Như Báo Đại biểu Nhân dân đã đưa tin, chiều nay, sau 1 ngày làm việc rất tích cực, nghiêm túc và trách nhiệm, Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2023 đã hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình đề ra và thành công tốt đẹp. Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội, GS.TS Vương Đình Huệ dự và phát biểu bế mạc Diễn đàn.
Phải "làm mới" các động lực tăng trưởng cũ
Trong phát biểu bế mạc, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, sau đại dịch Covid-19, trên con đường hồi phục, hầu hết các nền kinh tế thế giới lại phải gặp thách thức lớn khác là sự bùng nổ của giá cả hàng hoá và năng lượng. Sự nới lỏng tiền tệ chưa từng có trong giai đoạn 2020-2021 cộng hưởng tác động của xung đột Nga - Ukraine đã kích hoạt lạm phát trên quy mô toàn cầu kể từ cuối năm 2022. Để đối phó, hầu hết các ngân hàng Trung ương lớn trên thế giới đã thắt chặt tiền tệ, tăng lãi suất liên tục, kéo dài suốt hơn một năm qua. Đồng thời, nhiều nước cũng cần phải giảm bớt, thu hồi các gói hỗ trợ tài khoá do thâm hụt ngân sách tăng cao và nợ công đụng trần. Tăng trưởng GDP toàn cầu dự báo giảm từ mức 3,5% trong năm 2022 xuống mức 3% (IMF, tháng 7.2023) hoặc 2,7-2,9% (OECD, tháng 6.2023) trong các năm 2023 và 2024.
"Việc Quốc hội, Chính phủ Việt Nam ban hành và triển khai thực hiện các chính sách, giải pháp quyết liệt, kịp thời, sát thực, kể cả chưa từng có tiền lệ trong suốt 2,5 năm qua từ sau Đại hội XIII của Đảng, Việt Nam vẫn đứng vững, cơ bản vững vàng vượt qua mọi khó khăn, thách thức, đạt được nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện, được quốc tế và trong nước ghi nhận. Nền kinh tế vẫn duy trì được đà tăng trưởng và vẫn là một “điểm sáng” trong “bức tranh màu xám” của nền kinh tế toàn cầu", Chủ tịch Quốc hội nói.
Cùng với tăng trưởng 8,02% trong năm 2022, quy mô GDP theo giá hiện hành của Việt Nam đứng thứ 38 thế giới, nếu tính theo sức mua tương đương PPP, theo IMF đứng thứ 10 Châu Á và thứ 24 thế giới. Quy mô ngoại thương 2022 đạt gần 735 tỷ USD, thu hút đầu tư FDI đạt gần 450 tỷ USD từ 143 quốc gia, vùng lãnh thổ.
Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ, từ Quý IV.2022, kinh tế Việt Nam tăng trưởng chậm lại, rất khó đạt chỉ tiêu cả năm 2023 là khoảng 6,5% theo Kết luận của Trung ương và Nghị quyết của Quốc hội. Ngoài nông nghiệp vẫn là “trụ đỡ”, các động lực tăng trưởng là đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng đều khó khăn, tăng trưởng thấp, thậm chí “cỗ xe tam mã” này đều đang gặp “trục trặc”, thậm chí giảm tốc.
Điều đáng lưu ý là cả 3 động lực tăng trưởng hiện nay của nền kinh tế đều gặp khó khăn mang tính cơ cấu, do thiếu định hướng dài hạn và giải pháp cụ thể kịp thời, khả thi theo hướng chuyển đổi xanh, giảm thiểu thâm dụng năng lượng, phát thải các bon và kinh tế tuần hoàn theo các mục tiêu phát triển bền vững.
Trong bối cảnh đó, các đại biểu tham dự Diễn đàn đều thống nhất và nhấn mạnh rằng, "cần phải “làm mới” các động lực tăng trưởng cũ, các động lực tăng trưởng truyền thống trên cơ sở ban hành, thực thi khuôn khổ chính sách, pháp luật để khuyến khích các thay đổi hành vi trong cả tiêu dùng, sản xuất và đầu tư", Chủ tịch Quốc hội cho biết.
Diễn đàn cũng khẳng định, nếu việc ban hành, thực thi các chính sách chỉ mang tính hành chính, sự vụ, phản ứng thụ động, thiếu định hướng dài hạn của đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế sẽ tiếp tục làm suy giảm niềm tin của các doanh nghiệp, các nhà đầu tư và sẽ làm suy giảm đáng kể tăng trưởng kinh tế cả về quy mô và chất lượng.
“Khôi phục và củng cố niềm tin đối với người dân, người tiêu dùng và doanh nghiệp là một thông điệp mạnh mẽ và xuyên suốt tại Diễn đàn này. Có niềm tin là có tất cả”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Phát hiện, khai thác hiệu quả những động lực tăng trưởng mới
Bên cạnh củng cố, làm mới các động lực tăng trưởng hiện hữu, Diễn đàn cũng nhấn mạnh phải phát hiện, khai thác hiệu quả những động lực tăng trưởng mới, đặc biệt là các động lực như: phát triển kinh tế số, tăng năng suất lao động và năng suất các yếu tố tổng hợp, sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân, hoàn thiện và nâng cao chất lượng thể chế, nhất là cho chuyển đổi số một cách bền vững, an toàn, chuyển đổi năng lượng công bằng, thích ứng biến đổi khí hậu.
Tăng cường phối hợp với các quốc gia trong việc duy trì các chuỗi cung ứng hiện có, hợp tác phát triển các chuỗi cung ứng có tính chất chiến lược, có tính đột phá, lan toả, nâng cao vị thế Việt Nam trong các chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu trong bối cảnh hầu hết các nước trên thế giới đều đang cơ cấu lại các chuỗi cung ứng và dòng đầu tư cho riêng mình trong môi trường kinh tế đang rất bất định hiện nay.
Theo tinh thần đó, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, các ý kiến tại Diễn đàn đều nhất trí rằng cần phải tập trung, nỗ lực giải quyết các vấn đề cấp bách, khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn của nền kinh tế trước mắt (đã được nêu tại Nghị quyết số 101 Kỳ họp thứ Năm của Quốc hội, báo cáo tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2023 của Bộ Chính trị...); đồng thời cần phải luôn kiên định và đặt trong bối cảnh các mục tiêu dài hạn; vừa phải phát huy ý chí tự cường, năng lực “nội tại” của nền kinh tế, vừa tranh thủ khai thác và phát huy ngoại lực, tiếp tục chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng và hiệu quả.
"Diễn đàn thống nhất những vấn đề cấp bách, trước mắt thì phải tập trung giải quyết với tinh thần “thời gian là lực lượng”. Việc thì đã rõ, vấn đề nào vướng mắc chúng ta đã biết rồi, phải tập trung làm cho đến nơi, đến chốn. Nhưng đồng thời, không được quên các mục tiêu dài hạn. Giải quyết các vấn đề trước mắt nhưng phải hướng vào các vấn đề dài hạn. Đây là một vế rất quan trọng. Vế thứ hai là, vừa phải tăng cường ý chí tự cường và năng lực nội sinh nhưng đồng thời phải tranh thủ ngoại lực, tiếp tục đẩy mạnh quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng của đất nước. Đây là xu hướng tất yếu, không thể đảo ngược. Diễn đàn đã có thông điệp rất mạnh mẽ như vậy”, Chủ tịch Quốc hội khẳng định.
Tận dụng cơ hội để tạo bứt phá ngay trong nội tại nền kinh tế
Nhìn lại các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội nửa nhiệm kỳ vừa qua, Chủ tịch Quốc hội khẳng định, chúng ta đã đạt được những thành tựu không nhỏ, đã từng bước phát huy hiệu quả, góp phần củng cố tâm lý thị trường, doanh nghiệp, nhà đầu tư, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách.
Tuy nhiên, bối cảnh thế giới hiện nay ngày càng phức tạp và khó lường, như các diễn giả và đại biểu đã nói “một thế giới bất thường hơn, bấp bênh hơn và rủi ro nhiều hơn”, thậm chí, như giới đầu tư còn nhận định “một thế giới VUCA - biến động, không chắc chắn, phức tạp và mơ hồ”, “điều chắc chắn nhất là chẳng có gì chắc chắn cả”.
"Điều này đặt ra vấn đề cần tiếp tục hoàn thiện, điều chỉnh và nâng cao năng lực trong quá trình tổ chức, thực thi và thực hiện tốt công tác truyền thông chính sách, nhằm đạt được các mục tiêu đề ra một cách hiệu quả với sức lan tỏa lớn, đảm bảo tính hợp lý, cân đối đa chiều giữa kinh tế, xã hội và môi trường, giữa ngắn hạn và dài hạn", Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ.
Trên cơ sở đánh giá những kết quả đạt được, những tồn tại, cơ hội và thách thức của nửa nhiệm kỳ và trong năm 2023, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, các đại biểu dự Diễn đàn cho rằng, bài toán phát huy nội lực, nâng cao năng lực nội sinh của doanh nghiệp, của nền kinh tế, đồng thời vận dụng hiệu quả các yếu tố “ngoại lực” và kiến tạo các động lực mới cho tăng trưởng là yếu tố mấu chốt, đem lại sức mạnh cộng hưởng nhằm hướng tới phục hồi và phát nền kinh tế nhanh và bền vững.
Các đại biểu cũng khẳng định đây là vấn đề cấp bách nhưng cũng là hành trình dài hạn, đòi hỏi cần đồng bộ các chính sách, xác định rõ ưu tiên, bảo đảm trọng tâm, trọng điểm, tranh thủ thời gian, tận dụng cơ hội và thời cơ để tạo bứt phá ngay trong nội tại nền kinh tế, nâng cao sức chống chịu trước các cú sốc từ cả bên trong và bên ngoài cũng như những thách thức trong bối cảnh mới.