Chiều 3.10, tại Nhà Quốc hội, Báo Đại biểu Nhân dân đã tổ chức trọng thể Lễ đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất và kỷ niệm 35 năm thành lập (05.10.1988 – 05.10.2023).
Tham dự có: Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ; các nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An và Nguyễn Sinh Hùng; Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng, Phó Chủ tịch Nước Võ Thị Ánh Xuân... gửi lẵng hoa chúc mừng.
Cùng dự Lễ kỷ niệm có Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương; nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu; nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội, Đại tướng Đỗ Bá Tỵ; các Ủy viên Trung ương Đảng: Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê K’đăm, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Vũ Hải Hà, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh, Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình, Bộ trưởng Giao thông - Vận tải Nguyễn Văn Thắng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương Nguyễn Văn Thể cùng Bí thư Tỉnh ủy các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Cùng dự còn có: các nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Ngọc Thanh, Trần Đình Đàn, Nguyễn Hạnh Phúc; Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; các Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội, Chủ tịch, Phó chủ tịch Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; đại diện các Ban, Bộ, ngành Trung ương, Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chủ tịch Nước, Văn phòng Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, lãnh đạo các Tập đoàn, doanh nghiệp đã đồng hành với Báo Đại biểu Nhân dân trong chặng đường 35 năm qua và đông đảo các thế hệ lãnh đạo, cán bộ, phóng viên, biên tập viên, người lao động Báo Đại biểu Nhân dân.
Nguyện tiếp tục là tai mắt cùng nghĩ, cùng nói, là cánh tay cùng làm với cử tri và Nhân dân
Tại buổi lễ, thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã trao Huân chương Lao động hạng Nhất tặng tập thể Báo Đại biểu Nhân dân.
Đọc diễn văn ôn lại chặng đường 35 năm thành lập và phát triển của Báo Đại biểu Nhân dân, Bí thư Đảng ủy, Tổng Biên tập Báo Đại biểu Nhân dân Phạm Thị Thanh Huyền nhấn mạnh, Báo Đại biểu Nhân dân vô cùng vinh dự và tự hào được đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất của Chủ tịch nước khi tròn 35 năm tuổi.
"Chặng đường 35 năm so với 1 tờ báo chưa phải là dài, nhưng Báo Đại biểu Nhân dân đã từng bước khẳng định được vai trò, vị thế và sứ mệnh vẻ vang là Tiếng nói của Quốc hội, Diễn đàn của ĐBQH, HĐND và cử tri", Tổng Biên tập Phạm Thị Thanh Huyền nhấn mạnh.
35 năm qua, kể từ ngày đầu thành lập (5.10.1988), Tạp chí Người Đại biểu Nhân dân ra mắt bạn đọc, từ 2 đến 3 tháng một kỳ; và tới năm 2002, đổi thành Báo Người Đại biểu Nhân dân, ra mắt bạn đọc hằng tuần.
Trước yêu cầu phát triển mới của Đảng, Nhà nước, Quốc hội trong sự nghiệp đổi mới và những nỗ lực xuất sắc trong thực hiện tôn chỉ của tờ báo, ngày 27.8.2009, Chủ tịch Quốc hội Khóa XII Nguyễn Phú Trọng, nay là Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, đã ký Nghị quyết số 816/2009/UBTVQH12 nâng cấp và đổi tên Báo Người Đại biểu Nhân dân thành Báo Đại biểu Nhân dân.
Phát biểu chỉ đạo tại Lễ Công bố Nghị quyết số 816 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Khóa XII Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Đây là một dấu mốc quan trọng, một sự kiện đáng nghi nhớ. Kể từ nay, sau khi chính thức được ra mắt về tổ chức và hoạt động, vấn đề không phải là tờ báo được nâng cấp từ loại II lên loại I mà điều quan trọng nhất là quyền uy và uy tín của tờ báo.
Khắc cốt ghi tâm lời căn dặn từ tâm can đó, Tổng Biên tập Phạm Thị Thanh Huyền nêu rõ, kế thừa 21 năm trước đó, 14 năm qua, các thế hệ cán bộ, viên chức và người lao động Báo Đại biểu Nhân dân không ngừng đổi mới sáng tạo, biến thách thức thành cơ hội phát triển, đẩy mạnh các phong trào thi đua, với phương châm hành động “Tâm sáng, trí cao, ngòi bút sắc”. Nhất là Ban Biên tập chủ động, sáng tạo và kiên định dẫn dắt tờ báo hoạt động đúng đắn và sinh động tôn chỉ, mục đích, thật sự là: Tiếng nói của Quốc hội, diễn đàn của đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân và cử tri cả nước. Báo Đại biểu Nhân dân kịp thời chuyển tới cử tri cả nước những hoạt động đổi mới của Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp theo đúng Luật Báo chí, định hướng của Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông và sự chỉ đạo của cơ quan chủ quản Văn phòng Quốc hội.
"Và, tờ báo ngày càng khẳng định vị thế và uy tín của một cơ quan báo chí chủ lực của Quốc hội, một trong 12 cơ quan báo chí chính trị chủ lực của Quốc gia với những bước phát triển mới, từng bước in dấu ấn của một tờ báo sang trọng, trí tuệ và gần gũi", Tổng Biên tập Phạm Thị Thanh Huyền khẳng định.
Từ 35 năm xây dựng và trưởng thành, Tổng Biên tập Phạm Thị Thanh Huyền nhấn mạnh một số kinh nghiệm phát triển chủ yếu:
Trước hết, với tinh thần chủ động và nỗ lực đổi mới, Báo Đại biểu Nhân dân nghiên cứu và hiện thực hóa chương trình tuyên truyền ngày càng kịp thời, sâu đậm, chất lượng và bản sắc các hoạt động của Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các cấp, đặc biệt là những thông điệp của Quốc hội, Lãnh đạo Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, thể hiện rõ hình ảnh Quốc hội hành động, nỗ lực đổi mới, đặt người dân và doanh nghiệp vào vị trí trung tâm. Báo phát huy ngày càng hiệu quả vai trò “cầu nối” tin cậy giữa Quốc hội với cử tri và Nhân dân, là phương thức hữu hiệu truyền tải những chủ trương, đường lối của Đảng được Quốc hội thể chế hóa cũng như lan tỏa những thông điệp quan trọng, những nội dung Quốc hội xem xét, quyết định đến với cử tri và Nhân dân. Đồng thời, phản ánh trung thực “hơi thở” của cuộc sống tại diễn đàn Quốc hội và là kênh để cử tri, Nhân dân giám sát hoạt động của Quốc hội nói riêng, của các cơ quan Nhà nước nói chung.
Để nâng cao tính phản biện, Báo mở các cuộc tọa đàm, hội thảo, giao lưu trực tuyến, tập trung bàn thảo các dự án luật, chuyên đề giám sát, vấn đề quan trọng quốc gia Quốc hội xem xét, cho ý kiến và quyết định; những vấn đề mang tính thời sự nóng hổi, được dư luận đặc biệt quan tâm. Qua đó, trở thành kênh truyền tải, kết nối thông tin hữu ích giữa các chuyên gia, các nhà khoa học và cử tri, Nhân dân với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra. Qua đây, không những góp quần quan trọng để hoạt động của Quốc hội ngày càng minh bạch, dân chủ và gần với Dân hơn mà còn phát huy vai trò của Nhân dân đối với hoạt động của cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân. Đồng thời, tiếp tục phát huy vai trò “cầu nối của cầu nối”, là “thông tấn xã” của Quốc hội trong truyền tải thông tin về tổ chức, hoạt động của Quốc hội tới các cơ quan thông tấn báo chí khác.
Thứ hai, cùng với tuyên truyền hệ thống, giàu bản sắc về hoạt động của Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các cấp, Báo chủ động cập nhật thời sự, truyền tải đậm nét các sự kiện chính trị của đất nước, các hoạt động của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước; phản ánh nhanh nhạy những vấn đề đặt ra trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và các địa phương.
Để ngày càng làm tốt hơn nhiệm vụ đấu tranh phản bác các thông tin xấu độc, tư tưởng sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ, Báo tổ chức thực hiện nhiều chủ đề căn bản, nóng bỏng với tuyến bài dài kỳ với sự tham gia của các chuyên gia có uy tín trên các lĩnh vực tư tưởng, lý luận và tổ chức thực tiễn, gây được tiếng vang nhất định.
Cùng với đó, duy trì, không ngừng đổi mới cả về nội dung và hình thức tuyên truyền vấn đề “Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực” một cách bài bản, hệ thống và dài hạn. Các chủ trương, đường lối của Đảng, trực tiếp là Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được tuyên truyền kịp thời, góp phần lan tỏa những định hướng, chỉ đạo, thông điệp cùng quyết tâm chính trị cao của Đảng và Nhà nước, của Người đứng đầu Đảng ta tới đông đảo cử tri và Nhân dân cả nước.
Nhiều loạt bài, tuyến bài về chủ đề phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và làm trong sạch đội ngũ cán bộ, đảng viên của Báo Đại biểu Nhân dân được bạn đọc, cử tri và Nhân dân cả nước cũng như các đại biểu Quốc hội quan tâm, theo dõi, đánh giá cao, như: Loạt bài “Chống tham nhũng và chọn nhân tài”; “Đổi mới, thực thi cơ chế kiểm soát quyền lực”; Loạt bài “Thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 Khóa XIII: Thanh trừ suy thoái, "tự chuyển hóa"; quét sạch tham nhũng, chủ nghĩa đầu hàng”; Loạt bài “Phòng, chống tham nhũng đồng bộ với phòng, chống tiêu cực”; Loạt bài “Sinh tử phòng, chống “giặc nội xâm” và chủ nghĩa dân túy… tạo dấu ấn riêng của Báo.
Thứ ba, Ban lãnh đạo Báo không ngừng tìm tòi, đổi mới nội dung và hình thức thông tin, trăn trở, lựa chọn phương thức phù hợp, thích ứng nhanh nhạy với những yêu cầu mới của kinh tế số, xã hội số; quyết liệt thúc đẩy phát triển các nền tảng số của Báo điện tử Đại biểu Nhân dân thông qua việc nỗ lực xây dựng hệ sinh thái số; chọn lọc, tận dụng ưu thế của truyền thông xã hội, nhất là các kênh truyền thông số: Youtube, Fanpage, Tiktok… để thực hiện chủ kiến của mình.
Thấm nhuần những yêu cầu và kỳ vọng của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ về đẩy mạnh chuyển đổi số, cùng với đầu tư cơ sở hạ tầng số, Báo chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nhân lực tại chỗ, đồng thời tuyển mới các “nhà báo đa phương tiện” giàu kinh nghiệm; hướng tới xây dựng đội ngũ phóng viên, nhà báo làm chủ công nghệ, liên tục cập nhật phương thức làm báo hiện đại với yêu cầu chủ động tự học hỏi để trở nên “đa năng”. Nhờ đó, những sản phẩm báo chí đa phương tiện ra mắt, nhanh chóng gây tiếng vang, có sức ảnh hưởng lớn tới cộng đồng, tác động tích cực đối với những quyết định của cơ quan chức năng
Nhờ đó, Báo Điện tử Đại biểu Nhân dân từng bước khẳng định thương hiệu vững vàng trong hệ thống báo chí với đầy đủ các nền tảng số thu hút lượng theo dõi và truy cập nhiều, phát huy vai trò của kênh truyền thông vệ tinh, lan tỏa nhanh các thông tin, ghi dấu ấn với độc giả bằng các thông tin thời sự về Quốc hội, Hội đồng Nhân dân các cấp và các thông tin dân sinh nổi bật.
Thứ tư, cùng với hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn, những năm gần đây, Báo đặc biệt quan tâm và nỗ lực chỉ đạo tổ chức thành công vang dội và trở thành thường niên các chương trình văn hóa, nghệ thuật, thể thao lớn như: Giải bóng đá Khối các cơ quan Trung ương mở rộng tranh Cúp Báo Đại biểu Nhân dân; Chương trình nghệ thuật “Vinh quang Tổ quốc Việt Nam”; Chương trình nghệ thuật “Nắng Ba Đình”... Qua đó, không chỉ góp phần khơi dậy niềm tự tôn dân tộc, tự hào về truyền thống bất khuất, anh hùng của cha ông, bồi đắp, hun đúc tình yêu quê hương, đất nước; đẩy mạnh phong trào thể dục thể thao để tăng cường sức khỏe và tình đoàn kết, mà còn lan tỏa sâu rộng hình ảnh, thương hiệu của một cơ quan thông tin chủ lực của Quốc hội.
Tổng Biên tập Báo Đại biểu Nhân dân cũng thẳng thắn nhìn nhận, trước mắt còn không ít khó khăn, thách thức và những yêu cầu mới. Với tâm thế sẵn sàng biến thách thức thành động lực, cơ hội để phát triển, bứt phá, tiếp tục xây dựng, nâng tầm thương hiệu, uy tín của Tờ báo, Báo Đại biểu Nhân dân đã, đang và sẽ tiếp tục nắm lấy thời cơ, thay đổi nhanh chóng để đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu, thị hiếu của bạn đọc.
Để tiếp tục phát triển vị thế, vai trò và uy tín, Báo Đại biểu Nhân dân phấn đấu xây dựng tờ báo có: “Tư duy - Tầm nhìn - Trung thực - Trong sạch - Tinh tế”, như sự chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ; đồng thời, phải là một trong những cơ quan của Quốc hội đi đầu trong chuyển đổi số, phát triển các sản phẩm báo chí số, các nền tảng phân phối nội dung số, làm chủ nền tảng phân phối nội dung trên không gian mạng nhằm tiếp tục tuyên truyền một cách hệ thống, chân thực và sinh động hơn nữa, góp phần thiết thực nâng cao vị thế, vai trò, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các cấp trong quá trình xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân.
Tổng Biên tập Báo Đại biểu Nhân dân mong muốn, Lãnh đạo Văn phòng Quốc hội tiếp tục quan tâm toàn diện, nhất là đầu tư kết cấu hạ tầng thiết bị công nghệ thông tin hiện đại đáp ứng tốt cho việc vận hành tòa soạn điện tử, tòa soạn hội tụ; tham mưu phê chuẩn danh mục đặt hàng dịch vụ sự nghiệp công; bảo đảm mức ngân sách hằng năm ngang tầm nhiệm vụ chính trị. Đây là động lực rất to lớn đối với sự phát triển của tờ báo chính trị.
“Nhìn lại và suy nghĩ về chặng đường 35 năm đã qua để thêm nguồn động lực mới cho những bước phát triển phía trước. Báo Đại biểu Nhân dân nguyện tiếp tục là tai mắt cùng nghĩ, cùng nói, là cánh tay cùng làm với cử tri và Nhân dân cả nước”, Tổng Biên tập Báo Đại biểu Nhân dân nhấn mạnh.
Trưởng thành vượt bậc, thực sự trở thành “cầu nối” tin cậy giữa Quốc hội với cử tri và Nhân dân
Phát biểu chỉ đạo tại Lễ kỷ niệm, thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn chúc mừng những thành tựu mà Báo Đại biểu Nhân dân đã đạt được trong chặng đường 35 năm qua.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, trên chặng đường 35 năm qua, Báo Đại biểu Nhân dân đã liên tục kế thừa, phát huy, hoàn thành tốt sứ mệnh vẻ vang là “Tiếng nói của Quốc hội, diễn đàn của đại biểu Quốc hội, Hội đồng Nhân dân và cử tri”. Báo đã được củng cố về tổ chức, cán bộ; tăng cường về cơ sở vật chất; trưởng thành vượt bậc về chuyên môn, nghiệp vụ và chất lượng công tác, thực sự trở thành “cầu nối” tin cậy giữa Quốc hội với cử tri và Nhân dân.
Đặc biệt, từ đầu nhiệm kỳ Khóa XV đến nay, Báo tiếp tục có những bước phát triển mới, đã chủ động đổi mới toàn diện, nâng cao chất lượng tuyên truyền trên các nền tảng số, mở rộng phạm vi, có trọng tâm, trọng điểm, gần gũi, kết nối sâu rộng tới hoạt động của Hội đồng Nhân dân các cấp, tới cử tri, Nhân dân cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao đối với các hoạt động của Quốc hội, góp phần lan tỏa mạnh mẽ tinh thần đổi mới, hành động quyết liệt của Quốc hội; khẳng định rõ hơn vị trí, vai trò là một trong hai cơ quan thông tin chủ lực của Quốc hội với bản sắc riêng, ấn tượng về tính “Chuyên nghiệp, chính xác, bổ ích, nhân văn và hấp dẫn”.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nêu rõ, Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đặt ra yêu cầu “Xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại”. Trong dịp kỷ niệm 98 năm Ngày báo chí Cách mạng Việt Nam vừa qua, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng đã phát biểu “Báo chí cần giữ vững vị thế, sứ mệnh là một trong những nhân tố quan trọng góp phần kiến tạo và đổi mới Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.
"Vì vậy, Báo Đại biểu Nhân dân cần tiếp tục đổi mới tư duy, tầm nhìn, cụ thể hóa bằng các chương trình, kế hoạch cụ thể; chủ động thực hiện hiệu quả vai trò là “Tờ báo của Quốc hội”, góp phần tích cực vào việc thực hiện các quyết sách của Quốc hội và của Hội đồng Nhân dân", Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nhấn mạnh.
Tại buổi lễ, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đã trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ tặng Tổng Biên tập Báo Đại biểu Nhân dân Phạm Thị Thanh Huyền. Nhân dịp này, 6 cá nhân của Báo Đại biểu Nhân dân đã được trao tặng Bằng khen của Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.
Về nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nêu rõ, Báo Đại biểu Nhân dân phải là cơ quan thực sự đoàn kết, thống nhất cao, vững mạnh về mọi mặt, xây dựng cơ quan văn hóa, môi trường văn hóa; kiên định với lý tưởng, giá trị cao đẹp của nghề báo. Chú trọng việc thực hiện tốt trách nhiệm chung của báo chí cách mạng Việt Nam là đóng góp quan trọng vào việc mở rộng dân chủ, phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội; tham gia tích cực trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
"Trong bối cảnh chuyển đổi số và hội nhập quốc tế đang diễn ra mạnh mẽ hiện nay, việc xây dựng và phát triển một tờ báo chính trị có sức hấp dẫn và cuốn hút người đọc là nhiệm vụ không dễ dàng". Chia sẻ áp lực này, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội mong muốn, mỗi cán bộ, phóng viên, biên tập viên của Báo cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, khai thác hiệu quả thế mạnh riêng có để Báo Đại biểu Nhân dân trở thành một trong những cơ quan báo chí đi đầu trong chuyển đổi số của các cơ quan báo chí trong cả nước.
Cùng với đó, Ban lãnh đạo Báo cần quan tâm hơn nữa đến công tác đào tạo, bồi dưỡng, củng cố, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên; động viên, khuyến khích tinh thần sáng tạo, hiểu biết toàn diện, sâu sắc về Quốc hội và Hội đồng Nhân dân. Mỗi cán bộ, phóng viên, biên tập viên của Báo cần không ngừng tự học, tự nghiên cứu, có sự đầu tư nghiêm túc, công phu trong việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.
Trong phát biểu đáp từ, thay mặt Đảng bộ và tập thể Báo Đại biểu Nhân dân, Tổng Biên tập Báo Đại biểu Nhân dân Phạm Thị Thanh Huyền trân trọng cảm ơn tình cảm của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội về những đánh giá toàn diện và cổ vũ Báo Đại biểu Nhân dân trên chặng đường 35 năm không ngừng phát triển, khẳng định vị thế và sứ mệnh của Tờ báo.
Tổng Biên tập Báo Đại biểu Nhân dân khẳng định sẽ lĩnh hội đầy đủ và quán triệt sâu sắc những ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội về những gợi mở, định hướng và những giải pháp lớn trên chặng đường phát triển tiếp theo của Báo Đại biểu Nhân dân trong thời gian tới.