Đám trẻ con trong tòa biệt thự
Trong biệt thự có nhiều đứa con trai và con gái, tóm lại là một bầy trẻ con sống ở đó. Tiếng cười của chúng như sóng cuộn tràn qua bức tường cao bao quanh khu vườn và bắn tung tóe vào ngõ hẻm của chúng tôi. Những cành mận, dâu và lê cũng vươn mình qua bức tường cao và chìa ngọn ra ngoài. Những đứa bé nghèo khổ, chân trần trong phố chúng tôi tranh nhau những trái cây trên đó trong trận cười như mưa rào từ bức tường của ngôi biệt thự đổ xuống.
Từ cửa sổ nhà mình, tôi lặng nhìn đám trẻ đang tranh cướp trái cây trên cành. Thằng lớn nhất gập người lại sát bệ tường, một đứa trèo lên lưng nó, đứa thứ ba lại trèo lên lưng thằng kia và đôi khi cả thằng thứ tư trên cùng. Bàn tay của đứa thứ ba hoặc thứ tư có thể với tới những cành cây trĩu quả.
“Trời ơi! Đầy những quả”
“Rung cây đi mày, rung đi!”
Thằng bé trên cùng rung một cành to và những trái dâu, mận chín mọng rơi xuống đất, “lộp độp”.
Thằng trên cùng rung cành quát thằng ở dưới đang nhặt quả dâu: “Cứ nhặt đi, thằng đểu kia, nhưng để phần tao đấy!”
Cái kim tự tháp ba hoặc bốn thằng con trai kia có thể sẽ đổ sụp giữa những quả lê, quả dâu trên nền đất bẩn. Vì thế từ cửa sổ, tôi chỉ nhìn chúng chứ không thấy thèm cũng không thấy tiếc vì không được tham gia trò chơi của chúng.
Chúng tôi thường xách nước từ đài phun nước gần đó về nhà. Xe chở nước thường xuyên cung cấp cho chúng tôi nước uống, tắm giặt, nấu ăn. Nhưng để trả ít tiền hơn cho người chở nước, mỗi ngày một lần, tôi mang nước từ vòi phun nước về nhà. Mẹ thường bảo tôi ra vòi phun nước vào lúc chạng vạng tối, đúng vào lúc bọn biệt thự ra ngoài chơi.
Tôi không mặc chiếc áo khoác ngoài nữa, lúc đó tôi mặc quần soóc. Tôi cầm can đi ra đường, Mẹ gọi với phía sau: “Đừng xách đầy nhé, chỉ xách non nửa can thôi, nghe không?”
Tôi ra đường bằng lối cổng sân, lũ đường phố chiếm giữ một bên đường, lũ biệt thự ở bên kia. Cầm cái can trong tay, tôi vô cùng xấu hổ... Cả bọn biệt thự lẫn bọn đường phố, chẳng đứa nào phải lấy nước như tôi... Tôi xấu hổ với cả hai nhóm vì tôi phải xách nước. Tôi không thuộc về nhóm nào cả. Mặc dù cả bọn đường phố lẫn bọn biệt thự đều tỏ ra không quan tâm đến nhau, nhưng tất cả bọn chúng đều để ý đến tôi. Tất cả bọn trẻ trong cả hai nhóm đều quay đầu lại nhìn chằm chằm vào cái can trong tay tôi... Tôi không phải là đứa trẻ như chúng. Tôi là người lớn, là một người đàn ông quan trọng, nhưng khi chúng nhìn tôi chằm chằm thì tôi bỗng bé lại, bé mãi, bé mãi, bé hơn cả cái can trong tay tôi. Tôi biến mất đằng sau cái can. Tôi đã bị tiêu hủy.
Khu đất bẩn nằm trước cửa nhà chúng tôi... Đi qua đó rồi rẽ trái và đi qua hai nhà nữa rồi rẽ phải, ở một góc ngã tư là nhà cô Reshidanim. Chồng cô Reshidanim có một cửa hiệu helva, Họ là người giàu nhất trong phố chúng tôi: điều đó thể hiện ngay ở bậc tam cấp lát đá từ cổng trước nhà họ dẫn ra đường. Cô Reshidanim có một con trai tên là Asim, chắc cũng phải mười lăm tuổi.
Từ chỗ rẽ phải trước cửa nhà cô Reshidanim, đi vài bước nữa là ra tới đường cái. Đài phun nước ở ngay đó.
Chiếc can đã đầy nước và tôi vội trở về... Bọn trẻ con biệt thự và đám trẻ nghèo đường phố, lúc đầu không thấy tôi, nhưng vì tôi lạch bạch với chiếc can nước đầy đến nửa can - nửa kia cong lại và lắc lư hết bên này đến bên kia - đã khiến chúng để ý, chúng ném đá và trêu chọc tôi. Tuy rằng lũ trẻ con biệt thự không thèm nhìn bọn đường phố nhưng chúng lại nhìn tôi và nhất loạt phá lên cười. Tôi không thuộc nhóm này cũng không thuộc nhóm kia, rõ ràng tôi không có một chỗ nào cả. Bọn biệt thự thì cười, bọn đường phố thì trêu chọc. Ôi, ước gì tôi được ở nhà!... Tôi đi nhanh và chiếc can như nặng hơn... Tôi đặt nó xuống và lại nhấc lên bằng tay kia... Những lời nhạo báng và trận mưa cười trút xuống đầu tôi. Tôi không muốn Mẹ tôi nghe thấy hoặc biết chuyện này.

Chỉ thị chiến đấu
Chẳng biết vì sao một trong những đứa con gái trong biệt thự lại trở thành kẻ thù của tôi. Đó là một đứa con gái cao lớn, gầy giơ xương và nhiều tuổi hơn tôi. Khi tôi rời nhà với chiếc can rỗng, nó đi theo và đợi tôi ở trước cổng nhà cô Reshidanim. Khi tôi trở về với chiếc can nước, nó chặn tôi lại và bắt đầu đánh. Thói quen của nó là thế, tối nào cũng vậy. Tôi không thể bỏ chạy vì như thế là nhục nhã và tôi cũng không thể đánh lại nó. Làm sao tôi có thể đánh lại nó! Mái tóc nó rất sạch, tết lại và óng mượt, bộ quần áo màu rực rỡ, bóng như tơ và nó đi đôi giầy da thật bóng lộn. Làm sao tôi có thể đánh một đứa con gái như thế – Tôi không thể dù chỉ là giơ tay lên. Con bé đánh tôi thật tàn bạo... Tôi nhìn vào mặt nó, không ai có thể tát vào khuôn mặt ấy... Tôi không thể... Tôi thật sự không thể đánh trả. Làm như người lớn tìm cách ngăn cản trò đùa của trẻ con, tôi chỉ nhắc đi nhắc lại: “Thôi, thôi đi!” rồi tôi cố chặn cái can nước ở giữa hai người để đứa con gái kia không thể chạm tới tôi được.
Một tối, con bé lại chặn tôi và bắt đầu đánh tôi. Như mọi lần, tôi lại nói: “Thôi, thôi đi!”, đúng lúc đó cánh cửa nhà cô Reshidanim mở và Sain Agabey bước ra ngoài. Nhìn thấy anh, tôi xấu hổ quá vì đã để anh thấy một đứa con gái đánh tôi. Sain Agabey đẩy con bé kia ra và thấy anh là cậu con trai lớn, nó bỏ chạy. Lúc đó, Saim Agabey bảo tôi: “Bị một đứa con gái đánh mà không thấy nhục à?”
“Đâu nào”, tôi nói “Em có bị đánh đâu”.
“Hừ, Thế mày bị cái gì? Tối nào, từ sau tấm bình phong, tao cũng thấy con ấy đánh mày và mày thì chỉ nói “Thôi, thôi đi!”
“Em không bị đánh, chẳng bị gì cả!” Tôi quả quyết.
“Mày biết rõ là mày bị đánh mà!”
“Em không hề. Ai đó bị đánh chửi chứ em thì không”.
“Thật là nhục, nhục! Con trai không được để cho con gái đánh. Tại sao mày không đánh nó? Mày không thể đánh lại nó sao?”
“Nhưng nó lớn hơn em”.
“Ừ thì nó lớn hơn ... dù có nhỏ hơn chăng nữa thì con trai cũng không thể để cho con gái đánh, mày hiểu chứ? Để lần sau tao xem mày sẽ làm gì?”
Thế là Saim Agabey (đã chết vì lao phổi năm hai mươi tuổi) đã trao cho tôi chỉ thị chiến đấu đầu tiên:
“Mày không bao giờ được đánh ai trước. Nhưng nếu kẻ nào đó khai chiến thì mày phải chuyển sang thế ra đòn trước. Dù đối thủ của mày có lớn đến đâu, nhưng nếu mày ra đòn trước thì điều đó có nghĩa là mày sẽ chiến thắng. Ngay sau khi mày giáng cú đánh đầu tiên, hãy đánh liên tiếp hết cú này đến cú khác mà không được nghỉ lấy hơi – bụp, bụp, bụp! Khi mày thấy không thể đánh được chúng, như đứa con gái kia, vì nó lớn hơn mày, thì hãy đá vào bắp chân nó”.
Tôi vô cùng bối rối, sợ có người tình cờ nghe được... Tôi nắm lấy cái tay cầm bằng gỗ của cái can, nhấc nó lên và bước đi. Nước trong can sóng sánh tràn cả vào người tôi.
Mấy tối sau đó đứa con gái kia không xuất hiện, dù sao thì nó đã không chặn tôi lại. Có thể nó là một trong những đứa ở biệt thự đã cười nhạo tôi trong khi bọn con nhà nghèo lấy tôi làm trò đùa. Nhưng một tối nó lại gặp tôi và bắt đầu đánh. Tôi đặt cái can xuống và nói: “Không được đánh tao!”
Nó cứ đánh.
“Mày thôi đi!”
Nó vẫn đánh.
Liếc ra ngoài, đôi mắt tôi dừng lại trên tấm bình phong nhà cô Reshidanim. Tôi tự hỏi không biết Saim Agabey có đứng trong kia mà theo dõi tôi không.
“Đi đi... đừng đánh tao nữa!” Tôi nhắc lại.
Nó vẫn đánh.
“Mày sẽ phải ân hận đấy!”
Nó lại đánh.
Tôi thấy đứa con gái trước mắt tôi như sau: nó đi đôi giầy da đen có duy nhất một cái khuy với đôi tất ngắn rất trắng. Sao tôi có thể tát một đứa con gái ăn mặc rất đẹp như thế? Chiếc váy màu xanh nước biển của nó có rất nhiều nếp xếp li... Tôi không thể đánh nó... Một chiếc nơ trắng cài trên tóc nó, gương mặt nó sạch sẽ dễ thương, ôi, quá sạch... Tôi không thể nào đánh nó được.
“Được rồi, chớ trách tao về những gì xảy ra đấy”.
Nó lại đánh.
“Nhìn này, rồi tao sẽ cho mày biết tay”.
Lần này, nó không đánh tôi nhưng nó cười. Khi nó cười, tôi bỗng nổi giận và đá vào cái can để chắn giữa hai đứa; tôi không thể đánh đứa con gái này và tôi cũng chẳng thể làm gì khác được. Khi nước trong can bắn vào đứa con gái, nó bắt đầu gào lên: “Mẹ, mẹ ơi!”
Cuộc chiến đấu đầu tiên của tôi bắt đầu
Nghe thấy tiếng kêu của đứa con gái, đám biệt thự chạy đến, ngay lập tức, đám đường phố cũng chạy theo. Chúng vây quanh tôi – chiếc can và tôi ở giữa, đám con nhà nghèo ở bên tay phải tôi và bọn con nhà giàu ở bên trái. Tôi ngước nhìn các ô cửa sổ nhà cô Reshidanim tìm kiếm. Không hy vọng gì hết, không một ai cứu tôi cả, giá như có Saim Agabey đứng sau tấm bình phong nhìn thấy và đến cứu tôi!
Thằng bé lớn nhất trong nhóm biệt thự, hơn tôi một hoặc hai tuổi, bước đến: “Thật là xấu hổ! sao mày đánh nó?”
“ầy, tao có đánh nó đâu”.
Tôi nắm chặt tay cầm bằng gỗ của chiếc can nước, nghĩ cách chuồn khỏi bọn này với chiếc can mặc dù tôi vẫn nghĩ sẽ chẳng có gì xảy ra đâu. Nhưng cái thằng to lớn đó đã đá vào can nước của tôi và nó ngạo mạn cúi nhìn tôi doạ dẫm:
“Nếu mày là đàn ông thì hãy đánh tao xem!”
Lúc đó, bọn trẻ con đường phố bắt đầu ném đá vào cái can. Cái can vẫn trong tay tôi, tay phải tôi... Saim đã nói gì nhỉ? Anh ta bảo “Chớ nên đánh người trước, nhưng nếu có kẻ nào quấy nhiễu mày thì dù nó lớn hơn mày, mày cũng phải đánh nó trước”. Tôi nhìn vào mặt thằng kia đo đếm.
Cả bọn đường phố lẫn bọn biệt thự đều im thin thít. Chúng chỉ sát lại gần nhau hơn và làm cái vòng tròn bao quanh tôi nhỏ đi. Tôi đặt cái can xuống và vung tay đấm thẳng vào mặt thằng kia. “ằng!” Thằng bé giơ tay che mặt. Sain đã nói gì nhỉ? “Ngay sau khi đánh đòn đầu tiên, hãy đánh tiếp “bụp, bụp, bụp”. Đúng. Bụp, bụp, bụp... Bọn trẻ con nhận thấy thằng kia sẽ không thoát khỏi tôi và chỉ còn cố sức tự vệ. Bỗng một tiếng hét chói tai, không phải từ bọn nhà nghèo mà từ bọn biệt thự tôi đã đánh gục thằng kia. Chẳng cần đánh vào cái bao tải rỗng ấy làm gì. Tôi đứng dậy, chụp lấy tay cầm của cái can. Khi tôi bước đi, đám trẻ con lập tức giãn ra mở lối.
Bọn trẻ con biệt thự có mặt tại đó mang thằng bị đánh đi. Tôi lại chỉ có một mình. Dù là tôi đánh người hay bị người đánh, tôi cũng vẫn chỉ có một mình.
Khi tôi về đến nhà, mọi cánh cửa địa ngục đã mở tung. Tiếng hò hét của bọn trẻ con đã khiến Mẹ chạy ra cửa sổ và ở đó bà đã thấy tất cả. “Nếu còn để tao thấy những chuyện như vậy lần nữa thì”, bà dọa, “Con là đứa lông bông ngoài đường hay sao mà con phải đánh nhau với đứa này đứa khác? Con muốn làm cho mẹ rắc rối với một bà không hề quen biết nào đó à?”
Một nửa nước trong can đã bị đổ mất. Tôi để cái can trong gian sảnh và chuồn vào toilet. Chỉ ở đây tôi mới có thể khóc mà không bị ai nhìn thấy. Ngoài kia, Mẹ đang quát: “Con muốn mẹ gặp rắc rối với các mụ đàn bà đó hử? Nếu còn xảy ra lần nữa thì...” Đứng sau cánh cửa khép kín, tôi vừa khóc vừa nài nỉ: “Con có thể làm gì được cơ chứ? Con chẳng làm gì cả, Mẹ ạ!”
Tôi khóc đã thỏa, rửa sạch mặt mũi và lau khô nước mắt, tôi lẻn vào phòng. Tôi cầm lấy cuốn Kinh Koran và ngồi xổm xuống đọc. Đầu tôi lắc lư lúc ngả bên này lúc ngả bên kia.
Tối hôm sau, Mẹ bảo tôi lấy nước ở đài phun nước về. Tôi cầm cái can và đi ra phố. Đi qua đoạn đường bọn biệt thự đang chơi. Bên phải bọn đường phố cũng đang chơi. Không đứa nào quay lại nhìn; không châm chọc, không chế giễu. Tôi cũng không nhìn chúng nhưng tôi có cảm giác chúng đang nhìn trộm tôi, nhưng có thể chúng sẽ không bao giờ trêu chọc tôi nữa.
Tôi đến đài phun nước với cái can đung đưa trong tay. Tôi đang lớn, lớn dần. Cái can trong tay tôi bé lại, bé lại trong khi tôi cứ lớn dần, lớn dần. Tôi đã trở thành một người đàn ông, một người đàn ông rất to lớn đến nỗi cái can đựng nước trở nên quá nhỏ và dù nó có là chiếc can to chăng nữa thì trong tay tôi nó cũng chỉ nhẹ như lông chim!
Tôi băn khoăn không biết Saim Agabey có nhìn thấy tôi đã nện thằng nhãi kia như thế nào không. Có lẽ anh ấy không thấy, nếu thấy anh đã đến giúp tôi rồi.
Vài ngày sau, tôi trông thấy Saim Agabey, nhưng anh chẳng đả động gì đến chuyện đó cả. Tôi không nhịn được: “Saim Agabey”, tôi thì thầm, “Anh có biết?... Nhưng không phải con bé ấy mà là thằng kia, cái thằng lớn hơn ấy”.
“ừ, đứng sau bình phong, tao đã thấy mày rồi. Hoan hô, hay lắm, cứ thế nhé!”
Tôi thực sự giật bắn mình trước lời nhận xét này...
Suốt đời mình, tôi đã gặp những chuyện tương tự như thế. Có những người dạy tôi chiến đấu, chỉ đường cho tôi, đứng sau quan sát trong khi tôi lao vào trận - và một số người thậm chí chẳng buồn ngó ngàng gì hết.
Tự truyện của Aziz Nesin
Lê Thị Oanh dịch