chế, không huy động được trí tuệ và sức mạnh của tập thể. Là sự chung tay của cả cộng đồng nhằm xây dựng cơ sở dữ liệu lớn (big data) đúng, hợp pháp và hiệu quả. Giám đốc Giải pháp (SAP Việt Nam) Trần Tịnh Minh Triết cho rằng, dữ liệu là “trái tim” của chuyển đổi số. Và dữ liệu càng lớn, càng chính xác thì sẽ tạo ra những giá trị kinh tế, việc làm nhiều hơn.
Đồng tình với quan điểm đó, Giám đốc Công nghệ (Ví MoMo) Thái Trí Hùng cũng cho rằng, “bánh xe” dữ liệu luôn vận hành, quá trình vận hành càng nhanh thì giá trị tạo ra càng lớn. Dữ liệu được coi là “dầu mỏ” mới mới trong phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, để xây dựng, sử dụng được dữ liệu thì yếu tố đầu tiên vẫn là con người. Vì vậy, cần chú trọng vào việc đào tạo, nâng cao trình độ, kỹ năng của con người.
Các chuyên gia cũng nhận định, dữ liệu yếu tố quan trọng nhất trong chuyển đổi số. Tuy nhiên, ở Việt Nam hiện nay, dữ liệu còn rời rạc, phân tán, trùng lặp, chưa có sự liên kết và thống nhất. Nhiều cơ quan chưa chủ động, tự nguyện chia sẻ dữ liệu; dịch vụ trực tuyến chưa đáp ứng được yêu cầu… Số lượng nền tảng số Việt Nam còn hạn chế, chưa thân thiện với người dùng. Doanh nghiệp công nghệ số phần lớn có quy mô nhỏ, số doanh nghiệp vươn ra thị trường nước ngoài chưa nhiều…