Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Philippines, tại thủ đô Manila, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Chủ tịch Thượng viện Philippines Juan Miguel Zubiri đã cùng dự Diễn đàn Đầu tư - Thương mại Việt Nam – Phillippines.
Diễn đàn do Bộ Kế hoạch Kinh tế Philippines phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công thương, Đại sứ quán Việt Nam tại Philippines tổ chức với sự tham dự của các thành viên Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam, đại diện các cơ quan của Nghị viện Philippines và lãnh đạo một số bộ, ngành liên quan cùng đông đảo doanh nghiệp, nhà đầu tư hai nước.
Quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Philippines đang đi rất đúng hướng
Phát biểu tại Diễn đàn, Chủ tịch Thượng viện Philippines Juan Miguel Zubiri nồng nhiệt chào mừng các đại biểu dự Diễn đàn; đồng thời nhấn mạnh, chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ có ý nghĩa rất quan trọng, đặc biệt là trong bối cảnh hiện nay khi hai nước đang mở cửa lại biên giới, nối lại các hoạt động giao thương.
Chủ tịch Thượng viện Juan Miguel Zubiri cho biết đã có cuộc hội đàm rất hiệu quả với Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, qua đó hiểu hơn về đất nước Việt Nam đã vươn lên mạnh mẽ như thế nào sau chiến tranh để trở thành một nền kinh tế hàng đầu ASEAN trong thời gian rất ngắn.
“Tôi đã luôn ngưỡng mộ Việt Nam và có những chương trình phát triển theo hình mẫu của Việt Nam. Vì vậy, chúng tôi rất muốn được lắng nghe và hiểu biết thêm những chính sách của Việt Nam để hỗ trợ tăng trưởng. Người dân Việt Nam luôn rất quật cường”, Chủ tịch Thượng viện Philippines nói.
Chủ tịch Thượng viện Juan Miguel Zubiri cho rằng, có rất nhiều cơ hội đầu tư kinh doanh giữa hai nước. Thượng viện Philippines đã thông qua rất nhiều đạo luật về kinh tế, thương mại nhằm mở cửa và tự do hoá thương mại hơn nữa. Philippines cũng đã mở cửa 100% trong lĩnh vực truyền thông, mở cửa về cơ sở hạ tầng, phát triển đường giao thông, quan hệ công – tư, có nhiều chính sách mới và biện pháp khuyến khích đầu tư hấp dẫn cho các nhà đầu tư nước ngoài; đã giảm thuế thu nhập doanh nghiệp từ 31% xuống còn 25%...
Nhấn mạnh Philippines có thể tạo điều kiện đặc biệt cho các nhà đầu tư đến từ Việt Nam, từ thực tế trải nghiệm đầu tư tại Việt Nam, Chủ tịch Thượng viện Juan Miguel Zubiri cho rằng, môi trường đầu tư của Việt Nam rất năng động và thuận lợi; đồng thời, cam kết ủng hộ việc tăng cường hơn nữa quan hệ đối tác kinh tế, thương mại và đầu tư với Việt Nam một cách đầy đủ hơn, hy vọng qua Diễn đàn sẽ tăng cường khả năng hợp tác trên cơ sở khai thác các tiềm năng giữa hai nước, nhất là trong lĩnh vực du lịch.
“Nếu chúng ta cùng tạo được thành công thì có thể cùng trở thành những nền kinh tế dẫn đầu ASEAN. Việt Nam là đối tác chiến lược duy nhất của của Philippines trong ASEAN. Đây là mối quan hệ rất đặc biệt. Philippines đánh giá rất cao tình hữu nghị Việt Nam dành cho Philippines và trân trọng quan hệ Đối tác Chiến lược với Việt Nam; hy vọng tăng cường hỗ trợ quan hệ giữa Chính phủ hai nước. Các Thượng nghị sỹ Philippines đều mong muốn thắt chặt quan hệ hữu nghị với Việt Nam và mong chờ sang thăm đất nước Việt Nam tươi đẹp. Hiện nay Quan hệ Đối tác chiến lược giữa hai nước đang đi rất đúng hướng”, Chủ tịch Thượng viện Juan Miguel Zubiri nhấn mạnh.
Đưa quan hệ kinh tế xứng tầm với quan hệ Đối tác chiến lược
Phát biểu tại Diễn đàn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, sự có mặt của đông đảo đại diện các cơ quan, doanh nghiệp hai nước và đặc biệt là Chủ tịch Thượng viện Juan Miguel Zubiri là sự khích lệ, động viên, làm hứng khởi tinh thần khởi nghiệp, tinh thần đầu tư của không chỉ các nhà đầu tư, các doanh nghiệp trực tiếp tham dự Diễn đàn mà còn với cả cộng doanh nghiệp, nhà đầu tư hai nước.
Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, từ một đất nước bị tàn phá nặng nề bởi chiến tranh với hơn 90% dân số sống trong cảnh nghèo đói, Việt Nam đã thực hiện đường lối đổi mới từ năm 1986 và đã đạt được những thành tựu to lớn, trở thành một trong những nước đầu tiên trên thế giới hoàn thành các Mục tiêu thiên niên kỷ.
Với sự tăng trưởng liên tục trong khoảng 30 năm (bình quân hơn 6 %/năm), hiện nay Việt Nam đã có quy mô GDP nằm ở top 4 của ASEAN và là quốc gia có mức thu nhập trung bình. Việt Nam đã trở thành một trong 20 nước có quy mô thương mại lớn nhất thế giới và được thế giới đánh giá là điểm đến đầu tư an toàn, hấp dẫn. Hiện nay, Việt Nam đã có đầu tư nước ngoài với 141 quốc gia và vùng lãnh thổ với 135.000 dự án đang có hiệu lực, tổng vốn lũy kế đăng ký là 435 tỷ USD, được UNCTAD - cơ quan thương mại của Liên Hợp Quốc - đánh giá là một trong 20 quốc gia thu hút FDI hiệu quả hàng đầu thế giới.
Đại hội lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam đã xác lập mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2030 kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản, trở thành nước có công nghiệp phát triển và thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 kỷ niệm 100 năm thành lập nước, trở thành một nước phát triển có thu nhập cao dựa trên đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và phát huy tối đa nhân tố con người, khát vọng vươn lên của người dân Việt Nam và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm 2021 - 2030, Việt Nam đặt mục tiêu phát triển tăng trưởng bình quân khoảng 7%/năm với mục tiêu phát triển nhanh nhưng phải bảo đảm bền vững trên cả ba trụ cột kinh tế, xã hội và môi trường.
Trong điều kiện đại dịch Covid - 19 đầy cam go vừa qua, Chủ tịch Quốc hội cho biết, Quốc hội Việt Nam với tinh thần lo từ sớm từ xa, đồng hành và tạo điều kiện cho Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 30, tổ chức Kỳ họp bất thường đầu tiên trong lịch sử Quốc hội Việt Nam để trao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ những quyền hạn đặc biệt, đặc cách, đặc thù khác với quy định của pháp luật hiện hành hoặc chưa được quy định trong pháp luật hiện hành để phòng, chống dịch bệnh và phục hồi kinh tế - xã hội. Nhờ đó, Việt Nam từ nước không có vaccine đã trở thành một trong 6 nước có tỷ lệ bao phủ vaccines cao nhất thế giới và đã kiểm soát được dịch bệnh, mở cửa nền kinh tế hoàn toàn từ đầu năm nay. Quốc hội Việt Nam cũng đã đưa ra các gói kích thích kinh tế về tài khóa và tiền tệ khoảng 8,3% tổng GDP của Việt Nam để hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp vượt qua khó khăn, phục hồi sau đại dịch. Chỉ trong một năm (2022), Quốc hội Việt Nam đã quyết định đầu tư 6 dự án trọng điểm quốc gia, đặc biệt là đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông...
Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và người dân, từ đầu năm đến nay, kinh tế Việt Nam đã có sự phục hồi bứt phá ngoạn mục với dự báo tăng trưởng kinh tế cả năm đạt khoảng 8,5%. Dự kiến kim ngạch xuất nhập khẩu năm nay sẽ đạt con số kỷ lục khoảng 750 tỷ USD, trong đó, chỉ riêng ngành nông nghiệp sẽ đạt khoảng 50 tỷ USD. Các cân đối lớn được giữ ổn định; tỷ giá, lãi suất, lạm phát được kiểm soát trong mức Quốc hội cho phép.
Chủ tịch Quốc hội cho rằng, Việt Nam và Philippines chia sẻ nhiều giá trị lợi ích chiến lược, tương đồng. Hai nước có vị thế quan trọng trong ASEAN và là hai nền kinh tế đang phát triển rất năng động, tích cực, không cạnh tranh mà còn bổ sung cho nhau. Việt Nam là đối tác chiến lược duy nhất cho đến nay của Philippinnes trong ASEAN và khoảng cách địa lý giữa hai nước rất gần gũi. Trong điều kiện đại dịch, thương mại, đầu tư và kinh tế giữa hai nước vẫn tiếp tục phát triển với kim ngạch song phương đạt khoảng 7 - 8 tỷ USD và đang tiếp tục tăng. Tuy nhiên, số lượng các doanh nghiệp của hai nước đầu tư sang nhau hiện vẫn còn rất ít. Điều này hoàn toàn chưa tương xứng với năng lực và tiềm năng vốn có của hai nước.
Nhất trí với đánh giá của Chủ tịch Thượng viện Chủ tịch Thượng viện Philippines Juan Miguel Zubiri về tiềm năng hợp tác của hai nước còn rất lớn, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, Diễn đàn hôm nay là một trong những động lực để thiết lập các cơ chế hợp tác giữa hai bên.
"Việt Nam và Philippines đang xác định mục tiêu đến năm 2026, kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước, sẽ đạt mục tiêu kim ngạch thương mại song phương 10 tỷ USD. Việt Nam sẽ tiếp tục làm tốt thương mại về nông sản, đảm bảo cung cấp gạo cho Philippines và sẵn sàng nhập các hàng hóa, sản phẩm mà Philippines có thế mạnh; tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hai nước tìm kiếm các cơ hội đầu tư kinh doanh tại Việt Nam, luôn coi các nhà đầu tư và sự thành công của nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam là thành công của chính mình. Hai nước phấn đấu đến năm 2026 đầu tư hai bên đạt ít nhất 1,5 tỷ USD, phải coi đây là mục tiêu hoàn toàn có thể đạt được. Chính phủ và Quốc hội hai nước sẽ tạo mọi điều kiện cho các nhà đầu tư, các doanh nghiệp hai nước", Chủ tịch Quốc hội nói.
Với tinh thần đó, Chủ tịch Quốc hội hy vọng sau Diễn đàn sẽ có những kết nối giữa doanh nghiệp và doanh nghiệp để tìm hiểu nhau, có các cơ hội hợp tác với nhau, đưa quan hệ tin cậy chính trị về ngoại giao giữa hai nước là động lực cho phát triển kinh tế và xứng tầm với quan hệ chiến lược của hai nước.
Tại Diễn đàn, lãnh đạo các bộ, ngành hai nước đã giới thiệu cụ thể về môi trường đầu tư kinh doanh và định hướng thu hút đầu tư nước ngoài, các lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư của mỗi nước; giải đáp cụ thể các vấn đề quan tâm của nhà đầu tư hai nước.
Trong bối cảnh học tiếng Anh trực tuyến đang trở thành thị trường tiềm năng, một số doanh nghiệp Việt Nam cho biết nhu cầu về giáo viên Philippines giỏi tiếng Anh rất lớn. Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Philippines George T. Barcelon cho biết, đây là lĩnh vực có thế mạnh của Philippines và đã có nhiều mô hình hợp tác tương tự được Philippines triển khai tại Thái Lan, Campuchia. Là quốc gia có tới 113 triệu dân, nhu cầu lương thực là rất lớn, bên cạnh nhập khẩu gạo, một số doanh nghiệp Philippines quan tâm đến việc nhập khẩu các mặt hàng nông sản khác của Việt Nam. Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho biết, Việt Nam đang chuyển đổi sang nền nông nghiệp cacbon thấp, nhưng vẫn ưu tiên những mặt hàng nông nghiệp mà Việt Nam có thế mạnh để sản xuất với sản lượng lớn. Trong đó, Philippines và các nước ASEAN luôn là các thị trường ưu tiên cho nông sản xuất khẩu của Việt Nam.
Ngay tại diễn đàn, lãnh đạo các bộ, ngành hai nước đã chứng kiến doanh nghiệp hai nước trao thoả thuận hợp tác trong các lĩnh vực xuất nhập khẩu xi măng, clinker và chỉ định nhà phân phối vacccine dịch tả lợn châu Phi tại Philippines.