ĐBQH Chu Thị Hồng Thái (Lạng Sơn) đặt vấn đề: Giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi, các loại vật tư nông nghiệp đầu vào vẫn tiếp tục tăng trong những năm qua làm cho nông dân rơi vào hoàn cảnh khó khăn, "lấy công làm lãi", thậm chí là thua lỗ. Đặc biệt, từ khi dịch Covid-19 đến nay, giá cả các loại hàng hóa càng tăng phi mã, đây rõ ràng là bài toán cấp thiết đối với ngành nông nghiệp mà khó có thể giải quyết ngay. “Ngoài các giải pháp về kiểm soát giá mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề ra, Bộ trưởng có giải pháp như thế nào trong thời gian tới để hỗ trợ giúp người nông dân thích ứng và ứng phó với tình hình này, để người nông dân yên tâm sản xuất, phát triển kinh tế?”, đại biểu chất vấn.
Cũng chất vấn nội dung này, ĐBQH Dương Văn Phước (Quảng Nam) nhấn mạnh, thời gian qua, người nông dân phải khổ sở gánh chịu nạn phân bón giả, kém chất lượng, gây thiệt hại lớn, “nông dân đã nghèo lại đeo lấy khổ”. “Vậy giải pháp nào ngăn chặn, xử lý nghiêm tình trạng phân bón giả, kém chất lượng tràn lan trên thị trường hiện nay?”
Giải trình về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan nêu rõ, dưới góc độ của Bộ, ngay khi đứt gãy chuỗi cung ứng trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 và nhất là cao điểm ùn ứ nông sản ở cửa khẩu các tỉnh phía Bắc thì Bộ đã cùng Bộ Công thương cũng như Bộ Ngoại giao quyết liệt vào cuộc với sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để hạn chế thấp nhất thiệt hại cho nông dân. Tuy nhiên, "đây là trường hợp bất khả kháng do quy định giữa hai nước".
Nguyên liệu, vật tư đầu vào là câu hỏi thường được đặt ra với một quốc gia làm nông nghiệp, nhưng nước ta phụ thuộc rất nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu từ phân bón, thuốc trừ sâu, nguyên liệu chế biến thức ăn. Đây là vấn đề cũng đã được Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong chiến lược nâng cao tính tự chủ cho ngành nông nghiệp, tạo ra giá trị gia tăng cao hơn, giảm thiểu rủi ro cho thị trường.
Nêu các giải pháp, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, trước hết Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương cũng đã có nhiều phiên họp, tổ chức những cuộc họp với rất nhiều hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp liên quan đến lĩnh vực này để cố gắng thuyết phục. Bởi, "chúng ta sống trong nền kinh tế thị trường thì chúng ta cũng không dễ áp đặt trong một mệnh lệnh hành chính, và các hiệp hội cũng đã có sự can thiệp nhất định. Thời gian vừa qua, bà con nông dân cũng đã phản ánh có tình trạng dìm giá, tích trữ để tạo ra một cú sốc khác bên cạnh cú sốc giá cả thế giới. Bộ Công thương đã chỉ đạo, ngành quản lý thị trường cũng đã đưa ra khởi tố, điều tra nhiều vụ việc hàng giả. Cụ thể là An Giang đã thực hiện, Tây Ninh có sáng kiến là các loại phân bón, thuốc trừ sâu giả sẽ được trưng bày để bà con nông dân nhận dạng được. Như vậy là vừa dùng biện pháp hành chính, vừa dùng biện pháp truyền thông để bà con nông dân đề cao cảnh giác".
Ngoài ra, theo Bộ trưởng, giải pháp căn cơ là những người nông dân ở Tây Nguyên, ở đồng bằng sông Cửu Long, đồng bằng sông Hồng cũng đã tự mình tuần hoàn những phế phẩm trong nông nghiệp để thay thế phần nào những loại thức ăn, chế phẩm sinh học. Đây không chỉ là phương án mang tính đối phó mà về lâu dài đây cũng là giải pháp để hữu cơ hóa, sinh học hóa nền nông nghiệp nước nhà. Bộ trưởng cũng lưu ý, nếu 14 triệu hộ nông dân tham gia kinh tế tập thể, mua với khối lượng càng lớn thì chiết khấu càng nhiều, như vậy sẽ giảm được chi phí dành cho giá nguyên liệu đầu vào.