Tham dự cuộc làm việc có các Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường; Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh; Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Trung tướng Lê Tấn Tới; Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy; Trưởng Ban Công tác đại biểu, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Thị Thanh; Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên Phạm Đại Dương.
Cùng dự có: Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Đình Việt; Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội - Trợ lý Chủ tịch Quốc hội Phạm Thái Hà; Ủy viên Thường trực Ban Thư ký, Vụ trưởng Vụ Thư ký - VPQH Phan Thị Thùy Linh; lãnh đạo các bộ, ngành và lãnh đạo tỉnh Phú Yên.
16/17 chỉ tiêu đạt, vượt kế hoạch, từng lĩnh vực đều đạt kết quả tích cực
Là tỉnh ven biển thuộc vùng Duyên hải Nam Trung Bộ, Phú Yên có vị trí địa kinh tế quan trọng, là cầu nối gắn kết các địa phương ở vùng Duyên hải Nam Trung bộ - Tây Nguyên; với 189km bờ biển, có cảng nước sâu Bãi Gốc, vị trí gần đường hàng hải quốc tế, là nơi hội tụ các điều kiện thuận lợi để phát triển các ngành công nghiệp động lực (luyện kim; lọc, hóa dầu; năng lượng sạch,...) gắn với cảng biển nước sâu; phát triển kinh tế biển, du lịch, dịch vụ.
Phú Yên cũng là vùng đất có bề dày lịch sử và chiều sâu văn hóa, truyền thống yêu nước, cách mạng; người dân có ý chí kiên cường, bất khuất, đoàn kết, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn để bảo vệ, xây dựng phát triển đất nước.
Báo cáo với Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn công tác về kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2023 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2024, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Phú Yên Cao Thị Hòa An cho biết, đến nay, 11/15 chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra được thực hiện tốt và có khả năng đạt kế hoạch.
Riêng năm 2023, Phú Yên thực hiện đạt và vượt 16/17 chỉ tiêu chủ yếu đề ra. Trên từng lĩnh vực đều đạt kết quả tích cực. Tốc độ tăng trưởng GRDP của Phú Yên đạt 9,16%, (xếp thứ 10 trên cả nước, thứ 3/14 trong khu vực miền Trung); quy mô nền kinh tế đạt 57.207 tỷ đồng, tăng 29,6% so với năm 2020; thu nhập bình quân đầu người đạt 65,2 triệu đồng/người, tăng 13,4% so với cùng kỳ. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên, tạo tinh thần phấn khởi chung trong toàn tỉnh.
Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 255 triệu USD, tăng 5,9% so với cùng kỳ. Giá trị sản xuất công nghiệp đạt hơn 23.590 tỷ đồng, tăng 13% so với năm 2022. Sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định; chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được triển khai đồng bộ, đến nay, có 64/83 xã nông thôn mới, chiếm 77%. Khách du lịch đến Phú Yên ước đạt 3,2 triệu lượt, tăng 44%, tổng thu từ khách du lịch đạt 4.917,4 tỷ đồng, tăng 76,2% so với năm 2022. Tổng vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn tỉnh đạt 24.018,4 tỷ đồng, tăng 25,8% so với cùng kỳ.
Hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội được quan tâm đầu tư. Phú Yên đã tích cực phối hợp với các Bộ, ngành triển khai các dự án của Trung ương đầu tư trên địa bàn tỉnh. Trong đó, dự án tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, đoạn qua địa bàn tỉnh đã bàn giao khoảng 97,5% mặt bằng.
Tỉnh đã được phê duyệt: Quy hoạch tỉnh Phú Yên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Nam Phú Yên đến năm 2040. Đây là cơ sở pháp lý và là định hướng để Phú Yên thu hút các nhà đầu tư chiến lược với các dự án động lực tạo đột phá trong thời gian tới.
Các lĩnh vực văn hóa, xã hội được quan tâm thực hiện. Các chính sách bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi xã hội được triển khai hiệu quả. Đời sống của Nhân dân được cải thiện; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 3,25%. Công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm và phát triển thị trường lao động đạt kết quả tích cực.
Chất lượng, hiệu quả hoạt động giáo dục các cấp được nâng cao; quy mô giáo dục, đào tạo tiếp tục được mở rộng, chất lượng trường, lớp được cải thiện. Công tác y tế, chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân có nhiều cố gắng. Quốc phòng và an ninh được tăng cường, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững; kiểm soát tốt tình hình biên giới vùng biển và phòng, chống khai thác IUU.
Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh được thực hiện đồng bộ, quyết liệt; thực hiện chặt chẽ công tác cán bộ và bảo vệ chính trị nội bộ; công tác kiểm tra, giám sát có trọng tâm, trọng điểm;tăng cường công tác dân vận và phong trào thi đua “Dân vận khéo” giai đoạn 2023-2025.Chỉ đạo quán triệt, tổ chức nghiêm túc, hiệu quả việc lấy phiếu tín nhiệm theo Quy định số 96-QĐ/TW ngày 2.2.2023 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 96/2023/QH15 của Quốc hội.
Hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh có nhiều đổi mới, thiết thực, hiệu quả; phát huy tinh thần chủ động trong hoạt động giám sát theo hướng đổi mới, cải tiến, ngày càng bài bản, chuyên nghiệp.
Bên cạnh những kết quả đạt được, tỉnh Phú Yên cũng thẳng thắn chỉ ra một số khó khăn, tồn tại như: quy mô nền kinh tế còn nhỏ; thu ngân sách còn nhiều khó khăn, chưa đạt mục tiêu, cơ cấu các nguồn thu chưa ổn định; chưa thu hút được dự án quy mô lớn, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế; công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng còn nhiều vướng mắc...
Tập trung giải quyết các điểm nghẽn, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế
Về nhiệm vụ trọng tâm năm 2024, tỉnh Phú Yên xác định các nhiệm vụ trọng tâm gồm:
Quán triệt, cụ thể hóa triển khai thực hiện Kết luận số 64-KL/TW ngày 18.10.2023 của Trung ương, Nghị quyết số 103/2023/QH15 của Quốc hội và các chỉ đạo của Chính phủ về chủ trương, mục tiêu, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách năm 2024; điều hành nền kinh tế theo các kịch bản đã ban hành theo từng tháng, từng quý, để phấn đấu thực hiện hoàn thành kế hoạch đề ra.
Tập trung giải quyết các điểm nghẽn, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; đồng thời quyết liệt thực hiện các biện pháp đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Xây dựng các sản phẩm, dịch vụ du lịch có tiềm năng và lợi thế cạnh tranh. Hướng dẫn, vận động nông dân nhân rộng các mô hình thâm canh cây trồng áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến, liên kết chuỗi trong sản xuất nông, lâm, thủy sản.
Thực hiện tốt công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch. Tổ chức xây dựng và triển khai Kế hoạch thực hiện hiệu quả các quy hoạch đã được phê duyệt. Tổ chức thành công Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh và Xúc tiến đầu tư Phú Yên năm 2024, công bố rộng rãi các định hướng, các đột phá phát triển của tỉnh, tạo cú hích trong công tác xúc tiến các nhà đầu tư chiến lược tiếp cận, nghiên cứu đề xuất các dự án đầu tư vào tỉnh, nhất là các nhà đầu tư đang nghiên cứu đề xuất đầu tư các khu vực tiềm năng, lợi thế của tỉnh như khu vực Khu công nghiệp Hòa Tâm, Cảng Bãi Gốc, khu vực Đầm Ô Loan, Vịnh Xuân Đài, Cao nguyên Vân Hòa…
Tập trung chỉ đạo, điều hành hiệu quả Kế hoạch đầu tư công năm 2023 và Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 phù hợp với nguồn lực của tỉnh. Ưu tiên nguồn lực đầu tư hoàn thành các công trình hạ tầng quan trọng kết nối, mở rộng không gian phát triển đô thị, dịch vụ du lịch nhằm phát huy hiệu quả tuyến đường cao tốc qua địa bàn tỉnh, như tuyến đường Nguyễn Hữu Thọ kết nối với trung tâm thành phố, tuyến đường bộ ven biển của tỉnh.
Tập trung triển khai các dự án trọng điểm, nhất là các dự án trọng điểm của quốc gia như dự án Đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông, đoạn qua tỉnh Phú Yên theo tiến độ chung; không để bị chậm, ảnh hưởng tới tiến độ của cả nước. Chú trọng đào tạo phát triển nguồn nhân lực, thu hút nhân tài, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, coi đây là động lực đột phá. Xây dựng các chế độ, chính sách đãi ngộ và thu hút nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao tới làm việc tại Phú Yên khi tỉnh thu hút được các dự án động lực...
Tại cuộc làm việc, tỉnh Phú Yên cũng nêu một số đề xuất kiến nghị nhằm tạo điều kiện để tỉnh khai thác, phát huy được tiềm năng thế mạnh, từng bước tự chủ ngân sách nhà nước, thực hiện thành công các mục tiêu phát triển đã đề ra.
Trong đó, Phú Yên đề nghị được xem xét tiếp tục ghi bổ sung danh mục dự án đoạn từ Miếu Ông Cọp đến phía Bắc cầu An Hải, huyện Tuy An với chiều dài khoảng 3,8 km từ nguồn vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ khoảng 2.200 tỷ đồng vào Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 để đầu tư hoàn thiện. Xem xét bổ sung danh mục các tuyến đường kết nối tuyến cao tốc trên địa bàn tỉnh Phú Yên vào Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 của Trung ương để triển khai thực hiện.
Phú Yên cũng đề nghị đưa vào danh mục dự án đầu tư tuyến đường bộ cao tốc Phú Yên - Đắk Lắk vào Kế hoạch đầu tư công hạn giai đoạn 2026-2030 của Trung ương để triển khai thực hiện. Bổ sung danh mục các dự án phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển tại các khu vực sạt lở nguy hiểm theo Kế hoạch tổng thể phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh vào Kế hoạch đầu tư công trung hạn của Trung ương giai đoạn 2026-2030 để có cơ sở và nguồn lực tổ chức thực hiện.
Cho phép Khu kinh tế Nam Phú Yên được hưởng một số các chính sách ưu đãi như Khu kinh tế Vân Phong được thụ hưởng theo Nghị quyết số 55/2022/QH15 ngày 16.6.2022 của Quốc hội như về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa.
Xem xét ban hành cơ chế để hỗ trợ các tỉnh trong việc tháo gỡ một số dự án triển khai còn có sai sót (các dự án từ giai đoạn trước), chưa đảm bảo theo quy định của pháp luật về đầu tư, đất đai và trong quá trình thực tiễn triển khai một số dự án có phát sinh một số vấn đề nhưng chưa được quy định rõ trong các văn bản quy phạm pháp luật tại thời điểm hiện nay, nhất là cơ chế để xử lý các vấn đề tồn tại vướng mắc của một số dự án như: Dự án BOT, BT, dự án đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư chấp thuận chủ trương đầu tư...
+ Trước đó, ngay sau khi tới Phú Yên, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn công tác đã trực tiếp kiểm tra công trình kè chống xói lở ven bờ biển Xóm Rớ.
Với chiều dài gần 1km, vốn đầu tư 150 tỷ đồng, công trình dự kiến sẽ hoàn thành vào tháng 8 năm nay. Khi đi vào hoạt động, công trình sẽ bảo vệ an toàn cho hạ tầng đường Hùng Vương và khu vực phía Đông sân bay Tuy Hòa trước tình trạng sóng biển, triều cường xâm thực.